Chủ Nhật, 19/06/2011, 09:55 [GMT+7]
.
.
Người làm thay đổi lịch sử khi ám sát Ngô Đình Diệm (2):

Số phận ly kỳ của cậu bé ăn xin trở thành sát thủ Ngô Đình Diệm


(Phunutoday) - Nếu không có nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu 1945 thì ông – khi đó là một cậu bé mới lên 9 tuổi - đã không cùng người bà mù lòa rời khỏi vùng quê huyện Nghi Lộc – tỉnh Nghệ An của mình để “tha phương cầu thực”. Để rồi cậu bé ăn xin ở thành phố Vinh đã lạc theo đoàn xe của quân đội Nhật Hoàng trôi dạt vào tận thành phố biển phương Nam là Vũng Tàu.

Như số phận đã định, tại đó cậu bé trở thành con nuôi của 1 cán bộ cách mạng hoạt động bí mật, là duyên cớ để ông trở thành chiến sĩ biệt động thành, rồi thành người lính giáo phái Cao Đài sau này với nhiệm vụ tối quan trọng là ám sát cho bằng được Ngô Đình Diệm, kẻ đã trắng trợn phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, quyết tâm ôm gót ngoại bang chia cắt lâu dài đất nước ta.
     
Sống sót qua nạn đói khủng khiếp

Ngồi nghe ông kể về cuộc đời thực của mình mà tôi cứ ngỡ là truyện cổ tích. Trước mặt tôi là con người đã từng suýt chết vì đói khi mới lên 9 tuổi vào năm Ất Dậu, từng đi ăn xin, thế mà cũng chính con người ấy đã làm thay đổi lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Vào năm Ất Hợi 1935, tại vùng quê nghèo thuộc xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, có một cậu bé chào đời trong một gia đình nông dân nghèo, được đặt tên là Phan Văn Điền.

 Cậu bé Điền không có gì nổi trội hơn những đứa bé trong vùng, thậm chí gia đình cậu còn thuộc loại nghèo nhất thôn, cậu bé Điền cũng thấp lùn hơn những bạn bè cùng tuổi, thế nhưng không ai có thể ngờ sau này chính cậu bé ấy đã làm nên sự kiện chấn động thế giới khi một mình ám sát Tổng thống Ngô Đình Diệm.

Khi cậu bé Điền lên 5 tuổi, cha cậu - ông Phan Văn Đồng – tham gia cuộc binh biến ở Đô Lương và bị bắn chết. Một năm sau mẹ cậu đi lấy chồng khác, bỏ lại đứa con nhỏ duy nhất sống với bà nội mù lòa. Mùa đông năm 1944, vụ mùa trên cánh đồng quê cậu bị thất bát vì thiên tai.

 Hũ gạo, rồi ít khoai sắn được bà cậu tồn trữ trong nhà cứ vơi dần. Ngoài trời gió lạnh buốt, bà cháu bé Điền chống chọi với mùa đông bằng những bữa cháo loãng, những củ khoai xơ sượng. Chống chọi qua được mùa đông, nhưng trong làng không còn gì để kiếm ăn, và để không phải chết đói, hai bà cháu phải dắt díu nhau ra phía cầu Bùng (xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu) ven đường quốc lộ để đi ăn xin.

Ban ngày hai bà cháu dắt nhau đi xin những người qua đường rủ lòng thương để có lưng bát cơm độn sống qua ngày, tối dắt nhau chui vào cái lô cốt dưới chân cầu Bùng để ngủ. Lúc đó ở gần cầu Bùng có 1 đồn trú quân của quân đội Nhật Hoàng, hàng ngày bé Điền dắt bà đi ăn xin ngang đồn bót của quân Nhật đóng, thính thoảng lính Nhật cũng cho ít tiền, thức ăn thừa để hai bà cháu sống qua ngày.

Là cậu bé thông minh, tháo vát, bé Điền học được những câu chào hỏi thông thường bằng tiếng Nhật, nhờ vậy mà lính Nhật trong đồn có cảm tình với cậu bé, chuyện ăn xin trở nên thuận lợi hơn.

Chính những câu tiếng Nhật bập bõm học được ở cầu Bùng cũng như làm quen với sở thích, tập quán của lính Nhật mà sau đó ít lâu cậu bé Điền đã được những người lính Nhật tin dùng, nhận làm người sai vặt, rồi bị họ rủ rê đi chơi và đưa vào tận phương Nam xa xôi. Sống dưới chân cầu Bùng được một thời gian, quân Nhật đồn trú ở đó chuyển đi nơi khác, hai bà cháu lại gặp khó khăn, lang thang đi kiếm ăn.

