Những mỹ nhân "sát trai" của showbiz Việt
Đình Nguyên đến với nghề hát do cái duyên, hay nói vui là anh “bị” sóng đời xô đẩy (Giải nhì cuộc thi Tiếng hát Truyền hình 2004 -PV). Sóng đời “cuốn” rồi “đẩy” Đình Nguyên lên sân khấu để rồi khi đứng trên ấy, anh chẳng biết mình sẽ phải làm gì và làm như thế nào. Cho đến tận giờ này, tức là khi anh đã có tuổi nghề tương đối dày thì Đình Nguyên vẫn cứ hiền lành, vẫn cứ ngơ ngác giữa cái làng chả nên hiền lành lại càng không nên ngơ ngác.
Song, nếu nhìn ở một góc độ khác, cái sự tạm cho là hạn chế ấy lại là thế mạnh của Đình Nguyên. Nếu được ví, tôi sẽ ví anh như một “khúc gỗ” mun nguyên chất của làng nhạc Việt. Ở đó có vẻ đẹp của sự xù xì, thô ráp của một gã đàn ông hát – mà hình như hình ảnh này hơi bị hiếm trên các sân khấu ca nhạc ở ta.
Tôi thấy mình hơi…ngu
Tôi được biết anh vừa ra hai album (Ngày xa em và Ngày cho em - PV), sao hai album lại được thiết kế giống nhau thế?
Hai đĩa này cách nhau trên dưới hai tháng. Tôi định sẽ làm chừng 4 đến 5 cái cùng một “serial”, cái thiết kế bên ngoài giống nhau. Làm xong tôi mới thấy mình hơi ngu. (Cười lớn)
Hai album mới nhất của Đình Nguyên |
Anh nói rõ hơn về cái sự ‘‘ngu” của mình xem…
Vì hai cái tôi làm cùng mô típ nên người ta có cái này rồi sẽ tưởng mình có luôn cái kia, làm xong mới thấy mình ngu. Ban đầu tôi dự tính làm cùng serial, tức là các mặt đĩa sẽ cùng một kiểu thiết kế, vẫn với những họa tiết như thế, kể cả list nhạc, chỉ khác màu thôi. Nhưng thế này (hai album đều được thiết kế với gam màu trắng chủ đạo - PV) là ngu. Nhưng không sao, cái thứ ba tôi sẽ cải thiện.
Anh gửi mơ mộng gì vào các sản phẩm này của mình?
Cũng lâu tôi chưa làm nên không dám làm mới liền. Đầu tiên tôi làm cái tổng hợp trước, sau đó là những cái riêng của từng nhạc sĩ. Vẫn chẳng thay đổi gì nhiều, chỉ mang hơi hướng mới chút xíu. Nó sẽ không quá chậm, quá rề rà như ngày xưa thì tôi cũng không thích lắm nhưng mình cũng không thể biến nó thành một cái nhanh thật là nhanh như hiện đại được. Mình chỉ cân đối cho nó ở mức độ vừa phải. Về kết cấu bài hát cũng như lối hát thì không có gì thay đổi. Phần thay đổi phải nhờ nhạc sĩ hòa âm, người ta sẽ làm điều gì đó để ngay cả sự chậm chạp cũng sẽ mới hơn, phù hợp với cuộc sống hiện giờ hơn.
Sau cuộc thi Tiếng hát truyền hình 2004 cho đến nay, hình như anh vẫn thế…
Thực ra năm ấy, cuộc thi không còn bó gọn trong những ca khúc truyền thống, cách mạng nữa. Mình được hát một số bài lãng mạn hơn. Tôi hát những bài như Không còn mùa thu (Việt Anh - PV) hay những bài mang dáng dấp nhạc tiền chiến nên người ta nhìn mình như vậy rồi cho mình như vậy, nghĩa người ta cho mình vào cái “group” hát nhạc tiền chiến. Tôi không có nhiều cơ hội để cải thiện nó, xuất phát điểm của tôi khác. Khi đậu cuộc thi Tiếng hát truyền hình mình mới suy nghĩ mình có nên đi làm ca sĩ hay không. Khi quyết định hướng đi làm ca sĩ thì mình mới đi học. Từ khi thi tiếng hát truyền hình cho đến khi mình tương đối chỉn chu, ổn định về cả âm thanh lẫn hình ảnh thì tôi cũng mất đến 4 đến 5 năm. Gọi là hát một cách đàng hoàng nhất thì cũng chỉ mới gần đây, khoảng chừng 2 năm đổ lại. Trong 4,5 năm đó tôi học là nhiều chứ chưa có những mưu cầu, khẳng định gì nhiều. Đương nhiên trong khoảng thời gian đó thì mình không có sản phẩm gì mới.
