Trung Quốc 20 năm chưa chọn được quốc hoa

14/05/2011 07:13:14

- Hầu như ai cũng đinh ninh rằng Trung Quốc đã có quốc hoa chính thức là hoa mẫu đơn. Ấy vậy mà không phải thế. Hiện trên thế giới hơn 100 nước đã có quốc hoa, nhưng Trung Quốc vẫn chưa có được quốc hoa.

Do không có quốc hoa mà vào dịp Hội nghị APEC năm 2001, trên báo chí đã xuất hiện lời bông đùa “Lấy quốc hoa mẫu đơn của Trung Quốc làm phông nền”. Trong cuộc Triển lãm nghệ thuật làm vườn thế giới ở Côn Minh năm 1999,  nhiều người Trung Quốc càng tỏ ra nuối tiếc vì chưa có quốc hoa.

s
Hoa mẫu đơn - loại hoa người Trung Quốc cho là biểu tượng của văn minh vật chất, thể hiện quốc thái dân an, sung túc tốt lành.

 

Hẳn nhiều người Trung Quốc sẽ tự nhủ: Chúng ta phải có quốc hoa cho mình, để lấy đó làm hình ảnh quốc gia và là  tượng trưng cho tinh thần dân tộc. Những người xa quê nhìn thấy hoa mai, hoa mẫu đơn tự nhiên sẽ gợi lên niềm tự hào về ý chí tự cường vươn lên; khi bạn hữu nước ngoài nhìn thấy quốc hoa của Trung Quốc, họ sẽ nói: China.

Tranh cãi

Tất nhiên, câu chuyện bầu chọn quốc hoa cũng tạo nên nhiều tranh cãi. Bài viết  “Quốc hoa, quốc thụ và quốc điểu, không thể không bình chọn sao?” của tác giả Dương Sĩ Trí trên Nhân dân Nhật báo cách đây không lâu cho rằng, “có biết bao nhiêu việc còn quan trọng hơn chuyện bình quốc hoa, quốc thụ, quốc điểu đang chờ chúng ta làm”. 

Trên trang mạng Tân Hoa, một vị học giả khác bình luận: “Các loài trong tự nhiên là bình đẳng với nhau, chúng ta chẳng nên phân đẳng cấp cho chúng. Bất kể bình chọn quốc hoa, quốc thụ, quốc điểu là những loài nào thì cũng sẽ khiến cho phần lớn dân chúng không vui, nhất là giới trí thức. Bởi thần tượng trong lòng họ đã bị bình chọn trượt. Tư tưởng tình cảm ở họ đối với thứ bình chọn sẽ bị tổn thương. Nếu bình chọn quốc hoa, quốc thụ, quốc điểu là để hướng tới cái đẹp hay để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, thì chúng ta còn phải bình chọn cả quốc ngư, quốc trùng, quốc cầm, quốc thú... nữa, mãi chẳng bao giờ hết”.

Họ cho rằng, không có quốc hoa cũng chẳng có gì trở ngại đến chủ quyền quốc gia, chẳng có gì trở ngại đến tinh thần dân tộc, chẳng có gì trở ngại đến tiến trình đi lên của đất nước. Trái lại, hầu như ẩn đằng sau bất kì sự bình chọn nào cũng đều có động cơ về lợi ích kinh tế, các địa phương và các hội ngành nghề sẽ huy động lực lượng để tranh giành lấy tự hiệu “quốc”, đồng thời tính đến cả cái tự hiệu ấy sẽ đem lại "lợi lộc" gì cho địa phương và ngành nghề mình.       

Ngôi hoa vương ai chiếm?

Theo tiết lộ của Hội Lâm học Trung Quốc, loài hoa được lựa chọn phải hội tụ đủ 4 điều kiện: 1) phân bố rộng; 2) có vẻ ngoài đẹp; 3) phải mang nội hàm văn hóa sâu sắc; 4) phải có giá trị kinh tế nhất định. 

Bản thân những tiêu chí này cũng bị chất vấn. Có học giả cho rằng, yêu cầu “phân bố phải rộng” là không thỏa đáng. Thoạt nhìn là hợp lí nhưng lại quá chủ quan, bởi vì thứ hoa mọi người thích chưa chắc đã là loài được phân bố rộng nhất, ví dụ, gấu trúc phân bố không hề rộng, nhưng ai cũng yêu thích. Với lí do tương tự, “có vẻ ngoài đẹp” cũng không nên coi là qui định cứng nhắc, bởi vì “đẹp” với “không đẹp” chưa hề có tiêu chuẩn thống nhất. Với Trung Quốc đất rộng, cơ cấu dân số phức tạp, từng truyền thống dân tộc có khác nhau, yêu cầu này lại càng chẳng có mấy ý nghĩa. 
d
Hoa mai tượng trưng cho văn minh tinh thần, thể hiện phẩm cách phấn đấu gian khổ, không hề khuất phục của người Trung Quốc

Dù là “quốc thụ”, thậm chí là “thế giới thụ”, cũng chỉ là cây mà thôi, không có nội hàm gì quá nhiều. Cái dạng như “thanh tùng ngạo tuyết biểu phong cốt” chỉ là lời lẽ văn chương, không đủ để làm căn cứ. Huống hồ, nội hàm của văn hóa truyền thống lại lớn rộng và sâu xa (như nói Nho học “trung dung chi đạo” là một thứ văn hóa, mà Pháp học phản trung dung cũng lại là một thứ văn hóa). Chỉ dựa vào có mấy loài hoa điểu ngư trùng (hoa chim cá côn trùng) thì sao đại diện cho được?

