Làm đầy tớ của dân khó hay dễ?
Khó hay dễ có phần do điều kiện và hoàn cảnh xã hội của từng thời, nhưng chủ yếu là do phẩm chất, năng lực và sự tự rèn luyện của từng người công bộc.
Sinh thời Hồ Chủ tịch thường nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải là "đầy tớ thật trung thành của nhân dân". Suy ngẫm kỹ lời dạy ấy của Người thì thấy rằng làm đầy tớ của dân thật không dễ! Bởi người đầy tớ ấy phải trung thành, tức là phải hết lòng vì công việc, phải có ích thực sự để nhân dân tin cậy, yêu mến. Ấy thế, nhưng trong thực tế đời sống xã hội nước ta hiện nay, lại có cán bộ, đầy tớ của dân lại là những "con sâu" tạo thành "một bày sâu" gây hại cho đất nước như lời than vãn của ông Trương Tấn Sang thường trực Ban bí thư gần đây. Vậy nên, câu chuyện về những đầy tớ của dân,về vai trò trách nhiệm và tư cách của họ lại được công luận rất quan tâm.
Công bộc của dân hay đầy tớ của dân là cụm từ chỉ một trong các quan niệm khác nhau về trách nhiệm và nghĩa vụ của người lãnh đạo, hoặc mở rộng là của viên chức nhà nước. Theo từ điển Hán Việt Thiều Chửu, cụm từ "công bộc của dân" có thể được hiểu là "người đầy tớ chung của dân".
Trong từ điển tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học định nghĩa :"Công bộc là người phục vụ chung cho nhân dân, trong quan hệ với nhân dân".
Dân ngày càng có nhiều phương tiện giám sát đầy tớ
Về dân trí: Dễ nhận thấy, dân trí nước ta ngày càng được nâng cao lên không ngừng, dân ý, dân nguyện phong phú, đa dạng, mãnh liệt, có sức mạnh hơn trước nhiều và đang tiếp tục tăng lên. Ở nước ta như thế, khắp các nước trên toàn thế giới đều như thế.
Về khoa học và công nghệ, thời đại bùng nổ của cách mạng khoa học và công nghệ, của sinh tin học, của khoa học quản trị (governance), đặc biệt là internet khiến cho thông tin và kiến thức về mọi mặt dồi dào không kể xiết, nhanh nhậy đến tức khắc, minh bạch khó bưng bít, phổ biến đến rất đông người, giúp nâng cao hiểu biết của dân, tạo điều kiện liên kết, hơp tác, tương trợ, chung sức giữa dân chúng với nhau, khiến cho dân có nhiều cách thức và phương tiện thường xuyên kiểm tra, giám sát, phán xét những người đầy tớ của dân.
Về chính trị, xã hội, thời đại ngày nay là thời đại của văn hóa (nghĩa rộng), thời đại khằng định, tôn vinh và phát huy dân tộc, dân chủ, cá nhân con người và hội nhập quốc tế (4 nguồn lực, 4 xu thế cực lớn). Hoàn cảnh và điều kiện xã hội như trên là cơ hội và thách thức đối với những người đầy tớ của dân.
Ở thời nào cũng thế, làm công bộc đáng tin cậy của dân không dễ. Công chức: viên chức - người làm công ăn lương nhà nước phải có trách nhiệm hoàn thành các công việc theo đúng chức vụ được giao, chịu trách nhiệm/mất chức nếu không hoàn thành nhiệm vụ. Phải luôn có ý thức rõ ràng là mình đang nhận lương từ tiền thuế của dân, có trách nhiệm phải phục vụ nhân dân.
Nhiều nước trên thế giới quan niệm đối với xã hội, không thể mọi người đều có thể cùng tham dự để biểu quyết mọi vấn đề nên xã hội cần có người đại diện dân để làm quyết định và thực hiện quyết định. Nếu người đại diện không làm được việc, dân dùng quyền của mình qua các phiếu bầu để đẩy người ấy về vườn. Còn hệ thống hành chính, điều hành bởi công chức, thì đó là những người được tuyển dụng dựa trên chuyên môn, và chỉ có thể tiếp tục nếu hoàn thành nhiệm vụ, theo đúng qui định hành chính và luật pháp. Hệ thống công chức này hoàn toàn độc lập với chính trị. Những nhà lãnh đạo có thay đổi thì hệ thống hành chính vẫn thế, qui luật vẫn thế, mà bất cứ ai cũng phải tuân thủ, trừ khi có sự thay đổi luật pháp và các qui định trên được cả ba quyền lực (hành pháp, lập pháp và tư pháp) thông qua.
Lịch sử nước ta đã minh chứng chỉ khi nào có "Minh quân" thì mới có nhiều công bộc của dân. Thời có minh quân là thời "Nhân trị", "Đức trị". Xưa ở ta, tuy không phải nhiều minh quân, nhưng công bộc của dân vẫn có. Nhưng đó phải là "Hiền thần", có uy với triều đình mà Vua phải nể và vì vậy nên rất hiếm. Việt Nam ta có Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Chu văn An, Nguyễn Trường Tộ...là Đại công bộc, có người tài cao, công lớn, đức rộng trùm xã tắc đến mức hiển Thánh như Trần Quốc Tuấn. Nguyễn Trãi suốt đời muốn làm công bộc mà có làm được đâu. Trần Nguyên Hãn sợ làm công bộc chết oan, chạy trốn mà vẫn không khỏi chết thảm. Cuối thế kỷ XIX, Phan Thanh Giản là một tôi hiền, công bộc đúng nghĩa, nhưng vì lịch sử trớ trêu, dưới con mắt của một nhóm hậu sanh, một thời ông là gương "mãi quốc". Tôi nhớ trong lá thư của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi lãnh đạo và nhân dân tỉnh Vĩnh Long và huyện Vũng Liêm đại ý có câu sau khi ông mất nếu nhân dân có nhã ý muốn đặt tên ông cho đường phố nào đó, xin hãy lấy tên ông Phan Thanh Giản thay cho Võ Văn Kiệt. Nhiều người dân kính trọng và ngưỡng mộ Võ Văn Kiệt không phải chỉ vì có đôi mắt đại bàng trong tầm vóc lãnh tụ mà vì nhìn thấy ở ông đúng là người công bộc đáng tin cậy của dân.
