Thứ Hai, 09/05/2011, 04:27 [GMT+7]
.
.

Cha ôm thuốc nổ tự sát, con thơ không tiền mổ tim

(Phunotoday)- Cho rằng mình chính là nguyên nhân cướp đi cơ hội sống của con, lại thêm hàng ngày phải chứng kiến cảnh con tím tái vì bệnh tim hành hạ, anh Trường luôn tự dày vò, nhiếc móc đổ lỗi cho bản thân. Nhiều lần anh đi khắp xóm, gặp ai anh cũng hỏi vay tiền để cho con anh đi mổ nhưng không được; túng quẫn, không tìm được lối thoát, cuối cùng anh đã chọn giải pháp ôm một lượng chất nổ tự kết liễu cuộc đời, tự giái thoát cho mình.

Tiếng nổ oan nghiệt

Vụ việc đã xảy ra từ hơn chục ngày qua, nhưng nỗi đau xót, u uất gần như vẫn bao trùm khắp nơi trong thôn Đại Nghiệp, xã Tân Dân, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Dù người dân cũng không túm năm tụm ba để xì xào bán tán, nhưng câu chuyện về thi thể một người đàn ông không còn nguyên vẹn cùng với tiếng nổ oan nghiệt lúc sáng sớm  vẫn còn khiến nhiều người bàng hoàng thảng thốt.

Tìm đến nhà chị Đông, trên bàn thờ là di ảnh của anh Nguyễn Xuân Trường, (SN, 1974, là quân nhân đã xuất ngũ) cùng với mùi khói nhang nghi ngút khiến không khí thêm nặng nề, u ám. Không chỉ gia đình chị, mà cả hàng xóm cũng né tránh mọi câu hỏi khi nhắc đến cái chết của anh Trường, có thể vì vụ việc quá đau  thương, không ai muốn khơi gợi lại nỗi đau đó nữa. 

Sân nhà nơi anh Trường ôm thuốc nổ tự sát


Sáng ngày 29/4, chị Nguyễn Thị Đông (SN 1975, vợ anh Trường) đưa cậu con trai lớn đi tiêm vì cháu bị sốt phát ban, mẩn đỏ khắp người. Vừa tiêm cho con xong, chị bàng hoàng nghe tiếng gọi gấp gáp của hàng xóm bảo nhà chị có chuyện rồi. Chị hớt hải chạy về, mà không tin vào mắt mình, không thể tin chuyện gì đã xảy ra.

Hàng xóm kéo đến đông nghịt ngõ nhà chị, giữa khoảng sân là một miệng hố khá rộng, những viên gạch lát bị bật tung, xung quanh là thảm cảnh đau đớn đến rùng người. Sức nổ quá lớn, đã khiến thi thể anh bắn tung theo 4 hướng, giữa khoảng sân chỉ còn vương vãi vài dấu tích, cùng những vết máu loang đỏ chưa kịp lau rửa.

Chị Nguyễn Thị Hương Giang (em gái anh Trường) kể lại, "khi nghe hàng xóm báo có nổ, tôi là người đầu tiên chạy về nhà, khi đó tại hiện trường chỉ còn một chút dấu tích vương lại cùng với một ít máu. Lúc đó tôi chỉ nghĩ anh Trường chạy đi sửa loa đài, nhưng sau đó khoảng một lúc thì thấy mẹ con chị Đông chạy về. Như có linh tính, tất cả mấy chị em đổ xô đi tìm anh Trường, nhưng tìm xung quanh đều không thấy. Khi quay lại hàng rào bước qua nhà hàng xóm, cả hai chị em đều phát hiện một phần thi thể phía trên của anh, lúc đó chị Đông chỉ kịp hét lên một tiếng rồi xụp xuống, ngất xỉu".

"Trong hoàn cảnh đó, bản thân tôi cũng không cho phép mình gục ngã dù tôi rất sợ hãi, xót xa. Tôi cố gượng dậy đi gom từng phần thi thể của anh mà không khỏi bàng hoàng... quả thật chỉ có là người thân thì mới có thể cảm nhận hết được nỗi đau xót của tôi khi đó...", chị Giang vừa kìm nén nỗi đau vừa cố kể.

Về phần chị Đông, sau khi chứng kiến cảnh tượng đấy, chị hoàn toàn khụy ngã, chị cố đưa tay chới với tìm một chỗ vịn, nhưng vô vọng. Chị đau đớn đến cùng cực, chị không thể chấp nhận sự thật này. "Tại sao anh ấy lại làm thế, tại sao anh ấy đi mà không trăng trối với chị một lời nào, tại sao, anh ấy lại bỏ rơi mẹ con chị...? hàng loạt câu hỏi, chị cứ thổn thức nói từng câu, rồi lại ngất lịm vì quá đau đớn. Dù móc nối thế nào, chị cũng vẫn không thể hiểu tại sao anh lại làm như thế, trước khi chị đưa con đi cả hai vợ chồng đều bình thường, anh còn ngồi trước cửa uống nước, hút thuốc lào, chị không nhận thấy bất cứ biểu hiện bất thường ở anh.