Quả vậy, Trung Quốc đất rộng bao la, sự tích tụ văn hóa hoa sâu đậm lạ thường. Một nước một hoa khó lòng mà đại diện được cho tình trạng tự nhiên, thực vật, nhân văn của cả một quốc gia. Qua tìm hiểu, trong các đợt bình chọn quốc hoa ở Trung Quốc trước đây, cả hoa mẫu đơn và hoa mai đều được tung hô rất nhiều. Giáo sư Trần Tuấn Du, một chuyên gia khởi xướng chuyện bình chọn quốc hoa sớm nhất ở Trung Quốc đại lục, ngay từ năm 1982 đã đề xuất kiến nghị lấy hoa mai làm quốc hoa. Sau đó ông lại đề xuất ý tưởng “một nước hai hoa” (hoa mẫu đơn, hoa mai), dẫn đến sự phản hồi đông đảo ở trong và ngoài Trung Quốc.  

Rất nhiều chuyên gia cho rằng "một nước hai hoa" là khá thích hợp. Hoa mai có thể đại diện cho hoa cỏ lưu vực Trường Giang, hoa mẫu đơn có thể đại diện cho hoa cỏ lưu vực Hoàng Hà. Một loại cây to, một loại cây bụi. Một loại tượng trưng cho văn minh tinh thần, thể hiện phẩm cách phấn đấu gian khổ, không hề khuất phục của người Trung Quốc; một loại tượng trung cho văn minh vật chất, thể hiện quốc thái dân an, sung túc tốt lành.

Các đợt bình chọn sôi nổi và gay cấn

Hai đợt bình chọn được tiến hành vào những năm 80 của thế kỉ 20, đợt đầu hoa mai đoạt ngôi vương, hoa mẫu đơn thứ hai. Đợt sau thì hoa mẫu đơn đoạt ngôi vương, hoa mai thứ hai. Trong đợt bình chọn năm 1994, sự cạnh tranh giữa hai loài hoa này gay cấn hơn, thậm chí đã biến thành sự tranh giành giữa tỉnh này với tỉnh kia, giữa thành phố này với thành phố kia.

Lạc Dương ở Hà Nam đã thành lập “Nhóm chỉ đạo hoa mẫu đơn giành danh hiệu quốc hoa” do ông thị trưởng đích thân đứng đầu, cộng thêm sự liên minh giữa Bắc Kinh với thành phố Tây An tỉnh Thiểm Tây, Khu Hạ Trạch tỉnh Sơn Đông... Họ cùng nhau đi “du thuyết” khắp nơi, ra sức tâng mẫu đơn là quốc hoa. Cuối cùng, hai phương án ứng tuyển được các chuyên gia xác định là "Một  nước một hoa " (hoa mẫu đơn) và "Một nước bốn hoa" (hoa mẫu đơn, hoa sen, hoa cúc, hoa mai). Còn các nhóm bình chọn thì đã tổ chức cho 31 tỉnh, thành phố, khu tự trị tiến hành bỏ phiếu. Kết quả là hoa mẫu đơn đã thắng với 18 phiếu.

Vậy là năm 1994, Trung Quốc đã bình chọn được hoa mẫu đơn là quốc hoa. Còn hoa lan, hoa sen, hoa cúc, hoa mai là “tứ quí danh hoa”. Song Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc thì lại cho rằng sự bất đồng giữa các bên là quá lớn và chưa đưa ra quyết nghị, cuối cùng đành gác lại.

Tháng 9 năm 2005, Học hội nghệ thuật làm vườn Trung Quốc phối hợp với Học hội nghệ thuật làm vườn Bắc Kinh và Học hội nghệ thuật làm vườn Thượng Hải đã mở cuộc “Hội thảo bình chọn quốc hoa Trung Quốc”. Phần lớn đại biểu đều giữ quan điểm chọn hoa mẫu đơn, hoa mai làm “song quốc hoa” của Trung Quốc, nhưng cũng có ý kiến bất đồng, muốn là “một nước một hoa”.

Mùa thu năm 2005, Hiệp hội các hội hoa Trung Quốc đã đưa kiến nghị lấy hoa mẫu đơn làm quốc hoa trong một cuộc hội nghị tổ chức ở Thành Đô, đồng thời trình lên Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu toàn quốc, với hi vọng hoa mẫu đơn sẽ được quyết định là quốc hoa vào năm 2006. Nhưng rồi một số chuyên gia, học giả lại đã chất vấn, phản đối gay gắt việc bình chọn hoa mẫu đơn. Tháng 1 năm 2006, Viện sĩ Trần Tuấn Du liên tục viết thư gửi lên các cấp lãnh đạo ở Trung ương, Đại hội đại biểu toàn quốc, Quốc vụ viện trình bày chủ trương "Một nước hai hoa", đồng thời còn cung cấp các bài viết có liên quan cho lãnh đạo Trung ương đọc.  

Sôi nổi là thế, nhưng cho đến tận bây giờ, Trung Quốc vẫn chưa có quốc hoa!


Trung Thuần (Theo zhidao.baidu.com)   

 

.
Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu
.