Những lần can thiệp quân sự lớn của Hoa Kỳ

Sau 1975, thất bại trên chiến trường Việt Nam, nước Mỹ rơi vào cuộc “khủng hoảng hậu chiến tranh”. Để “lấy lại” vai trò cường quốc quân sự, khoảng 30 năm trở lại đây, lấy cớ thực thi các quyết định của Liên hợp quốc về duy trì hòa bình, thực hiện viện trợ nhân đạo, chống khủng bố và bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của kiều dân Mỹ... Quân đội Mỹ đã hơn 40 lần mở các chiến dịch quân sự, trực tiếp can thiệp với mức độ lớn vào các nước.

Một hàng không mẫu hạm của Mỹ.

Năm 1983, Mỹ xâm lược Grên-na-đa (châu Mỹ) bằng chiến dịch “Tia chớp”. Ngày 12-10-1983, Grên-na-đa xảy ra đảo chính quân sự nhằm đánh đổ Tổng thống Bi-sốp thân Liên Xô. Chính quyền Bi-sốp tỏ ra cứng rắn, kiên quyết trừng trị phe đối lập. Mỹ quyết định sử dụng hành động quân sự nhằm khôi phục “nền dân chủ” của Green-na-da. Lấy cớ đón kiều dân, Mỹ tập kết quân đội tại khu vực biên giới, sau đó giương cờ diễn tập, chuyển quân đến Bác-ba-đốt, rồi biến cuộc diễn tập thành cuộc tấn công xâm lược Grên-na-đa vào ngày 25-10-1983. Mỹ đã huy động 1,8 vạn binh sĩ, 2 hàng không mẫu hạm và 230 máy bay chiến đấu để tấn công một nước chỉ có 2.000 binh lính. Chính phủ Bi-sốp đã nhanh chóng đầu hàng.

Mỹ tấn công xâm lược Pa-na-ma năm 1989. Năm 1983, Tổng thống Pa-na-ma- No-lê-ga  yêu cầu Mỹ trả lại chủ quyền kênh đào đúng thời hạn và rút toàn bộ quân đội ra khỏi Pa-na-ma. Ngày 6-12-1989, xảy ra xung đột giữa 4 sĩ quan Mỹ và nhóm quân nhân Pa-na-ma làm 1 sĩ quan Mỹ chết. Cuộc xô xát này trở thành cái cớ Mỹ tiến hành cuộc chiến xâm lược Pa-na-ma. Mờ sáng 20-12-1989, lấy cớ bảo vệ tính mạng và tài sản của công dân Mỹ, quân đội Mỹ đã tung một lực lượng gồm đầy đủ cả hải, lục, không quân với hơn 2,6 vạn binh sĩ, phớt lờ dư luận thế giới, ngang nhiên tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược chớp nhoáng vào Pa-na-ma bằng tên gọi “Sự nghiệp chính nghĩa”. Ngày 3-1-1990, Chính phủ Pa-na-ma đầu hàng. Cuộc chiến kết thúc vào ngày 12-1-1990. Trớ trêu thay, đương kim Tổng thống No-lê-ga bị giải về Mỹ với tội danh “buôn bán ma túy”.

Cuộc chiến ở Li-bê-ri-a ngày 3-6-1990. Lấy cớ bảo vệ an toàn cho kiều dân Mỹ trong cuộc nội chiến ở Li-bê-ri-a - một nước nhỏ ở Tây Phi chỉ có 3 triệu dân, Mỹ đã huy động một đội quân gồm 4 tàu chiến, 27 máy bay chiến đấu và 2335 quân lính ồ ạt tràn vào Li-bê-ri-a. Ngày 4-8, Hải quân lục chiến và không quân Mỹ đổ bộ vào Thủ đô Môn-rô-vi-a, khống chế vùng xung quanh Sứ quán Mỹ, thực hiện nhiệm vụ sơ tán kiều dân Mỹ.

Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991. Mỹ và Liên quân thực hiện chiến dịch mang tên “Bão táp sa mạc”, là cuộc chiến tranh giữa I-rắc và Liên quân 28 nước do Mỹ đứng đầu và được LHQ phê chuẩn để giải phóng Cô - oét Kuwait khỏi sự xâm chiếm của I-rắc. Ngày 17-1-1991, Liên quân đã dồn tất cả sức mạnh quân sự tấn công quân I-rắc, tại Cô - oét. Trong cuộc chiến này, Liên quân có tổng số 66 vạn binh sĩ, trong đó quân Mỹ chiếm trên 74%. Ngày 28-2-1991, Cô-oét được giải phóng. Trong cuộc chiến này, riêng Mỹ đã chi phí 61 tỉ USD.