Tôi lại cho đó là… chậm.
Như đã nói với anh, khi “dây” vào chuyện này thì tôi đã không chuyên. Khi mình không chuyên, mình luôn muốn hợp tác với những nhạc sĩ, những nhà quản lý bởi họ chuyên nghiệp hơn mình thì sẽ nhìn nhận công việc đúng hơn tôi chứ. Còn tôi chỉ có thể nhìn nhận theo lối cảm tính thôi mà! Mà anh biết cả rồi đấy, cảm tính thì có thể đúng hoặc có thể sai. Thi Tiếng hát truyền hình xong tôi có một năm ở Cát Tiên Sa.
Lúc đó tôi cũng chẳng biết gì Cát Tiên Sa hay Nhạc xanh. Đại khái lúc đó có rất nhiều lời mời nên tôi cũng chẳng biết công ty nào ra công ty nào. Tôi chẳng có thông tin hay ghi nhận nào hết. Tôi chỉ biết chạy lên mạng “sợt sợt” (seach - PV) thấy cái này “bự” hơn thế là chạy vô. Làm ở Cát Tiên Sa được một năm thì tôi làm cho Gold Fish (Công ty Cá vàng - PV). Mình đi mưu cầu một ekip làm việc tốt nhưng mình không may mắn nên không được như vậy. Nó cũng hơi mới mẻ so với người ta, người ta cũng muốn làm, người ta có tâm nhưng lại không có hướng hiệu quả cho công việc.
Anh thấy mình được gì trong những năm tháng làm ‘‘gà” cho các công ty ấy?
Tôi cho là tôi được học đúng người. Cát Tiên Sa cho tôi học thầy Trần Hiếu, chính thầy là người thầy đầu tiên và cuối cùng của tôi. Tôi thấy cũng ổn định, tôi thấy mọi thứ đúng như bản thân mình, còn lại những kỹ năng khác như biểu diễn, thẩm mỹ… thì mình phải tự hoàn thiện bằng cách mò mẫm. Đúng ra mình sẽ nhanh hơn nếu gặp một ekip tốt hơn. Bây giờ tôi thấy mấy bạn thi Sao Mai hay Tiếng hát Truyền hình rất sung sướng, các bạn giờ đây không cần phải suy nghĩ bạn sẽ mặc thứ gì, hát làm sao đã có người kiểm định mình trước khi lên sân khấu. Tính ra như vậy là chuyên nghiệp, có nghĩa anh là ca sĩ thì anh chỉ việc đứng lên và hát thôi, còn lại anh không phải lo thứ gì. Dòng nhạc mà tôi đang theo đuổi không có quá nhiều ca sĩ. Phần dòng nhạc này cũng kén giọng, không phải ca sĩ nào cũng có thể hát được Trịnh, Phạm Duy… Cũng may mắn là như vậy và giờ đây mình gần như trở lại, mình khẳng định rằng mình đang hướng đến những cái mới. Tôi làm vì ấp ủ, đam mê nó chứ không mưu cầu gì nhiều. Album đầu tiên tôi làm sau khi tách ra công ty một năm. Cách đây một năm thì tôi đưa cho họ cái tốt nhất của tôi ở thời điểm đó còn bây giờ, tôi cho họ thấy cái tốt nhất của tôi sau một năm. Nó theo chiều hướng tốt dần lên.
| |
Và...“lều bều”
Làm ca sĩ mà không mưu cầu gì cho mình, anh cứ làm tôi như… học sinh tiểu học.
Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa mình không mưu cầu gì. Anh đi chơi cũng vậy thôi, anh cũng mong muốn mình là người giỏi nhất chứ. Trong dòng nhạc mà tôi chọn, trong “mớ” bài hát của mình, trong nguồn khán giả của mình, mình hát cũng như moi ruột moi gan ra. Bao nhiêu kinh nghiệm mình chắt lọc, học hỏi từ người này, người kia thì mình thả vào đây. Nó như một cuốn nhật ký về tư duy, suy nghĩ của mình, mình lưu lại trong này. Với người khác mình không biết thế nào nhưng bản thân tôi khi nghe một CD của mình cách đây 3 năm thì thấy rất thô và mộc. Nó còn non nớt lắm! Tôi chỉ hy vọng cái sau sẽ tốt hơn cái trước.
Nếu được nói về vị trí của mình hiện tại, anh sẽ dùng từ gì?
Thật ra nếu nói một câu cho đúng là tôi lều bều, không hẳn mình không được biết mà không hẳn là mình được biết. Mình được một nhóm biết nhưng cũng được rất nhiều người không biết. Trong giới, trong nghề cũng vậy.
