Nhiều chuyển biến trong bảo vệ chủ quyền biển đảo

Thứ Tư, 27.4.2011 | 11:05 (GMT + 7)

bảo vệchủ quyềnbiển đảo

Ngoài Việt Nam, không nước nào - kể cả Trung Quốc - có được các tư liệu minh chứng của nhà nước  về chủ quyền với Hoàng Sa và Trường Sa - đại biểu dự Hội thảo quốc gia lần thứ hai về biển Đông sáng 26.4 tại Hà Nội cho biết. 

Chứng cứ vững chắc

Trả lời phỏng vấn báo chí, tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã cho biết, các chứng cứ lịch sử đã khẳng định được luận điểm của Việt Nam rất rõ, Việt Nam có quá trình  chiếm hữu hoà bình, thực sự, liên tục qua các thời kỳ lịch sử từ đầu thế kỷ 17 sang thế kỷ 21 các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, khác hẳn những tư liệu mà Trung Quốc viện dẫn. Theo ông Nhã, các nước - kể cả Trung Quốc - đều không có các tư liệu minh chứng của nhà nước về chủ quyền với Hoàng Sa và Trường Sa, mà chỉ Việt Nam có các tài liệu đó. Ông Nhã cũng cho biết, có nhiều tài liệu khác chứng minh điều tương tự, đó là các tài liệu của phương Tây như hải đồ của Bồ Đào Nha nửa sau thế kỷ 16, các tài liệu của Pháp, nhật ký tàu của Pháp, Anh. Thậm chí cả chứng cứ lịch sử của chính Trung Quốc chứng minh Việt Nam chứ không phải Trung Quốc có chủ quyền với Hoàng Sa Trường Sa, ví dụ như bản đồ Trung Quốc do Trung Quốc vẽ từ năm 1909 về trước đều không có Tây Sa và Nam Sa (Hoàng Sa và Trường Sa), đồng thời cho biết cực nam Trung Quốc là đảo Hải Nam.

Các đại biểu tham dự hội thảo
Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Xuân Hòa

Tiến sĩ Nguyễn Nhã đề nghị, cần sưu tầm hoàn chỉnh xuất xứ tư liệu gốc, phiên dịch ra các thứ tiếng - đặc biệt là tiếng Anh và tiếng Trung - quảng bá rộng rãi và chỉnh sửa các thông tin thiếu khách quan. Thạc sĩ Hoàng Việt thuộc Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh nhấn mạnh ta không nên chủ quan mà cần tiếp tục củng cố hoàn thiện các chứng cứ của mình, nhất là phải tìm ra điểm mạnh, điểm yếu của từng chứng cứ.

Về yêu sách của Philippines, tham luận tại hội thảo cho rằng Philippines có điểm mạnh là nước này về mặt địa lý gần quần đảo Trường Sa  nhất so với Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia và Brunei. Tuy nhiên, việc Tomas Cloma cùng 40 người khác đổ bộ lên cắm cờ trên một vài đảo nhỏ ở Trường Sa là hình thức chiếm hữu của cá nhân, không phải trên danh nghĩa nhà nước.

Về cơ sở của Trung Quốc, các đại biểu cho rằng luận điểm của Trung Quốc về chủ quyền tại biển Đông dựa trên hình thức thụ đắc lãnh thổ chiếm hữu và hình thức thụ đắc lãnh thổ bằng điều ước quốc tế. Về hình thức thụ đắc lãnh thổ bằng chiếm hữu, một số ý kiến phát biểu cho rằng Trung Quốc đã không thỏa mãn yêu cầu chiếm hữu hoà bình, thực sự và dưới danh nghĩa nhà nước. Các học giả cũng cho rằng hệ thống địa danh của Trung Quốc không dựa trên yếu tố lịch sử, việc tập hợp các địa danh không kèm văn bản gốc...

Các đại biểu cũng nhất trí rằng, việc nghiên cứu cơ sở pháp lý của các nước liên quan trong tranh chấp cũng quan trọng và có vai trò tương đương với việc nghiên cứu cơ sở của ta. Do vậy, cần phải rà soát lịch sử, các tư liệu, bản đồ của các nước có liên quan.

