Thứ tư, 8/6/2011, 11:24 GMT+7

Nhà văn Đỗ Tiến Thụy từng khóc khi đọc 'Mẹ điên'

Đỗ Tiến Thụy cao, nhưng không lớn, mà lêu đêu bởi dáng anh gầy, mảnh khảnh. Anh làm nhà văn đã lâu, nhưng không nổi đình nổi đám, bởi Thụy không đua đòi theo "văn chương thời thượng". Anh thích viết những cái cũ kỹ bằng tâm hồn của một con người dễ xúc động.

- Vấn đề thời sự nào khiến anh quan tâm nhất hiện nay?

- Đó là vấn đề Biển Đông. Biển Đông đang “nổi sóng” khiến bất cứ người dân yêu nước nào đều cảm thấy bức xúc.

- Bình luận ngắn gọn của anh về vấn đề này?

- Tôi đã đi Trường Sa đầu năm 2008. Chuyến đi này để lại cho tôi những ấn tượng cực mạnh. Khi đứng trên đảo Tiên Nữ, hòn đảo xa nhất, như một cột mốc cắm hiên ngang giữa trùng khơi, trong đầu tôi đã trào lên một ý nghĩ: Các cụ nhà ta kinh thật! Chỉ với những con thuyền gỗ, mái chèo tay và những cánh buồm vải đơn sơ, vậy mà đã dám vượt bão tố, chinh phục biển, làm chủ biển, để lại cho con cháu một vùng biển đảo mênh mông. Vậy con cháu ngày nay phải hành xử thế nào để không phải hổ thẹn với các bậc tiền nhân?

- Cuốn sách hiện tại anh đang đọc là gì?

- Open the window, eyes closed (Vừa nhằm mắt vừa mở cửa sổ) của Nguyễn Ngọc Thuần do Trương Tiếp Trương dịch sang tiếng Anh. Tôi đã đọc bản tiếng Việt từ mấy năm trước, nay đọc bản dịch khá vất vả vì trình tiếng Anh của tôi rất… “còi”.

- Anh muốn giới thiệu cuốn sách nào gần đây cho độc giả?

- Thế giới phẳng của Thomas L.Friendman. Nó không phải là sách văn học, nhưng đọc nó rất thú vị. Nó giúp cho chúng ta, nhất là những bạn trẻ, hiểu được sự vận động của thế giới theo các thời kỳ, và hiểu thế giới đang trong thời kỳ “phẳng” nhờ khoa học công nghệ.

Nhà văn Đỗ Tiến Thụy.
Nhà văn Đỗ Tiến Thụy.

- Anh muốn viết được một cuốn sách như cuốn sách nào?

- Tôi thích nhiều cuốn sách nhưng chưa bao giờ có ý định sẽ viết được như những cuốn sách ấy. Bởi độc giả chẳng cần thêm một cuốn sách Tên tôi là Đỏ, Báu vật của đời hay Trăm năm cô đơn của… Đỗ Tiến Thụy!

- Cuốn sách nào gần đây nhất khiến anh phải khóc khi đọc nó?

- Đó là cuốn sách tập hợp những truyện ngắn có nhiều click-view nhất từ dòng văn học mạng Trung Quốc do nhà văn Trang Hạ dịch, trong đó có truyện ngắn Mẹ điên của Vương Hằng Tích. Thực ra tôi đã đọc truyện này mấy lần trên mạng, cảm thấy nó rất hay. Nhưng phải đến khi đọc nó bằng sách in giữa đêm khuya vắng mới cảm thấy hết cái sâu xa của câu chuyện. Tôi đã phải ứa nước mắt nhiều lần trong khi đọc truyện này.

- Anh trở thành nhà văn vì…?

- … đói! Vào những năm 80, nhà tôi quá đông, tới 16 người, toàn người già và trẻ con, vậy mà mỗi ngày chỉ được ăn hai bữa khoai hoặc sắn. Rồi đến khoai sắn cũng hết, phải ăn tới củ chuối, thân cây đu đủ… Cái đói ám ảnh tôi tới mức sau này, vào những năm đầu Đổi mới, mỗi khi có điều kiện ngồi trước một mâm cỗ ngon là tôi lại ứa nước mắt vì nhớ tới bà tôi, người đã nhiều lần nhường cơm cho các cháu ăn để có sức cầm hơi mà đi học. Tôi đã tự nhủ rằng khi nào có tiền, bà tôi muốn ăn cái gì tôi cũng sẽ tìm bằng được để bà ăn. Nhưng bà tôi đã mất trước khi cuộc sống của chúng tôi khấm khá. Chính những lúc ấy, ký ức ùa về giục giã tôi phải viết để ghi lại một thời khốn khó.

