Chuyện tình của người nổi tiếng Lê Thị Xuyên
(Phunutoday) - Ngày ấy, chúng tôi còn trẻ lắm. Cơ quan Trung ương Hội Phụ nữ và báo Phụ nữ Việt Nam ở sâu trong rừng Việt Bắc. Mấy chị em: Nguyệt Tú, Tâm Trung, Bích Thuận sống với nhau trong nhà sàn của đồng bào. Chiều mùa đông tím sẫm, lạnh và buồn. Tiếng suối róc rách lẫn với tiếng cối giã gạo “tực tực” đều đều.
Năm 1947, chị Lê Thị Xuyến về làm Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ đồng thời chủ nhiệm báo Phụ Nữ. Chị sống cùng chúng tôi. Tôi kém chị Xuyến mười tám tuổi, cách nhau cả một thế hệ nhưng tôi thấy chị thật gần gũi. Chị có dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, khuôn mặt trái xoan xinh đẹp với cặp mắt đen rất hiền. Chị có một thời nữ sinh Đồng Khánh Huế. Chị lại là bà Phan Thanh nổi tiếng Hà Nội. Hồi ấy, hầu hết chúng tôi đang ở lứa tuổi 20, lứa tuổi của tình yêu. Chúng tôi rất hay tò mò hỏi chuyện tình yêu của chị.
Nhà anh Phan Thanh ở làng Bảo An, huyện Điện Bàn, cách Thạch Bộ non mười cây số. Cha anh có tiệm thuốc bắc ở chợ làng Thạch Bộ. Anh Phan Thanh học trường Quốc học Huế. Dịp nghỉ hè, anh Thanh thường về sống với cha ở tiệm thuốc. Nhà nghèo, anh Phan Thanh tranh thủ đi dạy thêm vào dịp hè. Anh dạy các con chú bác chị Xuyến. Nhà chị Xuyến ở làng Thạch Bộ, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Chị Xuyến mồ côi cha, sống với bà nội và chú thím. Chị Xuyến học ở trường Đồng Khánh Huế khóa 1924 - 1928.
Trong những buổi dạy học, anh Thanh để ý cô nữ sinh Đồng Khánh nhỏ nhắn dịu dàng. Ra trường, anh đi dạy học ở miền thượng du Thanh Hóa. Anh nhờ gia đình đến dạm hỏi chị Xuyến. Gia đình chị Xuyến khá giả, biết gia đình anh Thanh nghèo nhưng vẫn nhận lời.
Sau một năm dạy học, anh Phan Thanh bị nhà cầm quyền Pháp cách chức theo lệnh của khâm sứ Trung Kỳ. Nghe tin này, gia đình chị Xuyến muốn hủy bỏ cuộc hôn nhân để tìm người khác. Chị Lê Thị Xuyến không nghe theo gia đình. Chị khóc, bỏ ăn, không chịu từ hôn.
Anh Phan Khôi, anh em con chú, con bác ruột với anh Phan Thanh biết chuyện, đến đặt vấn đề trực tiếp với chị Xuyến. Anh Khôi và chị Xuyến nói chuyện bằng tiếng Pháp. Cuối cùng, anh đề nghị chị nói cho một tiếng :
- Oui ou non? (đồng ý hay không)
- Oui (đồng ý) - Chị Xuyến trả lời.
Sau khi nhận được câu trả lời của chị Xuyến, anh Phan Khôi thuyết phục thím chị Xuyến. Cuối cùng, gia đình chị Xuyến đồng ý.
Lễ thành hôn được tổ chức năm 1928. Tốt nghiệp thành chung, chị Xuyến được giữ lại dạy học ở trường Đồng Khánh Huế. Năm 1932, chị sinh con trai lớn, Phan Vịnh, tại Huế.
Sau này, chị Xuyến tâm sự với cháu Phan Thị Miều, con anh Phan Khôi:
- Tuy thím học ở Huế nhưng nhát lắm. Chú Phan Thanh đến dạy học cho các cháu trong nhà. Thím đứng ở nhà ngang – nhà ngang cách nhà trên xa - nhìn lên loáng thóang thấy bóng dáng chú chứ không dám đến gần nói chuyện. Nhưng thím nghĩ, khi người ta không may bị mất việc, mình lại từ hôn thì trái với đạo lý làm người. Như vậy thật nhẫn tâm. Thím không làm theo lời chú bác, tự mình quyết định việc hôn nhân. Chú bác muốn từ hôn vì sợ cháu mình vất vả do chồng không có việc làm ổn định, chứ không phải chê nghèo.
