Trong cuốn sách viễn tưởng
“Axit Sunfuric”, nữ văn sĩ Amélie Nothomb
đã sáng tạo ra một show truyền hình rất đặc biệt mang tên
“Trại tập trung”. Để thực hiện chương trình này, các nhà sản xuất bắt ngẫu nhiên những con người ngoài phố, đưa vào một khu trại với điều kiện lao động và sinh hoạt kham khổ không thua thời Phát xít Đức. Ở đó, các cai ngục (gọi là Kapo) sẽ cai quản, đánh đập các tù nhân dã man, và mỗi sáng sẽ quyết định những người bị đưa đi hành hình. Người cuối cùng sống sót sẽ là người chiến thắng.
Ở thế giới tưởng tượng ấy, sự tàn nhẫn, những cảnh giật gân, thái độ hoảng loạn cùng cực của tù nhân được các camera ghi lại, các khán giả ở nhà thích thú theo dõi, bàn luận ai sẽ là người phải chết tiếp theo. Lượng người xem ngày càng tăng. Chính phủ không can thiệp vào trò giết người này vì lợi nhuận mang lại quá cao. Các tù nhân cam chịu chờ chết, đánh đổi tất cả chỉ để lấy cái bánh mì hay vài lát Chocolate.
“Axit Sunfuric” là tác phẩm hư cấu, nhưng đã phản ánh được một hiện thực rất sinh động, đề cập đến những thói quen văn hóa tưởng chừng vô hại, những game show giải trí, sự tập trung ngược đời vào những thứ xấu xí, kịch cỡm, tính hai mặt của truyền thông, đang ăn mòn dần những giá trị nhân bản. Đầu quyển sách, người đọc khó chịu với ý nghĩ không đời nào một show truyền hình thế này tồn tại. Cuối quyển sách, họ rùng mình nhận ra không hẳn đây là một tác phẩm hư cấu, rằng mọi thứ là hoàn toàn có thể, và nhận ra con quái vật thực sự.
Ca sĩ Phương My Tính hai mặt của truyền thông, và sự lệch lạc về thị hiếu nói đến trong tác phẩm hoàn toàn phù hợp với một thói quen văn hóa mới ở Việt Nam, người ta gắn mác là “
Thảm họa”. Cách đây khoảng 3 năm, cái mác ấy còn là từ xa lạ, nhưng dần dần với sự xuất hiện của các nhân vật
Vũ Hà, Phi Thanh Vân, Lê Kiều Như… cùng các tác phẩm của họ, khán giả bắt đầu quen và thích thú với khái niệm này. Mới đầu đơn thuần là bàn luận về sự yếu kém trong chuyên môn, hoặc trò “đạo sĩ”, hát nhép, sự lố lăng kệch cỡm, xa lạ văn hóa Việt,
“bàn luận” được định nghĩa là “chê” hoặc “chửi” với sự bức xúc hoàn toàn nguyên thủy. Nếu chỉ có thế, để những tác phẩm nghệ thuật nửa mùa ấy biến mất, thì
“thảm họa” thực sự là thảm họa và đi theo qui luật tự nhiên.
Sau 3 năm, khi Phương My với clip “
Nói dối” bị đánh tơi bời trên các diễn đàn, hàng ngàn comment la ó trên Youtube, mà cô vẫn cười nói rằng, rất vui vì được gắn mác “
Thảm họa”, thì mọi thứ đã hoàn toàn khác. Cái mác ấy không còn ổn nữa. Nó đang bắt đầu cho những thứ rất bấp bênh và vô lý khác.
Người sở hữu nhiều ca khúc được xem là thảm hoạ nhất V-Pop Nói một chút hiện tượng tương tự cùng thời điểm với “
Nói dối” là “
Friday” của Rebecca Black. Khi nghe nhiều người chê bai, cả tờ báo lớn như TheNewYorkTimes cũng lên tiếng
“bài hát dở nhất thế kỉ”. Nhưng đến khi tìm xem thì rất bất ngờ, vì không có gì quá đến mức như thế cả. Phần lời có thể hơi ngớ ngẩn, nhưng vẫn có thể chấp nhận, không có từ gây sốc, không đề cập đến sex hoặc chính trị, không chửi tục, không đao to búa lớn. Phần MV không lố lăng sặc sỡ, thậm chí còn đầu tư khá kĩ ở fast motion, rất có phong cách. Vậy tại sao “
Friday” lại là thảm họa?
Giới truyền thông, mà phần lớn là truyền thông Internet, cũng như bất kì phạm trù nào khác, đều có hai mặt đối lập. Dù khen hay chê thì hiệu ứng chung vẫn là đưa thông tin đến càng nhiều độc giả càng tốt, và về mặt tạo dư luận, không gì có thể hơn cái mác “thảm họa”. Con người hiện đại có một nhu cầu rất lớn gọi là “xả xì trét”, rất mẫn cảm với những cảm xúc tiêu cực. Khi đọc một tin về người tốt việc tốt, bạn sẽ nhủ thầm họ thật đáng phục và bỏ qua. Nhưng khi đọc một tin khiến bạn nổi giận, bạn sẽ muốn đặt tay vào phím và gõ vài dòng sỉ vả. Khi sỉ vả trở thành ... “tổng sỉ vả” và thu hút thêm các độc giả, đặc biệt có quan điểm bênh vực, không nghi ngờ gì về các cuộc tranh luận khổng lồ bùng nổ.
