Chủ Nhật, 22/05/2011, 07:48 [GMT+7]
.
.

"Sống với tôi, không có chuyện muốn hay không muốn!"


(Phunutoday) - Anh là thạc sĩ, giảng viên của một trường Đại học lớn. Anh sống liêm khiết, ham học hỏi, nghiên cứu và rất nhiệt tình giúp đỡ học trò. Chị làm việc văn phòng trong một cơ quan nhà nước, kiêm quán xuyến cửa hàng bách hóa gần nhà. Gia đình anh chị, kinh tế ổn định, con cái khỏe mạnh, ngoan ngoãn, vợ chồng chẳng bao giờ to tiếng... Nhìn bề ngoài, gia đình chị được coi là chuẩn mực của một gia đình hạnh phúc, nhưng ít ai biết những câu chuyện đầy nước mắt bên trong cái vỏ bọc đẹp đẽ ấy...

“Quanh năm buôn bán ở mom sông...”

Vợ chồng chị sống với nhau gần 15 năm. Anh chị yêu nhau từ khi hai người học lớp 12, yêu đến khi cả hai tốt nghiệp đại học thì cưới. 5 năm yêu nhau, anh hoàn toàn là một người hiền lành, tốt bụng và dễ chịu, điều đó khiến chị rất yên tâm khi quyết định tiến tới hôn nhân. Vì ngành sư phạm khó xin được việc gần nhà nên bố mẹ chồng xin cho chị làm văn phòng trong một cơ quan nhà nước.

Tuy công việc nhàn nhã nhưng thu nhập thì chẳng đáng là bao. Còn anh, nhờ tốt nghiệp với cái bằng loại Giỏi nên được nhà trường giữ lại làm giảng viên. Cả nhà ai cũng tự hào và yên tâm về điều đó, bởi từ nhỏ đến giờ, ngoài vùi đầu học hành như con mọt sách thì anh chẳng biết làm gì khác, sửa điện, sửa nước trong gia đình cũng chịu mà khiếu kinh doanh thì càng không. Vì thế, công việc làm giảng viên quá hợp với anh.

Lấy nhau được 1 năm thì chị sinh con nhỏ. Thêm người, thêm chi tiêu, kinh tế gia đình đuối dần. Đồng lương giảng viên của anh chẳng phụ thêm được chút nào cho chị nuôi con, vì ngoài đi dạy, anh chỉ biết học, học và học để lấy hết bằng này đếp cấp khác chứ không dạy thêm dạy nếm, nhận dự án về làm như người ta... Mọi việc chi tiêu cho gia đình nhỏ, đối nội, đối ngoại đều do một tay chị lo lắng. Thương con, không muốn con mình lớn lên trong cảnh thiếu thốn, thua bạn kém bè, chị chạy vạy vay mượn vốn liếng mở một cửa hàng tạp hóa rồi thuê người nhà đứng bán. Chị vẫn bám trụ cơ quan nhà nước để sau này về già còn có đồng lương hưu. Cứ thế, chị vừa lo quán xuyến gia đình, dạy dỗ, chăm sóc con nhỏ, vừa đưa bờ vai gầy guộc của mình gánh lấy kinh tế gia đình.

Vất vả, khó khăn là thế, nhưng chị rất hãnh diễn vì anh đạt được nhiều bằng cấp, dù những thứ đó chẳng khiến anh được thăng tiến hay có thu nhập cao hơn. Những khoản thiền anh kiếm được nhờ thực hiện dự án ở trường chỉ đủ để phục vụ công việc nghiên cứu và làm luận án của anh. Dù không giúp vợ được gì, nhưng anh cũng không chơi bời nhậu nhẹt hết giờ làm việc là anh về thẳng nhà. Trong mắt gia đình hai bên, đồng nghiệp, bạn bè và những người quen biết, chị thật có phúc.
d
Ảnh minh họa

Khi đứa thứ nhất được 5 tuổi, chị sinh tiếp đứa thứ 2, vì theo anh đó là khoảng cách “chuẩn”. Dù kinh tế chưa vững lắm, nhưng vốn rất tôn trọng những quyết định của chồng, và cũng bởi anh có học vị cao hơn nên chị cũng thuận lòng. Con càng ngày càng lớn, trách nhiệm ngày càng nặng hơn, nhưng anh chỉ biết học và hưởng thụ những tài sản vật chất mà chị khổ công có được. Anh dường như rất vô tâm với những khó khăn mà chị đang phải đối mặt. Tuy công việc kinh doanh của chị rất tốt nhưng cái máy cũng biết mệt mỏi thì huống chi là con người. Bên ngoài biết bao công việc bên ngoài, về đến nhà lại lo cho gia đình và con cái... Chị mệt mỏi, xanh xao và quan hệ chăn gối với chồng cũng không được mặn mà như trước.