Và anh chấp nhận để mình ở mãi cái vị trí như thế?
Chuyện đó cũng không “để” được mà anh. Mình có muốn khác hơn cũng không được. Công việc ca hát đến với mình như một cái duyên, mình đón nhận nó cũng như một cái duyên. Lẽ ra khi đến với một công việc mới anh phải biết mình có tố chất gì, hành trang gì để đi theo công việc mới này. Và khi người ta thấy mình không có cơ sở để tham gia vào công việc mới thì thông thường xác suất những người không chọn nó sẽ hơn 50%. Riêng tôi, tôi nhìn thấy mình chẳng liên quan gì đến cái này luôn nhưng tôi vẫn chọn. Mặc nhiên, tôi đánh giá bản thân mình một cách nghiêm túc rằng tôi là một thằng không chuyên nghiệp. Và tôi cần trang bị cho mình để hoàn thành cái tính chuyên nghiệp đó. Ngay cả lúc đó mình mưu cầu một ekip làm việc tốt nhưng nghĩ lại, nếu lúc đó mình có rơi vào tay của một bậc thầy của việc đào tạo, lăng xê thì cũng chưa chắc sẽ ra việc vì nội lực của mình khi ấy chưa có. Mình như một thằng được phát cho cây súng thật là lớn thôi. Giải thưởng đó là sự phấn đấu của rất nhiều người nhưng chỉ riêng mình biết, mình không có đạn. Vậy khi mình đạt giải thưởng thì chỉ mang tính “hù dọa” thôi nên đâu có “sát thương” được cho ai. Cho nên kiểu gì thì kiểu cũng phải tốn một quãng thời gian để mình… “nạp đạn”.
Nếu là anh, tôi chả dại đi theo lối trữ tình làm gì cho nhọc người. Tôi sẽ hát những thứ mà thị trường đang…sính.
Vấn đề tùy thuộc vào quan điểm, quan điểm lại phải dựa trên một nền tảng nào đó về mặt cuộc sống, văn hóa…Ví dụ như anh được đi học, được đào tạo ra tất cả mọi thứ thì để làm được một việc nào đó anh phải có tính toán, có cơ sở. Còn như anh đi ngang qua, thấy chợ vui quá thế là nhào vô, thấy buôn bán được thì buôn bán thì anh sẽ có quan điểm khác. Tôi được sinh ra vốn không để mưu cầu cho việc làm ca sĩ cho nên tôi nhìn nhận dưới góc độ khác. Trước khi làm ca sĩ, tôi là thằng nghe chứ không phải thằng hát. Khi còn là người nghe thì tôi cũng biết mình nghe cái gì và nghe như thế nào chứ. Khi mở mồm ra hát thì mình cũng vậy thôi. Nói xin lỗi, anh nghe cái gì thì nó cũng phản ánh tinh thần của anh tới đâu. Khi anh làm ca sĩ thì việc anh hát cái gì nó cũng phản ánh đôi chút văn hóa tinh thần của anh. Đúng không ạ! Nó có liên đới chứ không thể nào không có. Tỷ như chị Cẩm Vân mà bắt chị phải hát “Anh number one” thì làm sao chị hát? Khoan bàn về chuyện nó là nhạc sang hay nhạc không sang, mỗi dòng sẽ có mỗi “group” ca sĩ nên thôi mình không bàn về chuyện đó nhưng nền tảng của chị từ xưa đến giờ không cho phép chị hát những điều như thế. Đơn giản là vậy mặc dù chị có thể hát hay hơn những người trước đó đã từng hát bài đó chẳng hạn. Nói riêng ca sĩ như tôi và những người hát nhạc trữ tình thì khó nghĩ rằng đi làm ca sĩ là kèo thơm bởi khán giả của mình họ kinh khủng lắm! Anh chỉ cần hát nhầm lời thôi đã là chuyện lớn đối với họ rồi.
Tôi lại thấy anh thận trọng, cầu toàn quá mức cần thiết.
Nó không phải cầu toàn. Tôi bị và tôi thấy mà. Tôi là khán giả, tôi ngồi cùng với họ. Tôi nghe họ bảo cô này hát sai lời, sai ca từ cơ bản. Câu của người ta thế, nó là văn học, nó là thế này thế kia mà không hiểu lại đứng lên hát ong ỏng như thế. Lại có những người lên hát rất hay, mình thấy không có vấn đề nhưng họ bảo anh này hát gì như trả bài, không đầu tư cảm xúc gì cả. Thế tôi hỏi anh, anh có dám ẩu với những người này không. Tôi nghĩ khán giả khó tính trong dòng này nhiều.