Sau khi cưới, chị Xuyến về nhà anh Phan Thanh ở thôn Bảo An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Thôn Bảo An ít làm ruộng, nghề phổ biến là dệt vải, trồng dâu nuôi tằm. Đường làng sạch sẽ kẻ theo ô bàn cờ, hai bên đều có hàng rào tre chụm ngọn thành vòm cây xanh rất mát mẻ. Gia đình ông bà Biện, bố mẹ anh Phan Thanh sống rất thanh bạch trong ngôi nhà tranh có vườn bao quanh.
Từ lúc anh Phan Thanh sinh ra, khu vườn nhỏ chỉ trồng chuối, mít, cau, bưởi, chanh. Hoa lợi từ khu vườn chỉ đủ sống tằn tiện. Sau khi cha anh Phan Thanh mất, cảnh nhà rất vắng vẻ. Mấy anh em anh Phan Thanh đều đi hoạt động cách mạng. Anh Phan Nhụy, anh Phan Bôi (Hòang Hữu Nam), anh Phan Tháo bị bắt, bị tù nhiều lần.
Anh Phan Thanh và chị Lê Thị Xuyến dạy học ở Hà Nội. Ở nhà chỉ còn bà mẹ. Mẹ anh Phan Thanh xuất thân từ một gia đình nhà nho nền nếp. Bà là chị ruột ông Lê Dư (bố nhà thơ Hằng Phương). Bà hiền lành, điềm đạm, được mọi người quý mến. Bà coi chị Xuyến như con gái. Chị cũng yêu quý bà như mẹ đẻ.
Thời gian ở Hà Nội, anh Thanh dạy học ở trường Thăng Long, chị Xuyến dạy trường Hòai Đức. Hai người sống hạnh phúc ở số nhà 165A đường Henri d’ Orléans (nay là đường Phùng Hưng), Hà Nội. Đây cũng là trụ sở hoạt động cách mạng. Con trai út của anh chị, Phan Diễn, ra đời ở ngôi nhà này.
Những năm 1936, 1939, chị Lê Thị Xuyến đã giúp đỡ anh Phan Thanh nhiều trong phong trào Mặt trận bình dân. Thời gian này, anh Phan Thanh cùng với các đồng chí Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp vận động thành lập Hội truyền bá Quốc ngữ. Anh Phan Thanh làm Tổng thư ký. Trường Thăng Long ở Ngõ Trạm cùng với trụ sở Hội Trí tri ở phố Hàng Quạt là những nơi đầu tiên tổ chức nhiều lớp học truyền bá Quốc Ngữ. Anh Phan Thanh được ứng cử vào Viện dân biểu Trung kỳ.
Thời gian ấy, anh Lê Văn Hiến và chị Thái Thị Bôi, vợ anh, hoạt động bí mật ở Quảng Nam Đà Nẵng. Hai cặp Phan Thanh, Lê Thị Xuyến và Lê Văn Hiến, Thái Thị Bôi có mối quan hệ tình cảm quê hương, tình đồng chí. Anh Hiến, chị Bôi thường xuyên cung cấp tin tức những phong trào đấu tranh của quần chúng cho anh Phan Thanh. Anh Phan Thanh hoạt động công khai, đấu tranh nghị trường ở Hà Nội. Anh là đại biểu xuất sắc của Mặt trận dân chủ Đông Dương trong Viện Dân biểu. Anh còn trúng cử hội viên Hội đồng thành phố Hà Nội.
Ngày 1 tháng 5 năm 1939, anh Phan Thanh mất ở tuổi 31 sau mấy ngày ốm nặng. Đám tang anh Phan Thanh trở thành cuộc biểu dương lực lượng quần chúng đấu tranh đòi quyền tự do dân chủ. Chị Xuyến mới 30 tuổi, một mình nuôi hai con trai nhỏ. Chị bắt đầu trực tiếp tham gia hoạt động cách mạng.
Sau ngày Nhật đảo chính năm 1945, trường Thăng Long tạm đóng cửa. Chị đưa hai con về quê Bảo An ở Quảng Nam. Đồng thời, chị nhận tài liệu Việt Minh đem về Trung Kỳ chuẩn bị Tổng khởi nghĩa. Đường sắt Đông Dương bị phá từng quãng dài. Con đường từ Hà Nội đến Quảng Nam phải đi bộ nhiều đoạn. Đường đi rất vất vả nhưng hai con thấy mẹ luôn tươi cười, vui vẻ động viên các con và những người cùng đi.
