Thứ Ba, 21/06/2011, 07:36 [GMT+7]
.
.

Kết thúc có hậu của một nhà báo miền Nam hi sinh trên đất Bắc

(Phunutoday) - Ông là một trong hàng ngàn người con miền Nam khoác ba lô bước lên những chuyến tàu đi tập kết ra miền Bắc năm 1954, và hai năm sau đó ông trở thành nhà báo. Trong lúc đang trực bản tin thời sự buổi trưa, ông đã hy sinh khi máy bay Mỹ ném bom oanh tạc.

Sau ngày đất nước thống nhất, đứa con trai của ông ra Bắc viếng mộ, nhận lại một số di vật và khởi đầu hành trình đi tìm danh hiệu liệt sĩ cho cha. 30 năm sau đó, cố nhà báo năm xưa đã được Thủ tướng Chính phủ truy tặng bằng Tổ quốc ghi công.

Gặp lại người đã đi tìm danh hiệu liệt sĩ cho cha đúng vào dịp kỷ niệm 86 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6-2011), tôi vẫn đọc được niềm vui cứ lấp lánh mãi trong nụ cười và ánh mặt của ông khi nhắc lại một câu chuyện kết thúc có hậu.

Chuyện nhà báo miền Nam hi sinh tận miền Bắc

Nằm ở phía tả ngạn dòng sông Bình Bá là xã An Ninh Tây, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên - vùng đất giàu truyền thống cách mạng kiên cường trong hai cuộc kháng chiến đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

 
Sơ đồ mộ chí của ông Nguyễn Phụng Kỳ do một phóng viên vẽ lại năm 1975.
Sơ đồ mộ chí của ông Nguyễn Phụng Kỳ do một phóng viên vẽ lại năm 1975.

Trong những năm chiến tranh, An Ninh Tây và An Ninh Đông cùng chung một xã An Ninh ngày đêm nóng bỏng đạn bom cày xới, nhưng cái nôi cách mạng vẫn hình thành giữa máu lửa sục sôi. Đã hàng chục năm trôi qua, chúng tôi lại tìm về vùng đất anh hùng ấy, gặp những nhân chứng sống nghe kể về câu chuyện cổ tích có hậu của một nhà báo, một đàn anh, một người đồng nghiệp đáng kính trọng trong cái nghề viết lách của chúng tôi

Đó là thời kỳ giữa năm 1947, Ủy ban hành chính kháng chiến xã An Ninh ra đời, đảng viên Nguyễn Phụng Kỳ là một trong những cán bộ nòng cốt của chính quyền thời đó được phân công làm Trưởng ban Bình dân học vụ, Chi ủy viên phụ trách công tác tuyên huấn xã An Ninh. Sau hơn bảy năm công tác ở quê nhà, tháng 8/1954, ông Kỳ tạm biệt người vợ là Nguyễn Thị Chơi cùng năm đứa con còn nhỏ dại để cùng hàng chục cán bộ, đảng viên ở địa phương khoác ba lô lên đường đi tập kết ra Bắc. Những năm tháng đầu tiên trên đất Bắc, ông Kỳ lần lượt được cấp trên điều động vào huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, ra Thụy Anh, tỉnh Thái Bình rồi xuôi về huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh làm nhiệm vụ cải cách ruộng đất.

Với khả năng cầm bút của một người từng là giáo viên bình dân học vụ ở quê, trong những năm tháng làm nhiệm vụ cải cách ruộng đất, ông Nguyễn Phụng Kỳ đã viết nhiều tin, bài cộng tác với các cơ quan báo chí. Chính vì vậy duyên nợ đưa ông đến với nghề báo từ độ cuối thu năm 1956, khi được chuyển về Đài truyền thanh Hồng Quảng – sau nay là Đài phát thanh Quảng Ninh. Với vai trò phóng viên, rồi biên tập viên, ông Kỳ năng động lặn lội xuống cơ sở tác nghiệp được nhiều đồng nghiệp cảm phục, nên ngoài công việc của người cầm bút, ông Kỳ còn được giao nhiệm vụ Trưởng phòng tổ chức – hành chính Đài truyền thanh Hồng Quảng.

Người thân duy nhất của ông Kỳ lúc đó là cậu em trai Nguyễn Văn Thử cùng đi tập kết ra Bắc với ông và là bộ đội ở một đơn vị đóng quân tại Hà Nội. Những năm tháng xa nhà đó, năm nào ông Kỳ cũng dành vài ngày phép đi thăm người em. Đến giữa năm 1964, theo mệnh lệnh của đơn vị, ông Thử khoác ba lô lên đường trở lại chiến trường miền Nam và là sĩ quan chính trị ở Trường quân chính tổng hợp Quân khu 5.

Xa cách nhau cả ngàn cây số, nên anh em ông Kỳ chỉ nắm bắt tin tức và động viên thăm hỏi sức khỏe lẫn nhau qua những bức thư rất hiếm hoi gửi theo đường giao bưu vượt Trường Sơn trong hoàn cảnh chiến tranh đang diễn ra ác liệt, nên không phải lá thư nào cũng đến tay người nhận.