Nói thật, trong bộ phận khán giả ấy cũng có những đánh giá mang tính làm dáng, kiểu trưởng giả học làm sang. Chứ nếu khán giả của dòng nhạc ấy khó tính thật thì đã chả tồn tại những giọng hát cỡ Quang Dũng…
Thực ra anh Dũng hát tốt mà.
Tốt ư!? Tốt chỗ nào cơ?
Không! Không! Cái tốt ở đây theo phạm vi mà tôi biết thì nó dính dáng đến nhiều vấn đề lắm! Dưới góc độ của người nghe thì họ cảm thấy anh Dũng tốt. Anh ấy hát cũng hay, mượt mà và truyền cảm. Dưới góc độ người nghe thì như thế còn có nghề hay không có nghề tính sau. Rồi “phom” của anh ấy trên sân khấu cũng tốt. Những bài của anh ấy cũng có giá trị và không cẩu thả trong những bài biểu diễn của mình. Đó là hình ảnh của anh Quang Dũng cách đây hơn một năm. Vậy thì tôi nghĩ mọi người đón nhận anh ấy cũng thấy “ok”, bản thân tôi cũng thấy hợp lý. Anh ấy cũng có sự trẻ trung mà không có những nghịch ngợm, quậy phá. Đại khái anh ấy cũng có nghiên cứu và chuẩn bị kỹ lưỡng. Đó là góc độ của người nghe. Còn với những người có nghề họ so sánh về thanh nhạc thì tôi không quan tâm. Tôi thích kiểu vầy nè, ông làm gì tôi không biết, ông hát có đúng thanh nhạc hay không tôi không cần biết. Tôi chỉ nhìn thấy khán giả đón nhận ông thế nào đó là hiệu quả cuối cùng. Người của nhạc viện ra hát không sai một nốt, một “tấc”, một “ly” nào cả nhưng họ không tìm được sự đồng cảm của khán giả thi đằng nào cũng phải bảo là ông không hiệu quả chứ biết sao bây giờ.
Ối giời! Khán giả lắm kiểu nhiều “style”, anh làm thế nào mà chiều lòng tất cả.
Vấn đề tôi nói không phải để lấy lòng tất cả khán giả. Âm nhạc có rất nhiều dòng, làm sao có thể lấy hết được khán giả. Làm sao bắt cái ông nghe rock chạy sang bên trữ tình mà nghe được. Tôi không có cái khái niệm đó. Anh mới nói về anh Dũng thì như tôi đã nói. Đó là những gì tôi nói về anh Dũng cách đây một năm đến hai năm. Không hiểu anh ấy nghĩ gì khi anh hát sang một số cái khác, anh ấy remix lung tung, kể cả hình thái, phong thái trên sân khấu thì anh ấy cũng không còn giữ như xưa nữa. Tôi là người đi sau, tôi thấy được chuyện người ta phàn nàn như thế nào. Việc đó lại làm cho tôi cẩn trọng hơn.
Thôi để tôi nói thẳng, sở dĩ sự nghiệp của anh ‘‘lều bều”, theo tôi nó nằm ở chỗ anh thiếu tí ảo tưởng, tí mơ màng về năng lực bản thân. Nói trắng ra, anh ‘‘khô” quá…
Yeah! Tôi biết là mình chậm. Tôi xin kể cho anh nghe chuyện thế này. Tôi cũng quen một số bạn ca sĩ trẻ, tôi cũng đi chơi với các bạn. Tôi thấy các bạn đi đâu cũng vác theo cây đàn để ngồi ở đâu đó thì sẽ đàn hát, nói chuyện về âm nhạc. Họ chẳng nói gì khác ngoài chủ đề đó. Mình mới bảo các bạn ấy rất có đam mê thì có một ai đó bảo nếu theo nghệ thuật mà không có đam mê thì không có gì cả. Mình giật mình tự nghĩ, nếu phong thái như thế này thì mới được gọi là đam mê thì “chết cha” rồi! Mình không có đam mê theo kiểu đó. (Cười). Mình vẫn phải tính toán, vẫn phải suy nghĩ, nói chung là tỉnh táo chứ không tự sướng kiểu như thế. Mình không biết mình đúng hay các bạn đúng nhưng tôi cho rằng nếu nói đúng nhất theo xu hướng hiện giờ thì âm nhạc cũng là một công việc để kinh doanh. Đừng nghĩ người ta không tính, người ta đã tính rất kỹ về ăn cái gì, mặc cái gì, hát cái gì. Vấn đề là có người “set up” hay họ tự làm thì tính sau. Tôi nghĩ đó là điều cần chứ không thể nói thấy nhạc gì đó đang “ăn” thì mình nghiêng về nó. Tôi chậm một phần do chủ quan. Mình chủ quan vì mình hiểu về dòng nhạc này. Nếu mình làm tốt và đàng hoàng thì đời sống của mình sẽ dài hơn, có thể đến 40 tuổi anh vẫn còn hát thoải mái, không vấn đề gì hết. Nếu anh chọn một dòng nhạc khác thì anh sẽ phải rất gấp, bởi anh có không quá năm đến mười năm để làm công việc đó. Còn với dòng nhạc mà tôi đang lựa chọn, có thể trong vòng năm năm anh lều bều nhưng có thể khẳng định mình thời điểm nào đó, hẳn nhiên để khẳng định mình anh phải nhờ những yếu tố khác nữa. Nếu thế thì anh vẫn có thể sống.