Đứa con trai lớn, khi nghe tiếng mẹ hét nó cũng òa lên khóc, nó đã học lớp 9, đủ lớn để hiều chuyện gì đã xảy ra với bố. Còn thằng bé thứ hai chỉ biết ngơ ngác gọi "bố ơi...", chứng kiến cảnh tượng đó ai cũng phải rơi nước mắt, đau xót vô cùng.

Một điều tra viên, Phòng điều tra hình sự, Công an huyện Phú Xuyên có mặt tại hiện trường cho biết, chất nổ mà anh Trường sử dụng đang được lấy mẫu để đưa đi trưng cầu giám định, theo suy đoán có thể là thuốc nổ TNT. Tuy nhiên, về nguyên nhân và việc tại sao anh Trường lại có được chất nổ này thì cơ quan công an vẫn đang điều tra.

Theo cán bộ điều tra, trước hôm xảy ra sự việc hai vợ chồng cũng có to tiếng, vợ anh bỏ lên nhà bố mẹ chồng ngủ (cách đó khoảng vài trăm mét)  vì anh Trường đi uống rượu về có chửi mắng vợ, nhưng hôm sau cả hai vợ chồng đã làm lành. Đến sáng ra, khi chị vợ đưa con đi khám, thì ở nhà đã xảy ra vụ việc trên.

Cùng quẫn xoay tiền chữa bệnh cho con

Là con trai cả, cũng là con trai duy nhất trong gia đình có 4 anh chị em, sau khi xuất ngũ, đầu năm 1997 thì anh Trường và chị Đông làm đám cưới. Đến cuối năm 1997 hai vợ chồng chị Đông sinh được cậu con trai đầu lòng đặt tên Nguyễn Công Bằng. Cuộc sống của vợ chồng trẻ, lại có con sớm nên anh chị cũng gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn về mặt kinh tế, nhưng là người rất thương vợ, lại vướng bận con nhỏ anh Trường cũng không ép chị phải đi làm, mà chỉ ở nhà ngoài thời gian làm 3 sào ruộng, chị lại giành thời gian chăm sóc cho con. 

Cháu Nguyễn Quốc Anh đang ngồi ở cửa nơi anh Trường ngồi hút thuốc vào buổi sáng hôm xảy ra vụ việc đau lòng trên.


Không có nghề nghiệp, không có vốn liếng làm kinh doanh, anh xoay trở đủ bề nghĩ cách kiếm tiền trang trải cho cuộc sống. Hàng ngày, anh đi đánh giấy ráp, đánh vec-ni thuê cho người ta kiếm mấy đồng công ít ỏi, chị Đông bảo, "vào những năm 97-98, một ngày công cũng chỉ được vài chục nghìn, cả tháng làm đủ công anh cũng chỉ nhận được khoảng 1 triệu/tháng. Con nhỏ, vợ yếu, 3 miệng ăn tất cả chỉ trông chờ vào một mình số tiền anh Trường kiếm được. Lúc bình thường không sao, còn lúc con đau yếu, anh chị thiếu thốn, chạy vạy khắp nơi".

Cuộc sống vốn đã khó khăn, năm 2002, vợ chồng chị lại sinh thêm một cháu trai nữa. Cháu bé thứ hai, anh chị đặt tên là Nguyễn Quốc Anh, (hiện đang học lớp 2C, trường tiểu học Chuyên Mỹ, Phú Xuyên, HN), sau khi sinh con được hơn một tháng, Quốc Anh bị ốm, khi đưa cháu đi viện gia đình mới phát hiện cháu bị bệnh tim bẩm sinh. Theo chuẩn đoán của bác sỹ, Quốc Anh bị "thông liên nhỉ lỗ thứ hai và không có động mạch phổi", theo lời bác sỹ, căn bệnh của cháu nếu muốn chữa trị được phải đưa sang nước ngoài vì Việt Nam chưa làm được việc đó. Khi nghe tin đó, cả hai vợ chồng không còn nghĩ được gì nữa, anh Trường bảo chị "nếu đưa sang nước ngoài thì nhà mình lấy đâu tiền mà cho con đi... thôi đành cố gắng chữa cho con ở trong nước cố được ngày nào thì hay ngày ấy". Nghe chồng nói, chị Đông vừa tủi, vừa thấy thương con.

