Không thể so cổ phiếu với mớ rau, cốc trà đá

09/06/2011 06:31:40
- "Giá một số cổ  phiếu (CP) xuống thấp ngang với mớ rau, cốc trà đá nhưng sẽ chẳng có nhà đầu tư (NĐT) nào chuyển sang buôn rau, bán trà đá vỉa hè, đơn giản bởi chơi chứng khoán với nhiều người là niềm đam mê. Họ vẫn có quyền hy vọng!", anh Dương Hồng Hà, Giám đốc Phân tích, Công ty Cổ phần Chứng khoán Trí Việt nhận định.

Chẳng nhà đầu tư nào chuyển sang buôn rau

Giá CP đang xuống rất thấp, thậm chí có CP chỉ trên dưới 2.000đ, không bằng mớ rau muống. Anh nghĩ sao về điều này?

Hiện, trong tổng số 680 mã  CP thì có khoảng 250 mã dưới 10.000đ, 50 mã  dưới 5.000đ, thấp nhất là 1.900đ. Việc giá CP giảm như thế là do các công ty làm ăn thua lỗ nên NĐT không muốn sở hữu CP của những công ty đó nữa. Thứ hai là do NĐT bán CP để trả nợ cho công ty chứng khoán mà họ đã vay trước đó dẫn đến tình trạng nhiều người bán mà không có người mua nên giá CP bị đẩy xuống thấp. Thứ ba là hiện tại, NĐT có quá nhiều sự lựa chọn thì chẳng dại gì họ lại không chọn mua CP của những công ty làm ăn có lãi, ít rủi ro hơn.

Đúng là có mã CP giá không bằng mớ rau hay cốc trà đá vỉa hè. Thế nhưng, sự so sánh đó chỉ mang ý nghĩa tương đối và chỉ xét trên bình diện giá trị bằng tiền mặt mà thôi. Còn về bản chất không thể so sánh như thế được.

Tại sao vậy? Vì thực tế, lợi nhuận của NĐT hay người bán rau cũng đều quy đổi ra bằng tiền? CP xuống thấp kỷ lục thì NĐT bỏ chứng khoán để đi buôn rau, bán trà đá có phải hơn không!

Đặc thù của những NĐT chứng khoán khi tham gia sàn đều có sự say mê nhất định. Thậm chí có những người nghiện chứng khoán đến nỗi một ngày không lên sàn, không giao dịch khiến họ thấy bứt rứt. Có những NĐT chơi 8, 9 năm hoặc lâu hơn, dù đang bị thua lỗ nhưng họ vẫn luôn hy vọng sẽ lấy được lại những gì đã mất, thậm chí có cơ hội kiếm được nhiều hơn nữa.

Thực chất thị trường chứng khoán (TTCK) đòi hỏi người tham gia phải có kiến thức về kinh tế, doanh nghiệp, tài chính và cả  bản lĩnh, trong khi buôn rau thì chỉ cần bỏ  ra chút vốn là đủ. Tôi cũng mới chỉ thấy có NĐT bỏ thị trường chứng khoán để đi làm những công việc nhẹ nhàng hơn, ít căng thẳng hơn chứ không có ai đi buôn rau cả (cười). 

Khoảng 70% NĐT là dân "ngoại  đạo"

Anh bảo chơi chứng khoán đòi hỏi phải hiểu biết. Vậy anh nghĩ sao khi có những người về hưu, thậm chí là nông dân vẫn lên sàn giao dịch?

Thực ra, Chính phủ có chủ trương xã hội hóa chứng khoán. Do đó, để tham gia TTCK không hề khó khăn, chỉ cần người ta có tiền là có thể lên sàn giao dịch. Điều đó lý giải vì sao ông nông dân vẫn có thể lên sàn. Hiển nhiên, nếu NĐT nào có hiểu biết về chứng khoán, về kinh tế thì cơ hội thành công của họ sẽ cao hơn là một người ngoại đạo.
 
 anh Dương Hồng Hà, giám đốc Phân tích, Công ty Cổ phần Chứng khoán Trí Việt
Anh Dương Hồng Hà, giám đốc Phân tích, Công ty Cổ phần Chứng khoán Trí Việt

Theo anh thì số lượng người ngoại đạo tham gia TTCK có nhiều không?