Tôi làm theo kiểu Đàm Vĩnh Hưng
Nghĩa là anh đang chờ thời?
Tôi đang chờ điều gì đó mà chưa biết tôi sẽ chờ điều gì.
Anh có vẻ lành tính nhỉ…
Tôi cũng đang muốn biết nếu muốn không lành tính thì mình sẽ phải làm sao. (Cười)
Tôi thấy ca sĩ hiện nay có hai loại, một là loại đáng tôn trọng còn hai là loại ngược lại. Ý là anh đang hướng mình đến loại đầu tiên?
Dạ! Đúng rồi. Tôi thiên về hình ảnh có điều gì đó cần mẫn chút xíu. Tôi nghĩ sự cần mẫn trong bất kỳ công việc gì thì cũng sẽ có kết quả nhất định nào đó. Kết quả mà tôi mong muốn là mình sẽ có một vị trí nào đó trong dòng nhạc mà mình theo đuổi.
Anh nói thế tôi tin thế nhưng nếu để trở thành ca sĩ được tôn trọng lại đi hát nhạc của Vũ Quốc Việt (Album Ngày cho em - PV) thì cũng khó mà được tôn trọng lắm đấy nhé. Bởi tôi nghe người ta bảo Vũ Quốc Việt là dạng nhạc sĩ thứ gì cũng ‘‘xơi”.
Anh Vũ Quốc Việt thì cái gì anh ấy cũng có. Anh cần chợ Bến Thành anh ấy cũng có, anh cần chợ Xóm Củi anh ấy cũng có, anh cần chợ huyện ảnh cũng có. Anh cần mấy thứ “đồ” liên quan đến nhạc viện, bác học anh ấy cũng có luôn. Vấn đề là anh quen với anh ấy, anh hiểu anh ấy thì anh sẽ khai thác được những cái mà anh cần. Thế thì tùy vào người làm việc với anh ấy.
Kiểu làm nhạc như thế thường chả có gì đến nơi đến chốn, Bến Thành chẳng ra, Xóm Củi chẳng tới, Nhạc viện thì cũng dở ương, dở phố dở ao chuồng…
Ở đây là kinh nghiệm của riêng bản thân tôi thôi. Tôi từng hát rất nhiều, khó có dễ có. Trở lại vấn đề về tính thương mại, mình làm điều gì đó, nhạc của ai, như thế nào, mức độ mới bao nhiêu, mức độ chuyên nghiệp bao nhiêu mình không quan tâm. Mình chỉ quan tâm sau khi mình ra đĩa xong thì người khác nghe, người khác sẽ thấy dễ chấp nhận, dễ thư giãn, không nhức đầu, không gây mệt. Họ cảm thấy rằng họ tương đối thoải mái. Mình “đề pa” mà, mình khoan cho họ điều gì đó mang tính định hướng mà chỉ cần phục vụ cho sở thích của họ. Họ bảo giờ không có thời gian để mà nghiền ngẫm ca từ như là cách đây hai chục năm nữa nhưng họ cũng không phải là người văn hóa kém đến mức anh có thể cho họ những thứ không phải văn hóa. Nghĩa anh phải làm cái ở giữa. Cái ở giữa thực ra cũng chẳng dở, cũng chẳng hay, chẳng đặc biệt phức tạp cũng chẳng đơn giản. Đó là cách để tôi làm quen với họ.
Quan điểm của tôi, làm nghề chuyên nghiệp là hướng khán giả đến với thứ của mình chứ không phải vắt giò chạy theo cổ xúy những thứ của khán giả.