Về làng Bảo An, chị tham gia tích cực chuẩn bị khởi nghĩa. Cách mạng thành công, chị được mời ra Huế làm ủy viên cứu tế xã hội của Uỷ ban hành chính Trung Bộ. Chị Xuyến gửi con lại quê chồng. Sau đó chị ra Bắc làm việc sau khi trúng cử vào Quốc Hội khóa I.
***
Một ngày đầu tháng 3 năm 1946, sau chuyến đi công tác ở Nam Bộ về đến Hà Nội, anh Lê Văn Hiến bị một cơn sốt rét. Anh nằm li bì trong căn phòng vắng. Buổi trưa hôm ấy, trong lúc mơ màng, anh nghe tiếng gõ cửa. Cánh cửa mở, một người phụ nữ nhanh nhẹn, xinh xắn, tiến vào phòng. Anh gượng ngồi dậy. Người phụ nữ ấy khoát tay bảo anh cứ nằm và nhìn anh đầy thương cảm. Anh nhớ mãi đôi mắt nhìn yêu đương ấy.
Trong ba ngày anh ốm, người phụ nữ đều đến thăm anh và cùng anh ăn một bữa cơm thân mật. Rồi từ giờ phút ấy, lòng anh đối với người ấy đã nặng tình. Người phụ nữ ấy là chị Lê Thị Xuyến, người bạn thân thiết của gia đình anh.
Vào cuối những năm 30, nhiều chuyện đau buồn đã lần lượt xảy đến với hai gia đình: chị Thái Thị Bôi hy sinh, anh Phan Thanh mất. Anh Lê Văn Hiến và chị Lê Thị Xuyến vẫn giữ tình bạn, tình đồng chí. Tình cảm ấy ngày càng khăng khít. Hồi ấy, có tin đồn anh Hiến, chị Xuyến hứa hôn.
Chị Lê Thị Xuyên, Chủ tịch đầu tiên của Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam |
Anh Hiến làm Bộ trưởng Bộ Tài chính trong Chính phủ cách mạng lâm thời năm 1946. Chị Xuyến là Ủy viên Cứu tế xã hội và trúng cử Quốc Hội khóa I, ra Hà Nội làm việc. Chị Xuyến vẫn được người ta gọi là bà Phan Thanh. Các con chị thường xuyên đến nhà anh Hiến chơi. Mối tình của hai người thật đẹp. Tưởng chừng sự hàn gắn được suôn sẻ. Nào ngờ…
Ngày 26 tháng 7 năm 1947, Hội đồng chính phủ họp ở đình Hồng Thái. Lúc chưa họp, Hồ Chủ Tịch gọi anh Hiến ra. Bác hỏi về vấn đề vợ con và định giới thiệu cho anh một người. Anh Hiến ngơ ngẩn không biết trả lời ra sao. Bác vô tình đẩy anh vào tình huống khó xử. Anh đành xin Bác cho anh vài giờ để suy nghĩ. Gần tối, sau hai cuộc họp Hội đồng. Anh phải nói thật với Bác là đã hứa hẹn với một người rồi.
- Ý định ấy đã có từ lâu. Nay xảy ra cuộc kháng chiến toàn quốc, đành tạm gác việc riêng mà lo việc chung. Người ấy là chị Lê Thị Xuyến tức là bà … Chị Xuyến có hai con, tôi có một con. Chúng tôi đã hẹn với nhau lúc nào thuận tiện se kết hợp hai gia đình làm một
Nghe anh Hiến trả lời, Bác rất ngạc nhiên. Bác nói:
- Dân ta đang còn đầu óc phong kíên, tôi e cả hai đều mang tiếng chú nghĩ lại xem.
Anh Hiến nói:
- Nếu cụ có ý như vậy, chúng tôi xin để bàn lại với nhau. Nếu sự hứa hẹn của chúng tôi không thành, xin cụ cứ cho phép tôi tạm gác việc quan hệ đời riêng của tôi về sau. Hiện nay, tôi thật tình không thể quyết định một cách gì khác.
Anh Hiến bị sốc. Anh như người say thuốc, ngồi xỉu một chỗ, không nói gì. Trên đường về nhà, anh cưỡi ngựa, thả dây cương, mặc ngựa đưa anh đi. Đêm hôm ấy, anh Hiến thao thức suốt đêm.
Sau đó là một chuỗi ngày nhớ thương khắc khỏai, lo lắng. Anh Lê Văn Hiến ghi trong Nhật ký :
27/3/48.
