Ông già trèo như "Tarzan" vì nhà không lối vào

20-06-2011 | 11:08

(Nguoiduatin.vn) - Tiếp bài "hơn 1m2 đất giá 500 triệu tại Thái Bình", Nguoiduatin.vn xin kể lại cùng bạn đọc những câu chuyện tương tự đã từng xảy ra tại chính thủ đô Hà Nội mà thậm chí còn lâm lý, bi đát hơn nhiều.

Câu chuyện cách đây 5 năm về ông già tóc đã bạc hết đầu hàng ngày phải bắc thang trèo qua tường như "Tarzan" đã trở thành vấn đề nhức nhối trong dư luận xã hội tại thủ đô Hà Nội và thu hút rất nhiều sự quan tâm của báo giới vào thời gian đó.

Năm 1995, ông Trần Đức Tiến và ông Lê Phàn đã cùng mua 150m2 đất của ông Lê Kim Tiến (số nhà 55, tổ 12A, Phường.Thanh Lương) và chia nhau mỗi nhà một nửa, sau đó cả hai hộ lần lượt xây dựng nhà để ở.

Tuy nhiên điều trớ trêu là nhà ông Trần Đức Tiến ở phía trong, tất cả các phía đều là đất của hàng xóm nên đã bị hàng xóm bít hết lối. Và trong thời gian từ năm 1995 đến 2004, hai gia đình này sử dụng một lối đi chung duy nhất để ra đường, vào nhà là qua nhà ông Phàn.

Sau khi có sổ đỏ (nhà ông Tiến tháng 6/2002, nhà ông Phàn tháng 6/2004), hai gia đình đã cùng viết đơn gửi chính quyền phường Thanh Lương - quận Hai Bà Trưng xin được mở cổng trực tiếp ra ngõ đi vào tháng 10/2004 nhưng vẫn không được giải quyết và vẫn tiếp tục phải sử dụng lối đi như cũ.

Tuy nhiên, đến ngày 14/9/2005, ông Lê Phàn đã hàn cửa sắt bít lối đi của nhà ông Tiến và từ đó trở đi, gia đình ông Tiến đã bị nhốt bởi 4 bức tường và không có lối đi ra đường.

Và kể từ ngày 14/9, muốn ra ngoài, ông Tiến, 65 tuổi, phải dùng thang trèo qua tường qua nhà hàng xóm là ông Lê Hoa Khôi, còn vợ ông bị bệnh thấp khớp không trèo thang được nên đành ở lại trong nhà như tù nhân, thức ăn, cơm nước được con cháu tiếp tế từ bên ngoài vào.

Suốt một thời gian dài, gia đình ông Tiến và bà vợ là Đoàn Thị Dung đã gửi rất nhiều đơn thư đến các cơ quan chức năng kêu cứu. Chính quyền địa phương cấp phường, quận, thành phố cũng đã tổ chức các cuộc hòa giải giữa hai gia đình ông Tiến và ông Phàn, yêu cầu ông Phàn tháo dỡ cổng để tạo lối đi cho ông Tiến.

Bởi căn cứ Điều 280 bộ luật dân sự 1995 quy định “quyền về lối đi qua bất động sản liền kề”, thứ nhất, chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sử hữu khác mà không có lối đi ra có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản liền kề dành cho mình một lối đi thuận tiện và hợp lý ra đến đường công cộng. Người được yêu cầu có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu đó. Người được dành lối đi phải đền bù cho sở hữu bất động sản liền kề, nếu không có thoả thuận khác.

Thứ hai, vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thoả thuận đảm bảo thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi, thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định.

Tuy nhiên những sự can thiệp giải quyết của chính quyền địa phương đã không thành. Thậm chí ông Phàn còn gia cố bằng cách xây tường để bịt hẳn lối đi.

Vụ việc đã gây đau đầu cho chính quyền địa phương đến mức, gia đình ông Tiến gửi đơn cho Thủ tướng Chính phủ. Và đến ngày 24/1/2006, Văn phòng Chính phủ đã có công văn đề nghị UBND TP Hà Nội sớm chỉ đạo giải quyết dứt điểm việc gia đình ông Trần Đức Tiến bị hàng xóm bịt lối đi hơn bốn tháng, theo đúng pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của công dân.

Vậy nhưng sự việc vẫn cứ nhùng nhằng khi chính quyền địa phương đã ra nhưng quyết định cảnh cáo, xử phạt, thậm chí cưỡng chế, nhưng đều không thực hiện được, còn gia đình ông Lê Phàn vẫn nhất quyết chống đối.

Phải đến hơn một năm sau, suốt hơn một năm phải trèo tường, đi nhờ qua sân của hàng xóm là ông Lê Hoa Khôi, tức từ 14/9/2005 thì đến sáng 20/10/2006, quận Hai Bà Trưng đã tiến hành việc cưỡng chế phá dỡ cửa sắt và bức tường chắn của nhà ông Lê Phàn - số nhà 29, và mở lối đi cho gia đình ông Trần Đức Tiến số nhà 31 liền kề (tổ 12A , phường Thanh Lương).

Còn nữa...

Quyết Lam

Tags: nhà, đất, lối vào, chuyển nhượng, lối đi, xây bịt lối đi