- Việc trở thành nhà văn đối với anh có ý nghĩa thế nào?

- Nó khẳng định một điều: Làm nhà văn quá dễ! Một chiến sĩ lái xe cũng có thể trở thành nhà văn nữa là...

- Nếu không viết, anh làm gì để kiếm sống?

- Tôi đã học nhiều nghề: kế toán, lái xe, chụp ảnh, quay phim… Tôi ý thức phải học nhiều nghề để dù rơi vào bất cứ hoàn cảnh nào cũng có thể sống lương thiện.

- Giấc mơ hão huyền nhất trong đời anh là gì?

- Trở thành hoạ sĩ! Cuối năm lớp 12, khi nhận được bản danh sách các trường đại học, tôi loáng thấy một trường có chữ “Hoạ”, chẳng cần nghĩ ngợi, tôi phết ngay dấu x vào ô đăng ký. Ông chú tôi làm công nhân ở Hà Nội đã can ngay: "Thi vào trường họa phải là con nhà nòi, phải học vẽ từ nhỏ. Mày đã biết thế nào là hội họa mà đòi thi". Tôi gân cổ cãi lại: "Mấy thằng bạn cháu vẫn khen cháu “vẽ giống” mà. Cháu vẽ con trâu ra con trâu, con gà ra con gà. Không tin cháu vẽ… con lợn cho chú xem". Nói là làm, tôi chạy xuống bếp vớ lấy cây que cời bếp bằng tre có đầu than đen phóng mấy nét lên tường. Nhoằng một cái, một con lợn ỉn đen sì, béo ú đã hiện lên trên nền vôi trắng. Chú tôi bật cười bảo, thôi thì mày cứ đi thi cho biết.

Tôi đi thi vào trường họa đúng kiểu “chỉ mang một mẩu bút chì con con” và hộp bút dạ 12 màu. Hai ngày thi, trong khi các bạn nghiêng đầu ngọeo cổ pha màu, đo đạc, ngắm nghía thì tôi phóng bút vẽ loáng một lúc đã xong. Tôi ngồi ngắm thành quả của mình và thầm reo lên “ta phục ta quá!”.

Khi nhận giấy báo điểm, tôi quá bất ngờ, điểm thi năng khiếu của tôi hai môn (tranh phong cảnh và tĩnh vật) cộng lại chỉ được… 1,8 điểm (tổng điểm là 20). Tôi đã đâm bổ lên Ban tuyển sinh huyện để hỏi cho ra nhẽ. Lúc đó tôi tin rằng có sự nhầm lẫn hoặc tiêu cực chi đây, vì tranh tôi vẽ đẹp thế cơ mà.

Đến bây giờ, khi đã có chút ít kiến thức về hội hoạ, tôi mới biết ngày đó mình đỗ mới là lạ!

- Sai lầm lớn nhất của anh cho đến nay là gì?

- Tính tôi ngang như… cua, thường tự mình quyết định mọi việc trong cuộc sống mà ít nghe sự định hướng, khuyên bảo. Cũng không ít lần vấp váp, nhưng số tôi có quý nhân phù trợ nên đến giờ phút này chưa có sai lầm nào đáng gọi là lớn.

- Nếu được quay trở lại 10 năm trước, anh muốn thay đổi điều gì về cuộc đời mình?

- Có lẽ tôi sẽ không thi vào Trường Viết văn Nguyễn Du, mà sẽ học làm một diễn viên đóng phim truyền hình dài tập, hoặc học… hát để tham gia Vietnam Idol. Như thế sẽ nhanh nổi tiếng hơn làm một nhà văn.

- Nếu được đi dự tiệc cùng một người nổi tiếng, anh sẽ chọn ai?