Về chiều, dựa lan can, ngồi nhìn mây núi, nghĩ vẩn vơ đâu đâu. Yêu... nhớ… rồi trong lòng cảm thấy bàng hòang thổn thức. Ừ nhỉ ! Giá mà gần gần một chút thì cũng có thể đến thăm nhưng lại xa đến hai, ba ngày đường.
1/4/48.
Đêm tối như mực. Bầy đom đóm bay đầy cả cánh đồng và hai bên sườn núi. Tiếng ếch nhái kêu inh ỏi xung quanh nhà. Một mình ngồi với ngọn đèn con. Trong lúc thanh vắng này, giá có X. cùng ngồi bàn luận việc đời việc nước thì còn gì thú bằng. Những đêm ở cạnh rừng, đèn đuốc không đủ sáng để xem sách, một mình ngồi nhìn ra cánh đồng thấy cô quạnh lạ. Tại sao mình lại thiếu sự may mắn thế nhỉ ? Thật cũng là một sự hy sinh khá lớn của chúng mình.
18/4/48.
Hội nghị cán bộ miền Bắc.
X cũng đến cùng hôm nay. Gặp nhau nhưng không gần nhau được, kể thật phiền. Thỉnh thoảng nhìn một thóang qua rồi khuây lãng qua chỗ khác.
20/4/48.
Chiều hôm nay ngòai cuộc hội nghị, có cử hành lễ thành hôn của Việt Châu và Diệu Hồng. Lần thứ hai trong năm nay mình dự lễ cưới của đồng chí. Lần thứ nhất của Tường, lần này của Châu. Mỗi lần thấy sự vui sướng của anh em, mình khó lòng không liên tưởng đên việc riêng mình. Dự lễ hôm nay lại có mặt cả X nữa, niềm riêng mình cũng cảm thấy bâng khuâng. Không biết X có như mình không.
Hơn một năm sau, nguyện vọng của hai người được chấp thuận. Anh Hiến ghi lại ngày đáng nhớ ấy trong nhật ký:
6/5/48
Về đến nhà, gặp anh Cả (Nguyễn Lương Bằng) đã chờ sẵn. Anh chờ ở đây đã 5,6 hôm. Anh Cả vừa cười vừa khoe sẽ báo hỷ tín. Bác đã chuẩn y cho mình lập gia đình với Xuyến. Theo lời kể của anh Cả, các anh dùng kế đánh vào tình cảm của Bác. Bác cầm lòng không nỡ, dồng ý cho mình thành lập gia đình. Nhưng Bác vẫn dặn đi dặn lại phải thận trọng, khéo léo. Bác thật là thánh sống của chúng mình. Một tin không ngờ. Mình vừa vui mừng vừa cảm động. Đêm nay muốn viết thư tin cho X biết ngay nhưng nghĩ lại nên tạm chờ vài hôm. Công việc rảnh rang, mình viết cũng không muộn.
Ngày 30/6/48. Ở ATK
Đang ăn cơm trưa X đến. Không khí trong nhà như thay đổi hẳn, sáng và vui... Ngồi tựa ghế lan can, mặc dầu trong đêm tối, mình vẫn thấy trời trong và sáng, cảnh êm dịu làm sao. Đã bao nhiêu buổi chiều, ngồi một mình trên ghế này, tựa lan can mơ màng tơ tưởng. Hôm nay thì khác hẳn. Trước mắt chỉ có một người, một người có mãnh lực thay thế mọi cảnh vật, một vũ trụ.
Anh Hiến viết thư về Quảng Nam báo cho gia đình biết việc riêng của anh và chị Xuyến:
“19/10/48
…Còn một việc này xin nói để các anh chị và tất cả các cháu ở nhà biết. Tôi định tái lập gia đình với chị Lê Thị Xuyến, người Quảng Nam, tức là chị Phan Thanh trước. Chắc các anh chị và các cháu cũng dự đóan rồi, nên tin này về nhà cũng không đột ngột lắm. Sự tái lập gia đình này, chúng tôi ước định đã lâu. Nhưng vì e ngại thành kiến của xã hội hẹp hòi với vấn đề tục hôn và tình hình kháng chiến, mỗi người mỗi ngả, lăn lộn với nhiệm vụ nên chưa nghĩ đến việc riêng.
Nay xét thấy cuộc kháng chiến là trường kỳ, theo ý anh em ngòai này, Hồ Chủ Tịch cũng không thấy gì trở ngại nên việc thành hôn của chúng tôi cũng bình thường. Vì thế, chúng tôi định khi nào thuận tiện, sẽ làm lễ thành hôn trong không khí thân mật, giản dị ”.
