Thứ Năm, 26/05/2011 - 05:55

Nhiều sai phạm của Vinashin có dấu hiệu tham nhũng
(Dân trí) - “Bất tuân” chỉ đạo của Chính phủ; hành xử tùy tiện, cục bộ theo phạm vi gia đình, trong quan hệ với địa phương, với ngành khác; móc nối để làm ăn phi pháp, có tính chất vụ lợi… là một số sai phạm có dấu hiệu tham nhũng tại Vinashin, TTCP đã kết luận.
 >> “Dư luận vẫn muốn làm rõ hơn trách nhiệm vụ Vinashin”
 >> Xử lý lãnh đạo Vinashin phải làm “ra ngô, ra khoai”

Bên lề cuộc Đối thoại chống tham nhũng lần thứ 9 được tổ chức ngày 25/5, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền đã trả lời về các nội dung trong kết luận chính thức sau cuộc thanh tra tại Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Vinashin.

Được biết, Thanh tra Chính phủ mới đây đã trình Thủ tướng kết luận chính thức việc thanh tra tại Vinashin. Đã đến lúc công bố kết luận này, thưa Tổng thanh tra?

Kết luận chính thức gửi lên, Thủ tướng đã xem xét cho ý kiến đồng ý với kết luận ấy nhưng vừa qua do phải tập trung cho việc bầu cử nên Thủ tướng chưa có văn bản chỉ đạo chính thức mà chỉ nói là đồng ý sau khi nghe Thanh tra báo cáo. Khi nào có văn bản chính thức đồng ý của Thủ tướng, chúng tôi sẽ công bố.
 
Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền.

Trong cuộc họp Ban chỉ đạo chống tham nhũng vừa qua, Thủ tướng có đề cập việc yêu cầu xem xét có hay không dấu hiệu tham nhũng tại Vinashin. Qua thanh tra có phát hiện những dấu hiệu này?

Trước mắt có một số việc sai phạm như làm trái quy định pháp luật, trái chỉ đạo của Chính phủ, cũng có một số dấu hiệu của sự móc ngoặc với nhau trong việc làm ăn. Tất cả những vấn đề này, trong phạm vi hoạt động của Thanh tra chỉ làm được đến cỡ đó. Các hồ sơ, việc làm của đơn vị trên cơ sở đối chiếu với pháp luật và với thực tế thì thấy có những vấn đề chấp hành không đúng.

Bản thân đơn vị cũng có một số việc làm mang tính chất tùy tiện, thậm chí là cục bộ, cục bộ theo phạm vi gia đình cũng có mà cục bộ theo kiểu quan hệ với địa phương hay giữa ngành này ngành khác cũng có. Ngoài ra, cũng có một số hành vi có dấu hiệu móc nối với nhau làm ăn phi pháp và có tính chất vụ lợi.

Đấy là những dấu hiệu của tiêu cực, tham nhũng. Trường hợp như vậy, Thanh tra Chính phủ phải kiến nghị tiếp tục điều tra làm rõ, xử lý bằng hình sự.

Được biết, Thanh tra Chính phủ có chuyển CQĐT xem xét một số nội dung về tập đoàn?

Có chuyển tất cả 9 nội dung sang điều tra. Trong 9 nội dung này, một số cơ quan công an đã điều tra rồi hoặc đang điều tra. Cũng có một số ít vấn đề mới trong đó chủ yếu là những việc cụ thể của các đơn vị thành viên có liên quan.

Những sai phạm đó ở góc độ quản lý hay trực tiếp thực hiện, thưa Tổng Thanh tra?

Việc này đợi công bố kết luận thanh tra sẽ rõ. Chúng tôi sẽ công khai đầy đủ, có đầu có đuôi, không giấu diếm gì. Chỉ có điều thời điểm công khai lúc nào thì phải để Thủ tướng có ý kiến. Đồng thời các thông tin này Chính phủ cũng phải báo cáo Quốc hội kỳ họp tới.

Như báo cáo của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng trước Quốc hội, tất cả các sai phạm của đơn vị cơ bản cũng như vậy thôi. Kết luận của Thanh tra có thể khác hơn một chút về mức độ cụ thể, ví dụ về việc huy động vốn, sử dụng vốn, con số lỗ lãi.
 
Việc mua tàu Hoa Sen của Vinashin bị cho là một quyết định "trái lệnh".

Cơ quan công an có phản hồi gì về những nội dung kiến nghị chuyển điều tra của Thanh tra?

Thủ tướng đã giao cơ quan thanh tra, điều tra kết hợp với nhau trong toàn bộ quá trình thanh, kiểm tra Vinashin. Trường hợp cơ quan điều tra phát hiện gì sẽ thông báo cho cơ quan thanh tra. Thanh tra thấy có dấu hiệu, vụ việc nào có cơ sở để chuyển điều tra cũng đã chuyển ngay. Đến khi kết thúc thanh tra, báo cáo kết quả, Chính phủ cũng đã có ý kiến ngay, yêu cầu cơ quan công an tiến hành điều tra những vấn đề này. Hiện nay, chúng tôi biết tinh thần là điều tra và xử lý triệt để hành vi vi phạm.

Để xảy ra sai phạm như vậy, dư luận hiện vẫn đặt vấn đề trách nhiệm đặt ra không chỉ có của những người lãnh đạo tập đoàn mà còn ở cơ quan chủ quản?

Khi nào công bố kết luận tôi sẽ nói rõ việc này. Bây giờ không thể nói cắt khúc từng khoản ra được. Nhưng tất nhiên là có vấn đề trách nhiệm quản lý. Sai phạm nào cũng có phần từ chủ quan, trực tiếp của người quản lý và đương nhiên cũng liên quan đến trách nhiệm cơ quan quản lý.

Hiện giờ chúng ta không còn cơ chế chủ quản nhưng những tổ chức này được Chính phủ giao cho một số cơ quan, cụ thể là các bộ tham gia vào việc quản lý thì đương nhiên tập đoàn “lỗi”, các cơ quan này cũng có trách nhiệm, có lỗi. Nhưng mức độ lỗi như nào tùy thuộc vào hành vi xử lý trong quá trình quản lý.
 
Xin cảm ơn ông!

P.Thảo (ghi)