Vào độ cuối đông năm 1972, trong lúc ông Thử đang chuẩn bị tài liệu học tập chính trị cho một lớp quân chính mới, thì bộ phận giao bưu đơn vị chuyển đến cho ông một bức thư gửi từ Quảng Ninh. Khác với những lần trước, bức thư lần này ghi tên người gửi là ông Lê Phong – Giám đốc Xí nghiệp mỏ than Hòn Gai – Cẩm Phả.

Dù ông Phong cũng là bạn người bạn quen biết của mình, nhưng khi cầm bức thư đó, linh cảm khiến cho ông Thử nghĩ tới một điều chẳng lành đang đến. Và khi trang thư mở ra, ông Thư đã phải bật khóc khi biết hung tin ông Nguyễn Phụng Kỳ đã hi sinh trước đó hơn năm tháng.

Sau ngày miền Nam giải phóng, ông Nguyễn Văn Thử lặn lội về Quảng Ninh tìm gặp những đồng nghiệp của anh trai mình mới nắm tường tận về cái chết của ông Kỳ.

Ông đã nghe họ kể, hôm đó là ngày 9/6/1972, trong lúc ông Kỳ đang làm nhiệm vụ ca trực tiếp sóng phát thanh bản tin thời sự buổi trưa của Đài tiếng nói Việt Nam, thì bất ngờ một tốp máy bay Mỹ từ hướng nam ập đến oanh tạc.

Những quả bom từ máy bay dội xuống, nổ vang, lấn át tiếng còi hụ, tiếng loa báo động người dân xuống hầm trú ẩn. Khi vừa được lệnh xuống hầm trú ẩn, thì một quả bom dội xuống ngay trước cửa khiến ông Kỳ bị thương nặng. Mặc dù đồng đội trong cơ quan bất chấp tầm bom của địch, khẩn trương đưa ông vào bệnh xá cấp cứu, nhưng vết bỏng nặng đã cướp mất sinh mệnh của ông.
s
Giấy báo tử ngày 12/10/1972 của Đài truyền thanh tỉnh Quảng Ninh.

Vào thời điểm đó, cuộc chiến tranh đang diễn ra ác liệt, đất nước chia cắt hai miền, nên ở quê nhà người vợ cùng những đứa con của ông Kỳ không thể nào biết được tin ông đã mất. Còn ông Thử suốt mấy tháng trời sống trong tâm trạng buồn tẻ, nhiều đêm lấy bức thư của ông Lê Phong ra đọc đi, đọc lại đến nhòe nước mắt xót thương người anh trai.

Kết thúc có hậu sau hơn 30 năm

Cuộc chiến tranh kết thúc sau chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh đại thắng mùa xuân năm 1975. Sau hơn hai mươi năm xa cách, nhiều gia đình ở miền Nam thật sự mừng vui đến dâng trào nước mắt khi người thân của họ từ miền Bắc trở về thăm quê nhà, tộc họ, bạn bè.

Bên trong nếp nhà tranh ở làng Xuân Phu, xã An Ninh Tây, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, bà Nguyễn Thị Chơi cùng năm người con đau đáu với nỗi chờ mong người chồng, người cha vì họ chưa hề biết tin tức gì về ông Kỳ.

Cho đến cuối tháng 5/1975, khi ông Nguyễn Văn Thử mang bức thư của ông Lê Phong về trao cho người chị dâu cùng các cháu, thì họ mới biết ông Nguyễn Phụng Kỳ đã mãi mãi đi xa.

Gần sáu tháng sau, người con trai đầu của ông Kỳ là Nguyễn Phụng Lãnh, lúc đó đương chức Hiệu trưởng Trường cấp III Hoàng Văn Thụ, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa mới tranh thủ xin nghỉ phép, khoác ba lô lên tàu hỏa ra miền Bắc, khởi đầu hành trình tìm kiếm phần mộ cùng những di vật của người cha để lại.

Tiếp chuyện với tôi tại nhà riêng ở 176A Thống Nhất, phường Phương Sài, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, ông Nguyễn Phụng Lãnh nhớ lại “Lần đầu tiên ra miền Bắc khi đất nước vừa mới thống nhất hơn nửa năm, tôi hoàn toàn lạ lẫm với mọi thứ.

Xuống ga Hà Nội, nghe tôi nói tiếng miền Nam, nhiều người chào hỏi rất thân thiện. Thế nhưng điều khiến cho tôi xúc động nhất là khi tìm đến Đài truyền thanh Quảng Ninh trình giấy xác nhận của chính quyền địa phương về mối quan hệ với ba tôi, các cô chú ở đó tiếp đón tôi rất chân tình, chu đáo. Sau một hồi trò chuyện, hỏi thăm về gia đình, thân tộc, ông Trần Thế Bạt – Phó trưởng phòng tổ chức – hành chính mở chiếc tủ gỗ lấy ra một tập hồ sơ trao cho tôi xem.