Cả hát và viết sách Lê Kiều Như đều gây ra bão dư luận Giới truyền thông, cũng là một
con cá mập thực dụng, đánh hơi được mùi ở cái mác “thảm họa”. “Thảm họa” đồng nghĩa với tăng truy cập, tăng bình luận, tăng sức sống ở Google analyst, tăng tiền quảng cáo, “thảm họa” đồng nghĩa với hạnh phúc. Con cá bắt đầu quẫy đuôi đi theo mùi tanh, dần dần thành phản xạ, con cá mập biến thành quái vật, nó bất chấp những gì diễn ra sau đó, nó chỉ cần cái mác. Bề ngoài vẫn là một nhân viên cần mẫn đi tìm tiêu cực để xóa sổ, nhưng bản chất đã khác từ trong máu.
Trong
"Axit Sunfuric", tác phẩm đã tạo ra sự băn khoăn từ chương trình “
Trại tập trung”. Ai là kẻ có lỗi? Là nhà sản xuất, những người tạo ra và thực hiện chương trình vô nhân đạo nhất trong lịch sử? là Chính phủ vì đã không ngăn cấm chương trình phát sóng?
KHÔNG, nhân vật đã chỉ ra con quái vật lớn nhân, nguy hiểm nhất, gian ngoan xảo quyệt nhất:
KHÁN GIẢ! Họ là tầng lớp hưởng thụ chương trình, cấp tiền cho nhà sản xuất và chính phủ, là nguồn sống duy trì cho
“Trại tập trung”. Họ đóng vai những người hiền lành với nhu cầu giải trí chính đáng, một số vừa xem chương trình vừa lên án chương trình, một số khác tự hào mình không mua tivi để xem (sang hàng xóm coi ké), họ tự lừa dối chính họ.
Nếu giới truyền thông là một con cá mập săn mồi, thì công chúng là con bạch tuộc khổng lồ, giác mút chạm đến mọi ngõ ngách và điều khiển tất cả. Nhưng trước biển khơi, nó trở thành một ngọn núi hiền lành vô hại.
Vũ Hà - Ca sĩ nổi tiếng với ca khúc "thảm hoạ" Rắc rối tình yêu Điểm khác biệt giữa Phương My và Rebecca Black là ở mục tiêu. Rebecca không có ý định trở thành “thảm họa” để nổi tiếng. Khi càng nhiều người dislike (không thích), một số người khác không biết nên nói gì và chấp nhận hùa theo số đông. Lời hát ngớ ngẩn, giai điệu đơn giản là những gì các báo vẫn viết về “
Friday”, chỉ có thế, nhưng nếu vậy thì là “dở” chứ không phải “thảm họa” – hai phạm trù cách nhau xa lắc. Còn Phương My hoàn toàn nhận thức được vấn đề, từ cặp kính Lady Gaga, giọng hát tệ hại đến phần lời lố lăng, tất cả được nâng lên hết mức, để không thể chạm mức “dở” rồi người ta lãng quên, mà phải là “thảm họa”. Kết quả, cái tên Phương My từ Zero thành Hero.
Và một nụ cười...
Trào lưu thảm họa đã biến tướng thành một cái huy hiệu để nổi tiếng. Gắn nó lên áo, bất chấp nó màu đen hay đỏ, chỉ cần nó phát sáng là
OK. Khi đó, người làm nghệ thuật không còn gọi là nghệ sĩ nữa. Bài hát là nghệ thuật, nhưng nó là thứ nghệ thuật kệch cỡm, không vì cái đẹp, không vì sự nâng tầm cảm xúc. Nó là sự pha trộn giữa thiếu hụt tài năng và thiếu hụt đạo đức nghề nghiệp – mà đạo đức duy nhất của người nghệ sĩ là hết mình vì nghệ thuật, sống vì nó chứ không vì cái danh của nó. Còn kẻ tạo ra và tô màu cái huy hiệu, là khán giả, là công chúng.
"Axit Sunfuric" đặt ra một giải pháp,
SỰ IM LẶNG. Giới truyền thông đặt hai chữ “im lặng” và ngón tay lên môi, chấm hết. Công chúng không mất thời giờ chửi bới cãi nhau chê bai những thứ không đáng, dìm chúng vào quên lãng là cách kết liễu mạnh hơn lời sỉ vả và nút dislike. Nhưng có vẻ, đây là điều hoang đường hơn cả câu chuyện viễn tưởng của. Sức mạnh công nghệ cho người ta, bất kì một ai biết đăng nhập Internet và có đủ ngón tay, cách tạo lập dư luận khủng khiếp, khi thị hiếu đã thành hình và có một thứ văn hóa ngầm tiếp tục lớn mạnh. Thì mọi nỗ lực của cá nhân đơn lẻ, chính hành động im lặng mới là thứ rơi vào quên lãng.
Hoài Nam