Đó là lý do vì sao mà tôi ra album serial đấy! Cái khởi đầu sẽ là quen thuộc nhất. Bản thân những bài này nổi tiếng hơn tên của mình để mà họ phải mua đĩa. Album thứ hai, họ cũng biết đến anh Việt, biết đến tôi và họ sẽ chịu lắng nghe. Nếu chưa có cái thứ nhất chưa chắc họ chịu nghe cái thứ hai. Qua cái thứ ba, tôi sẽ mang tính định hướng rõ ràng hơn. Anh thấy ở đây, tôi cũng rất cẩn thận, cái mưu cầu định hướng cho người khác nghe vẫn có chứ không phải không. Nhưng tôi muốn từ từ như kiểu mưa dầm hơn. Tôi là người Đà Lạt mà, thiên về chuyện mưa dầm (Cười).
Theo quan sát của tôi, có một nam ca sĩ khá thành công mà con đường của anh ấy cũng gần giống như anh. Đó là Đức Tuấn.
Nếu để gọi là định hướng người nghe thì Đức Tuấn chỉ là đàn em của anh Dũng hay anh Đàm Vĩnh Hưng. Anh phải thấy Đàm Vĩnh Hưng là hiện tượng mà sự định hướng nó khủng khiếp thế nào. Vấn đề những ca sĩ này đều có một điểm chung, đó là họ đi từ những cái quen thuộc. Họ đi nhiều đến mức làm nhiều khác quen, sau đó họ mới bứt phá. Thậm chí họ hát cải lương người ta cũng chấp nhận như một định hướng mới. Trong kinh doanh có kiểu vầy, hôm nay anh làm ra cái này anh mang đi cho, ngày mai anh làm cái này lại mang đi cho, làm thêm cái nữa anh vẫn cho. Không mưu cầu gì về chuyện kinh tế hay lấy vốn ở đây hết. Anh ấy ra sản phẩm nhiều đến mức làm người ta thắc mắc ông này ra cái gì mà ra hoài. Ông cho cái gì đây. Họ bực quá rồi nghe chứ không phải thích mà nghe. Nghe xong thấy cũng được. Thế là lục lại những cái cũ hay nghe những cái mới. Và anh ấy thành công. Tôi cũng cho rằng mình đang làm một cách cũ xì, cũ mèm theo kiểu như anh ấy.
Anh đang theo kiểu của Đàm Vĩnh Hưng?
Tôi nghĩ anh Hưng giỏi. Tôi không biết ekip phục vụ cho anh ấy gồm những ai nhưng tôi cho rằng theo cá tính của anh ấy thì anh ấy tự hoạch định công việc của anh ấy. Anh ấy rất giỏi. Anh ấy giải quyết được về phần nhìn. Về phần nghe thì cũng phải khẳng định anh ấy rất thành công đối với khán giả. Tôi thấy anh Hưng là người rất giỏi.
Tôi lại thấy Đàm Vĩnh Hưng là một cái lẩu hoa diêm dúa và sặc sỡ...
Anh ấy là ca sĩ duy nhất, tôi thấy được rằng là ổng hát cái quái gì cũng được. Bây giờ anh đi thách anh Lam Trường, anh Quang Dũng hát thè lè như anh Hưng thì mấy anh ấy có hát được không? Nhạc trẻ hiện giờ cũng có, nhạc xưa cũng có, nhạc sến cũng có nhưng ổng hát nhạc gì cũng thực sự hợp với ổng chứ không phải ổng làm điều gì đó không liên quan tới ổng. Tôi nghĩ đây là điều cực kỳ đặc biệt đấy chứ không phải đơn giản đâu. Và cái cách anh ấy làm hài lòng tất cả mọi người. Đó là chuyện quan trọng. Và đó là cái mà tôi không bao giờ làm được.
Tôi thích vẻ đẹp của ông Trần Hiếu
Nhưng tôi nghĩ chắc anh chỉ làm PR theo kiểu của Đàm Vĩnh Hưng chứ đường hướng âm nhạc và hình ảnh của mình sẽ phải khác chứ.
Trước hết tôi muốn mình có sự trở lại một cách chính thức để khẳng định mình vẫn mòn mỏi theo đuổi dòng nhạc trữ tình này. Và cái trữ tình mà tôi hát sẽ có chút hiện đại trong đó. Đó là sự đồng cảm, hiểu biết của một con người trẻ đối với nhạc trữ tình nên tôi sẽ diễn tả nó theo một lối khác. Như nói về những bài buồn, ủy mị xưa giờ ai cũng hát theo kiểu mình là nhân vật chính. Bài hát buồn thì họ sẽ da diết, thổn thức, rên rỉ đến mức đó. Tôi không chọn cách đó, tôi chọn cách như một người kể chuyện thôi, như một người của ngày hôm nay kể lại câu chuyện của người hôm qua cho tất cả mọi người hiện giờ đang nghe. Cái cuối cùng mà tôi muốn hướng đến, xin nói thẳng với anh luôn là hình ảnh của một người đàn ông hát nhạc tình hiện giờ không có nhiều, tôi muốn mình là người khi nhìn vào là thấy ngay rằng đó là người đàn ông hát chứ không phải một người phi giới tính gì đó… Đơn giản như vậy thôi!