Nếu so sánh với NĐT có chuyên môn thì dân ngoại đạo chiếm ưu thế hơn hẳn, vì có tới hơn 70% NĐT là tư nhân. Thông thường, nhóm NĐT này chơi theo kiểu lướt sóng, đầu tư ngắn hạn, chấp nhận rủi ro lớn để kiếm lời nhanh.

Điều đó có nguy hiểm không anh?

Trong một số trường hợp, NĐT chơi theo kiểu lướt sóng mà nhạy bén với thị  trường thì sẽ thành công hơn NĐT chuyên nghiệp. Thế nhưng, về cơ bản, tỷ lệ thành công của họ không cao mà phần nhiều phụ thuộc vào yếu tố may rủi.

Đừng đổ lỗi cho chính sách

Nói như anh thì có  vẻ TTCK giống như một canh bạc?

Đã là TTCK thì không bao giờ thôi tồn tại những con bạc. Việc xác định chơi chứng khoán có là canh bạc hay không lại phụ thuộc vào tâm thế của người chơi. Nếu ai coi đó là cờ bạc thì họ chấp nhận rủi ro lớn để kiếm lợi nhanh. Còn với NĐT có sự nghiên cứu, tìm hiểu đầy đủ, có mục tiêu lâu dài hơn thì tính chất cờ bạc giảm đi rất nhiều.

Điều gì đã tạo nên tâm thế ấy? Do chính sách hay tự bản thân mỗi NĐT?

Không thể đổ lỗi cho chính sách được bởi chính sách thì luôn cởi mở, đôi khi anh có một đồng nhưng vẫn có thể  vay tới mười đồng để chơi. Chính lòng tham cùng sự  thiếu bản lĩnh, không kiểm soát được mức độ rủi ro mà mình có thể gánh chịu của các NĐT đã tạo nên tâm lý đó. Trên thực tế vẫn có những NĐT có kiến thức đầy đủ nhưng khi lên sàn, họ nhanh chóng bị hấp dẫn bởi lợi nhuận mà quên đi hết những nguyên tắc cơ bản về tài chính, về phòng ngừa rủi ro dẫn tới sự sa đà. Như vậy, NĐT phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự thua lỗ của mình.

Nhưng nếu như chính sách của chúng ta chặt chẽ, quy định NĐT chỉ được vay tiền chơi CK theo một mức nhất định thì có phải tốt hơn không?

Cái đó cũng tốt. Hiện chúng ta đang trong quá trình xây dựng khung pháp lý để kiểm soát việc cho vay đối với NĐT chứng khoán. Từ ngày 1/8 tới đây, các công ty chứng khoán sẽ chính thức cho các NĐT vay ký quỹ, nghĩa là công ty sẽ chỉ cho họ vay ở một mức độ nhất định tùy vào năng lực tài chính của họ. Điều đó sẽ kiểm soát tốt hơn độ rủi ro của công ty cũng như chính NĐT, đảm bảo nếu họ có thua lỗ thì cũng trong khả năng chịu đựng được.

Khả năng xảy ra đổ vỡ là rất khó

Theo anh, giá CP xuống thấp kỷ lục như thế liệu có dẫn đến sự sụp đổ của thị trường?

Khả năng TTCK xảy ra đổ vỡ là rất khó. Bởi vì, thị trường của chúng ta mới chỉ ở giai đoạn phát triển ban đầu. Thời gian qua, giá CP xuống thấp là do nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Chúng ta phải nhìn vào những chính sách, quyết tâm của Chính phủ để ổn định kinh tế vĩ mô sẽ thấy khó khăn đó chỉ là tạm thời, còn trung và dài hạn thì khi kinh tế vĩ mô được cải thiện chắc chắn TTCK sẽ phát triển.

Hiện tại, trên thị trường có xu hướng đổ dồn mua CP giá thấp không, thưa anh?

Chưa đâu, vì NĐT có nhiều lựa chọn. Họ sẽ mua những CP ít rủi ro hơn là những CP giá thấp kỷ lục như  thế này.

Anh tin tưởng bao lâu nữa TTCK sẽ khởi sắc?

Cái này tùy thuộc vào những vấn  đề của kinh tế vĩ mô được giải quyết nhanh hay chậm. Nó cũng khó dự đoán lắm. Tuy nhiên, bản thân NĐT thì không bao giờ thôi hy vọng. TTCK cũng cho phép họ luôn luôn hy vọng. Thực tế, trong tình trạng hiện nay thì vẫn có những NĐT kiếm lời.

Xin cảm ơn anh!

Thanh Thủy (Thực hiện)
.
Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu
.