Thu phí mua xe: Đừng nhìn chằm chằm vào túi người dân!

10/06/2011 17:03:31
- Sau khi Bee đăng tải bài viết "5 năm nữa, ô tô sẽ chỉ để đắp chiếu" phỏng vấn ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) xung quanh đề xuất thu phí quyền mua ô tô, xe máy, tòa soạn đã nhận được rất nhiều phản hồi của độc giả.
Ý tưởng trên trời, đề xuất thụt lùi
 
Bên cạnh số ít ý kiến cho rằng đề xuất của VAFI sẽ "giảm được tắc đường, khuyến khích mọi người dùng phương tiện công cộng",  đa số các ý kiến đều cho rằng đề xuất thu phí quyền mua ô tô, xe máy của VAFI là một ý tưởng "trên trời", mơ hồ, phản khoa học và không có tính khả thi.

Độc giả Vũ Đình Túy, ở Tân Kỳ, Tân Quý, Quận Tân Phú, TP.HCM thẳng thắn: "VAFI không phải là nhà chuyên môn trong lĩnh vực giao thông vận tải mà lại có kiến nghị thật lạ lùng. Sao VAFI không nghĩ đến chuyện đầu tư tài cho cơ sở hạ tầng giao thông, mà lại nghĩ ra kế thu thật nhiều thuế? Một cách nghĩ quá thiển cận dành cho những quý ngài giàu có".

Gay gắt hơn, bạn Nguyễn Hưng (ở Hà Nội) bày tỏ: "Lãnh đạo VAFI không có tầm nhìn, thiếu thực tế, điệp khúc không quản lý được thì cấm lại xuất hiện, sai lầm quy hoạch làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhu cầu sống trong tương lai. Hiện nay người tiêu dùng VN quá thiệt thòi khi phải mua xe ô tô với cái giá quá cao (Giá ôtô VN gần gấp 3 lần so với giá ô tô bên Mỹ), giờ lại thêm khoản phí được quyền mua ô tô xe máy của VAFI nữa đúng là vở bi hài kịch cho người tiêu dùng Việt Nam".

Thu phí quyền mua ô tô, xe máy có tránh được tắc đường? Ảnh minh họa: IE
Thu phí quyền mua ô tô, xe máy có tránh được tắc đường? Ảnh minh họa: IE


Độc giả Mr Anh (ở Hà Nội) gay gắt: "Tôi có theo dõi về cái vụ ôtô nhập khẩu này, đọc mà thấy buồn cười quá, lố bịch làm sao khi không có giải pháp thì lại đưa ra những đề xuất này nọ. Thử hỏi các ông có ai đi bộ, đi xe đạp, xe bus đi làm không? Bản thân ông Nguyễn Hoàng Hải đã đi xe bus lần nào chưa? Giao thông công cộng của Việt Nam đã đảm bảo nhu cầu chưa?".
 
Một bạn đọc có tên Vũ Thái (ở Hà Nội) "chất vấn" Tổng thư ký VAFI: Chính ông Hải đã nói tắc đường ở TP.HCM và Hà Nội, vậy sao phải bắt người dân của 62 tỉnh khác vốn có đường xá rộng rãi, dân cư khá thưa thớt và thu nhập bình quân đầu người thấp lại phải mua xe ô tô giá cắt cổ?  Ông đã vào thành phố Vũng Tàu, cách TP. HCM 120km chưa? Những con đường cực đẹp rộng thênh thang, những bùng binh lớn nhất Đông Nam Á, xe cộ rất ít và tắc đường là chuyện... chẳng bao giờ có, vậy chẳng nhẽ họ lại phải mua ô tô với giá 10 lần giá trị thực vốn đã rất cao?  Ông nói rằng giao thông dựa vào hệ thống phương tiện công cộng như bus và taxi giá rẻ? Xin hỏi ông hiện tại hệ thống giao thông công cộng ở VN nằm ở mức nào và đáp ứng được bao nhiêu nhu cầu đi lại của người dân, và ý ông nói về "taxi giá rẻ" là thế nào? Một thành phố ít ô tô cá nhân nhưng tràn ngập taxi thì thử hỏi kiểu gì, và chẳng nhẽ taxi không phải là ô tô, không chịu "thuế sở hữu" và không gây ra tắc đường?

Một số độc giả "chắc mẩm" nếu đề xuất của VAFI thành hiện thực thì chuyện "muốn có xe chỉ là chuyện trong mơ" (hathanhphuong - Đồng Tháp). "Tôi đang phấn đấu để mua ôtô nhưng nếu áp dụng biện pháp này thật thì ước mơ của tôi và nhiều người khác nữa tan thành mây khói à? Mua được xe lại phải nộp phí, xăng lại đắt nữa, thế thì sạt nghiệp à?" (Trung Viet - Thái Nguyên).

"Sao lại cứ nhìn chằm chằm vào túi người dân?"
 
Độc giả Phú Hưng (ở Nha Trang - Khánh Hòa) khẳng định: "Mọi công dân đều có quyền hưởng cuộc sống tiện nghi hơn, hiện đại hơn, an toàn hơn mà ô tô thực sự là phương tiện đáp ứng nguyện vọng đó. Bài toán giảm lưu lượng xe không nằm ở chỗ ít hay nhiều xe  ô tô mà nằm ở rất nhiều giải pháp đồng bộ (chất lượng cơ sở hạ tầng GT, chất lượng giao thông công cộng, thói quen, tập quán đi lại của người dân, ý thức chấp hành Luật GT..)".