Anh gan thật đấy! Nói thế chả khác anh đang mỉa mai ca sĩ ở ta hiện giờ không có hay hiếm hoặc chỉ na ná… đàn ông?
Anh hỏi thế là hỏi khó tôi rồi! Bây giờ tôi bảo đúng cũng không được mà bảo không cũng không được. Vấn đề này là vấn đề tôi nghĩ chúng ta nên tự nghĩ với nhau và không cần phải mổ xẻ làm gì. Những gì tôi nói ở trên chỉ thuần túy là hình ảnh mà tôi mong muốn.
Khổ là tôi hơi lắm chuyện nên lại thích mổ xẻ, nhất là với những chuyện rất ‘‘âm nhạc” thế này.
(Cười lớn) Tôi thích nghe một giọng hát Nam, nó phải thuần Nam. Một giọng hát phải có độ nặng, độ dày của nó, nó phải có điều gì đó có uy lực trong đó. Nó phải to lớn, rõ ràng, mạch lạc. Đó là phần nghe, khi nghe mình đã biết giọng hát đó phát ra từ một người đàn ông. Cũng như vẻ đẹp của đàn ông mà tôi thích thì phải to lớn, xù xì.
Kiểu như anh chứ gì?
Dạ! Kiểu như thế! Tôi nói thật, tôi thích vẻ đẹp của ông Trần Hiếu, nhìn nó cục cục nhưng nó có màu sắc của thời gian. Hay như nhạc sĩ Trần Tiến. Tôi không thích những vẻ đẹp kiểu hoàng tử, công chúa gì đó. Nó mướt mát quá, dễ vỡ quá, trong trẻo quá. Nó không có bụi đời, bụi trần, nó không có “con khỉ” gì ở trong đó hết. Là một người đàn ông mà không có sự trải nghiệm thì không phải là mẫu người tôi chọn. Từ cái quan điểm đó, tôi thấy mẫu “đàn ông” mà tôi thích trong làng ca nhạc không có. Trời ơi! Tất cả mọi người đều bóng bẩy, mướt mát, thậm chí là hơn cả các chị em phụ nữ nữa. Kể cả âm thanh mà họ phát ra cũng thế, nó không có điều gì đồng quan điểm với tôi hết. Tôi thích những người đàn ông chững chạc, sự chững chạc được tôi luyện qua cuộc sống, qua thời gian, kinh nghiệm để họ có được những cái xù xì. Những sự va chạm luôn luôn gây ra những mẻ vỡ, xù xì. Tôi nói với anh rồi, những bài hát mà tôi chọn đều là những trải nghiệm rất chi là đàn ông của nhiều nhạc sĩ khác nhau. Họ đưa ra những trải nhiệm, những suy ngẫm của họ đầy nam tính như thế mà anh lại đi làm một người đàn ông sướt mướt ở trong đó thì chẳng phân biệt được đâu là vai chính, đâu là vai phụ, đâu là kể về phụ nữ, đâu là kể về nỗi khổ của đàn ông. Nó phải rõ ràng, trắng và đen, chứ không có chuyện màu nâu, xám…(Cười)
Anh thử nói cụ thể về dăm ba trường hợp ‘‘nâu, xám” cho tôi nghe xem…
Thì ví dụ như Cao Thái Sơn này nọ kia. Thực ra hát cũng tốt, không vấn đề gì nhưng style giọng không phải của tôi nên tôi không nghe. Tôi thích bác Tuấn Ngọc hơn. Ông ấy hát không cần xem hình thì mình vẫn biết đó là người đàn ông hát. Hay như Nathan Lee, khoan bàn ông ấy có vấn đề gì hay không nhưng nghe giọng ông ấy tôi thích. “Tay” đó có giọng của một người đàn ông, trầm, dày đâu ra đó rõ ràng. Thích không phải vì bản chất của họ là gì mà là thích trong âm nhạc, họ biểu hiện ra như thế.
Nói đi vẫn phải nói lại, phàm nghệ thuật thường thiên về sự âm tính. Âm nhạc cũng thế! Anh thấy cả đấy, lên sân khấu thì phải đính thêm tý lông, tý hạt, tý xanh đỏ tím vàng thì nó mới dễ dàng bắt sáng! Chứ cứ đơn giản, cứng đờ như anh, thì…
Đúng rồi! Tôi bị cái đó nặng lắm luôn. Đến mức lên sân khấu mình chẳng biết mình sẽ làm những gì trên đó.