Nhân dịp đi công tác Thanh Hóa, chị Xuyến ghé qua nhà anh Vũ Ngọc Phan và chị Hằng Phương. Chị Xuyến gửi hai con trai ở đấy trong thời gian kháng chiến. Chị trao đổi với con trai lớn về dự định kết hôn của mình. Phan Vịnh đồng ý ngay. Phan Vịnh báo cho em Phan Diễn biết tin. Các con chị đã từ lâu coi bác Hiến như người trong gia đình. Thời gian hai con chị Xuyến sống ở Thanh Hóa, anh Hiến thường xuyên viết thư và gửi quà, lo lắng cho các cháu về mọi mặt.
Ngày 30 tháng 6 năm 1949, lễ cưới của anh Hiến và chị Xuyến được tổ chức ở xã Tân Trào. Hồi ấy, chị Xuyến 40 tuổi. Bác Hồ gửi tặng hai người đôi khăn thêu. Nhà thơ Huy Cận tặng anh chị câu thơ:
Trăm năm một cuộc mừng anh chị
Vui vẻ cành Lê hoa nở đôi
Sau ngày cưới, chị Xuyến được ở cơ quan anh Hiến ba hôm lo vịêc soạn sửa gia đình và thư từ cho bạn bè. Sau đó, hai người lại chia tay nhau đi công tác. Chị Xuyến lên đường về cơ quan trung ương Hội Phụ nữ.
Trong kháng chiến chống Pháp, anh Hiến và chị Xuyến đều bận công việc, thỉnh thỏang mới được gặp nhau. Trong Nhật ký, anh Hiến so sánh hình bóng chị Xuyến như con chim chợt đến, chợt đi. Đến khi về Hà Nội, anh chị mới được sống gần nhau.
Hai anh chị sống hạnh phúc với nhau gần 50 năm. Chị Xuyến rất quan tâm đến sở thích của anh Hiến. Tôi còn nhớ, năm 1993, chúng tôi cùng anh chị đi nghỉ ở Đầm Vạc. Bao giờ trong tủ lạnh, chị Xuyến cũng để mấy củ khoai luộc cho anh Hiến như hồi còn ở Việt Bắc. Ở tuổi 80, anh chị vẫn rủ rỉ như đôi chim câu.
Cả hai lần yêu, cả hai lần lấy chồng chị Xuyến đều gặp khó khăn lúc ban đầu. Có phải vì thế không mà chị rất thông cảm với chuyện tình cảm của chị em trong cơ quan phụ nữ chúng tôi. Tôi hay tâm sự với chị tình yêu của tôi và anh Lê Quang Đạo trước khi cưới.
Sau này, chị rất thông cảm với các con khi bọn trẻ bước vào tuổi yêu. Chị Xuyến đã dành cho cháu Ái tình cảm của người mẹ, thay cho chị Thái Thị Bôi. Tôi còn nhớ năm 1960, Ái đang học ở Liên Xô. Cháu yêu một thanh niên Nga. Lúc đó, quan niệm về vấn đề lấy chồng ngoại quốc ở nước ta còn rất ngặt nghèo.
Chị Xuyến thông cảm và ủng hộ tình cảm của đôi trẻ. Hồi ấy, tôi đang học trường Đảng ở Matxcơva. Nhân dịp tôi về nước nghỉ hè, chị Xuyến đến nhà nói chuyện rất lâu. Chị nhờ tôi sang gặp Ái, giúp đỡ vợ chồng Ái về Việt Nam. Tôi và chị Như đã giúp đỡ hai cháu theo ý chị Xuyến. Ivan về sống và làm việc ở Việt Nam một thời gian dài. Vợ chồng Ái cùng hai con sống hạnh phúc trong gia đình anh Hiến, chị Xuyến.
Các con trai của chị cũng tìm thấy ở mẹ mình một người bạn tâm tình khi gặp trắc trở trong tình yêu.
Phan Diễn có lần tâm sự:
- Nhờ có sự thông cảm, động viên của mẹ, tôi tìm lại được mối tình đầu tưởng như đã mất.
Các cháu nội ngoại của chị Xuyến cũng tìm đến bà mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc sống cũng như trong tình yêu.
Gia đình chị Xuyến và anh Hiến với các con cháu đã sống vui vẻ, ấm cúng suốt gần 50 năm. Hiện nay, trên bàn thờ nhà các con Phan Vịnh, Lê Ngọc Ái, Phan Diễn đều treo ảnh bốn người: Anh Phan Thanh, anh Lê Văn Hiến, chị Lê Thị Xuyến, chị Thái Thị Bôi.
Nguyệt Tú – Nguyệt Tĩnh
;