(VnMedia) - 5 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập siêu tới gần 6,6 tỷ USD. Trong đó, như thường lệ, nhập siêu từ Trung Quốc chiếm phần lớn và vẫn đang tăng với tốc độ chóng mặt. Việc giải bài toán nhập siêu trong bối cảnh Trung Quốc luôn chiếm ưu thế lớn về kinh tế như hiện nay là rất nan giải không chỉ với Việt Nam mà còn với nhiều nền kinh tế lớn khác. Theo Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2011, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam là 34,746 tỷ USD, trong khi kim ngạch nhập khẩu là 41,335 tỷ USD, nhập siêu là 6,589 tỷ USD. Mặc dù con số thống kê này không nêu rõ mức nhập siêu cụ thể từ các nước, nhưng một số liệu khác từ Bộ Công thương cho biết nhập siêu 4 tháng đầu năm là 4,9 tỷ USD trong đó riêng nhập siêu từ Trung Quốc chiếm gần 4 tỷ USD. Và theo một số liệu khác từ Tổng cục Thống kê, nhập siêu với Trung Quốc năm 2010 đã tăng gần 5 lần lên mức 12,7 tỉ USD so với mức 2,67 tỉ USD năm 2005. Theo nghiên cứu của Tiến sĩ kinh tế Từ Thuý Anh và Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Bình Dương (Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - VEPR, Đại học Quốc gia Hà Nội), một trong những nguyên nhân chính khiến thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc tăng cao như vậy là do sự áp đảo của các nhà thầu Trung Quốc trong các dự án lớn ở Việt Nam. Có đến 90% dự án công nghiệp nặng như các công trình điện, khai khoáng, dầu khi, luyện kim, hoá chất… của Việt Nam đều do Trung Quốc đảm nhiệm, với giá trị trúng thầu hàng trăm triệu cho đến hàng tỷ USD mỗi dự án. Đặc biệt, đây đều là những ngành công nghiệp thượng nguồn, với chủ đầu tư chủ yếu là các tập đoàn kinh tế trụ cột của nền kinh tế Việt Nam. Những ngành như sản xuất máy móc, thiết bị, than cốc và sản phẩm dầu mỏ tinh chế, điện tử và thiết bị truyền thông; sản xuất thiết bị điện; sản xuất, sửa chữa xe có động cơ… là những ngành mà quan hệ thương mại với Trung Quốc vừa gây nhập siêu cao, vừa tăng đáng kể sức ép cạnh tranh trên thị trường Việt Nam.
| Thương mại với Trung Quốc giai đoạn 2007 - 2010 |
Cùng với chiến lược làm nhà thầu nước ngoài lớn ở Việt Nam, khi thực hiện công trình thắng thầu, các nhà thầu Trung Quốc có đặc điểm luôn mang theo từ A đến Z để phục vụ công trình như máy móc thiết bị, công nghệ, nguyên vật liệu, hay thậm chí cả nhân công, thay vì sử dụng các nguồn lực tại chỗ như nhiều nhà thầu nước ngoài khác. Trong khi đó, nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc chỉ chiếm một phần nhỏ trong cán cân thương mại. FDI từ Trung Quốc chỉ chiếm 1,5 tổng vốn FDI vào Việt Nam và chủ yếu là hình thức 100% vốn nước ngoài. Một nguyên nhân quan trọng nữa là năng lực cạnh tranh và cơ cấu sản phẩm trong thương mại song phương. Hàng hoá Việt Nam thường có khả năng cạnh tranh kém, nhất là về giá cả nên khó thâm nhập thị trường Trung Quốc. Xuất khẩu sang Trung Quốc lại chủ yếu là khoáng sản và nông lâm thuỷ sản với số lượng nhỏ, thường xuyên bị bên nhập khẩu ép giá. Ngược lại, hàng Trung Quốc có lợi thế lớn về giá cả, cùng với chính sách hỗ trợ xuất khẩu hiệu quả của chính phủ, nên sức thâm nhập vào thị trường Việt Nam cũng như các nước khác là rất mạnh Xét về mặt quản lý vĩ mô, Việt Nam lại thiếu những hàng rào kỹ thuật đối với hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc. Chính sách thương mại và công nghiệp của Việt Nam chưa phát huy được tác dụng trước làn sóng hàng Trung Quốc đa dạng và giá rẻ. Trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, Việt Nam đóng vai trò chuyên trách cung cấp nguyên nhiên liệu và nông sản thô, còn Trung Quốc xuất khẩu sản phẩm công nghiệp sang Việt Nam với khối lượng lớn vượt trội. Đây là đặc thù của quan hệ thương mại Bắc – Nam, mặc dù trình độ sản xuất trung bình của Trung Quốc không cao hơn hẳn Việt Nam. Theo Báo cáo Kinh tế Thường niên 2011, dù có những quan điểm cho rằng, nhập khẩu công nghệ, thiết bị là nhắm tới kỳ vọng nâng cao giá trị gia tăng trong tương lai, thực tế cho thấy, nhập siêu từ nước láng giềng đang ngày càng chiếm tỷ trọng quá lớn trong tổng nhập siêu của Việt Nam, mà giá trị lan toả về công nghệ cũng như về xã hội không cao như kỳ vọng. Rõ ràng, cần có các giải pháp đồng bộ, không chỉ về chính sách thương mại mà cả về chính sách đầu tư, về chính sách công nghiệp, trong cơ chế chọn nhà thầu khoán để hạn chế nhập siêu từ Trung Quốc, để điều tiết cạnh tranh trên thị trường nội địa, tăng giá trị lan toả về xã hội, về công nghệ từ các hoạt động nhập khẩu, tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế bền vững. Hoàng Yến |