Càng uy tín, doanh nghiệp làm báo cáo BĐS càng… điêu!
(phunutoday)- Qua các báo cáo được tô vẽ quá nhiều mầu hồng của công ty tiếp thị, các chủ đầu tư liên tục xây thêm TTTM mới để đón xu thế thị trường. Trong khi các nhà đầu tư nhỏ lẻ đua nhau đầu tư mong có thể cho thuê kiếm lời đã phải gặt trái đắng, “chôn vốn” mà không biết bao giờ mới có thể rút ra.
TIN LIÊN QUAN
BĐS căn hộ cao cấp gặp khó vì các báocáo của các công ty tiếp thị BĐS |
Trong khi cơ quan Nhà nước còn chưa tìm ra hướng quản lý thị trường BĐS một cách hiệu quả thì các doanh nghiệp tiếp thị BĐS đua nhau làm báo cáo và định hướng thị trường theo cách của riêng mình. Và, việc liên tục thổi phồng nhu cầu và tiềm năng của nhiều phân khúc thị trường, các báo cáo thị trường BĐS sau khi được tuyên truyền qua các kênh truyền thông đã khiến dư luận có cái nhìn thiếu chân thực về toàn cục thị trường BĐS. Và hậu quả, khi thị trường gặp khó, chỉ những nhà đầu tư nhỏ lẻ, thiếu thông tin cứ đổ xô đầu tư theo tin đồn, theo dự báo của báo cáo thị trường và theo cả tâm lý đám đông là chịu trận.
Tại buổi họp báo ra mắt Trung tâm thương mại (TTTM) lớn nhất miền Bắc Savico Megamall, do công ty quản lý BĐS CBRE Việt Nam tổ chức mới đây, sau màn đọc báo cáo tiềm năng đầu tư vào lĩnh vực TTTM của nhà tổ chức, đại diện của CBRE đã bị chính những nhà báo được mời đến đưa tin… “phản pháo”.
Cụ thể, có nhà báo (xin được giấu tên) đã đưa ra hàng loạt dẫn chứng thực tế loại hình TTTM không hề “ngon ăn” và nhiều mầu hồng như báo cáo mà vị đại diện của CBRE đã nêu. Đồng thời, nhà báo này đưa ra dẫn chứng cụ thể các TTTM như Gran Plaza hay The Garden… đang rất vắng khách.
Không bán được hàng, lại chịu mức giá thuê đắt đỏ, nhà bán lẻ đã phải thanh lý hợp đồng với nhà quản lý, dẫn tới việc giá thuê mặt bằng TTTM tại những nơi này phải giảm giá liên tục.
Thực tế, mặt bằng TTTM chỉ đắt khách thuê khi chúng hiện hữu tại các khu trung tâm thành phố. Còn tại các khu vực ngoại vi thì loại hình mặt bằng TTTM vẫn… ế xưng ế xỉa. Bởi, nếu miếng bánh TTTM thực sự ngon ăn thì chủ đầu tư dự án Usilk City mới đây đã không dễ “cho không” hàng chục nghìn mét vuông mặt bằng TTTM cho khách hàng, chỉ để khuyến khích khách hàng trả tiền cho phần tiền họ bắt buộc phải trả vì đã mua căn hộ tại Usilk City!
Thế nhưng, qua các báo cáo được tô vẽ quá nhiều mầu hồng của công ty tiếp thị, các chủ đầu tư liên tục xây thêm TTTM mới để đón xu thế thị trường. Trong khi các nhà đầu tư nhỏ lẻ đua nhau đầu tư mong có thể cho thuê kiếm lời đã phải gặt trái đắng, “chôn vốn” mà không biết bao giờ mới có thể rút ra.
Không chỉ quá tô hồng trong những báo cáo thị trường mặt bằng TTTM. Bởi trước kia, các công ty quản lý, tiếp thị, trong các báo cáo thị trường của mình cũng đua nhau thổi phồng nhu cầu về căn hộ cao cấp.
Chẳng hạn, có công ty tiếp thị liên tiếp trong nhiều báo cáo tháng, báo cáo quý và cả báo cáo năm nhấn mạnh chuyện kinh tế Việt Nam tăng trưởng liên tục, tầng lớp những người có tiền liên tục tăng kéo theo nhu cầu căn hộ cao cấp vô cùng lớn.
Từ các báo cáo thị trường này, các nhà đầu cơ đổ xô đầu tư mua căn hộ khiến thị trường căn hộ liên tục khan hàng, giá bị đẩy cao chót vót, vượt quá khả năng với cả những người giầu, có thu nhập “khủng” tại Việt Nam. Và, khi lượng căn hộ cao cấp được tung ra thị trường quá nhiều, giá của nó cũng đã quá cao thì quả bóng căn hộ cao cấp bắt đầu xì hơi.
Thế nhưng, đến thừoi điểm này, nhà tiếp thị bán hàng đã kiếm đủ từ phân khúc căn hộ cao cấp, bởi họ đã thành công trong việc làm đại diện bán hàng. Trong khi những nhà đầu tư nhỏ lẻ phải chịu trận, lãnh hậu quả bởi đã bị các loại báo cáo thị trường điêu ngoa làm cho mê hoặc…
Dường như việc làm báo cáo thị truờng để tô hồng cho một phân khúc BĐS nào đó đã trở thành mô típ kinh điển của các công ty tiếp thị bán hàng BĐS. Bởi gần đây, tại Hà Nội hay Tp. Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp tiếp thị bán hàng lại liên tục làm báo cáo, liên tục tô hồng phân khúc BĐS nghỉ dưỡng cho nhiều dự án rất long lanh nào đó ở một địa phương xa lắc ở miền Trung. Và, trong bối cảnh thị trường BĐS gặp khó, dòng tiền bị siết chặt, các chủ dự án BĐS lien tục điều chỉnh giá mà không có khách mua thì các đại diện bán hàng BĐS nghỉ dưỡng vẫn liên tục đưa ra những con số bán hàng ấn tượng đến khó tin!?
Và phải chăng, tấn bi kịch đầu tư BĐS nghỉ dưỡng cũng sẽ lại có chung một kết quả giống y chang chuyện nhà đầu tư rót tiền đầu tư vào mua căn hộ cao cấp và mua mặt bằng TTTM, để rồi phải ngậm trái đắng tự trách mình có tiền mà… quá dại!
Bài 3. Cả nhà báo và doanh nghiệp BĐS đều không tin báo cáo thị trường của nhà tiếp thị!