Rời cầu Bùng, bé Điền và người bà mù lòa đắt nhau đến ngoại ô thành phố Vinh. Tại đây, hai bà cháu không còn đi ăn xin, mà dắt nhau đi dọc theo đường sắt tàu hoả nhặt những hòn than vụn rơi vãi từ những chuyến tàu chạy ngang qua, rồi đem than vụn đổi thành từng chén cơm độn khoai. Có lẽ do số phận đã định, nên 2 bà cháu không theo lời rủ rê của một số người dắt nhau ra Hà Nội xin ăn, để rồi phải chết rục vì đói trên những lề đường ở Hà thành sau đó.

 Đi kiếm sống ở Vinh được một thời gian, nơi đây xảy ra cuộc chính biến đêm 9/3/1945, đang đêm hai bà cháu bé Điền nghe hàng loạt tiếng súng vẳng ra từ phía trung tâm thành phố. Sáng ra, cậu bé thấy hàng trăm lính Pháp bị trói tay để những toán lính Nhật dắt đi thành từng hàng dọc theo đường tàu. Dù mù lòa, nhưng bà của bé Điền cũng nghe ngóng tình hình “thời sự” và giải thích với cậu bé là phát xít Nhật đã chính thức hất chân thực dân Pháp ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Những ngày sau đó, tiếng súng rộ lên nhiều nơi, người lớn nói là lính Pháp vẫn chưa chịu đầu hàng hết. Liên tục những tháng sau đó, hai bà cháu bé Điền kiếm ăn càng khó khăn, chật vật. Rất may là có người tốt chỉ cho hai bà cháu đi về nơi người ta trồng bông vải rất nhiều.

Lúc ấy vào vụ thu hoạch bông, chủ ruộng thuê mướn nhiều nhân công không kể tuổi tác vào làm các công đoạn thu hoạch bông, cán bông lấy sợi để đem bán. Cậu bé Điền tỏ ra lanh lợi, thích hợp với công việc, nên được một chủ ruộng nhận vào cán bông vốn chỉ dành cho người lớn. Công việc rất cực nhọc, làm quần quật suốt ngày, nhưng bù lại cậu bé được chủ cho ăn no cơm độn khoai, là điều mà suốt nhiều tháng trước đó cậu chỉ biết thèm thuồng.

 Không những thế, cậu bé còn để dành được phần ăn đem về cho bà. Cứ thế, một bà lão mù và đứa cháu nội tuổi lên 10 đã chống chọi và vượt qua nạn đói khủng khiếp làm gần 2 triệu đồng bào ở một nửa đất nước bị chết.

Giữ ngựa cho lính Nhật Hoàng

Cuối tháng 9 năm 1940, quân đội Nhật Hoàng tiến vào chiếm Đông Dương qua đường biên giới Việt -  Trung. Trước lực lượng hùng hậu như vũ bão của quân Nhật, lính Pháp đóng ở tỉnh biên giới Lạng Sơn đã nhanh chóng thúc thủ, đầu hàng quân phát xít Nhật. Đội quân Quan Đông của quân đội Nhật Hoàng tiến về Hà Nội.

Toàn quyền Pháp tại Đông Dương lúc đó là  Decoux cũng thể làm gì hơn là “dĩ hòa vi quý” với quân đội Nhật. Trên tư thế của kẻ chiến thắng, quân đội Nhật tạm thời cho thực dân Pháp tiếp tục duy trì chính quyền bảo hộ tại Đông Dương để đổi lấy việc Pháp phải cung cấp lương thực cho quân đội Nhật ở Đông Dương.

 Lượng lúa gạo ở Việt Nam lúc đó vốn đã thiếu hụt cho nhu cầu người dân cả nước do liên tục bị mất mùa, thiên tai, giờ thực dân Pháp lại vơ vét lương thực để cống nộp cho quân Nhật, làm lương thực thiếu hụt trầm trọng, nhất là ở một nửa phía Bắc của đất nước, nơi mùa màng bị thất bát nặng nề. Việc vơ vét lúa gạo nói trên của thực dân Pháp – phát xít Nhật trên đất nước ta đã là nguyên nhân làm bùng phát nạn đói kinh hoàng nhất trong lịch sử dân tộc, làm hàng triệu người dân vô tội phải chết đói.

d
Ông Hà Minh Trí (thứ 4 từ trái sang) bên Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Cùng với việc bắt tay với Pháp bóc lột nhân dân ta, phát xít Nhật cũng chấp nhận chính quyền bảo hộ Pháp tại Đông Dương, thừa nhận triều đình nhà Nguyễn của vua Bảo Đại tại miền Trung, cùng với chiến lược tuyên truyền chủ nghiã “Đông Á của người Á Đông”, “Việt Nam độc lập trong khối thịnh vượng Đại Đông Á” với việc nuôi dưỡng một con cờ chính trị là Kỳ Ngoại Hầu Cường Để đang sống lưu vong trên đất Nhật.

