Con cái giãy giụa bắt bố mẹ ly hôn vì những lý do khó nói
(Phunutoday) - Một buổi chiều ngồi cà phê cùng người bạn là nhà tư vấn tâm lý, được nghe chị kể những câu chuyện dở khóc, dở cười trong gần 20 năm đóng vai là bác sĩ tâm hồn cho những con người gặp rắc rối trong đời sống tình cảm. Khách hàng của chị đa phần là người lớn, nhưng cũng có khi đằng sau đường dây kia là tiếng kêu than của những đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn. Những câu chuyện có thể hài hước, hoặc cũng có thể rướm nước mắt, song đều khiến những người lớn như chúng ta phải suy nghĩ và nhìn nhận lại hành vi của bản thân.
Con mếu máo đòi bố mẹ chia tay
Chị Hoa không biết giải thích thế nào cho cậu con trai 5 tuổi hiểu bố mẹ nó vẫn đang hạnh phúc, mặn nồng, trong khi cậu bé vì thương mẹ, một mực đòi mẹ bỏ bố. Lý do cháu đưa ra hết sức ngắn gọn "bố ác lắm. Nhiều đêm con thấy bố đánh mẹ". Chẳng biết, thằng bé nghe đâu mà mới 5 tuổi đầu đã biết tới cụm từ "ly hôn", rồi "bỏ nhau", nó nằng nặc đòi mẹ bỏ bố cho bớt bị...ăn đòn.
Vợ chồng chị Hoa và anh Sương lấy nhau được gần 7 năm, đời sống vợ chồng rất êm đẹp, thuận hòa, chẳng bao giờ người ta thấy anh chị to tiếng, cãi vã nhau nửa lời. Hạnh phúc thêm tròn trặn khi vợ chồng anh chào đón một bé trai kháu khỉnh. Trộm vía, thằng bé ngoan ngoãn, ăn no chóng lớn và mới tí tuổi đầu đã tỏ ra thông minh, nhanh nhẹn hơn so với bạn bè đồng lứa.
Gia đình ổn thỏa, anh chị tính tới chuyện xây nhà. Xây dựng bề bộn, bụi bặm, anh chị quyết gửi con về nhà bà nội trong thời gian thi công. Cho tới khi nhà cửa tươm tất mới đón cậu bé trở về nhà mới. Nó còn nhỏ quá, nên đêm ngủ, vợ chồng chị vẫn cho Tít ngủ cùng và cũng từ đây bao chuyện dở khóc, dở cười liên tiếp xảy ra.
Ảnh minh họa |
Nửa đêm, chồng Hoa tỉnh dậy, he hé mắt nhìn vợ, thì thầm rất khẽ: "Em ơi, tự dưng anh muốn...". Nghĩ là con trai ngủ say sưa rồi nên chị cũng đồng ý chiều chồng. Nhiều đêm, hai vợ chồng Hoa hứng lên lại "yêu", "chướng ngại vật" được dồn vào trong góc tường hoặc xuống dưới cuối giường. Hai vợ chồng cùng mãn nguyện, đinh ninh thằng bé ngủ say bí tỉ không biết gì, ai ngờ sáng sớm hôm sau nó nằng nặc đòi về bà nội.
Nghĩ con trai ở nhà bà một thời gian đâm ra quấn quýt bà nội, anh chị đồng ý cho con về bà chơi. Ai ngờ, ngay buổi chiều đó, cả hai vợ chồng đang làm việc tại công ty lại thấy có lệnh triệu tập gấp của bà nội. Hoa tức tốc trở về nhà, thấy chồng mặt mũi căng thẳng ngồi ở đó tự lúc nào. Mẹ chồng chị quát anh Sương "vợ chồng có chuyện gì phải đóng cửa bảo nhau. Ai đời, xô xát, đánh nhau trước mặt con trẻ bao giờ. Anh chị đang làm tổn thương con cái, có biết không hả?".
Mẹ nói gì, hai vợ chồng chị ấm ớ chẳng hiểu nổi. Xưa nay vợ chồng chị to tiếng còn không có, huống chi đánh đập, nói chuyện bằng chân tay? Bà nội tưởng con trai ngoan cố, còn con dâu nhu nhược, sợ hãi ông chồng vũ phu nên cố tình giấu diếm, nhưng quả tình vợ chồng Hoa chẳng hiểu mô tê gì.
Bà nội tiếp lời "Thằng cu Tít nó đòi sang tôi, không phải vì nhớ bà nội, mà bởi nó thấy nhiều đêm bố đánh mẹ nó. Nó sợ chẳng ngủ được mà chẳng dám nói với ai. Khổ thân thằng bé", bà vừa nói vừa xuýt xoa nhìn đứa cháu tội nghiệp đang len lén nhìn bố mẹ. Thằng bé chợt òa khóc nức nở: "Mẹ ơi, mẹ bỏ bố đi. Bố ác lắm, bố thường xuyên đánh mẹ, con ghét bố".
Chị ngỡ ngàng không hiểu con trai có mắc chứng hoang tưởng không hay điều gì khiến nó một mực khẳng định anh Sương thường xuyên đánh chị và đòi bố mẹ ly hôn. Sau một hồi nựng nịu con trai, nó mới chịu kể: "con ngủ bị đánh thức bởi tiếng kêu la của mẹ. Còn thấy bố đánh mẹ nữa, nhưng con sợ quá không dám gào lên". Nó kể đến đâu, vợ chồng Hoa tím mặt tới đó. Thì ra những đêm vợ chồng Hoa "yêu" sung quá, vô tình lọt vào tai mắt cậu con trai, và nó đinh ninh là bố đang đánh mẹ, thế mới có chuyện cu Tít đòi tới bà nội mách chuyện "bạo lực gia đình" và đòi bố mẹ ly hôn.