Anh nói về hình ảnh của một người đàn ông hát làm tôi nhớ đến Y Moan hay Bryan Adams. Nếu muốn ra hẳn chất đàn ông anh phải mạnh mẽ hẳn như những người ấy chứ tôi vẫn thấy ở anh còn phảng phất hơi hướng trữ tình.
À! Đúng rôi! Anh Y Moan đúng là kiểu văn hóa mà tôi và anh cùng đề cập. Người như anh Y Moan sẽ không “care” những chuyện như thế đâu. Tôi chơi với các bạn bằng trái tim và con người. Chấm hết. Còn tôi đứng đâu, xa hay gần, nhiều đèn hay ít đèn chỉ là xa về không gian thôi chứ không nói lên được điều gì nữa cả. Đó cũng là điều mà tôi hướng đến. Nếu làm thì tôi sẽ làm theo kiểu đấy chứ không thể nào “nhớt” được.
Tôi muốn biết về cuộc sống của anh…
Nghĩ tới nghĩ lui mình cũng kém may mắn. Đại khái tôi cũng có một số việc kinh doanh, tôi làm riêng cũng có hay hùn hạp với bạn bè cũng có. Như tôi cũng phụ trách với một số người bạn làm vườn lan. Rồi tôi cũng có triển khai một số công việc trên Đà Lạt. Mình chỉ mong công việc chính của mình là ca hát sẽ có những tiến triển tốt hơn. Mọi việc thấy cũng ổn, không có vấn đề gì.
Nói chuyện với anh, tôi có cảm giác anh ‘‘tồ tồ” thế nào ấy nhỉ!?
Không phải đâu anh! Thật ra tôi “khôn” đấy. Người ta bảo tham vọng nhiều thì thất vọng nhiều, tham vọng ít thất vọng ít, không có tham vọng sẽ không có thất vọng. (Cười sảng khoái).
Cám ơn anh!
Theo Hà Cao
Thể thao TP.HCM
"Chưa bao giờ tôi thấy thị trường nghệ thuật nói chung và người mẫu ở Việt Nam nói riêng lại loạn và xuống cấp thế này. "Siêu mẫu" ở Việt Nam nhiều hơn người mẫu thường rất nhiều, có cảm giác ra đường là gặp "siêu mẫu".
Những khoảnh khắc của mùa xuân thật tuyệt vời! Đó có thể là những khoảnh khắc không bao giờ quên. Để giúp bạn lưu giữ và chia sẻ những khoảnh khắc xuân tuyệt vời ấy, Tintuconline.com.vn tổ chức cuộc thi ảnh "Khoảnh khắc Xuân của bạn".
Trưa 16-1, nghệ sĩ cải lương-nghệ sĩ hài nổi tiếng Kim Ngọc - bà Tư xả láng đã đột ngột ra đi sau một cơn đột quỵ tại buổi tiệc ở Long Thành, Đồng Nai. Tin bà mất khiến đồng nghiệp và khán giả bàng hoàng thương tiếc…
Năm qua hai cuộc thi hoa hậu lớn nhất nước được nhiều người quan tâm, nhưng kéo theo đó là những thị phi gây xôn xao dư luận. Hai Tân hoa hậu Ngọc Hân, Diễm Hương vấp phải ‘bão táp’ chỉ trích vì nhan sắc, học thức... Trong khi đó, Nguyễn Thu Thủy lại dính vào rắc rối từ những phát ngôn gây sốc trên mạng xã hội.
Sau khi ly hôn chỉ hơn một tháng, Đan Lê, nguyên MC một thời của chương trình Dự báo thời tiết - VTV lại chuẩn bị lấy chồng. Tên tuổi chú rể, một lần nữa, vẫn được giữ kín.
Đây là hình ảnh nữ diễn viên điện ảnh Thu Hà, được nhiếp ảnh gia Đoàn Minh Tuấn chụp năm 1994. Là một trong số ít diễn viên Hà Nội tham gia vào dòng phim thương mại của TP HCM đầu những năm 90, Thu Hà khi ấy được xem là một trong những tên tuổi hàng đầu, bảo chứng cho phòng vé của các rạp chiếu phim cùng với hai gương mặt khả ái khác là Diễm Hương và Việt Trinh.
Xuất hiện trong một chương trình ca nhạc tại nhà thi đấu Khánh Hòa tối 31/10, ca sĩ Minh Hằng đã khiến nhiều người bất ngờ với tạo hình mới đầy gợi cảm.
Mời quý vị nghe lời tâm sự của Mai Quốc Việt - chàng trai vừa gây xôn xao cộng đồng mạng bằng clip nhại giọng 13 ca sĩ nổi tiếng, trưởng nhóm It"s Time.