- Năm ngoái, tôi và nhà văn Nguyễn Thế Hùng được một nữ diễn viên điện ảnh kiêm đạo diễn mời đi chơi một chuyến dài ngày về Hương Sơn, Hà Tĩnh để chuẩn bị kịch bản cho một bộ phim nhựa về nghề nuôi hươu. Chúng tôi đi đến đâu, vào trong làng, ra chợ, vào nhà hàng… đều có người trầm trồ, chỉ trỏ, xin chữ ký... Và họ nghĩ, cái gã đàn ông đi bên cạnh nữ nghệ sĩ này chắc chắn cũng là… diễn viên, nên cứ dồn dập hỏi anh đóng vai gì, trong phim nào. Tôi mỉm cười và bảo, tôi đóng vai ông xe ôm trong phim "Người nhà quê". Họ ồ lên và bảo, đúng đúng, trông mặt anh rất hợp với vai ấy. Nhưng sao chưa thấy phim phát trên tivi nhỉ?

Qua chuyến đi ấy tôi nghiệm ra rằng, đi ăn tiệc với người nổi tiếng cứ phải diễn cho tròn vai nên ăn uống gượng gạo, chả sung sướng gì, làm sao ngon bằng khi được ăn cơm với… mẹ tôi. Bởi thế tuần nào tôi cũng cố gắng về ăn với bà một bữa, rau dưa thanh đạm thôi, nhưng mà sao thấy ngon thế!

- Anh thường nói chuyện gì với mẹ trong những bữa cơm?

- Mẹ tôi năm nay đã ngoài 70, nên mỗi lần về tôi đều cố ý tếu táo để mẹ tôi vui. Tôi thường nói: “Mẹ là người nổi tiếng nhất làng Bùi. Vì mẹ không biết chữ, thế mà đẻ ra được một nhà văn. Nếu mẹ được học hành tử tế không khéo mẹ đẻ được… Giám đốc cũng nên!”.

Nhà văn Đỗ Tiến Thụy sinh ngày 12/10/1970. Quê ở Tốt Động, Chương Mỹ, Hà Tây. Anh tốt nghiệp Khoa sáng tác - Lý luận phê bình văn học, ĐH Văn hóa Hà Nội (2002-2006).

Đỗ Tiến Thụy từng đoạt Giải thưởng cuộc thi truyện ngắn "Tầm nhìn thế kỷ" báo Tiền Phong 2001-2002; Giải thưởng cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội 2002-2003; Giải thưởng cuộc thi Bút ký văn học Tạp chí Văn nghệ quân đội 2003-2004...

Tác phẩm đã xuất bản: Gió đồng se sắt, Tập truyện ngắn - NXB Thanh Niên 2005; Màu rừng ruộng (NXB Trẻ), Vết thương thành thị (NXB Trẻ).

Hà Linh thực hiện

Ý kiến của bạn

 
 Thay hình khác
  
Off Telex VNI VIQR
 
Link Site
Link Site Thư viện Diễn viên Diễn đàn Phim ảnh
 
 
Tiêu điểm
Chương trình Bước nhảy hoàn vũ 2011
Liên hoan phim quốc tế Cannes 2011
 
 
 
Video clip
Những nhạc phẩm hay mang không khí mùa hè
Những bài hát nổi tiếng của Super Junior
Chàng trai giả giọng 12 ca sĩ khi hát nhạc Trịnh
 
Góc quà tặng
Tặng độc giả 10 đôi vé xem "H-Artistry" với các ngôi sao quốc tế David Cook, Alexandra Burke và Thanh Bùi.
Trung tâm sách văn học imOne tặng độc giả 10 cuốn "Mê cung ký ức".
Danh sách độc giả nhận tặng vật phim "Cướp biển vùng Caribbe 4".
Danh sách độc giả nhận hai cuốn sách "Cây hoa đom đóm" và "Matia và ông".
 
Trang eVăn

Mã Tiểu Khiêu tinh nghịch (59)

Chiều hôm đó, bọn trẻ đang thu dọn sách vở chuẩn bị về thì đột nhiên thầy hiệu trưởng bước vào, sau lưng thầy là một cô nhà báo. Cô nhà báo này trông rất trẻ, nếu cô ấy không đeo một cặp kính, có khi mọi người còn tưởng là một hoa khôi nữa... >>>

Lien he quang cao