 Thực dân Pháp tuy bị bị suy yếu cả ngay trên chính quốc và ở các nước thuộc địa, nhưng không muốn buông miếng mồi ngon xứ Đông Dương, nên ra sức nuôi dưỡng triều đình phong kiến nhà Nguyễn do Bảo Đại chấp chính ngai vàng. Đó là giai đoạn mà theo chính sử nước ta thì dân ta cùng lúc chịu “một cổ hai tròng” của thực dân Pháp và phát xít Nhật.

Thế nhưng, đối với những người nông dân ít học, nhất là với 1 cậu bé mới lớn như Phan Văn Điền, lòng căm thù thực dân Pháp xâm lược nước ta vốn đã được cha mẹ, ông bà truyền lại từ khi mới lọt lòng, khi thấy quân Nhật đánh thực dân Pháp, bắt trói lính Pháp dắt đi ngoài đường, lòng dạ cậu bé rất hả hê.

Một lần, sau một ngày đi ăn xin về đến cầu Bùng, cậu bé Điền thấy những người lính Nhật đang hì hục bắc lại chiếc cầu Bùng vừa bị máy bay quân đội Đồng minh phá huỷ.

 Trong suy nghĩ non nớt của cậu bé, những người lính Nhật đang đổ mồ hôi bắc cầu cho dân mình sử dụng, rồi họ cũng chống lại quân Pháp như dân mình, chắc hẳn họ là người tốt, là “bạn” của dân mình. Nhất là khi những người lính Nhật tuy có ngôn ngữ khác xa tiếng Việt,  nhưng cũng màu da vàng và dáng vóc nhỏ thó giống người Việt Nam, nên cậu bé Điền càng có thiện cảm.

Lính Nhật đi chiến đấu xa gia đình lâu ngày, khi thấy những cậu bé con Việt Nam dễ mến đã thích thú kết thân, cho bánh kẹo, đồ ăn. Có thể đó còn là chủ trương chung của quân đội Nhật Hoàng muốn lấy lòng dân Việt lúc đó. Nhờ vậy mà chú bé Điền lam lũ, nghèo khó nhưng dạn dĩ đã trở thành người bạn nhỏ của những người lính đến từ đất nước Nhật Bản xa xôi.

Một buổi chiều, khi cậu bé Điền đang cùng các bạn nhỏ nhặt vỏ ốc ở ngoài bãi biển, có một người đàn ông mặc thường phục cũng đi dạo trên bãi biển. Nhìn bộ dạng thấp lùn, mắt hí của ông ta, bé Điền đoán ông là người Nhật, nên nói một câu chào tiếng Nhật mà cậu bé đã học lỏm được trước đó. Đang đi, người đàn ông lạ bỗng sững lại vì bất ngờ trước việc có 1 đứa trẻ lam lũ ở làng chài ven biển có thể chào hỏi bằng tiếng Nhật rất chuẩn.

Ông ta dừng lại, vuốt đầu và hỏi thăm hoàn cảnh của bé Điền. Sáng hôm sau người đàn ông nọ tìm đến căn chòi lụp sụp nơi bé Điền và người bà mù lòa đang tá túc. Thật bất ngờ, sau khi giúp đỡ ít tiền cho bà, ông ta rủ cậu bé Điền đến khu biệt thự nghỉ mát của Pháp xây cạnh bờ biển, xung quanh có lính Nhật canh gác, đó là nơi ở và làm việc của ông ta.

d
Ông Hà Minh Trí trong 1 lần về thăm quê hương Nghệ An.

 Bé Điền không biết ông ta làm tới chức gì, chỉ biết ông hay đi làm việc bằng xe ô tô, thỉnh thoảng ông kêu bé Điền ngồi lên ô tô để ông chở ra thành phố Vinh chơi. Ông còn đặt cho cậu bé cái tên Nhật phát âm là Kin Tà, mà theo ông ta nói có nghĩa tiếng Việt là Kim Thái.