Những ngày sau đó, gia đình gần như không làm được gì vì sức khỏe của cháu yếu, thường xuyên bị ốm hai vợ chồng cứ phải thay nhau đưa con đi bệnh viện. "Có khi mỗi tháng cháu phải đến nằm viện tới 4 lần, tình trạng đó cứ kéo dài đến tận khi cháu 4-5 tuổi", chị Đông nói. Tất cả những lần đi viện đó, anh chị đều phải nhờ sự giúp đỡ từ bố mẹ, anh chị em, đến khi anh em, gia đình cũng không đủ sức để giúp đỡ, anh chị đành phải để cháu điều trị ở nhà phần vì không có điều kiện, phần cũng vì chờ đợi sự giúp đỡ từ các tổ chức từ thiện.

Khó khăn chồng chất những khó khăn, trước lo cho ba người còn khó, giờ 4 miệng ăn, con lại bị bệnh tất cả vẫn chỉ trông chờ vào một mình anh. Làm thuê, làm mướn cũng chỉ chạy theo mùa vụ, vào mùa chạy hàng thì họ mới gọi đến mình, hết mùa lại ở nhà chờ. Cả năm cũng chỉ có được mấy tháng đi làm có công: "Tôi cũng yếu, nên kinh tế, chi tiêu toàn bộ trong gia đình đều là một mình anh lo. Kể cả khi cháu thứ hai bị bệnh, đi viện suốt ngày cũng là hai vợ chồng thay nhau trông con", chị Đông chia sẻ. Tuy nhiên, cuộc sống vợ chồng không vì thế mà có những mâu thuẫn, cãi vã, vẫn hằn rõ nét khắc khổ trên khuôn mặt, cố giấu những giọt nước mắt chị nói "lúc nào anh cũng trăn trở, tìm cách để làm sao có được tiền chữa bệnh cho con. Có nhiều khi, cả hai vợ chồng đều thấy mệt mỏi, muốn buông xuôi tất cả, nhưng rồi nghĩ đến con, vợ hai chồng lại chỉ biết động viên nhau vừa cố gắng, vừa chờ đợi". Không biết bao mảnh đất được bán đi, không biết phải tiêu tốn biết bao nhiêu tiền bạc vì chữa bệnh cho con, nhưng chỉ cần bác sỹ nói có thể chữa được thì anh chị lại có lòng tin để cố gắng.

Chị Giang ngồi bên cạnh tiếp lời "trước ngày anh mất được mấy ngày, anh còn tính cắm cả sổ đỏ để lấy tiền chữa bệnh cho con, nhưng gia đình khuyên ngăn nên anh mới chịu từ bỏ ý định đó".

Mãi đến năm 2008, (tức là khi Quốc Anh đã được 6 tuổi), gia đình nhận được thông tin cháu Anh sẽ được điều trị, mổ miễn phí từ phía quỹ "Trái tim cho em". "Khi đó gia đình vui lắm, đã chạy vạy sẵn sàng lo đủ mọi chi phi chỉ chờ ngày mổ cho con, nhưng chỉ còn cách ngày mổ có mấy ngày thì... " nói đến đây, chị Đông bỗng nghẹn lại.

Vụ tai nạn nghiệt ngã, đã làm thay đổi con người anh, cũng làm thay đổi cả số phận của chị, chị làm sao quên được. Toàn bộ số tiền lo để chữa bệnh cho con, nay lại chuyển sang điều trị cho chồng. Bao nhiêu ngày nằm ngoài viện 103, gia đình đã không hy vọng anh còn sống, chị tâm sự, "anh bị tai nạn xe máy, phải đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng hết sức nguy kịch, cũng may mà các bác sỹ còn giữ được tính mạng cho anh, nhưng anh đã biến thành một con người hoàn toàn khác".

Sau khi bình phục, sức khỏe của anh giảm sút trầm trọng, không còn khả năng đi làm, kiếm tiền. Những khi trái nắng trở trời, chị lại thấy anh vật vã, nói năng lảm nhảm, hàng xóm bảo "thần kinh của anh có vấn đề" nhưng mặc kệ hàng xóm nói gì, chỉ cần anh vẫn còn ở bên mẹ con chị, vẫn thương yêu vợ con với chị như thế đã là quá đủ.

Biết vậy, chị cũng phải thừa nhận anh đã thay đổi nhiều, anh hay cáu bẳn, hay quát mắng thậm chí còn biết uống rượu. Mỗi khi uống rượu về, anh lại tìm cớ to tiếng, gây sự với vợ, hiểu tính cách của chồng, chị Đông không giận mà lại thương chồng nhiều hơn.

"Anh rất hay trầm tư, nhiều hôm cứ tự dày vò, trách móc bản thân. Anh bảo rằng, vì anh mà con trai không có tiền chữa bệnh, vì anh mà làm lỡ cơ hội mổ tim cho con...", nghe chồng nói vậy chị đâu còn lòng dạ nào mà giận với dỗi.

