(Dân trí) - Nền kinh tế Việt Nam trong năm 2011 được dự báo rằng: ngay cả kịch bản với chính sách tiền tệ được thắt chặt một cách kiên nhẫn đi liền với cắt giảm đầu tư công thì lạm phát vẫn có thể cao trên 15% trong khi tăng trưởng chỉ đạt khoảng 6,2%.
Các tập đoàn kinh tế bộc lộ khó khăn về tài chính
Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam năm 2011 với chủ đề “Nền kinh tế trước ngã ba đường” đã chính thức được công bố ngày 17/5 do Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách thuộc Trường đại học kinh tế - ĐHQGHN thực hiện với sự hỗ trợ Bộ phát triển Quốc tế Vương quốc Anh.
Theo nhận định của nhóm tác giả, nền kinh tế trong nước đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát gia tăng, kéo theo lãi suất tăng cao. Đây sẽ tiếp tục là một nhân tố bất lợi không chỉ với tốc độ tăng trưởng kinh tế mà cả tới sự ổn định của hệ thống tài chính, ngân hàng và các thị trường tài sản. Thêm vào đó, đời sống ngày càng khó khăn của tầng lớp lao động có thể gây ra những căng thẳng xã hội trên diện rộng.
Mặt khác, thâm hụt ngân sách lớn, chi thường xuyên tăng và đang ở mức cao, trong khi đó chi đầu tư phát triển đang trong xu hướng giảm, có ảnh hưởng nhất định tới tốc độ tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.
Các tập đoàn kinh tế nhà nước lớn thì đang ngày càng bộc lộ những khó khăn về tài chính ẩn chứa nhiều rủi ro cho ngân sách như: EVN, Petrolimex và Petro Vietnam…
Có hai kịch bản được nhóm tác giả dự báo cho nền kinh tế Việt Nam năm 2011. Thứ nhất, với chính sách tiền tệ được thắt chặt một cách kiên nhẫn đi liền với cắt giảm đầu tư công (như tinh thần của Nghị quyết 11) thì lạm phát vẫn có thể cao tới 15,5% trong khi tăng trưởng đạt khoảng 6,2%.
Đối với kịch bản thứ hai, mức lạm phát có thể cao hơn, khoảng trên 18% nếu Chính phủ không đủ quyết liệt trong việc chống lạm phát và bình ổn vĩ mô. Động thái này hoàn toàn có thể xảy ra như kinh nghiệm những năm trước, khi chúng ta chứng kiến sự nới lỏng tiền tệ thường diễn ra trong quý 3, dưới sức ép của khu vực doanh nghiệp hoặc sự thiếu kiên nhẫn trong thắt chặt tiền tệ.
Nhà nước cần rút khỏi hoạt động kinh tế
Nhóm tác giả nhận định rằng, nền kinh tế Việt Nam đang có những điểm vận hành chưa hợp lý. Điển hình như: mô hình kinh tế tăng trưởng dựa trên mở rộng đầu tư, đồng thời dựa nhiều vào khu vực kinh tế quốc doanh (cốt lõi là các tập đoàn kinh tế nhà nước) không đem lại chất lượng tăng trưởng cao.
Rồi kinh nghiệm từ Vinashin và gần đây là EVN, Petro Vietnam cho thấy, việc giám sát và kiểm soát tài chính và các tập đoàn nhà nước hầu như không có hiệu lực. Chỉ khi các vấn đề tài chính nghiêm trọng bộc lộ thì Chính phủ, cơ quan chức năng và công luận mới được biết một phần thông tin.
Không những vậy, các phân tích về lạm phát và chính sách lãi suất đều cho thấy các chính sách vĩ mô để bình ổn nền kinh tế đều mang tính thụ động, trong khi các chính sách phát triển sản xuất trong nước chưa có mô hình phù hợp và hiệu quả…
Rõ ràng, những bất lợi trong phát triển kinh tế, môi trường chính sách khiến Việt Nam đang dần mất đi nhiều cơ hội phát triển nhanh, đồng thời tích tụ những rủi ro ngày càng nghiêm trọng trong hoạt động và đời sống kinh tế.
Theo khuyến nghị của nhóm tác giả, để hạn chế các yếu tố rủi ro cho nền kinh tế, Việt Nam cần xây dựng một lộ trình rõ ràng bao gồm nhiều giai đoạn nhằm tái lập những cân đối cơ bản của nền kinh tế, mà tâm điểm ưu tiên là cân đối tài khóa, cải cách hệ thống tài chính và cần một sự thận trọng trong lộ trình hướng tới tự do hóa tài khoản vốn.
Trong đó, trước hết cần thay đổi tư duy cho rằng các tập đoàn kinh tế nhà nước sẽ là trụ cột cho phát triển kinh tế trong lâu dài. Nhà nước cần thu gọn các hoạt động kinh tế vào những hoạt động cung cấp phúc lợi nhiều hơn là cách hoạt động kinh doanh. Đồng thời, tạo dựng thị trường cho những thị trường mà sự độc quyền của các tập đoàn nhà nươc vẫn còn mang tính chi phối.
Không những vậy, để giảm sức ép lên ngân sách, nhà nước cần rút khỏi các hoạt động kinh tế một cách vững chắc thông qua việc bán tài sản trong các doanh nghiệp (quá trình cổ phần hóa).
Việc này còn làm hạn chế những ảnh hưởng liên quan đến tài chính khi có biến cố rủi ro, ví dụ như sự phá sản hoặc làm ăn kém hiệu quả của các DNNN lớn luôn đòi hỏi có sự giải cứu của chính phủ.
Và để chống lạm phát hiệu quả, Chính phủ cần tăng uy tín trong việc cam kết chống lạm phát, trước hết phải giữ được mức lạm phát thấp ít nhất trong vòng 6 tháng, qua đó dần lấy lại niềm tin của công chúng về một môi trường giá cả ổn định hơn.
Lan Hương