Ông người Nhật này rất thích cữi ngựa đi chơi trong vùng, bé Điền nhận giúp ông ta coi ngựa, cắt cỏ non cho nó ăn, hoặc dắt nó đi ăn trên những cánh đồng. Có thể cậu bé Điền chăm sóc ngựa quá tốt, làm hài lòng ông người Nhật nọ, đã là nguyên nhân đưa cậu ta làm cuộc hành trình bất đắc dĩ về phương Nam xa xôi, mà mãi 30 năm sau cậu mới có dịp trở lại nơi mình đã ra đi.

Một bữa nọ, ông người Nhật lại kêu cậu bé Việt có tên Nhật là Kin Tà đi theo ông, đầu óc trẻ thơ của cậu bé cũng nghĩ là “đi chơi” ngoài thành phố Vinh như những lần trước, nhưng cậu bé không thể ngờ người Nhật “tốt bụng” kia đã bắt cậu đi theo ông ta vào tận phương Nam xa xôi để giữ ngựa cho ông.

 Bé Điền không một lời chào hỏi bà nội mù lòa (vì cứ ngỡ đi rồi chiều lại về), được đưa lên đoàn xe nhà binh chở đầy lính Nhật, chạy rầm rập trên đường quốc lộ, không ghé lại thành phố Vinh, trực chỉ hướng Nam.

 Sau này khi đã lớn khôn, tìm hiểu kỹ về lịch sử nước nhà giai đoạn năm 1945, ông Mười Thương mới biết đoàn xe nói trên là của đội quân Quan đông của Nhật từ mặt trận Mãn Châu chạy qua Trung Quốc, vào Việt Nam để đi tiếp đến Thái Lan. Cùng với bé Điền, còn có 6 đứa trẻ cùng trang lứa bị bắt theo đoàn xe để theo giữ ngựa cho các quan Nhật.

 Ban đầu cậu bé Điền cứ nghĩ có lẽ họ đưa đi đâu đó vài ba bữa rồi về, nhưng hết ngày rồi đêm, chiếc xe cứ lầm lũi đi về phía Nam, cậu bé đâm hoảng, nhưng không biết phải làm cách nào. Đến ngày thứ 3, đoàn xe dừng lại ở Huế, bên cầu Tràng Tiền và dòng sông Hương. Chưa biết mọi chuyện sẽ ra sao, cậu bé Điền chạy vào nhờ một người chủ quán ăn bên đường viết thư báo về cho bà nội ở quê biết.

Không biết ông chủ quán có giữ đúng lời hứa hay không và cũng không biết bà nội mù lòa của bé Điền ở quê nhà có nhận được tin của đứa cháu tội nghiệp không. Nhưng dù có nhận được tin đứa cháu nhỏ bị lính Nhật bắt đưa vào Nam hay nghĩ rằng nó bị thất lạc ở đâu đó, chắc hẳn người bà mù lòa của bé Điền đã có nhiều đêm không ngủ vì khóc thương và để cầu nguyện cho đức cháu cù bơ cù bất của bà gặp điều may mắn. Lời cầu nguyện của bà như đã linh nghiệm, nên sau đó ở tận phương Nam xa xôi, cuộc đời cậu bé Điền đã bất ngờ rẽ sang một hướng không thể ngờ, tốt đẹp và có ý nghĩa hơn rất nhiều.

Hơn 30 năm sau, cậu bé Điền ngày nào đã trở về quê hương Nghi Lộc của mình sau ngày miền Nam giải phóng, đứng trước ngôi mộ của bà, người cháu nghe kể lại vì quá thương nhớ đứa cháu bỗng dưng mất tích, người bà mù lòa đã ngã bệnh rồi mất vài năm sau đó. Trong những ngày cuối cuộc đời, bà luôn gọi tên đứa cháu và miệng luôn lầm thầm cầu nguyện cho cuộc đời của nó được tốt đẹp, có ngày nó trở về đốt nhang trước mộ bà.

 Khoảng 10 ngày sau, đoàn xe và người vào đến Sài Gòn, đóng quân ở một doanh trại dã chiến mới dựng. Điền và các bạn nhỏ cũng được xếp một chỗ ở trong doanh trại, hàng ngày phải đi cắt cỏ, chăn ngựa cho các quan người Nhật.