Nhất là khi biết tin, dự kiến ngày 20/5 này con anh sẽ lại được "Quỹ bảo trợ bệnh nhân nghèo" hỗ trợ mổ, anh lại càng rơi vào cảnh cùng quẫn, túng bách khi không thể làm cách nào để có được tiền. Bất lực trước số tiền quá lớn, bất lực vì không thể tìm được lối thoát khi ngày nào anh cũng phải nhìn thấy đôi môi tím tái mệt nhọc thở hắt từng tiếng của con mà anh không thể làm được gì.

Theo lời chị Giang, trước ngày mất, anh có đi khắp xóm gặp ai anh cũng hỏi vay tiền để cho con anh đi mổ tim. Với chi phí cho một ca mổ đã lên đến cả gần trăm triệu thì bằng sức của vợ chồng anh chị làm sao lo cho nổi. Có phải quá cùng quẫn, không tìm được lối thoát, không có tiền chữa bệnh cho con mà anh đã phải ôm thuốc nổ để tự giải thoát cho mình?

Chờ đợi lòng hảo tâm

Nhìn hai đứa con thơ, đầu chít vành tang trắng, người vợ trẻ phờ phạc bên di ảnh chồng, không ai có thể cầm được lòng. Từ hôm con trai mất, bà Chất (mẹ đẻ anh Trường) thường đi lại hai nhà vừa để cơm nước phục vụ cho chồng, phần thì cơm cháo cho con dâu, và hai cháu. Bà bảo "mấy hôm rồi ngủ cùng đứa cháu thứ hai, cứ đêm đến nó lại thức dậy gọi bố đâu, nghe mà xót xa lắm cô ạ... Đẻ con ra, nuôi con bao nhiêu năm nhưng làm sao tôi hiểu hết được bụng dạ của từng đứa nó nghĩ gì...", bà Chất nói.

Khi anh Trường còn sống, dù không đi làm thường xuyên nhưng nguồn thu chính vẫn phụ thuộc vào những buổi làm thất thường, hôm được hôm chăng của anh. Tiền thuốc thang, viện phí cho con cũng là do vay mượn mà có. Giờ anh mất đi, không biết mẹ con chị Đông sẽ xoay sở thế nào, cháu Quốc Anh sẽ phải đối mặt với bệnh tật ra sao? Giờ bố cháu đã mất rồi, gia đình cũng chỉ mong cháu Quốc Anh sớm được mổ tim để cháu có được một cuộc sống bình thường, thoát khỏi những cơn đau. Quốc Anh bảo, "cháu rất thích đi học, nhưng cháu mệt lắm nên không theo kịp các bạn. Năm nay lẽ ra cháu đã học lớp 3, vì bị ốm, hay nghỉ nhiều nên bị đúp lại lớp 2".

Sau nhiều năm liền thấp thỏm chờ đợi, đã từng có cơ hội nhưng rồi lại bị lỡ, gia đình và cháu Quốc Anh vẫn luôn hy vọng cháu sẽ sớm được mổ tim để cháu có cơ hội hòa nhập, được đến trường cùng các bạn. "Từ hôm nghe bác sỹ nói bệnh của cháu có thể chữa được, nhưng phải lo một khoảng chi phí khoảng 92 triệu đồng, gia đình chưa kịp mừng đã lại phải lo. Mừng vì con có hy vọng được cứu chữa, lo vì lấy đâu ra 92 triệu đồng để chữa trị cho con", hai mắt đỏ hoe, chị Đông nói trong nước mắt.

 Ước mơ tưởng chừng thật đơn giản, nhưng lại quá khó khăn với hoàn cảnh của Quốc Anh, với mẹ con chị Đông, nhất là trong cảnh mẹ góa con côi. Hiện tại, hoàn cảnh của ba mẹ con chị Đông đang rơi vào tình trạng cực kỳ bi đát, không có tiền, hy vọng sống của con là rất mong manh. Để thắp lên niềm khát khao được sống, được bước tiếp cùng ước mơ của mình, mẹ con chị Đông cần lắm những tấm lòng của các nhà hảo tâm. 

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

- Chị Nguyễn Thị Đông, thôn Đại Nghiệp, xã Tân Dân, huyện Phú Xuyên, Hà Nội

- Chị Nguyễn Thị Hương Giang, giáo viên trường mầm non, xã Tân Dân, huyện Phú Xuyên, Hà Nội.

Tên tài khoản: Nguyễn Thị Hương Giang

STK: 2213205044682

Tại NHNN Việt Nam

- Tòa soạn báo Phunutoday, phòng 901A, tòa nhà Techcombank, số 181 Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội

 

  •   Lam Nguyễn 

 

 

;
;
.
'; ABDZone[1] = ''; rotatorAdNetwork("ADBCookie", ABDZone);