"Quan chức Bộ Tài chính muốn mua xe xịn hơn?"

07/05/2011 11:00:15
- “Về mặt pháp luật, quy định này hoàn toàn phù hợp. Nhưng trong thời điểm lạm phát tăng cao, một trong những nội dung trong Nghị quyết 11 của Chính phủ đề ra là cắt giảm đầu tư, chi tiêu công, dự thảo này có thực sự hợp lý?” – chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong.

TIN LIÊN QUAN

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong.
Theo ông Nguyễn Minh Phong, tăng giá xe theo đúng quy định chung của Nhà nước là đúng, nhất là khi mặt bằng giá đã tăng. Điều chỉnh giá xe căn cứ vào giá thị trường, tình hình lạm phát và ngân quỹ cũng là điều hợp lý.

Tuy nhiên, theo dự thảo này, trung bình các quan chức Bộ Tài chính được cấp thêm từ hơn 200 triệu đồng đến 300 triệu đồng để mua xe công: Bộ trưởng được cấp thêm 300 triệu đồng (từ 800 triệu đồng lên 1,1 tỷ đồng), tức là tăng 40% so với mức kinh phí hiện quy định. Xe công cho các lãnh đạo, công ty thuộc Bộ Tài chính cũng tăng khoảng 25-30%.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong so sánh với mức lạm phát năm 2010 là hơn 10%  và kết luận: "Như vậy, không phải kinh phí mua xe tăng do lạm phát và trượt giá mà vì muốn ‘lên đời’ xe xịn hơn”.

Chuyên gia kinh tế này tính toán,  trung bình, mỗi xe tăng 200 triệu đồng. Mỗi Bộ ít nhất cũng trăm chiếc. Ông lo ngại, sau Bộ Tài chính, nếu 20 Bộ và chính quyền các cấp ở 65 tỉnh thành cũng đồng loạt đề xuất tăng giá mua xe, số tiền phát sinh sẽ là hàng trăm nghìn tỷ đồng.

“Việt Nam đã thành nước có thu nhập trung bình, việc các Bộ, ngành đi xe sang hơn cũng là hợp lý. Nhưng Bộ Tài chính với tư cách là người nắm “túi tiền quốc gia”, mua sẽ sang hơn trong lúc Việt Nam đang đi vay tiền để đầu tư nước sạch cho bà con nhân dân thì liệu có phù hợp?”, ông Phong đặt câu hỏi.
 
Chuyên gia này cho rằng, một bộ chỉ nên có 1, 2 xe “sang” dùng trong trường hợp đi đối ngoại. Còn đi nội bộ, đi địa phương thì đi xe bình thường. Như vậy, sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền cho ngân sách nhà nước.

Đà Nẵng: Mua ô tô, máy tính xách tay phải xin phép Chủ tịch

Trong khi đó, UBND TP Đà Nẵng vừa yêu cầu các cơ quan cấp dưới phải xin ý kiến (bằng văn bản) của Chủ tịch UBND TP trước khi mua sắm ô tô, máy vi tính xách tay… kể từ ngày 4/5.

Còn tất cả các loại ô tô, xe mô tô phục vụ cho hoạt động của các cơ quan đơn vị, máy điều hòa nhiệt độ, máy vi tính xách tay, máy ảnh kỹ thuật số, máy chiếu, máy quay phim, tivi, tủ lạnh, các loại tài sản khác có giá trị nguyên giá từ 50 triệu đồng/1 đơn vị tài sản trở lên sẽ được tạm dừng mua sắm…

Các trường hợp ngoại lệ được phép mua sắm bao gồm: Các tài sản phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ chuyên môn có tính năng chuyên ngành cao thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng, tìm kiếm cứu nạn, phòng chống lụt bão, dịch bệnh, các tài sản mang tính chất đặc thù, chuyên ngành như trang thiết bị y tế hoặc các trường hợp cần thiết phải trang bị để phục vụ cho những nhiệm vụ quan trọng năm 2011.

Theo chuyên gia kinh tế độc lập Huỳnh Thế Du, một trong những nguyên nhân “gốc rễ” khiến cho chỉ số lạm phát của VN tăng cao là do việc đầu tư, chi tiêu công quá mức.

Mức chi tiêu của khu vực công (bao gồm chi tiêu thường xuyên và chi đầu tư) trong những năm vừa qua luôn ở mức 35-40% GDP và đầu tư của nhà nước bằng khoảng 20% GDP (một nửa tổng đầu tư toàn xã hội).

Để giải quyết triệt để nguyên nhân “gốc rễ” này, Chính phủ đã ban hành nghị quyết 11, trong đó nêu rõ: “Thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách nhà nước”.

Kết quả là, theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình lên Thủ tướng Chính phủ thì tổng số vốn đầu tư công cắt giảm trong năm 2011 là gần 97 nghìn tỷ đồng.

“Đây thực sự là con số đáng mừng nếu việc thực hiện cắt giảm thu về được đúng số tiền như vậy”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bình luận.

N.Yến

.
Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu
.