Mỹ can thiệp quân sự vào Xô-ma-li ngày 4-12-1992. Phản ứng trước sự tiếp tục bạo lực và thảm họa nhân đạo do cuộc nội chiến triền miên ở Xô-ma-li gây ra, Mỹ đã phái một lực lượng quân sự gồm 2,8 vạn binh lính tiến hành cái gọi là “viện trợ nhân đạo cho Xô-ma-li nhằm tạo lập một môi trường an ninh ở nước này”. Ngày 21-3-1994, quân Mỹ rút khỏi Xô-ma-li.

Cuộc tiến công của Mỹ vào Hai-ti năm 1994. Ngày 3-9-1991, Tư lệnh lực lượng vũ trang Hai-ti phát động đảo chính quân sự, buộc Tổng thống do dân cử A-ri-xti-dơ phải lánh nạn sang Mỹ. Ngày 15-6-1994, 20.000 thủy quân lục chiến của Mỹ với 50 tàu chiến đã đổ bộ vào Hai-ti, buộc Chính phủ quân sự phải từ chức. Chính phủ quân sự phải đồng ý để A-ri-xti-dơ trở lại cầm quyền (năm 2004, A-ri-xti-dơ lại bị các cựu sĩ quan quân đội lật đổ, lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ buộc phải can thiệp).

Cuộc chiến đẫm máu ở Bô-xni-a và Héc-xe-gô-vi-na năm 1994. Ngày 30-8-1994, tên lửa Tô-ma-hốc của Mỹ đã điên cuồng dội xuống Bô-xni-a  và Héc-xe-gô-vi-na của Xéc-bi-a hòng làm suy yếu sức mạnh quân sự của người Xéc-bi-a, buộc Xéc-bi-a phải chấp nhận kế hoạch hòa bình do Mỹ đưa ra. Quân đội NATO mà Mỹ là chủ yếu đã dội bom điên cuồng không thương tiếc vào lãnh thổ Xéc-bi-a. Trong 2 tuần, không quân Mỹ đã xuất kích hàng trăm lần đánh vào 56 mục tiêu quan trọng về kinh tế và quân sự, có đến 60-70% các cơ sở phòng không và sở chỉ huy của Xéc-bi-a bị tiêu diệt.

Cuộc chiến tại Xu-đăng và Áp-ga-ni-xtan năm 1998. Ngày 20-8-1998, Mỹ lấy cớ trả đũa các phần tử khủng bố đã đánh bom liều chết vào Sứ quán Mỹ tại Ken-ni-a và Tan-da-ni-a. Mỹ đã ra lệnh cho các Hạm đội ở Biển Đỏ và Biển Ả-rập, dùng tên lửa hành trình Tô-ma-hốc bắn phá dữ dội vào các mục tiêu quân sự của Xu-đăng và Áp-ga-ni-xtan.

Cuộc chiến tàn khốc tại Nam Tư năm 1999. Từ ngày 24-3 đến 9-6-1999, NATO do Mỹ đứng đầu bất ngờ tiến hành một chiến dịch tập kích bằng không quân với qui mô lớn chưa từng có vào Liên bang Nam Tư. Đây là lần đầu tiên kể từ khi được thành lập, NATO tiến hành một cuộc chiến tranh ngoài khu vực  phòng ngự với một nước châu Âu có chủ quyền. Đây cũng là bước quá độ của một tổ chức quân sự có tính khu vực chuyển sang một tổ chức quân sự có tính toàn cầu. Trong cuộc chiến đẫm máu và vô lí này, Mỹ và NATO đã sử dụng tất cả những vũ khí tối tân, hiện đại nhất trừ vũ khí hạt nhân, bao gồm cả những vũ khí mà các hiệp ước quốc tế cấm sử dụng như: Bom Gra-phít, bom chùm và tên lửa nghèo U-ran.