Nhờ có cái tên Nhật là Kin Tà, biết nói chút ít tiếng Nhật, lại nhanh nhẹn tháo vát, cậu bé Điền được một viên sĩ quan Nhật cho làm chân sai vặt hàng ngày, như chăm sóc ngựa, đi mua thuốc lá, ra chợ mua hoa quả… Một lần khi đi mua đồ ngoài chợ, cậu bé thấy những thanh niên tiền phong cờ vàng sao đỏ trong tay diễu hành qua các phố, miệng hô vang khẩu hiệu "Việt Nam độc lập muôn năm!".

 Thấy chuyện thú vị, cậu bé đi theo đoàn thanh niên, miệng cũng hô vang “Việt Nam độc lập muôn năm!”. Một lúc sau quên đường trở về doanh trại, nhờ có người tận tình chỉ giúp nên cậu bé đã tìm được lối về. Đóng quân ở Sài Gòn được hơn 3 tháng thì đoàn quân Nhật lại lên xe đi ra Vũng Tàu, các cậu bé “giữ ngựa” cũng được họ mang theo đến ở trong một doanh trại cũ nằm cạnh bờ biển.
d
Ông Trí trước nhà riêng của mình ở thị xã Tây Ninh..

 Cũng những công việc giữ ngựa, đi chợ, làm việc vặt cho các quan Nhật dành cho cậu bé. Một buổi sáng, viên chỉ huy đội quân Nhật gọi 8 đứa trẻ, đứa lớn nhất 14 tuổi, đứa nhỏ nhất 11 tuổi đến, qua người thông ngôn ông ta nói: “Quân đội Nhật Hoàng cưu mang các bạn đến đây là kết thúc, chúng tôi đã mãn hạn phục vụ tại Việt Nam, sẽ lên tàu về nước trong nay mai. Từ ngày mai các bạn phải tự lo cho mình, chúc các bạn may mắn”. Sáng sớm hôm sau, đoàn quân gồm sĩ quan, binh lính Nhật đội ngũ chỉnh tề lần lượt bước xuống tàu, rồi nhổ neo ra khơi, trực chỉ hướng mặt trời mọc.

 Trong doanh trại còn một số lương thực, thực phẩm, đồ dùng, nhờ đó mà đám trẻ sống tiếp được thêm một số ngày. Cuối cùng, chúng đem những cuộn vải trong kho doanh trại mang ra chợ bán lấy tiền chia nhau mỗi đứa được một ít, rồi chia tay mỗi đứa đi một ngả, làm đủ thứ nghề, như đánh giày, bán báo, làm thuê cho tiệm ăn, vài đứa theo xe đò lên Sài Gòn để tìm cơ hội đổi đời. Bé Điền chọn ở lại phố biển Vũng Tàu, lân la đi xin phụ việc trong các quán ăn.

Con nuôi người cán bộ cách mạng

Gần doanh trại quân đội Nhật, đối diện bãi biển Vũng Tàu có 1 quán ăn của 1 người tên Đinh Văn Châm vốn là đầu bếp trên tàu viễn dương, do chán cảnh lênh đênh đó đây, nên lên bờ cùng vợ mở quán ăn. Một hôm, có cậu bé đến quán ăn của ông Châm rụt rè xin việc. Thấy cậu bé lanh lợi, lễ phép, nhất là sau khi tìm hiểu hoàn cảnh biết cậu bé không cha không mẹ, lưu lạc phương xa, ông Châm đã nhận cậu bé vào làm việc.

Một thời gian sau, ông Châm nhận cậu bé giúp việc có cái tên Nhật lạ lẫm Kin Tà làm con nuôi, đặt cho tên mới là Đinh Văn Phú, lấy theo họ cha nuôi. Tuy cha nuôi rất thương Phú, nhưng bà mẹ nuôi lại khó khăn, thường xuyên chửi mắng đứa con nuôi của chồng. Phú cố nhẫn nhục để sống qua ngày.

 Cậu bé Phú thấy thỉnh thoảng có những người khách lạ tới quán của ông Châm không phải để ăn, mà kín đáo gặp chủ nhà để bàn việc gì đó rồi lại đi ngay. Cậu bé không thể ngờ, và cũng không thể hình dung nhà của cha nuôi cậu là cơ sở cách mạng quan trọng ở thành phố Vũng Tàu.

 Một ngày nọ, khi Phú đang “vật lộn” với đống chén đĩa sau đợt bán buổi trưa, có một người khách mà Phú đã gặp đôi lần lại đến nhà bàn chuyện với chủ nhà. Trước khi rời khỏi quán, thấy bà chủ quán quát mắng đứa con nuôi làm công, ông ta hỏi nhỏ Phú: "Cháu có muốn theo chú làm cách mạng không?".

