Sinh viên lên tiếng về kỹ nghệ "đi thầy"
(Phunutoday)-Ăn nhau là dịp cuối kỳ này, mà khôn ngoan hơn thì nên đi lúc thầy cô chưa chốt danh sách điểm danh, chứ đợi thầy chốt rồi có khi số tiền đi phải tăng lên gấp đôi thì mới đủ điều kiện dự thi lẫn được điểm cao.
Vụ học sinh tố thầy giáo ăn tiền ở Khoa luật Trường ĐHQG vẫn chưa có hồi kết, và chuyện "đi thầy" vẫn nóng hổi trong dư luận, đặc biệt trong giới sinh viên. Rất nhiều sinh viên cho rằng việc "đi thầy" đã là luật bất thành văn, là chuyện không có gì mới lạ, việc gì phải làm om sòm lên thế? Cứ như chỉ có mỗi PGS-TS Nguyễn Văn Diến, Trưởng bộ môn Luật quốc tế của Trường ĐHQGHN ăn tiền học sinh không bằng!
sinh viên đi tìm tài liệu trong mùa thi |
"Mày biết nhà thầy rồi chứ?"
Kỳ thi cuối kỳ luôn là kỳ thi quyết định tới kết quả học tập của sinh viên, vì nó chiếm tới 60% số điểm của một môn học. Đây là dịp sinh viên phải lăn ra mà “cày” mới mong có được kết quả tốt, hoặc là không phải thi lại, học lại. Chính thời điểm này, sinh viên lại rôm rả bàn nhau chuyện “đi thầy”. Quen thuộc đến mức “biết nhà thầy rồi chứ?”, “ai về nhóm nấy nhé...” và “cứ như kỳ trước mà đi nhé..."
Nguyễn Văn Hùng, sinh viên năm 4, khoa Máy động lực, Trường ĐH Giao thông vận tải, sẵn lòng nói ngay kinh nghiệm "đi thầy" như một chuyện quá đỗi bình thường: “Đi tiền thì tất nhiên là đi vào dịp thi cuối kỳ rồi, giữa kỳ chỉ chiếm 30% tổng điểm thì đi làm gì cho tốn kém? Ăn nhau là dịp cuối kỳ này, mà khôn ngoan hơn thì nên đi lúc thầy cô chưa chốt danh sách điểm danh, chứ đợi thầy chốt rồi có khi số tiền đi phải tăng lên gấp đôi thì mới đủ điều kiện dự thi lẫn được điểm cao. Mà cái này cũng chỉ áp dụng được với thầy hiền, chứ những thầy khó tính và nổi tiếng "ác" với sinh viên thì đi gộp như thế cũng không khả quan lắm”.
Thường thì ở các môn chuyên nghành, chuyện “đi thầy” ít xảy ra hơn đối với các môn cơ sở. Lí do mà Lê Anh Tú (sinh viên năm thứ 3, Khoa xây dựng, Trường ĐH Kiến Trúc HN) đưa ra là: “Vì môn chuyên nghành hầu hết các thầy cô đi làm ngoài nhiều tiền lắm nên không mấy khi nhận tiền của sinh viên. Bọn tớ chỉ mất nhiều tiền cho những môn cơ sở như Triết, Tiếng Anh… thôi. Vì thế nên trường tớ đa số là năm nhất và năm 2 mới phải đi nhiều, chứ sang năm 3 thì cũng ít, mỗi kì chỉ đi 1, 2 môn gì đó thôi”.
Trần Trung Danh ( sinh viên năm 2, Khoa tài chính doanh nghiệp, Học viện tài chính) còn nói chi tiết hơn: : “ Hầu hết chỉ có học sinh trung bình và khá mới đi thầy, còn giỏi thì không phải đi. Giá cho một lần cả lớp đi thầy là 2 triệu, ai cảm thấy không tự tin qua môn đó thì lại đi riêng, một tín chỉ là 150k, một môn 3 tín chỉ tầm 400-500k”.
