Cấp thiết bảo vệ

Thứ Ba, 07/06/2011 00:15

Việc anh Trần Văn Giáp, một trong những điển hình chống tham nhũng của tỉnh Nghệ An, bị tấn công bằng hung khí ngay tại TP Vinh đã một lần nữa cho thấy sự cấp thiết phải có ngay những biện pháp hữu hiệu bảo vệ những người chống lại vấn nạn nhức nhối này.

Vấn đề bảo vệ những người tố cáo và đấu tranh chống tham nhũng đã được đặt ra ngay tại hội nghị vinh danh 18 cá nhân điển hình chống tham nhũng của tỉnh Nghệ An hồi đầu năm nay. Hầu hết những điển hình chống tham nhũng khi đó đã thuật lại những chuyện họ đã bị đe dọa, khủng bố tinh thần  ghê gớm thế nào.
 
Thậm chí có người bị dọa giết, ném đá vào nhà và có cả người bị tấn công phải nhập viện. Ngay anh Trần Văn Giáp, sau khi dũng cảm tố cáo nhiều cán bộ sai phạm về tham nhũng đất đai và bán gạo cứu trợ lũ lụt trên địa bàn phường Vinh Tân (TP Vinh) và xã Hưng Thịnh (huyện Hưng Nguyên), cũng nhiều lần bị đe dọa. Trong nhóm người hung hãn tấn công anh Giáp ngày 5-6 vừa qua thấy có Trần Dũng, con một cán bộ từng bị anh Giáp tố cáo sai phạm bán gạo cứu đói của dân.

Tấm gương điển hình chống tham nhũng Trần Văn Giáp bị tấn công chỉ là vụ mới nhất trong số rất nhiều vụ việc tương tự. Người phụ nữ “bán nhà chống tham nhũng” Nguyễn Thị Hòa (Hà Nội) từng liên tục nhận được những cú điện thoại nặc danh dọa tính mạng, khủng bố tinh thần. Có lần nhà bà Hòa đã bị gài kíp mìn trong dịp lễ Tết.

Vụ chấn động nhất, gây phẫn nộ nhất là cái chết tức tưởi của ông Đặng Xuân Sĩ, nguyên phó giám đốc Công ty CP Đầu tư Kinh doanh nhà Hoàng Hải – TPHCM. Vì dũng cảm vạch mặt mà ông Sĩ đã bị những kẻ tiêu cực, tham nhũng thuê côn đồ sát hại.

Những vụ việc trên cho thấy phòng chống tham nhũng là một cuộc đấu tranh gay go, phức tạp và nguy hiểm. Do tính chất, mức độ nghiêm trọng, đối tượng tham nhũng khi bị cáo giác có thể trở nên nguy hiểm và manh động không kém những kẻ tội phạm nguy hiểm nhất. Chính vì thế, để cổ vũ và khích lệ ngày càng có nhiều người dũng cảm đứng lên tố cáo và đấu tranh chống tham nhũng, Chính phủ vừa có quy chế khen thưởng xứng đáng như được tặng Huân chương Dũng cảm và thưởng tới 30 tháng lương tối thiểu.

Song điều đó mới chỉ là cần chứ chưa đủ. Vấn đề đặt ra là phải cấp thiết có công cụ pháp luật để bảo vệ hữu hiệu những người tố cáo, chống tham nhũng. Đi đôi với khen thưởng cũng rất cần có những quy định pháp luật về trách nhiệm, phương thức, cơ quan bảo vệ người tố cáo và đấu tranh chống tham nhũng…
Bảo vệ được người tố cáo, chống tham nhũng cũng chính là cách khích lệ hiệu quả nhất trong công cuộc đấu tranh còn nhiều cam go này.
PHẠM DƯƠNG
[Quay lại]

Video clip

  • picture
  • picture
  • picture

Thăm dò ý kiến

Nếu gặp hành động nghi diễn kịch để xin tiền, bạn sẽ làm gì?
  •  Cho tiền để đỡ áy náy, cũng không bao nhiêu
  •  Kiên quyết không cho, nhìn là biết “diễn kịch” rồi
  •  Âm thầm theo dõi rồi mới quyết định giúp đỡ hay không
vote result
[Đầu trang]