Mỹ nhân Việt, “khôn nhà dại chợ”

22-05-2011 | 06:30| 2 bình luận

(Nguoiduatin.vn) - Đã gần 10 năm, sau sự xuất hiện của Hoa hậu Mai Phương trong cuộc thi Miss World 2002, Việt Nam lần đầu tiên có mặt trên bản đồ nhan sắc thế giới. Từ đó đến nay, mật độ tham gia các cuộc thi sắc đẹp mang tầm cỡ quốc tế ngày càng dày đặc.

> Mời quý độc giả đọc bản tin đặc biệt trên Nguoiduatin.vn

Thậm chí một năm có đến 5 - 6 người đẹp được cử đi để tham gia các cuộc thi từ lớn đến nhỏ (thay vì 2 năm mới có 1 người đi thi như trước đây - PV). Trước mỗi cuộc thi, bao giờ cũng thế, ban tổ chức sẽ bắt đầu bằng sự tuyển chọn rầm rộ, tranh cãi giữa các hoa hậu, á hậu. Rồi đến công tác chuẩn bị công phu hàng tháng trời, sự lăng xê, khen ngợi, ca tụng quá mức. Nhan sắc nào lên đường cũng hứa hẹn, quyết tâm và chở đầy khát vọng chinh phục đỉnh vinh quang. Thế nhưng ngược lại với sự trông đợi ấy, chưa có một đại diện Việt Nam nào lập được kì tích lớn.

Hoa hậu và hai á hậu Việt Nam 2010, ai xứng đáng để đến với đấu trường sắc đẹp quốc tế nhất cũng là một chủ đề được bàn tán, thảo luận sôi nổi.

Tranh cãi chọn lựa

Năm nào cũng thế, trước thềm một đấu trường sắc đẹp quốc tế, bao giờ cũng có những tranh cãi, bàn tán về các ứng cử viên được lựa chọn. Theo một nhà thơ, nhà báo, Phó tổng biên tập một tờ báo, người nhiều năm được mời làm ban giám khảo của các cuộc thi hoa hậu Việt Nam cho biết, việc lựa chọn ra được gương mặt xuất sắc để đi thi hoa hậu thế giới là rất quan trọng.

Bởi vậy, trong quá trình tuyển lựa, ban giám khảo sẽ nhận ra được thí sinh nào hội tụ các yếu tố phù hợp để đi thi hoa hậu thế giới. Họ sẽọ tập trung, chú ý hơn vào thí sinh đó. Tuy nhiên, để đội được chiếc vương miện cũng phải có duyên với nó.

Nhiều cô gái vì hồi hộp quá mà mất bình tĩnh trong phần thi ứng xử nên không thể trở thành chủ nhân của vương miện. Thực tế, lịch sử hoa hậu đã xảy ra chuyện như thế này. Và các ngôi vị hoa hậu, á hậu 1, á hậu 2 là một sự tranh cãi quyết liệt, sự cân nhắc kĩ càng đến từng milimet của ban giám khảo.

Trong một cuộc thi, hoa hậu chưa hẳn đã là người xinh nhất. Nhiều trường hợp, người được  đề cử để đến với sân khấu sắc đẹp thế giới năm đó không phải là hoa hậu mà là á hậu. Điều này sẽ gây nên những bàn cãi trong dư luận. Nhưng hơn ai hết, ban tổ chức và những người trong cuộc đều nhìn thấy ở á hậu những tố chất phù hợp với tiêu chí của thế giới.

Vũ Hoàng My là cái tên được chờ đợi trong cuộc thi hoa hậu Việt Nam 2010. Cô được ghi nhận không chỉ bởi sắc vóc, hình thể mà còn bởi sự chuẩn bị công phu, chuyên nghiệp. Thế nhưng cuối cùng, vì một sự lúng túng ngay trong giây phút quan trọng nhất, Hoàng My đã để lỡ dịp với ngôi vị cao nhất.

Mặc dù chỉ với vị trí thứ hai, nhưng vượt lên Ngọc Hân (ngôi vị hoa hậu Việt Nam 2010) cô lại là người được cử đi thi Hoa hậu hoàn vũ thế giới 2011. Trước đó báo chí và dư luận cũng đã có một phen tranh cãi về việc lựa chọn ứng cử viên này. Không ít người tỏ ra tiếc nuối cho Ngọc Hân cũng như á hậu 2 Thuỳ Trang.