Quách Ngọc Lan ( sinh viên năm 4, Khoa hóa, ĐH Sư phạm Hà Nội) : “ nghe các anh chị khóa trên nói phải đi thầy này nếu không đi ông cho tạch luôn. Có môn mình đi thầy hai lần nhưng vẫn bị trượt. Hai ba người chung nhau đi phong bì tầm 1 triệu, tiền nhiều thì điểm cao tầm 8, 9; tiền ít thì có tiền đổ xuống sông bể hết.”
Dốt, lười “đi”, khá, giỏi cũng phải “đi”
Nếu ai thắc mắc tại sao các bạn sinh viên lại coi chuyện “đi thầy” là bình thường, là vui như đi hội, thì lý do chính là đây: “Môn Cơ môi trường vừa rồi của bọn tớ có một số đứa học khá nên là không đi, nên là điểm hết môn chỉ được 5, 6, trong khi những đứa có sức học yếu hoặc trung bình nhưng có “đi thầy” thì được điểm 7, 8”, Lê Anh Tú (sinh viên năm thứ 3, Khoa xây dựng, Trường ĐH Kiến Trúc HN).
Thành phần tham gia “đi thầy” tất nhiên cũng phong phú và có lắm chuyện để bàn. Bao đủ cả từ dốt, lười cho đến khá giỏi và chăm ngoan.
Những sinh viên yếu kém, lười học, nợ môn, thi lại… hoặc vô tình có tên trong danh sách không được thi của thầy tất nhiên là đối tượng chính của việc “đi thầy”, nhóm này miễn bàn. Tiếp đến là những sinh viên thích điểm cao, bằng đẹp để vào hồ sơ xin việc. Tiếp nữa là những sinh viên tuy có sức học khá giỏi, nhưng lại không vượt qua được tâm lý lo âu, sợ hãi khi “cả lớp đứa nào cũng đi, mình không đi không yên tâm chút nào cả”, hay “mình không đi có khi bị thầy trù mất”... thôi thì đổi vài trăm ngàn để lấy sự tự tin và yên tâm cũng được.
Kỹ nghệ “đi thầy”
Đi thầy cũng phải có nghệ thuật. Không phải cứ đến có tiền là thầy nhận mà phải thật khéo léo, phải đến chơi và quan tâm đến gia đình thầy. Nếu không biết cách đi thì chẳng những thầy không nhận tiền giúp đỡ mà còn đánh trượt. Chia sẻ về kinh nghiệm đi thầy, Ngô Công (sinh viên năm 4, Khoa Công nghệ thông tin, Đại học bách khoa) cho biết : “cách tốt nhất để thầy cho biết đề thi là mai thi thì tối nay đến nhà thầy, mua ít quà và chuẩn bị sẵn phong bì. Chỉ đến từ 2 đến 3 người và phải hẹn nhau với lớp khác để tránh đụng hàng. Đến xin khéo, phải than với thầy là đề khó để thầy giới hạn cho”.
Với giá cả để đi thầy thì phải nắm bắt thông tin từ anh chị khóa trên, bởi họ có nhiêu kinh nghiệm đi thầy, sinh viên trung bình đi tầm 400-500k/một người, yếu kém tầm 600-700k, còn ai học giỏi, khá có điều kiện thì đi để thầy nâng điểm cao. Tuy nhiên cũng tùy vào tình cảm thầy cô dành cho sinh viên, có bạn thầy quý thì điểm vẫn cao, bạn nào thầy “ thù oán” thì trượt lên trượt xuống, đi thầy vẫn nhận tiền mà điểm thấp vẫn cứ thấp.
Trần Anh, sinh viên năm thứ 3 Học viện Bưu chính Viễn thông, còn thận trọng đến mức: Không phải thầy nào cũng nhận tiền của sinh viên nên phải hỏi các bậc “ tiền bối” để biết thầy nào nên đi thầy nào không. Vì có trường hợp đi thầy chẳng những thầy không nhận mà còn bị thấy trách mắng và cho trượt môn. Tuy nhiên có trường hợp đi thầy nhưng vẫn phải thi lại vì số tiền quá ít.
- Ngọc Điệp- Kiều Linh