Cậu bé mọc lông như 'người rừng'
Cháu bé có tên Nguyễn Văn Hoàng (SN 1999), thôn Hoàn Đông, xã Hưng Thuỷ, Lệ Thuỷ, Quảng Bình.
Cháu Nguyễn Văn Hoàng hiện đang rất khó khăn trong sinh hoạt khi khắp người mọc lông tua tủa như “người rừng” và dù bệnh của cháu đã được phát hiện từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa được chữa trị.
Theo lời mẹ cháu Hoàng, chị Võ Thị Nghiệm từ lúc sinh ra cháu Hoàng đã có lông mọc đen kín người. Càng lớn, lông càng rậm rịt. Người dân xung quanh thường trêu đùa em là “người rừng”, có người ác mồm gọi là “người sói”.
|
Vào mùa hè oi bức Hoàng rất ngứa ngáy, khó chịu. Ảnh: Quốc Nam |
Hoàng hiện đã học lớp 7 ở địa phương nhưng hay bị bạn bè trong trường trêu chọc khiến Hoàng rất nản học, hay khóc. Em khao khát được vui đùa chung với bạn mỗi giờ ra chơi nhưng không được các nhóm chơi cho phép. Hoàng phải lủi thủi một mình. Sau lưng Hoàng có nhiều nốt u nổi cộm, cá biệt có một u to như chiếc bát nhỏ đã phải phẫu thuật tại bệnh viện Trung ương Huế.
Càng lớn, Hoàng càng mọc rậm lông khắp người, chỉ trừ từ đầu gối xuống chân và hai cánh tay lông không mọc. Gia đình em đã chạy chữa nhiều nơi nhưng không chữa lành. Vào mùa hè nắng nóng, Hoàng rất khó chịu, khổ sở với số lông mọc khắp người và gần đây cháu có hiện tượng hú lên vào ban đêm khi quá nóng.
|
Lông mộc khắm thân thể Hoàng. Ảnh: Quốc Nam |
Thế nhưng, hiện tượng lông mọc toàn thân hiện chưa có giải thích rõ ràng từ giới chuyên môn của địa phương và họ xem đây như là trường hợp "lạ".
Tuy nhiên, bác sĩ Lại Văn Hải - Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Đồng Hới (Quảng Bình) - cho biết, bệnh này có tên khoa học hypertrichosis.
Theo bác sĩ Hải, trên thế giới hiện không quá 60 người mắc bệnh này. Có một phương pháp chữa rất đắt tiền được áp dụng là chữa trị bằng tia laze, làm người bệnh đau đớn. Mặt khác, gia đình cháu nghèo nên không có điều kiện chữa trị bằng phương pháp đắt tiền cho cháu.
Hiện có phương pháp mới mà các nhà khoa học ở đại học Colombia (Hoa Kỳ) đưa ra là tiêm kích thích tố sinh dục nam – phương pháp chữa bệnh hói đầu – có thể loại bỏ lông ở các vùng bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên phương pháp này chưa có kiểm chứng rộng rãi.