Có nhiều trường hợp gần đến ngày thi lại đột ngột thay đổi thí sinh khiến người trong cuộc cảm thấy hụt hẫng và tổn thương. Trường hợp của Phan Như Thảo trước thềm cuộc thi hoa hậu quốc tế 2009 tổ chức ở Bắc Kinh (Trung Quốc) là một ví dụ (được thay thế bởi Nguyễn Thị Quỳnh - PV).

Thế mới biết, kể cả khi đã cầm ở trong tay tờ giấy cấp phép của Nhà nước, vẫn không có gì là chắc chắn. Khi Thuỳ Dung - Hoa hậu Việt Nam 2008 dính scandal về bằng tốt nghiệp giả và không thể tham gia cuộc thi hoa hậu thế giới năm đó, trong khi dư luận đồng tình thì chính trưởng ban tổ chức lại đứng lên bênh vực và bày tỏ sự tiếc nuối vì cho rằng cô có đủ yếu tố để đoạt giải thưởng cao.

“Vịn vai” cuộc thi để nổi tiếng hơn

Trong lịch sử ngắn ngủi của hoa hậu Việt Nam, có quá nhiều những vấn đề lùm xùm quanh câu chuyện về các người đẹp. Trước đây, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam do báo Tiền phong tổ chức là cuộc thi duy nhất về sắc đẹp được cấp phép ở Việt Nam. Tuy nhiên những năm gần đây các cuộc thi sắc đẹp mọc lên như nấm.

Á hậu 1 (Hoa hậu Việt Nam 2010) Vũ Hoàng My sẽ là đại diện Việt Nam dự cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2011.

Từ những cuộc thi chính thống đến không chính thống, trong nước đến thế giới như Hoa hậu hoàn vũ, Hoa hậu trái đất, Hoa hậu du lịch, Nữ hoàng sắc đẹp, Hoa hậu siêu quốc gia,  Người đẹp hoa anh đào, Người đẹp trang sức, Người đẹp cố đô... Thậm chí có nhiều cuộc thi thí sinh có thể tham gia tự do mà không cần đến sự cấp phép của một ngành bộ nào.

Thế nên mới có việc, có người đẹp tên H.Đ sau khi trở về từ cuộc thi Nữ hoàng sắc đẹp quốc tế ở Trung Quốc, tự vỗ ngực khoe giải trong sự bán tín, bán nghi của công chúng. Vì không ai nhìn thấy tên của cô ở ngôi vị cao nhất trong cuộc thi ấy. Những tấm ảnh mang về từ cuộc thi chỉ thấy mỗi người đẹp, kể cả lúc lên nhận vương miện.

Thế nhưng sau vụ lùm xùm đó, cô bỗng trở nên nổi tiếng hơn, được giới truyền thông săn đón hơn. H.Đ tập tành đi hát, rồi nghiễm nhiên trở thành "vơ đét" (vedette) trong nhiều show trình diễn thời trang. Bởi vậy, dù phải chịu khổ vì bị tai tiếng trong một thời gian, nhưng sự kiện H.Đ vẫn gieo hi vọng cho nhiều cô gái đang có ý định tìm kiếm đến các cuộc thi để được nổi tiếng.

Hoa hậu còn "ăn xổi"

Theo cựu siêu mẫu Thuý Hằng - Giám đốc công ty Elite - cái nôi đào tạo nhiều nhan sắc ở Việt Nam hiện nay thì vấn đề của các hoa hậu là sự ăn xổi về các kĩ năng. Từ kĩ năng giao tiếp, ăn uống, nói cười, đi đứng, biểu diễn... tất cả mới chỉ dừng lại ở sự khiêm tốn bởi bản tính người Việt Nam hay xuề xoà và thiếu ý thức. Điều này ăn sâu vào máu qua nhiều thế hệ nên việc dạy dỗ trong vòng mấy tháng chẳng đi đến đâu.

