Thứ hai, 16/5/2011, 14:15 GMT+7

Ứng phó khi bé hay bịa chuyện

Ảnh minh họa: Shutterstock.com.
Ảnh minh họa: Shutterstock.com.

Nghe mẹ lẩm bẩm "sao nhà cửa bừa bộn thế", cô con gái 4 tuổi nhanh nhảu nói "Chắc ông mắt xanh rủ bạn ong tới bày ra đấy ạ". Cô bé còn thêu dệt thêm "Lại còn làm bẩn hết váy mới của con nữa".
> Xử trí khi bé hay nói dối

Chị Diệu (Đội Cấn, Hà Nội) thường phì cười vì những "chuyện bịa như thật" của cô con gái đang học lớp lá. Mỗi sáng, khi mẹ gọi mà chưa muốn dậy, cô bé thường nhắm tịt mắt rồi phụng phịu "Bạn nhện tè vào mắt con, con không mở mắt được". Lần khác, khi mẹ hỏi tại sao sữa lại đổ lênh láng trên bàn, cô bé mặt tỉnh bơ trả lời: "Chắc bạn chuột thích sữa của con quá nên chạy vào uống rồi làm đổ đấy ạ".

Cô bé hay chơi búp bê rồi kể với mẹ: "Em búp bê toàn gọi con là mẹ, rồi cứ đòi bú ti con. Nhưng mà em này hư lắm, hay tè dầm ra 'mẹ'. Em ý còn nói với con là thích mẹ đẻ em bé cơ...".

Nghĩ rằng những câu chuyện "thêu dệt" này chỉ là trò đùa trẻ con, nhưng cũng có lần chị Diệu cũng giật mình vì kiểu bịa chuyện của bé. Một hôm, bà nội tới chơi, bé ngồi vào lòng thỏ thẻ "Trong bụng mẹ con đang có hai em bé đấy bà ạ, một em trai, một em gái" khiến mẹ chồng chị tưởng thật.

Có cô con gái 5 tuổi, chị Oanh (Cầu Giấy, Hà Nội) từng nhiều phen tá hỏa bởi những câu chuyện do con tự nghĩ ra. Có hôm, đón con đi học về, chị hỏi về một ngày ở trường của bé, thì con hồn nhiên kể: "Hôm nay bạn Bi bị cô giáo đánh, bạn Nhím với bạn Cò tranh giành đồ chơi, bị cô đuổi ra khỏi lớp, chỉ có mỗi con là ngoan". Chị Oanh giật mình vì sợ trường con có hiện tượng bạo hành như báo chí hay nói tới lâu nay. Thế nhưng, hôm sau, khi chị dò hỏi lại cô giáo và phụ huynh khác thì thấy không hề có việc này.

Cũng vậy, hôm khác, cô con gái lại hào hứng kể với mẹ: "Hôm nay con nói chuyện trong giờ ngủ trưa nên bị cô phạt, cô không cho con ngủ, bắt con đứng xó cả buổi". Lo lắng chị Oanh hỏi lại: "Có thật thế không? Để mẹ hỏi lại cô xem". Cô con gái chống chế: "Ôi, không, mẹ đừng hỏi, kẻo nhà bếp lại không cho con ăn đâu?"... Biết rõ cô con gái đang bịa chuyện, nên chị Oanh không dò hỏi nữa.

Theo thạc sĩ Trần Văn Tính, chuyên gia Trường mầm non Hoàng gia, Hà Nội, trẻ dưới 7 tuổi nói dối, bịa chuyện không phải là vấn đề về đạo đức mà thường do các bé hay tưởng tượng.

Nhà tâm lý giáo dục cho biết, ở lứa tuổi mầm non, trí tưởng tượng của trẻ rất nhạy bén. Các em cũng khó phân biệt được những giấc mơ, câu truyện cổ tích với hiện thực. Bé cũng có thể bắt đầu bịa ra những câu chuyện để tránh bị rắc rối.

Theo ông, ở lứa tuổi này, trẻ có thể kể những câu chuyện bịa do nhiều nguyên nhân: Vì bé có trí tưởng tượng rất bay bổng; Do trẻ đang thiếu hụt điều gì đó trong cuộc sống và lấy những chuyện bịa như một sự bù đắp (chẳng hạn, bé không có đồ chơi, thiếu sự quan tâm, chăm sóc của người lớn...). Ngoài ra, một số trẻ tưởng tượng do bắt chước hành vi của người khác (như bố mẹ, cô giáo, anh chị...) hay của một hình tượng nào đó mình yêu thích như siêu nhân, nàng tiên...

Theo thạc sĩ Tính, nếu những điều bé tưởng tượng và "bịa" là tích cực thì không sao, nhưng khi những điều này có chiều hướng tiêu cực, kiểu như để chối lỗi, hay bé thường xuyên tưởng tượng ra những điều xấu, đau khổ thì bố mẹ cần phải tìm cách điều chỉnh.

Đầu tiên hãy lắng nghe, tiếp nhận những câu chuyện, kể cả bịa của con, hỏi xem tại sao bé lại nói thế. Từ đó người lớn dần chia sẻ, giúp bé hiểu đó là điều tích cực hay tiêu cực. Điều quan trọng ở đây là bố mẹ phải hiểu động cơ và lý do trẻ nói không đúng sự thật bằng cách đặt các câu hỏi gợi mở và dần dần chia sẻ giúp con hiểu điều gì là nên, không nên và "mẹ luôn muốn con nói thật".

Bố mẹ cũng nên tránh các tình huống khiến bé bịa chuyện để tránh bị chê cười hay đánh, mắng khi trẻ làm điều sai. Chẳng hạn, nếu bé tè dầm, thay vì bêu xấu, hãy dịu dàng "chắc tại hôm qua con quên không đi vệ sinh trước khi lên giường" hoặc nếu con làm đổ nước, chỉ cần nhắc nhở "đó chỉ là tai nạn, lần sau con cẩn thận hơn nhé". Người lớn cũng tránh dọa dẫm trẻ bằng những nhân vật tưởng tượng như ông cọp, bà ăn xin... hay đổ lỗi cho vật, người khác như "ừa cái ghế làm con đau", "cái đất hư làm con ngã"...

Mẹ có thể giúp bé nhận ra những câu chuyện tiêu cực sẽ không được hưởng ứng, và có thể kể cho bé nghe những truyện về nội dung này như Chú bé chăn cừu, Chú bé Buratino...

Theo ông Tính, đúng là chuyện trẻ mầm non thỉnh thoảng bịa chuyện, kể những câu chuyện mình tưởng tượng là hoàn toàn bình thường, và đây chỉ là một hiện tượng tâm lý, nhưng các bậc phụ huynh cũng cần để ý, quan tâm. Trong trường hợp, những câu chuyện không có thật của bé lặp đi lặp lại, thể hiện sự lo sợ, về những việc tiêu cực như bị cô giáo đánh, người chết... thì có thể do bé bị ám ảnh về điều gì đó từng trải qua, chứng kiến, nghe nói, bị dọa dẫm... Lúc này, bố mẹ cần theo dõi con sát sao hơn, đồng thời có thể đưa bé đến gặp các chuyên gia về tâm lý, giáo dục để được sự trợ giúp.

Minh Thùy

Tên một số nhân vật trong bài đã được thay đổi

Link Site
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Các topic độc giả đã viết
 
 
 
 
Các tư vấn trực tuyến đã làm
Lien he quang cao