Thời đại Cụ Hồ tuy là dân chủ cộng hòa, có hiến pháp, luật pháp nhưng trùm lên thể chế là một thời nhân trị, đức trị nên đã xuất hiện nhiều công bộc đáng tin cậy của dân. Thời nay, cũng cộng hòa dân chủ xã hội chủ nghĩa nhưng là thời pháp trị có tính toàn cầu. Ta còn lai lai với "nhân trị" nên nhiều vấn đề cốt lõi không được minh bạch, rõ ràng. Dân chủ và công lý chưa đủ sức làm "phên dậu" chở che cho người ngay thẳng, do đó có muốn làm công bộc tin cậy của dân cho đúng nghĩa cũng không phải dễ. Lịch sử nhân loại đã chứng minh một chân lý: Nhân dân là người làm ra tất cả và chính nhân dân là người quyết định tất cả. Ở Việt Nam, những hiền triết đã từng đúc kết: "Dân vi bản".
Cơ chế phải tạo "độ rung" cần thiết với chiếc ghế
Nhân đây xin kể lại câu chuyện có thực. Có một huyện vừa phát hiện có 52 cán bộ sử dụng bằng cấp không hợp pháp (tên thường dùng là bằng giả). Theo quy định của luật pháp hiện hành thì những vị này phải bị cách chức, thế nhưng đi vào thực tế thì không dễ. Bởi trong đó, người có chức nhỏ nhất cũng là chi ủy viên, vì thế nếu kỷ luật bằng hình thức cách chức thì lấy đâu ra cán bộ để bố trí vào. Bởi phần lớn chức danh của cán bộ ta hiện nay được thực thi trên cơ sở kết quả bầu tại đại hội, mà những người kế vị chưa được đại hội bầu thì làm sao bố trí thay thế được!? Còn đại hội thì đến ngày, đến tháng mới có thể tiến hành. Vì thế mà có lẽ họ cũng sẽ được tiếp tục ngồi vào cái ghế mà lẽ ra họ đã bị... cách từ lâu rồi. Thế mới thấy làm người biết suy nghĩ đến vận mệnh của đất nước thật đau đầu, nhức óc đến chừng nào! Chỉ khi nào luật pháp, cơ chế tạo ra được "độ rung" cần thiết của "chiếc ghế" với các tiêu chí rõ ràng, minh bạch thì mới có được những người tử tế, trí tuệ thực sự là công bộc tin cậy của dân.
Sau Cách mạng tháng Tám, "công bộc của dân" là một quan niệm mới tại Việt Nam. Đây là quan niệm lý tưởng và hiếm thấy trong thực tế hiện nay tại Việt Nam, khi nhiều viên chức nhà nước vẫn tự coi mình là "quan chức". Người được dân ủy nhiệm cầm quyền nhà nước phải là người công bộc (người đầy tớ) của dân. Thời nào làm người công bộc của dân cũng không dễ, nhất là thời nay làm người công bộc của dân càng không dễ.
Khó hay dễ có phần do điều kiện và hoàn cảnh xã hội của từng thời, nhưng chủ yếu là do phẩm chất, năng lực và sự tự rèn luyện của từng người công bộc. Một trong các mục tiêu đề ra trong cải cách hành chính của Việt Nam là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, thực sự là công bộc của nhân dân. Người chủ là dân thực sự biết rõ những người muốn xin làm đầy tớ của mình, trực tiếp lựa chọn, quyết định, giao việc, kiếm soát đầy tớ của mình, thì mới thực sự là người chủ. Làm thế nào để bầu cử thực sự là bầu cử, và cần có cơ chế để việc dân hàng ngày theo dõi, đánh giá việc làm và tư cách những người đầy tớ của mình, chứ không phải chỉ đến cuối nhiệm kỳ.
Yêu cầu đối với người đầy tớ đáng tin cậy của dân đã được Bác Hồ nhiều lần vạch rõ. Ông Lỗ Tấn có lần đề cập đến người đầy tớ của dân: "Quắc mắt coi khinh ngàn lực sĩ/ Cúi mình làm ngựa của muôn dân". Tới đây, Quốc hội khóa 13 sẽ ra mắt với các đại biểu vừa được nhân dân cả nước bầu ra. Họ chính là những người đầy tớ đặc biệt của nhân dân, những người sẽ đảm nhiệm trách nhiệm và quyền hạn lớn trước đất nước và dân tộc trong một giai đoạn lịch sử quan trọng của đất nước. Cần có tấm lòng, có trình độ và bản lĩnh mới thực sự là "đầy tớ trung thành của nhân dân" như Bác Hồ đã từng căn dặn.