Chuyên gia đào tạo sắc đẹp này cho biết: "Trước lúc đến với cuộc thi, các em đều được học những kĩ năng, học cách để toả sáng nổi bật. Phải cười như thế nào, nói ra làm sao, ăn bao nhiêu thì vừa đủ, cầm ly sâm banh sao cho trang trọng, đi đứng thế nào để nổi bật nhất,... nhưng hầu hết các thí sinh chỉ nhớ được lúc đó. Đến lúc vào thực tế, lúc cần đến thì lại quên. Người ở các nước văn minh, họ học những điều đó từ bé. Những kĩ năng đó đã trở thành bản năng. Mình học theo kiểu ăn xổi như thế thì không bao giờ theo kịp được họ".

Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tuyển chọn gương mặt để đến với các đấu trường nhan sắc, Thuý Hằng cho biết, thực tế về hình thể Việt Nam mình không hề thua kém các nước khác. ở Đông Nam á mình chỉ đứng sau Thái Lan. Còn so với Indonesia, Philippines, Myanmar,... thậm chí là Trung Quốc mình còn đẹp hơn họ. Nhưng tiêu chí của tất cả các cuộc thi nhan sắc mang tầm cỡ quốc tế là tìm kiếm nữ hoàng của các nữ hoàng.

Tức là phải có sự toả sáng đúng lúc. Tạo sự nổi bật giữa một rừng hoa hậu là một điều rất khó, đòi hỏi sự thông minh, tinh tế, nhạy cảm, và đòi hỏi phải có tố chất của một nữ hoàng. Những điều này thì nhan sắc Việt còn thiếu rất nhiều. Tôi từng biết những cái tên đã gây nhiều tình cảm và sự kì vọng lại gây thất vọng lớn nhất như H.Yến, T. Hà. Các cô gái này catwalk rất đẹp, chuyên nghiệp, có trí thức... nhưng cái họ thiếu đó là nụ cười. Một hoa hậu phải là một cô gái luôn biết dùng nụ cười để thu hút và chinh phục người đối diện.             

Đào Bích

Tags: người đẹp, hoa hậu, á hậu, cuộc thi, đại diện, Hoàn vũ



Bình luận bạn đọc

Họ tên
Email
Mã bảo vệLấy lại
Nội dung
  • Kevin (22-05-2011 | 23:49 )

    Không hiểu ai là người viết lên bài báo này, làm người thì ai không muôn được nổi tiếng,chẳng hạn như "khi viết bài báo này xong, thì anh hoăc chị nổi tiếng "vì quá nhiềuu chuyện và soi mói đời tư của người ta,người ta đẹpthì người ta có phẩm chất và các yếu tố tốt để tham gia một cuộc thi tại các nước trên thế giới,không phải đi thi mà là nổi tiểng,đi thi mang lai nhiều kinh nghiệm ,văn hóa của nước mình cho người ta thấy,sao lại co cái từ "khôn nhà dại chợ"? Không có người đẹp thì sao có Hoa hậu,"vin vai để nổi tiếng", cuôc đời ai cung phai vin vai nhau mà sống,ko khôn lanh thì có mà húp cháo...Nói chung tôi ủng hộ các phái đẹp,có tiềm năng và phẩm chất tốt!

  • (22-05-2011 | 22:31 )

    Chẳng thể hiểu tác giả muốn nói gì... Thứ nhất, cuộc thi là 1 cuộc tranh tài, và đương nhiên, người đẹp hơn, giỏi hơn sẽ là người đạt giải cao nhất... Bất cứ lý do gì để ngụy biện, giải thích thì cũng đều chỉ là lý do thôi. Bởi nếu Á hậu 1 là người xứng đáng thì tại sao không đạt hoa hậu đi. Kiếm cớ làm gì? Thứ 2, không có 1 lý do gì một người đại diện cho đất nước mà lại lúng túng ngay trong 1 cuộc thi của nước nhà. Như vậy, làm sao người dân Việt có đủ niềm tin vào một đại diện như thế? Thứ 3, nếu tác giả là người muốn độc giả tin tưởng thì tại sao lại úp úp mở mở về người "nhà thơ, nhà báo, Phó tổng biên tập một tờ báo" để làm gì?