Sống với nhau suốt 8 năm trời, nhưng nhà chị chẳng khi nào có chuyện to tiếng bởi chị rất nghe lời anh. Nhiều khi, thấy anh nói quá vô lý và ngang ngược nhưng chị chọn giải pháp im lặng bởi không muốn không khí gia đình căng thẳng, chính chị cũng cảm thấy mệt mỏi và những đứa con sẽ bị ám ảnh. Chị cứ nhịn như thế ngày này qua tháng khác khiến hình thành một điều lệ “chồng luôn luôn đúng” trong gia đình.

Có một lần chị về nhà muộn do công việc ngoài cửa hàng không suôn sẻ, anh gây sự vì anh vốn quen nhìn thấy nhà cửa, cơm nước tươm tất khi về nhà. Đang bực bội ở ngoài cửa hàng, chị không nhịn, thế là cả hai đôi co với nhau.

Cuối cùng, phần thắng nghiêng về chị và anh - một tiến sĩ khoa học – đã gọi điện cho bố mẹ chị: "Ông bà chứng kiến cho lời nói của con, từ nay con sẽ không bao giờ nói chuyện với loại người có học mà mất dạy này!". Chị sốc vô cùng khi nghe anh rằn từng tiếng như thế, thậm chí còn không tin vào tai mình. Chị sai ở chỗ nào? Thậm chí khi đôi co với chồng, chị vẫn giữ giọng để không quá gay gắt, sao anh nỡ nói chị bằng những lời xúc phạm nặng nề đến thế. Và cự tuyệt tất cả mọi nỗ lực nói chuyện thẳng thắn của chị, anh trở thành một “xác ướp” trong nhà. Ngoài hỏi han con lớn và nựng con bé, anh tuyệt nhiên không hé răng nói với chị một lời...

Kể từ hôm tuyên bố “chiến tranh”, anh khuân về một cái giường gấp và ngủ luôn trên phòng làm việc. Anh vẫn ăn, ngủ và đi làm đều đặn nhưng tuyệt nhiên không hề nói gì với vợ. Thực ra, đúng là anh chẳng có nhu cầu nói chuyện với chị bởi con vẫn có chị nuôi nấng, chăm sóc, cơm vẫn có chị nấu nướng sẵn sàng, tiền lương của anh đã thành thói quen không cần đưa cho vợ... Thế nên, anh chẳng cần trao đổi gì với vợ, thản nhiên làm “tảng băng vĩ đại” trong nhà. Mỗi lần chị há miệng định nói cho ra nhẽ thì ánh mắt của anh nhìn chị lạnh lùng như nhắc nhở “tao không nói chuyện với loại mất dạy” khiến chị phát điên.

Tổ ấm thành địa ngục đáng sợ

Thời gian cứ như dừng lại trong ngôi nhà nhỏ bé từng đầy ắp tiếng cười ấy. Mỗi đêm, nhìn ngắm các con say ngủ, chị không tin là có ngày anh lại trở nên lạnh lùng, tàn nhẫn đến đáng sợ như lúc này. Một lần chị đang nấu ăn, vì con dao mới mua sắc quá nên liếc vào tay chị túa máu. Con trai chị nhìn thấy sợ quá chạy vội lên cầu thang gọi bố, nhưng anh không đáp lời con, cũng không buồn ngó nghiêng xem vợ thế nào. Tối hôm đó ăn cơm, cái tay đau của chị lóng ngóng mãi mới xới được cơm cho mọi người, còn anh ngồi giương mắt nhìn. Chị vừa ăn cơm, trái tim vừa rỏ máu.

Cuộc sống gia đình cứ thế trôi đi một cách đáng sợ. Chị cũng không ngờ mình chịu đựng được lâu đến thế. Chẳng lẽ, chỉ vì một lần “thua vợ” mà anh trở nên tệ bạc đến thế này sao? Chị không dám nói gì với bố mẹ đẻ vì sợ ông bà buồn. Với người ngoài, chị càng không dám chia sẻ, vì từ trước đến nay, niềm tự hào về một gia đình hạnh phúc luôn là động lực để chị vượt qua những khó khăn.