Thật khó để giải thích cho cậu con trai 5 tuổi đầu hiểu bố mẹ nó vẫn yêu nhau lắm, mặn nồng lắm, anh Sương còn mỗi cách ôn con, rối rít xin lỗi và hứa không bao giờ đánh mẹ nữa. Ngay tối hôm đó, vợ chồng anh bắt đầu rèn cho cậu con trai tinh quái ngủ ở phòng riêng, vừa để tập làm người lớn và cũng là trả lại chốn yêu thoải mái cho vợ chồng anh.
Cô con gái mắc chứng trầm cảm
Bạn tôi kể, một lần nhận được cuộc điện thoại với giọng điệu thổn thức của một cô bé ở Hoàng Mai (Hà Nội) gọi đến. Cháu giới thiệu cháu 12 tuổi, và hiện tại luôn bị ám ảnh bởi những câu chuyện của người lớn, mặc dù cháu đã cố gắng gạt nó ra khỏi đầu nhưng dường như điều ấy là không thể. Ngày qua ngày cháu cảm thấy quá mệt mỏi, chán nản, sợ hãi và co mình vào trong vỏ ốc tí tẹo của riêng mình.
Giọng điệu run rẩy, lo lắng khiến bạn tôi hiểu ngay được cô bé đang lâm vào tình trạng hỗn loạn về tâm lý. Cuộc nói chuyện chưa kịp đủ đầu - đuôi, cô bé chợt thảng thốt: "bố cháu về rồi, cháu gọi cho cô sau nhé", rồi cụp gấp điện thoại. Những hôm sau, vẫn vào giờ đó, cô bé lại gọi điện tới cho bạn tôi, câu chuyện được chắp nối và hoàn thiện dần. Cháu cảm thấy sợ hãi và bị ám ảnh bởi suốt 5, 6 năm nay chứng kiến cảnh phòng the của bố mẹ.
Nhà chật chội và là con duy nhất nên bố mẹ muốn cháu ngủ cùng, thành thử cháu vô tình trở thành khán giả bất đắc dĩ chứng kiến những màn mây mưa của bố mẹ. Cháu sợ, xin bố mẹ ra ngủ phòng riêng, nhưng bố mẹ không đồng ý, sợ đêm hôm gió máy con cái không an toàn.
Nhiều đêm, cháu nhắm mắt thật chặt nhưng âm thanh của tiếng kêu la, rên rỉ của bố mẹ vẫn dội vào tai làm cháu ám ảnh, thậm chí ghê tởm. Từ lúc nào cháu sợ hãi bóng đêm, sợ hãi những âm thanh cuồng nộ thốc vào tai và cháu đâm ra ghét bố mẹ. Cháu muốn vĩnh viễn biến mất khỏi bố mẹ để không phải chứng kiến khung cảnh khủng khiếp ấy, không phải đối diện âm thanh sững sờ ấy, rợn tóc gáy ấy.
Cô bé tỏ ra rất bi quan về cuộc sống hiện tại. Điều cô bé mong muốn nhất là "bố mẹ đừng diễn "cảnh nóng" trước mặt em nữa, còn tốt nhất là bố mẹ ly dị đi, gia đình ấy em không thiết tha gì cả". Nói đoạn, cô bé khóc nức nở, nhìn đến tội nghiệp.
Sau nhiều lần gặp gỡ và lắng nghe tâm sự của cô bé, bạn tôi đã quyết định tới tìm bố mẹ em và trò chuyện với họ. Ban đầu, vợ chồng họ tỏ ra không hợp tác, nói bạn tôi can thiệp quá sâu vào cuộc sống của gia đình họ, nhưng nhìn thấy cô con gái ngày một ủ dột, héo úa dù cô bé mới 12 tuổi đầu, họ bắt đầu suy nghĩ lại.
2 tháng sau, bạn tôi nhận được cuộc điện thoại của cô bé, nhưng lần này không còn vết tích của nỗi buồn và những điều bi lụy. Cháu tíu tít khoe cháu cùng bố mẹ đi chọn đồ trang trí phòng cho cháu. Cháu đã có một "giang sơn" riêng, chứng tỏ bố mẹ đã bắt đầu tin tưởng con gái có thể ngủ một mình mà không sợ hãi. Cháu đang hạnh phúc vì cảm nhận được sự ấm áp của tình thân, và trên hết, bố mẹ cũng ý nhị hơn, tinh tế hơn đối với cô con gái đang tuổi ăn, tuổi lớn.
Rõ ràng “chuyện ấy” của vợ chồng nhiều khi thật khó mà trì hoãn. Người lớn đôi khi cứ nghĩ trẻ con không biết nhưng thực ra chúng biết hết cả đấy. Với những đứa trẻ mạnh mẽ thì có thái độ bất mãn, bướng bỉnh với bố mẹ. Đứa nào yếu đuối thì sẽ bị ám ảnh bởi chuyện này.
Còn đối với trẻ lớn lớn một chút thì thật là cực hình khi phải nghe hoặc nhìn thấy những cảnh nhạy cảm ấy của bố mẹ. Chuyện này cũng có thể làm tâm sinh lý của trẻ phát triển sớm hơn so với những đứa cùng lứa tuổi. Thế nên mới có những câu chuyện dở khóc, dở cười và cả những giọt nước mắt con trẻ thống thiết vang lên từ phòng tâm lý. Nhắc nhỏ những ông bố bà mẹ, có "yêu" cũng chọn chốn yêu cho phù hợp, đừng biến con mình thành khán giả trung thành, bất đắc dĩ của những cảnh mây mưa, nhạy cảm, dễ tổn hại tới tâm hồn non nớt, yếu đuối của trẻ.
- Huyền Lê (ghi)
;