Báo chí phải làm tăng thêm niềm tin cho xã hội
* Đề nghị giảm thuế cho báo chí
TT - Gần 500 đại biểu đại diện các ban, bộ, ngành trung ương, lãnh đạo TP Hà Nội, TP.HCM, ban tuyên giáo và sở thông tin - truyền thông các tỉnh thành và lãnh đạo các báo đài đã đến dự Hội nghị báo chí toàn quốc.
Hội nghị do Ban Tuyên giáo trung ương phối hợp Bộ Thông tin - truyền thông và Hội Nhà báo VN tổ chức hôm 5-5 nhằm đánh giá công tác năm 2010, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2011.
Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang cho rằng trong năm qua hoạt động báo chí diễn ra hết sức sôi nổi, phong phú, đa dạng. Tuyệt đại đa số cơ quan báo chí thực hiện đúng sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước; thông tin đúng đắn, kịp thời, đầy đủ về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước, các sự kiện lớn trong khu vực và trên thế giới, đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân.
Tuy nhiên, ông Sang cũng thẳng thắn phê bình những khuyết điểm còn tồn tại trong hoạt động báo chí. Đó là việc chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, trách nhiệm chính trị, tư tưởng của báo chí, thiếu nhạy cảm về chính trị, có những bài viết không phù hợp với tôn chỉ mục đích, đối tượng phục vụ của tờ báo; đưa tin quá nhiều về các vụ án, các vụ việc tiêu cực trên một số báo, trang báo, gây cảm giác nặng nề; sử dụng các thông tin chưa được kiểm chứng, mô tả quá tỉ mỉ, chi tiết các hành vi tội ác, thông tin và hình ảnh không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa VN...
Ông lưu ý các cơ quan báo chí phải tập trung tuyên truyền phục vụ tốt đợt sinh hoạt chính trị nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết, các văn kiện Đại hội XI của Đảng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, để tạo sự thống nhất trong toàn xã hội, tổ chức thực hiện thắng lợi trong cuộc sống. Đồng thời báo chí phải làm tốt công tác tuyên truyền cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp để sự kiện này thật sự là ngày hội của toàn dân.
Đối với công tác phòng chống tham nhũng, quan liêu, tiêu cực, ông Sang nhấn mạnh: “Phát huy vai trò tích cực của báo chí phát hiện, phê phán, lên án mạnh mẽ các hiện tượng tiêu cực, thu hút sự tham gia rộng rãi của nhân dân để nâng cao chất lượng, hiệu quả cuộc đấu tranh. Trong cuộc đấu tranh này, báo chí cần xác định và thực hiện đúng phương châm “chống để xây”; phê phán, lên án các hiện tượng tiêu cực để giữ vững ổn định xã hội, để tăng thêm sự thống nhất tư tưởng, đồng thuận xã hội, tăng thêm niềm tin, để xây dựng xã hội ta ngày càng tốt đẹp hơn”.
Trình bày tham luận tại hội nghị, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Phạm Đức Hải cho biết: trong năm 2010 và tiếp tục những tháng đầu năm 2011, báo chí và nhất là báo in VN đang gặp hai thách thức lớn là giá chi phí in báo tăng cao và sự cạnh tranh quyết liệt về tính thời sự của mạng Internet, của hệ thống phát thanh, truyền hình.Trong bối cảnh đó, số lượng báo Tuổi Trẻ không những không bị giảm sút mà còn tăng.
Bài học rút ra của báo là giữ vững tôn chỉ mục đích, tăng tính tương tác với bạn đọc; chủ động phối hợp với cơ quan chức năng để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền; tôn vinh những tấm gương công dân có lối sống đẹp, hành vi đẹp, dũng cảm... Các tuyến bài, cuộc thi, chương trình đã được Tuổi Trẻ thực hiện như Đảng trong dân, triệu tấm lòng - một niềm tin; Tự hào sử Việt... đã tạo nên hiệu ứng tốt trong dư luận, thu hút được đông đảo bạn đọc quan tâm theo dõi, tham gia. Có những cuộc thi như tìm hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin trên Tuổi Trẻ Online đã thu hút sự quan tâm của 800.000 lượt bạn đọc, trong đó có 60.000 thí sinh nộp bài thi...
Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang nói: “Tôi rất hoan nghênh việc bám sát tôn chỉ mục đích mà vẫn thu hút, hấp dẫn bạn đọc. Bám chắc tôn chỉ mục đích là để tạo sức hấp dẫn của tờ báo”. Ông Sang đồng tình với kiến nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế quảng cáo vì “không thể đánh đồng cơ quan báo chí là lĩnh vực chính trị tư tưởng với việc kinh doanh bình thường”. Ông cũng cho rằng việc sớm sửa đổi Luật báo chí, quy chế phát ngôn và thông tin cho báo chí là cần thiết.
LÊ KIÊN