4 kịch bản cho biển Đông

Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao, Chủ nhiệm Chương trình nghiên cứu biển Đông - ông Đặng Đình Quý - nêu trong phần mở đầu hội thảo cho biết: Những diễn biến trên biển Đông 2 năm qua làm thế giới ngày càng quan tâm đến việc gìn giữ an ninh, ổn định và thịnh vượng ở biển Đông và khu vực Đông Nam Á. “Các nước ASEAN ngày càng tự tin, có lập trường ngày một rõ ràng về hoạt động của các bên liên quan trên biển Đông, về các vấn đề ở biển Đông” - ông Quý nói. Trong đó, Việt Nam đã có nhiều chuyển biến quan trọng trong tư duy, chính sách và các biện pháp bảo vệ chủ quyền biển đảo, giữ ổn định tình hình. Ông Quý dẫn lời học giả người Anh Ian Storey đang làm việc tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore cho rằng, chính sách biển Đông của Việt Nam 2 năm qua là tổ hợp của các hướng đàm phán song phương với Trung Quốc, khu vực hoá thông qua thúc đẩy ASEAN trong vấn đề biển Đông và  Tuyên bố ứng xử (DOC) biển Đông, quốc tế hoá vấn đề trong đó có việc nộp báo cáo ranh giới ngoài thềm lục địa; và hiện đại hoá quân đội nhằm hỗ trợ cho ngoại giao.

Tình hình biển Đông nhiều khả năng diễn biến phức tạp – ông Đặng Đình Quý cho biết. Các học giả đã nêu ra 4 kịch bản có thể diễn ra ở biển Đông trong thời gian tới. Trường hợp tốt nhất, nếu như các bên - đặc biệt là Trung Quốc - hành xử đúng theo những gì mình đã nói, đó là “tạo dựng biển Đông thành một vùng biển hoà bình và hợp tác”, thì tình hình khu vực sẽ tốt hơn hiện nay.  Hai là, tình hình sẽ cơ bản như hiện nay, quá trình hợp tác và đấu tranh tiếp tục và đan xen lẫn nhau. Ngoài ra, tình hình xấu hơn hiện nay, tức mặt xung đột, tranh chấp nhiều hơn hợp tác nhưng chưa có xung đột quy mô lớn. Trường hợp tệ nhất là nguy cơ xảy ra xung đột lớn.

Các đại biểu khẳng định, luật pháp quốc tế đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các tranh chấp trên biển Đông. Thạc sĩ Hoàng Việt - Đại học Luật TPHCM - khi trao đổi với báo chí, cho rằng Việt Nam phải nghiên cứu tập trung ba vấn đề: “Thứ nhất là VN vẫn khẳng định chủ quyền của chúng ta ở Hoàng Sa và Trường Sa, dựa trên các bằng chứng lịch sử và các quyền chiếm hữu thực tế, lâu dài và hoà bình của chúng ta. Thứ hai về đường lưỡi bò, đã có rất nhiều nước cùng lên tiếng, cộng đồng quốc tế phản đối vì nó không dựa trên một cơ sở pháp lý nào cả. Thứ ba, về quy chế pháp lý đối với các đảo đá thuộc Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam và một số nước khác cho rằng các đảo đó rất nhỏ và không được coi là đảo, chỉ là đảo  đá và không thể có vùng đặc quyền kinh tế”.

Để tiến tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử (COC) ở biển Đông, hội thảo cho rằng, COC không nên dừng lại ở cam kết của các bên thực hiện các nguyên tắc khung, mà cần phải xác định rõ những hành vi không được phép tiến hành. Ngoài ra, COC cũng cần quy định những điều kiện và cơ chế thích hợp cho phép các bên tăng cường đối thoại, giảm thiểu căng thẳng. Trước mắt, các bên cần thúc đẩy thực thi đầy đủ DOC ký giữa Trung Quốc và ASEAN năm 2002.    

Mỹ Hằng

(Các ý kiến bạn đọc được đăng tải không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tòa soạn. Báo Lao động điện tử có thể biên tập lại ý kiến của bạn nếu cần thiết. Những bài viết này sẽ không được trả nhuận bút)
'; ABDZone[1] = ''; rotatorAdNetwork("ADBCookie", ABDZone);