Thứ bảy, 14/05/2011, 12:02(GMT+7)

Vì sao ta thích... nói xấu người khác?

GiadinhNet - Ở con người tồn tại nhiều biểu hiện tâm lý tiêu cực, xuất hiện một cách hết sức tự nhiên.

So với các loài động vật, con người tiến hoá hơn rất nhiều nhờ có quá trình giao tiếp và phát triển các mối quan hệ trong xã hội.
 
Tuy nhiên, ở con người vẫn tồn tại nhiều biểu hiện tâm lý tiêu cực, xuất hiện một cách hết sức tự nhiên hoặc những thói quen xấu mang tính bản năng.
 
"Ngồi lê đôi mách" - là mọt trong những thói xấu của con người
(ảnh chỉ mang tính minh họa)
 
Thói “ngồi lê đôi mách”

Mặc dù giao tiếp là hoạt động thường xuyên trong cuộc sống của loài người, song thói quen “ngồi lê đôi mách” lại là một biểu hiện của thói quen xấu mà không ít người mắc phải.
 
Tiến sĩ Robin Dunbar - nhà nghiên cứu về động vật linh trưởng thuộc Trường đại học tổng hợp Oxford cho biết: Không ít người trong xã hội hiện đại  vẫn rơi vào thói quen xấu này. Đó giống như là một chất keo kết dính tự nhiên trong xã hội. Trong không ít trường hợp "ngồi lê đôi mách" không đúng sự thật hoặc thiếu chính xác, song câu chuyện của họ vẫn cuốn hút khá nhiều người.

Nói xấu người khác

Có những người luôn cảm thấy vui vẻ, hưng phấn khi "được" nói xấu người khác. Nạn nhân có thể là cô hàng xóm, chị đồng nghiệp, thậm chí là một người "giời ơi đất hỡi" chẳng gây thù chuốc oán gì với mình. Được thêm nếm, được đưa ra những nhận xét "xóc óc" khiến người khác đau lòng, tổn thương, lại khiến những người này rất thích thú!
 
Theo các chuyên gia tâm lý: Dạng người như thế thường gặp những ẩn ức trong cuộc sống, tâm lý không bình thường; Họ cảm thấy bức bối, khó chịu vô cớ trước ai đó hoặc một sự việc nào đó. Họ nghĩ ra những lý do rất buồn cười để nói xấu người khác cho "sướng miệng" và tìm thấy khoái cảm khi làm việc này.

Nói dối

Không ai lý giải được vì sao có nhiều người rất hay nói dối, song hiện tượng này lại xảy ra khá phổ biến và có liên quan đến yếu tố tâm lý.
 
Nhà tâm lý học Robert Feldman - Trường đại học Massachusetts - Mỹ, cho biết: ông và các đồng nghiệp đã nghiên cứu và phát hiện ra rằng nói dối có liên quan với tính tự trọng của con người. Khi một người cảm thấy lòng tự trọng của họ bị đe doạ, thì việc nói dối cũng giống như một phản xạ tự nhiên. Khi đó, tần suất nói dối xuất hiện cao nhất (khoảng 60% trong số họ nói dối ít nhất một lần trong vòng 10 phút trò chuyện với người khác).

Thích bạo lực

Bạo lực không chỉ xuất hiện bột phát mà còn có liên quan khá mật thiết tới hoạt động não bộ của con người. Nó được chi phối bởi nhóm các tế bào não kiểm soát sự thích thú đối với các hoạt động mang tính bạo lực.
 
Nghiên cứu năm 2008 của các nhà khoa học Mỹ đã chỉ ra rằng, ở nhiều người, hành động bạo lực khiến họ cảm thấy hưng phấn và kích thích hơn trong nhiều hoạt động, chẳng hạn như trong ăn uống, trong tình dục và trong nhiều hoạt động cá nhân khác. Điều này dẫn tới tình trạng biểu hiện ra bên ngoài dưới các hành vi như: phàm ăn, bạo dâm... Khi thực hiện những hoạt động đó đi kèm với hành vi bạo lực, trong các tế bào não của họ xuất hiện sự sản sinh của hormon dopamine, làm tăng sự thích thú.  
 
N.H (theo BBC)

Xem ý kiến bạn đọc

Danh sách comment