Chiến tranh Áp-ga-ni-xtan năm 2001. Sau sự kiện 11-9-2001, Mỹ nhanh chóng triển khai lực lượng quân sự nhằm vào các mục tiêu ở vùng Trung Á, mà điển hình là Áp-ga-ni-xtan. Mỹ và nước đồng minh đã phát động cuộc chiến tranh với tên gọi “Tự do bền vững”. Mỹ bắt đầu tấn công xâm lược Áp-ga-ni-xtan ngày 7-10-2001. Mỹ và đồng minh đã triển khai một lực lượng quân sự gồm 8 vạn quân, trong đó quân Mỹ trên 5 vạn. Chỉ chưa đầy 2 tháng, đến ngày 21-12-2001, Mỹ đã thực hiện trên 5.000 vụ oanh kích, đã bắn 12.000 tên lửa. Với sức mạnh của Mỹ và Liên quân, Chính phủ Ta-li-ban đã bị lật đổ, một chính quyền thân phương Tây đã được thiết lập.

Chiến tranh I-rắc năm 2003. Viện cớ là I-rắc tàng trữ vũ khí giết người hàng loạt và biện hộ cho việc bảo vệ an ninh nước Mỹ mà thực chất là nhằm tiêu diệt chế độ Xát-đam Hút-xen. Ngày 20-3-2003, bất chấp sự phản đối của LHQ và dư luận thế giới, Mỹ và Liên quân đã tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược qui mô lớn vào I-rắc. Lực lượng tham chiến chủ yếu là quân Mỹ và quân Anh, chiếm 98%, trong đó Mỹ có 214.000 quân, Anh có 45.000 quân. Ngày 9-4-2003, Thủ đô Bát-đa bị Liên quân chiếm đóng. Ngày 1-5-2003, W-Bút-xơ tuyên bố chiến dịch giải phóng I-rắc kết thúc. Ngày 13-12-2003, Liên quân bắt được Xát-đam Hút-xen.

Chiến tranh Li-bi 19-3-2011. Đây là lần thứ 3, Mỹ phát động chiến tranh với một đất nước Hồi giáo có chủ quyền, một nước thành viên của LHQ. Thực chất của cuộc chiến đẫm máu này là Mỹ và đồng minh muốn tước quyền lãnh đạo của Tổng thống Ga-đa-phi, cũng giống như sứ mạng lật đổ Tổng thống Xát-đam Hút-xen 8 năm về trước. Dư luận nhiều nước trên thế giới phản đối cuộc chiến tranh này. Nhà cách mạng Cu-ba Phi-đen Ca-xtơ-rô ngày 29-3-2011 lên án hành động quân sự vào Li-bi là cuộc chiến tranh phát xít. Nga cho rằng, Liên quân tấn công trực tiếp vào lực lượng bộ binh của Ga-đa-phi đã cấu thành sự can thiệp vào một cuộc xung đột, chứ không phải thực thi Nghị quyết của LHQ về bảo vệ dân thường.

Nguyễn Ngọc Điệp  

Các tin mới hơn:

Các tin đã đưa:

THÔNG TIN TÒA SOẠN
Địa chỉ: 40A Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Điện thoại : (04) 39364407
Fax: (04) 39364408
Tổng biên tập: Nguyễn Hòa Văn
  • Quảng Nam: 2 ngư dân mất tích khi hành nghề trên biển
  • Khai mạc Hội Nghị thường niên ADB lần thứ 44: Đảm bảo tương lai thịnh vượng trong khu vực
  • BĐBP Kon Tum đẩy mạnh công tác tuyên truyền bầu cử
  • Quân y BĐBP khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho đồng bào dân tộc tỉnh Kon Tum
  • Ủy ban Dân tộc: 65 năm cống hiến vì sự phát triển của đồng bào dân tộc thiểu số
  • Nơi bắt đầu đất nước
  • “Trùm” Khơ-me đỏ -Những tội ác không thể dung tha
  • Tranh chấp biên giới Cam-pu-chia và Thái Lan: Cần cả “tay đôi” và cộng đồng quốc tế
  • Thừa Thiên - Huế hoàn thành việc tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới
  • Đối thoại trong tuần: Tạo hành lang pháp lý để phong trào phát huy hiệu quả

Nửa thế kỷ một chặng đường bảo vệ biên cương - [4:42]

Liên hệ quảng cáo     Sơ đồ Website   RSS     Liên kết Web  
Bản quyền thuộc về BÁO BIÊN PHÒNG, giấy phép số 183/GP-BC cấp ngày 10-5-2007
Báo Biên phòng - Cơ quan của Đảng uỷ và Bộ Tư lệnh Biên phòng
Địa chỉ : 40A Hàng Bài - Hà Nội, điện thoại : (04) 39364407 Fax: (04) 39364408
e-mail: [email protected].
Powered by USS Corp |