Thứ Sáu, 17/06/2011, 11:22 [GMT+7]
.
.

Tặng bố tôi, người chưa bao giờ vào đại học

(Phunutoday) - Có một tỉ cơ hội cho tôi nhận ra sự thèm muốn này của bố tôi. Có một tỉ lần bố tôi bày tỏ nó bằng những lời dặn dò, thậm chí mắng mỏ. Tôi để một tỉ lần đó qua đi. Để hôm nay, tôi nhận ra nó trong một tình cảnh hết sức nhẹ nhàng. Và, cũng may vừa vặn, tôi cũng kịp tặng bố tôi một bản đàn "lỗ chỗ" nhịp sai.

Mô tả ảnh.
Bố tôi cũng thèm biết chơi đàn, thèm được tỏa ra ngoài những cảm xúc, những buồn vui bên trong.

Tôi tít vù quay trên chiếc ghế xoay xanh lục. Tôi điên cuồng – nhỏ giọt quay trong tiếng đàn khi mờ khi tỏ của em gái tôi. Tôi ngừng lại, xếp nếp lại xấp bản nhạc. Cả những bài em gái tôi tập, cả những bài tôi in ra vì thích mà chưa ai thèm động tay vào. Khi ấy, tỏ rõ nhất trong đầu tôi chẳng phải là em gái, chẳng phải cây đàn piano hay là bản ngã. Khi ấy, tôi bỗng dưng tủi thân bất chợt vì không được học đàn và tôi nghĩ ngay về bố tôi.

Bố tôi 47 tuổi. Bố tôi chưa bao giờ học đại học.

18 tuổi bố tôi sang Liên Xô theo diện xuất khẩu lao động. Sang đó, bố tôi say sưa khởi nghiệp làm ăn. Và sang đó, bố tôi cũng điên cuồng đọc sách. Từ lúc có ý thức tới giờ, tôi hiếm khi nhìn thấy bố tôi ngồi thảnh thơi đọc sách. Nhưng sau một tỉ lần những thắc mắc của tôi được giải đáp ra ngô ra khoai, tôi tin chắc rằng, bố tôi đã đọc mòn đủ thứ sách sử, văn hóa, đủ thứ triết học Nga.

27 tuổi. Bố tôi lấy vợ và sinh ra tôi. 13 năm sau, đứa con ngỗ nghịch là tôi tới tuổi dậy thì làm cho "anh ấy" phát mệt. 5 năm sau đó, tôi vào đại học. Cả nhà tôi ôm nhau trong vui sướng. Người yêu tôi ngạc nhiên với sự vui mừng hơi quá ấy. Nhưng anh ấy không có cơ hội hiểu, bởi vì anh ấy không có người bố như bố tôi, người không vào đại học, người khao khát văn minh ấy hơn ai hết muốn tôi được trở thành người có học và có văn minh.

Năm em gái tôi 13 tuổi, bước vào tuổi dậy thì, mặc dù kinh tế suy thoái, tôi biết thừa bố tôi cần số tiền đó để đầu tư, để sinh lời, nhưng bố mua cho hai chị em cây đàn piano giá trị bằng 3 bộ máy tính hạng tốt. Lắm lúc, ngồi trầm tư lắng nghe em gái tôi đánh đàn xong, bố tôi cũng cong lưng ôm lấy cây đàn, tay nhịp nhịp những nốt nhạc vô nghĩa, lúc mỏng nhẹ, lúc ầm ầm ào ào và dĩ nhiên là chẳng bao giờ ra một giai điệu nào cả, giống như tôi không bao giờ hát được đúng tone.

Bố tôi cũng thèm biết chơi đàn, thèm được tỏa ra ngoài những cảm xúc, những buồn vui bên trong. Bố tôi cũng khao khát có được người gọi là tri kỉ. (Mẹ tôi không là tri kỉ của bố tôi, nhưng mẹ tôi là một người vợ, một người mẹ vô cùng tốt và tuyệt). Trên đời có một số ít người có nhu cầu có tri kỉ, và rất ít trong số họ tìm ra được tri kỉ của đời mình. Bố tôi không có tri kỉ. Nhưng Bố tôi may mắn vì ông nội tôi là người thương con và cấp tiến. Tôi may mắn vì tôi có bố tôi – người đàn ông 47 tuổi không học đại học nhưng có học và tri kỉ của tôi – người tôi yêu.

Có một tỉ cơ hội cho tôi nhận ra sự thèm muốn này của bố tôi. Có một tỉ lần bố tôi bày tỏ nó bằng những lời dặn dò, thậm chí mắng mỏ. Tôi để một tỉ lần đó qua đi. Để hôm nay, tôi nhận ra nó trong một tình cảnh hết sức nhẹ nhàng. Và, cũng may vừa vặn, tôi cũng kịp tặng bố tôi một bản đàn "lỗ chỗ" nhịp sai.

  • H’My

;
;
.
'; ABDZone[1] = ''; try{ rotatorAdNetwork("ADBCookie", ABDZone); }catch(e){}