Mặc dù lúc ấy cậu bé Phú chưa biết cách mạng là gì, nhưng nghĩ đơn giản đi làm cách mạng là làm điều tốt, không phải nghe mẹ nuôi la mắng và suốt ngày vật lộn với đống chén đĩa, nên cậu bé gật đầu. Đêm hôm sau, theo lời dặn dò của người khách nọ, Phú lén cha mẹ nuôi ôm bọc quần áo rời khỏi quán, băng mình vào đêm đen. Đó là một đêm đầu năm 1948, khi Đinh Văn Phú vừa tròn 13 tuổi.

Về nơi ở mới, trong một ngôi nhà trong khu vườn vắng, Phú chỉ biết “làm cách mạng” là suốt ngày được các anh, các chú dạy võ, dạy chữ và những kiến thức cơ bản về lịch sử đất nước, về kẻ thù thực dân Pháp xâm lược nước ta. Dần dà, Phú hình dung được công việc của các anh, các chú là đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược, giành độc lập cho đất nước.
Một ngày giữa năm 1948, Phú được chính thức kết nạp vào Đội An ninh biệt động N2 tỉnh Bà Rịa, một lực lượng chuyên trừ gian diệt bạo, bảo vệ cuộc sống an lành cho dân, Phú cũng được đổi tên mới là Đinh Dũng.

Với thân hình nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, thông minh xử lý tình huống, Đinh Dũng được cho tham gia những trận đánh táo bạo, luồn sâu trong lòng địch. Có những trận đánh Đinh Dũng chỉ “đơn thương độc mã” thực hiện, như trận ném lựu đạn vào đám sĩ quan Pháp tại 1 quán bar ở trung tâm thành phố, xong cậu bé luồn lách biến mất.

 Sau khi cởi bỏ bộ đồ vừa mặc, thay vào bộ mới để không ai nhận ra kẻ mới ném lựu đạn, Đinh Dũng lại ung dung quay trở lại hiện trường để quan sát tình hình, nắm thiệt hại của đối phương, rút kinh nghiệm cho những trận đánh sắp tới.
Một ngày đầu tháng 6-2011, ngồi trò chuyện với người viết tại nhà riêng ở thị xã Tây Ninh, ông Mười Thương (người chiến sĩ cảm tử Đinh Dũng ngày trước) trầm ngâm nhớ lại ông đã đánh 6 hoặc 7 trận vào bọn sĩ quan Pháp ở Vũng Tàu chỉ trong vòng chưa tới 1 năm ông tham gia Đội An ninh biệt động N2.

 “Bọn sĩ quan Pháp chết nhiều, nhưng tôi không đếm được bao nhiêu”, ông Mười Thương nói. Những người phụ trách an ninh của cách mạng ở Vũng Tàu đã nhận ra khả năng, tố chất đặc biệt của cậu bé Đinh Dũng, nên đã cho cậu bé ngừng những trận đánh nguy hiểm ở Vũng Tàu, chuẩn bị đi xa để nhận những công việc quan trọng hơn.

Trước ngày lên đường đi về tỉnh Tây Ninh nhận nhiệm vụ mới, cậu bé Đinh Văn Phú ngày nào đã tìm đến tạ lỗi về chuyện đã trốn đi khỏi nhà và cảm ơn cha mẹ nuôi đã cưu mang mình trong những ngày khốn khổ, nhờ đó mà cuộc đời của cậu đã rẽ sang một hướng khác có ý nghĩa hơn rất nhiều.

Ông Đinh Văn Châm đã xúc động khi biết đứa con nuôi ngày nào giờ đã là 1 chiến sĩ biệt động chững chạc, gan dạ, đi cùng con đường kháng chiến cứu quốc với ông.

Đinh Văn Phú – Đinh Dũng đã lưu luyến rời khỏi thành phố biển Vũng Tàu sau 2 năm gắn bó với bao kỷ niệm. Chuyến xe đò buổi sớm chạy về hướng đất liền, mang theo người chiến sĩ biệt động trẻ tuổi lên đường nhận nhiệm vụ đặc biệt, để rồi chính anh sẽ trở thành quả bom nổ tung chính trường Sài Gòn trong thập niên sau đó.


Thiên Thanh

;
;
.
'; ABDZone[1] = ''; try{ rotatorAdNetwork("ADBCookie", ABDZone); }catch(e){}