Thăm dò ý kiến
Theo bạn, hành vi cản trở nhà báo tác nghiệp là: Thăm dò ý kiếnXem kết quả

Nhân gian sót lại một kẻ... 'khùng'

21/06/2011 07:35

(VTC News) - Chưa qua một lớp đào tạo nghiệp vụ báo chí, không có thẻ nhà báo cũng như giấy giới thiệu của một cơ quan báo chí nào, thế nhưng, hằng ngày trên chiếc xe đạp đòn dông cà tàng, nhà báo làng Mạc Trác vẫn lặn lội khắp nơi “săn” tin, tìm đề tài để viết như một nhà báo chuyện nghiệp với đầy tinh thần và trách nhiệm.

Tôi biết ông qua những bài thơ châm biếm, những bài viết rất đời thường đăng trên các báo. Bẵng đi một thời gian khá lâu không thấy thơ, thấy bài của ông, lại cảm thấy thiếu thiếu một cái gì đó.

Nhà từ đường Mạc Thị, "một cõi đi về" của nhà báo làng Mạc Trác 

Loằn ngoằn trong mấy con ngõ thôn ở làng Kiên Mỹ - nơi chôn nhau cắt rốn của anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ - nay thuộc thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn (Bình Định), tôi cũng tìm được “một cõi đi về” của nhà báo làng Mạc Trác.

Với hơn 50 tuổi nghiệp đi tìm công lý cho bản thân và những người dân địa phương, nhà báo làng Mạc Trác với một tinh thần thép, một ý chí kiên trung rắn rỏi, chẳng bao giờ chịu khuất phục trước cường hào ác bá và cám dỗ đời thường.

Sinh ra từ buổi nước nhà còn binh biến loạn lạc, bản thân ông được thừa hưởng ít nhiều vốn liếng Nho học từ truyền thống Nho giáo của gia đình. Ông chuyên chú học hành nuôi chí lớn với con đường văn nghiệp mong giúp đời giúp nước.

Chín năm tham gia kháng chiến chống Pháp ông xông xáo lao vào trận tuyến diệt giặc dốt với chức danh Thư ký bình dân học vụ của huyện. Rồi thời kỳ 21 năm, ông lại là giáo viên trường làng Ấp Tây Sơn, đem nhiệt huyết truyền thụ kiến thức cho đàn em trẻ.

 Đã qua cái tuổi cổ lai hy nhưng nhà báo làng vẫn rất tinh anh

Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, ông lại được cấp trên giao trọng trách làm Thư ký Ban quản lý điện thờ Tây Sơn hơn 15 năm. Trong thời gian này, ông đã làm được một việc hết sức ý nghĩa là vận động bạn bè thân hữu gửi những sáng tác, sưu tầm thơ ca về Quang Trung - người anh hùng áo vải cờ đào của dân tộc.

Người ta biết nhiều đến ông nhờ thơ - những bài thơ châm biếm, giễu đời rất chua cay, sâu sắc.  Cũng chính từ những bài thơ châm biếm, những bài thơ rất đời, rất rắn rỏi của mình, Mạc Trác đã bước sang với nghiệp báo và trở thành “nhà báo” làng lúc nào không biết.

Trên chiếc xe đạp đòn dông cà tàng, hàng ngày nhà báo làng Mạc Trác cần mẫn săn tin, viết bài như một nhà báo chuyên nghiệp 

Dù chưa hề được theo học nghiệp vụ báo chí, không có thẻ nhà báo hay giấy giới thiệu của một cơ quan báo chí nào, thế nhưng chẳng bao giờ ông chịu uốn cong ngòi bút, dù điều đó có tạo ra không ít khó khăn cho cuộc sống của mình. Ông luôn kiên định lập trường và luôn tâm niệm:

Ngòi bút sinh ra vốn thẳng tong,

Cớ sao người viết uốn cong vòng.

Nghiêng tình một chút thì nghe nhẹ,

Bài viết đôi lời lại thấy cong.

...

Đã ra cầm bút xin minh chính,

Vì lợi ích chung đáp ước mong.

Ông tích cực viết những phóng sự xã hội, vì muốn đẩy lùi những tệ nạn, góp sức xây dựng cuộc sống tốt đẹp cùng nhân dân.

Cách đây chưa lâu, ông đã có một bài viết phản đối kịch liệt việc một ông giám đốc Trung tâm y tế huyện có đơn “tình nguyện” xin làm Giám đốc Bệnh viện khu vực ở quê hương ông, đăng trên Báo Bình Định. Trong bài viết, ông mạnh dạn nêu ra vấn đề cái tâm của người thầy thuốc này, được dân chúng ở phố núi Tây Sơn hết sức hồ hởi đồng tình.

Hay chuyện cũng mới đây, trong dịp nâng cấp Bảo tàng Quang Trung, khi đã xây dựng xong chiếc cầu Phú Phong thật hoành tráng, một số người có trách nhiệm lại “qua cầu rút ván” định phá đi chiếc cầu cũ - cầu Kiên Mỹ đã bao năm tồn tại với chiều dài lịch sử quê hương đất nước. “Nhà báo” làng Mạc Trác đã mạnh dạn đứng ra viết đơn trình bày với tỉnh, với huyện, phân tích điều hơn lẽ thiệt để giữ lại cây cầu phục vụ lợi ích dân sinh, tạo sự hài hoà toàn cảnh cho Bảo tàng Hoàng đế Quang Trung.

 Khi xây dựng được cây cầu Phú Phong mới, người ta định phá đi cây cầu cũ khiến nhiều người không đồng tình, trong đó có nhà báo làng Mạc Trác

Bất kể ai khi gặp chuyện phiền não, oan ức lại tìm đến ông và ông hết lòng giúp đỡ: Khi thì viết hộ cái đơn, viết bài lên báo, hay“hiến kế sách” đối phó với vụ việc một cách đúng pháp luật. Chính vì vậy mà ông được người dân trong vùng dành cho sự thương mến vô bờ.

Gần cạn cuộc đời nhà báo làng Mạc Trác vẫn luôn sống vì dân, vì nước, ấy vậy mà có kẻ lại cho rằng ông… khùng. Có lần họ còn viết chữ "khùng" to tướng dán trước cổng nhà ông để trêu tức. Ông lẳng lặng làm bài “Vịnh chữ khùng” dán lên chỗ cũ:

Mày khùng sao lại bảo tao khùng,

Nói bậy làm tao bắt nổi sung,

...

Nhắn nhủ những phường chuyên cậy thế,

Vỡ bờ tức nước luật quy chung.

Không biết trên thế gian này, có mấy ai “khùng”được như nhà báo làng Mạc Trác? Có lẽ ông là một trong những kẻ “khùng” đáng yêu hiếm hoi còn sót lại cõi nhân gian!

Nghĩa Bình

Viết thảo luận


Mã xác nhận: loading...