Gửi lời đến Tổng thư ký VAFI, độc giả Tư Sơn - Hà Nội viết:  "Trước hết cảm ơn ông vì đã lo lắng cho thực trạng giao thông tại VN, đặc biệt tại HN và TP.HCM. Tôi không biết ông hoặc người thân của ông có sử dụng xe ô tô không. Tôi chắc ông cũng biết được sự thuận lợi khi một gia đình có 1 chiếc xe ô tô để sử dụng như thế nào. Tại sao ông không có một lý do nào thực sự thuyết phục hơn khi đề xuất một ý kiến vô lý như vậy.
 
Thiết nghĩ Nhà nước đang đánh thuế cao ô tô là để phát triển ngành công nghiệp ô tô, tránh nhập siêu lớn; giảm tải tình trạng ách tắc giao thông; tránh phục vụ một số ít bộ phận người dân... Mặc dù những lý do này chưa thật sự thuyết phục khi lợi ích của người tiêu dùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Để phát triển nước nhà, tôi nghĩ ông nên đề xuất những điều hợp lý hơn như chống tham nhũng, chấn hưng giáo dục, tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng, hợp lý hóa quy hoạch giao thông đô thị... hơn là việc nhìn chằm chằm vào túi tiền người dân".

Bạn đọc Ngô Thanh Bình - Hà Nội viết: "Đề nghị hạn chế phát triển nhanh ở trung tâm Hà Nội và TP.HCM. Tập trung phát triển ở cách thành phố vệ tinh với thiết kế giao thông tốt hơn".
 
Chuyện giao thông không thể như chữa cháy

 Trong bức thư dài gửi đến tòa soạn, độc giả Quang Thái - TP.HCM phân tích: "Tôi thấy cũng có cái đúng trong suy nghĩ cấp bách của những người làm luật nhưng song song đó sẽ phát sinh nhiều chuyện khó lường ảnh hưởng đến cuộc sống mưu sinh của từng người dân và kinh tế đất nước.
 
Theo tôi, câu chuyện về giao thông không thể làm theo kiểu chữa cháy... Vấn đề các bộ, ban, ngành cần phối hợp nhịp nhàng về cơ sở hạ tầng, mau chóng phân bổ các trường đại học ra ngoại ô thành một khu hay một làng, khu công nghiệp kết hợp với khu dân cư thu nhập thấp và khu trọ cho công nhân và chuyên gia gần đó,  trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê sẽ có những căn hộ thật cao cấp cho người thu nhập cao ở gần đó.... Các tuyến xe buýt phát huy đúng hiệu quả sao cho người dân không muốn đi xe máy đến cơ quan và khu đi bộ thuộc về trung tâm.  Song song đó phát triển các cụm cảng trung chuyển hợp lý rồi tính đến cảng nước sâu.
 
Từ 15 năm trước tôi có đến Thái Lan thì thấy họ phát huy tuyến xe lam chạy bằng gas lưu thông trong các con đường nội ô thật hợp lý, xe gas này mỗi tuyến có một đội xe cứ cách nhau một thời gian ngắn sẽ chạy qua và khi dừng lại đón khách chỉ trong một phút, quá một phút sẽ không đón khách dù xe có ế khách. Tuyến xe buýt đưa đón học sinh đều xe hai tầng và phụ huynh không có chuyện đi xe máy đón con em như hiện nay ở Việt Nam ! Đường cao tốc của họ đi trên không (đường hai tầng) cứ xe chạy dưới tầng trệt thì đi tốc độ chậm và có thể ghẹo theo ngã tư gần nhất, còn ai muốn đi nhanh thì đi trên con đường cao tốc trên cao và đóng tiền cứ 1km = 1 bạt lúc đó, lên cao tốc qui định chạy theo len đường bắt buộc: 180km/h ở len ngoài và 140km/h ở len trong...
 
Do đó, người ở ngoại ô hay ở tỉnh khác vẫn lái xe vào trung tâm làm việc chiều lái ô tô về nhà bình thường! còn chuyện xe máy ở xứ họ hầu như không có xuất hiện trong trung tâm thành phố, họ cũng có xe mô tô chạy xe ôm và chạy rất nhanh đi trên đường cao tốc khi có chuyện cần đi nhanh nhưng người chạy xe ôm kiểu này luôn có bộ bảo hộ kèm theo cho người ngồi sau và người ngồi sau bắt buộc ôm người lái thật an toàn!
 
Trên đây là câu chuyện tôi muốn nhắc tới các hệ thống đều giải quyết theo hướng vĩ mô, lưu thông tốt sẽ phát triển kinh tế không nên hạn chế lưu thông".

Còn bạn đọc Liên Hương ở Quảng Trị gợi ý: "Tôi tự hỏi, vì sao không đưa ra các dự án phát triển hệ thống giao thông, như tăng thêm tuyến đường, hạn chế ùn tắc bên cạnh việc phát động việc sử dụng giao thông cộng cộng, thay vì dành chi phí cho việc sửa đường (mặc dù đường chưa có hiện tượng xuống cấp) thì tập trung vào xây dựng các tuyến đường huyết mạch, và phải chất lượng để hạn chế việc hỏng hóc".
 
Trong khi đó, độc giả Dương Quang Minh (ở Khâm Thiên, Hà Nội) thì gợi ý "thuê tư vấn nước ngoài, biết đâu từ những nghiên cứu khách quan họ đưa ra được những giải pháp độc đáo, đơn giản và ít tốn kém nhất".

Bắc Lưu
TIN LIÊN QUAN
.
Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu
.