Có lần, con trai chị không làm hết bài ở lớp, cô giáo gọi điện về nhà và chồng chị là người nghe máy. Anh gọi con đến gần và trước mặt chị, anh tát thằng bé 2 cái trời giáng và mắng: “Là con của bố thì phải biết nghe lời. Con đi học phải biết nghe lời cô. Về nhà phải biết nghe lời bố. Cãi lời bố là mất dạy. Nếu còn còn để cô giáo gọi điện về nhà thì bố sẽ không bao giờ nói chuyện với đứa con mất dạy, không biết nghe lời...”.

Anh nhấn mạnh từng chữ “mất dạy” như cầm con dao cứa từng nhát vào nỗi lòng tan nát của chị. Bao lâu nay, thái độ của anh khiến con chị cũng hiểu nhầm thành mẹ nó đã phạm tội ghê gớm và đang bị phạt khiến chị tủi thân và đau đớn vô cùng.

Mãi thời gian dài sau đó, nhờ hai bên gia đình chồng thuyết phục và sự chịu đựng của chị đã khiến anh “nguôi giận”, anh mới bắt đầu trao đổi với vợ một cách rất kiệm lời. Anh bắt đầu có  thói quen nói từng câu một và không bao giờ nhắc lại lần hai.

Nếu chị sơ ý hoặc các con chơi đùa ồn quá, không nghe rõ, thì phải cố đoán xem anh vừa nói gì để làm cho đúng. Nếu làm sai ý thì anh sẵn sàng nhiếc móc, sỉ nhục chị không thường tiếc. Sự xỉ nhục của một người “lắm chữ” mới thâm độc, kinh khủng làm sao. Nhiều khi chị chỉ ước anh đánh đập còn hơn là dằn từng tiếng, từng tiếng sắc nhọn thế này. Chị luôn sống trong cảnh đau đớn, buồn tủi, dật dờ và căng thẳng vì nơm nớp sợ chồng phật ý.

Ly hôn là lối thoát duy nhất, đó sẽ giải thoát cho cuộc sống tù ngục của chị. Chị có công việc và thu nhập ổn định, chị còn trẻ và hoàn toàn có thể nuôi được cả hai đứa con. Nhưng đôi khi, sự khủng hoảng tâm lý đã khiến người phụ nữ không còn đủ tỉnh táo để đưa ra một quyết định sáng suốt. 

Anh nắm được điểm yếu của chị là thương con, không muốn gia đình tan vỡ và sĩ diện. Anh thậm chí còn tuyên bố với chị, nếu như ly dị thì chị sẽ phải ra đi tay trắng vì căn nhà vẫn đứng tên bố mẹ anh và một nửa tài sản hiện có sẽ vào tay anh, tài sản mà anh vốn chả phải lao động ngày nào và thừa sức cưới ngay về một người vợ trẻ, đẹp, học thức hơn chị rất nhiều. Anh lại dằn từng tiếng “học thức” để nhắc chị nhớ lại chuyện cũ.

Lần ấy, cô bé đồng nghiệp ở cơ quan bị mất điện thoại nên mượn điện thoại của chị để nhắn tin cho bạn. Chị không ngờ, dù tàn nhẫn, lạnh lùng như thế nhưng anh vẫn lén lút kiểm tra điện thoại của vợ. Phát hiện những tin nhắn nồng thắm từ máy của vợ gửi cho số máy lạ và có tới 4-5 tin nhắn tình cảm gửi lại, anh giận sôi người, không cần hỏi chị tiếng nào đã tới tấp đánh vào đầu, vào mặt chị, vừa đánh, vừa chửi rủa bằng những lời lẽ cực kỳ thô lỗ và khó nghe. Khi chị thanh minh thì anh mắng chị là loại đàn bà lăng loàn, nói dối không biết ngượng với con cái. Những lời nói chua ngoa, thiếu căn cứ của anh như tát vào mặt chị...

Những hành động hành vợ như thế cứ tái diễn, hàng xóm, bố mẹ hai bên hay khách đến chơi không ai biết rằng gia đình đang lục đục vì anh mắng chửi rất “có nghề” và “chuyển cảnh” sang ngọt ngào rất nhanh khi có khách. Nhưng sau khi mọi người về hết thì tấn kịch lại tiếp tục. Thậm chí, anh còn trả thù vợ bằng cách cứ đến nửa đêm, khi chị chìm vào giấc ngủ mệt nhọc là xuống phòng lôi lên phòng anh bắt làm “chuyện ấy”. Mặc cho vợ mắt nhắm, mắt mở kinh hoàng, anh vẫn thản nhiên thỏa mãn bản năng và tuyên bố: “Sống với tôi thì không có chuyện muốn hay không muốn”..

  • Đan Linh
;
;
.
'; ABDZone[1] = ''; try{ rotatorAdNetwork("ADBCookie", ABDZone); }catch(e){}