Thời gian đã khiến cho màu giấy ngã sắc vàng hoe, nhưng phải thừa nhận là các cô, chú ở Đài truyền thanh Quảng Ninh đã lưu giữ tài liệu, hồ sơ liên quan đến ba tôi rất cẩn trọng. Thậm chí sau này tôi mới biết, do hoàn cảnh chiến tranh nên nhiều lần Đài truyền thanh Quảng Ninh phải di chuyển hồ sơ của ba tôi đi nơi khác nên mới còn lại đầy đủ từng trang giấy”.
s
Đồng đội viếng thăm mộ ông Nguyễn Phụng Kỳ tháng 11/1975.


Ngưng một lát ông Lãnh kể tiếp “Cầm tập hồ sơ trên tay, tôi lần giở từng trang và nhận ra gương mặt người cha kính yêu trong tấm giấy chứng minh thư số 264678 do Sở công an Hồng Quảng cấp ngày 8/9/1958, tấm Huy chương kháng chiến hạng nhất của Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng thưởng cho ba tôi cùng nhiều tài liệu khác như giấy báo tử của Đài truyền thanh Quảng Ninh gửi đến Bộ nội vụ và Ty thương binh - xã hội tỉnh Quảng Ninh ngày 12/10-/972; quyết định số 204/QĐ-UB ngày 15/9/1972 của UBND tỉnh Quảng Ninh trợ cấp tiền chôn cất và hai tháng lương cho ba tôi gồm 324 đồng 7 hào 2 xu; sơ đồ mộ chí tại Nghĩa trang miền Nam ở núi Xẻ, Hòn Gay…

Càng xúc động hơn khi tôi bắt gặp trong tập hồ sơ có cả biên bản kiểm kê tài sản cá nhân sau khi ba tôi mất gồm 63 danh mục. Phải thừa nhận là các cô, chú ở Đài truyền thanh Quảng Ninh rất cẩn trọng và hết sức chu đáo khi liệt kê đầy đủ từ chiếc áo lót, đôi bít tất, bút máy, bút chì, viên đá lửa, đèn pin cho tới nhẫn vàng, xe đạp…”.

Trở về Khánh Hòa trong niềm vui pha lẫn nỗi buồn. Buồn vì khát vọng gặp lại người cha sau ngày đất nước thống nhất đã không thành sự thật, vui vì người được đồng nghiệp của ba tiếp đón thân tình và cung cấp đầy đủ các thông tin có liên quan về cha.

Suốt hơn ba mươi năm sau đó, ông Nguyễn Phụng Lãnh liên tục gửi nhiều đơn thư đến các cơ quan chức năng thâm quyền ở tỉnh Quảng Ninh và Bộ lao động – thương binh xã hội đề nghị công nhận danh hiệu liệt sĩ đối với ông Nguyễn Phụng Kỳ.

Điều đáng nói là gần 14 năm sau ngày mất, ông Nguyễn Phụng Kỳ được Hội đồng nhà nước truy tặng Huân chương kháng chiến hạng nhì vào ngày 7/3/1986 vì đã có công lao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tuy nhiên, do hiểu nhầm trường hợp ông Kỳ tử nạn là do máy bay địch ném bom xuống cửa hầm trú ẩn, nhưng không tính đến tình tiết đặc biệt là thời điểm đó ông Kỳ đang thực hiện nhiệm vụ do Đài truyền thanh Quảng Ninh giao trực ban phát tin tức thời sự, phục vụ nhiệm vụ chính trị ở địa phương nên các cơ quan chức trách chậm xem xét đề nghị của ông Nguyễn Phụng Lãnh và gia đình.
1
Ông Nguyễn Phụng Lãnh mừng vui khi đón nhận bằng Tổ quốc ghi công người cha

Ông Lãnh kể “Trong một lần tiếp nhận đơn đề nghị can thiệp của gia đình tôi, 1 tờ báo là cơ quan ngôn luận của Bộ công an đã cử phóng viên vào cuộc viết bài điều tra 29 năm đi tìm danh hiệu liệt sĩ cho cha. Ngay sau đó, hồ sơ về trường hợp hy sinh của ba tôi đã được các cơ quan chức trách lật lại từng tình tiết có liên quan để xem xét, giải quyết”.

 Đoạn kết câu chuyện có hậu này là niềm vinh dự, tự hào đã đến với ông Nguyễn Phụng Lãnh cùng gia đình. Ngày 20/10/2006, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định số 1379/QĐ-TTg công nhận danh hiệu liệt sĩ, đồng thời cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với nhà báo Nguyễn Phụng Kỳ.

Phan Thế Hữu Toàn
;
;
.
'; ABDZone[1] = ''; try{ rotatorAdNetwork("ADBCookie", ABDZone); }catch(e){}