Xe chìm, người nổi, trách nhiệm 'trôi sông'?

- Vụ án tài xế xe khách liều mạng cho xe chạy băng băng giữa lòng đường bị ngập nước, dẫn đến nước lũ cuốn phăng cả chiếc ô tô làm hàng chục người chết và mất tích đã gây xôn xao năm 2010. Tuy nhiên, vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm là không chỉ tội lỗi của lái xe, mà còn trách nhiệm của các cơ quan chức năng liên quan...


Chiều 1/6, trước ngày diễn ra phiên tòa, PV VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hà Ngân, Phó Chánh án Toà án huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), thẩm phán Chủ tọa phiên toà xét xử vụ xe khách bị lũ diễn ra hôm nay (2/6.

Không có luật sư bào chữa cho tài xế!

Trước khi Toà án huyện Nghi Xuân đưa ra xét xử vụ xe khách bị lũ cuốn, tòa đã gửi giấy mời đến các gia đình bị nạn, nhân chứng để tham dự phiên toà. Đó là 12 bị hại đi trên xe còn sống và đại diện hợp pháp những người bị chết là 15 người.

Tại phiên tòa sáng 2/6, TAND huyện Nghi Xuân sẽ đưa ra xét xử bị cáo Trần Văn Trường (SN 1975), tuy nhiên bị cáo sẽ không cần luật sư bào chữa cho mình.

Ông Nguyễn Hà Ngân, Phó Chánh án Toà án huyện Nghi Xuân, (Hà Tĩnh) là thẩm phán, Chủ toạ phiên toà xét xử vụ xe khách bị lũ cuốn sáng 2/6.
Theo quy định tại khoản 2, điều 57, Bộ luật Hình sự, toà án chỉ mời luật sư bào chữa trong các trường hợp sau: “Người chưa vị thành niên dưới 18 tuổi và mức án tử hình thì toà phải mời luật sư để bảo vệ cho quyền lợi cho bị cáo”.

Theo thông tin của chúng tôi, đến chiều 1/6, lái xe Trường và gia đình không vẫn không có ý định mời luật sư bào chữa.

Quá trình điều tra, cơ quan chức năng có giải thích cho lái xe Trường là có quyền mời luật sư bào chữa, nhưng trong các lời khai tại cơ quan điều tra, Trần Văn Trường nói có thể tự bào chữa được cho mình. Bởi, bản thân Trường cũng nhận thức được những phần nào sai trái, trước những tội lỗi của mình nên không yêu cầu luật sư.

Tuy nhiên, hiện nay, dư luận đang rất quan tâm không chỉ riêng về tội lỗi của lái xe khách, mà còn trách nhiệm của các cơ quan chức năng được giao chốt chặn tại các trạm đã buông lỏng công tác quản lý, cảnh báo và ngăn chặn trước khi vụ tai nạn đau lòng trên xảy ra.

Tại bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện Nghi Xuân đã không có một dòng nào nhắc đến “trách nhiệm và tội lỗi” của các cơ quan chức năng liên quan túc trực, chốt chặn tại thời điểm lũ lụt, ngập đường xảy ra trên đoạn đường QL1A, từ huyện Cẩm Xuyên đến huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh).

Đề cập vấn đề trên, ông Ngân cho rằng: “Theo quy định tại điều 196, về giới hạn xét xử, thì toà án chỉ xét xử những bị cáo và những hành vi về tội danh mà cáo trạng Viện kiểm sát đã truy tố. Trong hồ sơ vụ án không thể hiện về vấn đề đó (vấn đề đó là các cơ quan chức năng liên quan - PV). Thực ra, nói về chức năng, quyền hạn của những người bảo vệ vấn đề đó thì việc ngăn chặn là của CSGT. Nếu giả sử họ có lỗi thì thuộc về thẩm quyền của cơ quan điều tra”.

Xe nổi, trách nhiệm có ‘chìm’?

Trước phiên xét xử, ông Ngân lưu tâm: "Tôi chỉ tập trung nghiên cứu chuyện bị cáo Trần Văn Trường có đúng tội như Viện kiểm sát đưa ra trong bản cáo trạng đã truy tố. Việc định hướng trong quá trình xét xử, xét thấy cần có những kiến nghị đối với các cơ quan chức năng khác chịu trách nhiệm trong vấn đề này thì Hội đồng xét xử sẽ kiến nghị và xem xét”.

Ông Ngân cũng cho biết thêm, lỗi trực tiếp dẫn đến vụ xe khách bị lũ cuốn là do lái xe. Theo lời khai của tài xế, anh ta thoát ra khỏi xe và trèo lên cột điện thì vẫn nhìn thấy nhiều xe khác vẫn đi qua được.

Cũng như lời khai của bị cáo Trần Văn Trường, ông Ngân cũng đồng ý rằng tại thời điểm đó không chỉ có xe khách 48K – 5868 đi qua các chốt trạm trên trục QL1A, đoạn giữa Thị xã Hồng Lĩnh và huyện Nghi Xuân.

Điều này đồng nghĩa với việc có nhiều xe ôtô lưu thông qua đoạn đường trên thì lực lượng CSGT không có cảnh báo và ngăn chặn gì.

Chiếc xe khách mang BKS 48K – 5868 được lực lượng cứu hộ trục vớt lên QL1A. 
“Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra và viện kiểm sát chỉ đề cập đến sai phạm của lái xe, các vấn đề liên quan đến các cơ quan chức năng khác không được đề cập trong hồ sơ vụ án. Vì thế, nên toà không có cơ sở để triệu tập các cơ quan này đến tham dự” - ông Ngân khẳng định.

Đề cập đến vấn đề tình tiết giảm nhẹ trong bản án của bị cáo Trần Văn Trường, ông Ngân thông tin, tại hồ sơ, tái xế Trường có 2 tình tiết giảm nhẹ và 1 tình tiết lưu tâm, bao gồm: Bị cáo đã tác động cho bố mình trong việc tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả cho các gia đình nạn nhân. Số tiền bỏ ra khắc phục lên đến 2 tỷ đồng, mỗi người chết là 100 triệu đồng.

Tình tiết thứ 2 là bị cáo đã thành khẩn khai báo và ăn năn hối cải. Thể hiện ở chỗ, Trường đã nhờ bố và chủ xe khắc phục hậu quả mà các nạn nhân trong vụ xe khách bị lũ cuốn.

Sáng 2/6, TAND huyện Nghi Xuân chỉ đưa ra xét xử lái xe Trần Văn Trường (SN 1975, trú tại thôn 8, xã Hải Cường, huyện Hải Hậu, Nam Định) về tội: “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”, quy định tại Điều 202, Bộ luật Hình sự.

VietNamNet sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc. 

  • Quốc Huy – Hoàng Sang
E-mail người nhận:
Họ tên người gửi:
E-mail người gửi:
Nội dung:
Ý kiến của bạn
E-mail |  Bản In |  Chia sẻ  
Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu và không quá 1000 chữ
Tin khác
,
,
© 2010 Báo VietNamNet. All rights reserved. Thông tin Tòa soạn
® Ghi rõ nguồn "VietNamNet" khi phát hành lại thông tin từ website này.
,