"Người chống tham nhũng ngày càng ít đi"

17/06/2011 07:33:29
- Bộ Nội vụ và Thanh tra Chính phủ vừa có thông tư liên tịch về  việc tặng huân chương dũng cảm cho những người tố  cáo tham nhũng. KH&ĐS đã trò chuyện với  ông Hà Duy Thành, một trong những cán bộ có thâm niên trong công tác phòng chống tham nhũng của Ủy ban Kiểm tra TƯ.

TIN LIÊN QUAN

86 nghìn tỷ đồng đi  đâu mất rồi


Ông có cho rằng, thông tư này sẽ là "cú hích" động viên người người chống tham nhũng?

Không. Vì hiệu quả không lớn. Tôi nói vậy vì hiện nay người dân tố cáo chống tham nhũng thì nhiều nhưng xử lý thì còn ít lắm! Việc xử lý tham nhũng ở cấp tỉnh đã hạn chế rồi chứ chưa nói đến cấp trung ương. Ví dụ như vụ Tập đoàn Vinashin đến nay việc xử lý vẫn còn đang rất "vướng". Những vụ việc như vậy sẽ khiến cho người ta mất niềm tin vào đấu tranh chống tham nhũng.

Không khuyến khích được dân nhưng liệu nó có khuyến khích được các cán bộ  làm công tác chống tham nhũng không?

Không khuyến khích được nhiều

Theo thông tư này, nếu có  thành tích đấu tranh chống tham nhũng thì được thưởng 30 tháng lương tối thiểu, tức là gần ba mươi triệu đồng. Theo ông đó có phải là động lực thúc đẩy mạnh mẽ đấu tranh chống tham nhũng trong toàn xã hội không?

Theo tôi, với tình hình hiện nay thì số tiền đó không thể thúc đẩy đấu tranh chống tham nhũng. Để lĩnh được phần thưởng như thế thì anh phải làm được những vụ rất lớn. Để làm được những vụ như thế đòi hỏi anh phải có chứng cứ, mà chứng cứ không có thì người ta chịu rồi. 
 
a
Người tham nhũng "đã thoát" rồi thì sẽ quay lại trù dập người đấu tranh.


Những con sâu mọt đã làm người dân mất niềm tin

Nhiều năm làm "nghề chống tham nhũng" ông thấy tình hình tham nhũng trước đây so với bây giờ như thế nào?

Có một điều đáng buồn là dường như người chống tham nhũng ngày càng ít đi. Tham nhũng ngày càng lớn hơn và tinh vi hơn nhiều. Nghĩ lại lúc tôi làm, tôi xử lý những vụ mà đến giờ thấy không đáng bị xử lý. Cũng thấy khổ cho người ta nhưng không thể khác được vì đó là thời điểm lịch sử.

Theo ông thì vì sao người chống tham nhũng lại ngày càng ít đi? Họ chán, họ sợ, hay họ cũng mải mê... tham nhũng?

Theo ý kiến cá nhân tôi thì thứ nhất là do mình xử lý không đến nơi đến chốn, không nghiêm thì người ta thấy việc đấu tranh đó không hiệu quả. Người tham nhũng "đã thoát" rồi thì sẽ quay lại trù dập người đấu tranh.

Thời kỳ tôi làm, có  anh phó chủ tịch xã của huyện Ứng Hòa (Hà Tây cũ) khi phân phối trợ cấp đói nghèo cho dân, những gia đình nghèo không được nên họ thắc mắc thì ông này trả lời: "Đảng là tao, chính quyền cũng là tao. Tao muốn cho ai là được". Anh ta dám nói công khai thế và đã bị xử lý, kỷ luật. Chính những con sâu mọt đó đã làm cho người dân mất niềm tin.  

Không ai muốn người khác giám sát mình

Tại sao lãnh đạo cơ quan lại không phát hiện ra tham nhũng?

Thì ông ta có chống đâu mà có báo cáo!

Nhưng đáng lẽ đó phải là  những người đi đầu trong chống tham nhũng chứ?

Đáng lẽ là thế nhưng do lỗi ở chế tài. Thường những người có chức có quyền mới có điều kiện để tham nhũng. Không có chức có quyền thì lấy gì mà tham nhũng. Chính những người có điều kiện để tham nhũng thì lại giao cho người ta là trưởng ban phòng chống tham nhũng ở các đơn vị.

Nhưng chúng ta cũng có những ủy ban thanh tra, kiểm tra, chống tham nhũng độc lập cơ  mà?

Không. Bản thân tôi đã nghiên cứu nhiều rồi nên tôi biết. Tôi đã nhiều lần  đề nghị Ủy ban kiểm tra đó phải do đại hội bầu ra. Nếu họ làm sai, họ sẽ phải chịu trách nhiệm với Đại hội. Nhưng cho đến giờ thì  đề nghị này vẫn không được chấp nhận.

Vì sao chúng ta không thể thành lập ủy ban kiểm tra độc lập?

Cái đó khó trả lời lắm. Nhưng có một thực tế là không ai muốn giao cho người khác quyền giám sát mình. Cũng vì thế  mà họ lập luận rằng: Ai sẽ là người giám sát những người giám sát. Không có cơ chế  giám sát ngược lại. Chính vì thế, những vụ tham nhũng lớn cũng đã giải quyết được đâu. Đấy, như vụ Vinashin, các cơ quan điều tra làm trầy trật ra mà đã xong đâu.

Theo ông thì người Việt Nam có thích đấu tranh không?

Thích thì thích, nhưng mà  lực bất tòng tâm.

Những người làm báo như tôi rất thích được trò chuyện cùng những người thẳng thắn như ông. Xin cảm ơn ông đã trò chuyện cùng bạn đọc của KH&ĐS. Chúc ông sức khoẻ.

 

Theo thông tư liên tịch của Bộ Nội vụ và Thanh tra Chính phủ mới ban hành, cá nhân có thành tích xuất sắc trong tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng được khen thưởng theo các hình thức tặng Huân chương Dũng cảm; Bằng khen của Thủ tướng; Bằng khen của cấp bộ, ngành hoặc giấy khen. Người được nhận Huân chương Dũng cảm sẽ được thưởng 30 lần mức lương tối thiểu; Được bằng khen của Thủ tướng thưởng 20 lần mức lương tối thiểu; Được bằng khen của cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương thưởng 10 lần mức lương tối thiểu; Được giấy khen thưởng 3 lần mức lương tối thiểu. Hiện lương tháng tối thiểu chung là 830.000đ.

Nguyên Thủy (thực hiện)

.
Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu
.