Nhạc sĩ Tuấn Khanh: thiếu nhân cách, thừa thảm họa
- “Chiếu theo sự phát triển của âm nhạc thương mại từ 5 năm qua, biểu đồ của sự suy đồi đang là một đường thẳng đứng…” - nhạc sĩ Tuấn Khanh

Nhạc sĩ Tuấn Khanh, người từng nâng đỡ nhiều ca sĩ trẻ vào nghề chia sẻ với VietNamNet câu chuyện thời sự về làn sóng “thảm họa” của nhạc pop Việt.

Nhạc sĩ Tuấn Khanh vừa xuất hiện trong vai trò giám khảo cuộc thi
Sao Mai điểm hẹn mùa thứ tư, 2010 – 2011

Đừng ngỡ vũng lầy là đại dương

- Xin anh cho biết, dưới góc độ chuyên môn, các ca khúc bị dư luận và truyền thông dán nhãn “Thảm họa Vpop” có điểm chung gì về mặt âm nhạc?

Nếu gọi những gì đang diễn ra là thảm họa, tôi nghĩ rằng ngôn ngữ ‘làm nóng’ của truyền thông đang nói quá về một vài bài hát và một vài con người. Thực tế, thảm họa Vpop nếu có, chắc chắn sẽ đến và có lẽ còn tệ hại hơn những gì chúng ta đang thấy rất nhiều. Chiếu theo sự phát triển của âm nhạc thương mại và hỗn loạn của âm nhạc nói chung từ 5 năm qua, biểu đồ của sự suy đồi đang là một đường thẳng đứng chưa có điểm dừng lại.

Để trách móc một tác giả, tác phẩm… tôi nghĩ chúng ta làm chuyện thiếu công bằng là trách bữa cơm có nhiều sạn, mà quên đi cánh đồng do chính nền văn hóa và xây dựng con người của xã hội tạo ra. Trách là trách cả một hệ thống bao gồm từ giáo dục, văn hóa cho đến truyền thông đã cùng góp tay tạo nên thảm họa này.

Chúng ta chưa bao giờ thật sự có một nền Vpop hay một dòng nhạc gọi là “dân gian đương đại”. Đó thật sự chỉ là những ngôn ngữ hàm chứa sự mơ ước hay ở cấp thấp hơn, dân chúng vẫn gọi là “tự vẽ bùa mà đeo”. Nền âm nhạc Việt vẫn là một vũng lầy mà những người tham gia ngụp lặn trong đó, cứ ngỡ là mình đang tắm gội trong một đại dương. Vì lẽ đó, “thảm họa Vpop” chỉ là câu chuyện riêng của vũng lầy, chẳng là gì với đại đa số công chúng tử tế và tinh tường vẫn đang mỗi ngày nhìn và cười mỉa cho những gì đang diễn ra trước mắt họ.

Biên giới của sáng tạo và đập phá điên cuồng

- Anh nhận xét thế nào về con đường đến với nghề ca hát của các chủ nhân “thảm họa Vpop”?

Cũng trong đề tài này, trả lời cho một đài nước ngoài, tôi có khẳng định rằng biên giới sáng tạo hay đập phá điên cuồng của một nghệ sĩ hay một người tưởng mình là nghệ sĩ rất vô cùng. Trong thế giới đó, người ta có thể tìm thấy một Lady Gaga hay Yankovich, nhưng cũng trong thế giới đó, người ta vẫn tìm thấy những kẻ điên dại made in Vietnam, vậy thôi.

Khác nhau ở chỗ là người sáng tạo thì đi trước, kẻ điên thì bắt chước theo sau khi học lóm, chộp được thông tin. Chẳng may, nếu ai đó quảng bá rằng Van Gogh tự cắt tai và nổi tiếng sau đó, tôi tin rằng sớm muộn gì Việt Nam cũng sẽ có năm ba kẻ cắt cái gì đó của mình để nổi tiếng.

Trở thành ngôi sao ca nhạc đang là ước vọng của rất nhiều bạn trẻ. Thực tế được nhìn thấy qua các buổi đăng ký thử giọng ở cuộc thi Việt Nam Idol

- Những trường hợp bất ngờ nổi tiếng và kiếm lợi nhờ ca khúc bị gắn tên “thảm họa” dường như là gợi ý về một cách thành công cho những ai muốn nổi tiếng bằng mọi giá. Anh có suy nghĩ gì về điều này?

Năm 2001, khi đọc trên tờ Time một loạt nghiên cứu về thanh niên Trung Quốc, trong đó có một bài nhấn mạnh về tâm lý cuồng dại muốn được đám đông biết đến, bất chấp hậu quả ra sao, tôi đã thoáng nghĩ rằng biết đâu chuyện này sẽ xảy đến với Việt Nam. Và với nền văn nghệ Việt Nam hiện nay, khát khao và ảo tưởng mình là tâm điểm của đám đông đang ám ảnh một lớp người, có thể bắt gặp từng ngày, từng giờ trên truyền hình, báo chí… Đâu phải chỉ là trong âm nhạc mà thôi, người ta giờ đây có thể post hình “nóng” của mình lên mạng, vờ để “lộ hàng”, tuyên bố những câu làm bàng hoàng mọi gia đình.

Không hề bất ngờ gì cả, dần dà, ai cũng thấy đó là chuyện không có gì, thậm chí lại còn là cầu nối cho sự chú ý của đám đông. Cuối cùng, chúng ta lộ diện một xã hội đói nhân cách và phẩm giá, nhưng tràn ngập ngôi sao và thảm họa.

Những trò vui bị đánh đồng với nghệ thuật

- Thực tế thì các ca khúc “thảm họa” khi mới ra đời rất nóng sốt trên các trang mạng, kéo theo những trò vui ăn theo như nhại giọng, đổi lời…, thu hút được hàng triệu người xem. Phải lý giải thế nào về thực tế này, thưa anh?

Cuộc sống và nền văn minh của loài người phát triển lập ra rất rõ những lằn ranh. Chẳng hạn như đâu là khiêu dâm và đâu là ảnh khỏa thân nghệ thuật. Những trò vui và hội chợ rộn rịp đó đang bị đánh đồng với nghệ thuật, khiến xã hội sáng tạo bị đảo lộn và nhầy nhụa trong những điều không thuộc về nó.

Tôi vẫn nhắc đi nhắc lại rằng hoặc sự dốt nát, hoặc thờ ơ, hoặc thỏa hiệp vì lợi ích cá nhân đã khiến các biên tập viên, những người cầm trịch… của các chương văn nghệ chính thống trên báo chí, trên truyền hình, phát thanh… trở thành kẻ đầu độc xã hội. Chỉ khi nào chúng ta lập lại được sự đồng đẳng về tri thức và văn hóa, cùng với cái tâm phục vụ con người và nghệ thuật, thì khi đó những cái gọi là “thảm họa” như hiện nay chỉ còn là đôi ba trò hề không đáng quan tâm.

Xin cảm ơn anh!

Minh Chánh thực hiện
E-mail người nhận:
Họ tên người gửi:
E-mail người gửi:
Nội dung:
Ý kiến của bạn
E-mail |  Bản In |  Chia sẻ  
Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu và không quá 1000 chữ
Tin khác
,
,
© 2010 Báo VietNamNet. All rights reserved. Thông tin Tòa soạn
® Ghi rõ nguồn "VietNamNet" khi phát hành lại thông tin từ website này.
,