Thứ năm, 23/6/2011, 17:35 GMT+7

'Một số cán bộ tiêu cực trong giải phóng mặt bằng'

Sau gần 3 năm mở rộng địa giới hành chính, số lượng dự án phải giải phóng mặt bằng ở Hà Nội tăng mạnh và có tính chất phức tạp. Theo Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, đã xuất hiện một số cán bộ trục lợi, tiêu cực.
> Xây thêm 3.000 căn hộ tại khu tái định cư lớn nhất Hà Nội/ Hà Nội dừng xây khu tái định cư ngoài đê sông Hồng

Sáng 23/6, Hà Nội tổ chức hội nghị giao ban 6 tháng đầu năm của Thường trực Thành uỷ - HĐND - UBND với lãnh đạo các quận, huyện về công tác giải phóng mặt bằng.

Báo cáo trước hội nghị, Phó chủ tịch thành phố Vũ Hồng Khanh cho biết, nửa năm qua, thành phố đã hoàn thành giải phóng mặt bằng theo phân kỳ đầu tư 131 dự án, diện tích đất hơn 940 ha, chi trả hơn 8.300 tỷ đồng bồi thường, hỗ trợ cho gần 19.600 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và tái định cư cho 650 hộ.

Ông Khanh đã chỉ ra những yếu kém trong quá trình giải phóng mặt bằng, như cán bộ một số đơn vị lúng túng, chưa nắm rõ các quy định dẫn đến triển khai một số dự án còn chậm. Quỹ nhà tái định cư của thành phố thiếu, tiến độ đầu tư xây dựng các khu tái định cư tập trung chưa đáp ứng yêu cầu. Một số đơn vị chưa cụ thể hoá trách nhiệm trong việc tham gia, đặc biệt có cán bộ trực tiếp làm công tác giải phóng mặt bằng ở cơ sở còn tiêu cực, vi phạm pháp luật...

Ảnh: Đoàn Loan.
Phối cảnh khu tái định cư lớn nhất Hà Nội tại khu đô thị mới Nam Trung Yên. Ảnh: Đoàn Loan.

Phát biểu thảo luận, ông Đỗ Mạnh Hải, Chủ tịch UBND quận Long Biên cho biết, mấu chốt của công tác giải phóng mặt bằng là cần công khai. Nội dung liên quan tới dự án, chính sách, tái định cư phải thông báo từ quận đến tổ dân phố, đồng thời cần tăng cường tiếp dân, đơn thư của dân phải có "đáp số" ngay. Theo ông Hải, 6 tháng đầu năm quận đã giải quyết dứt điểm 47 đơn khiếu nại; tích cực làm tờ trình gửi các sở ngành để sớm có phúc đáp cho người dân.

Liên quan tới quỹ nhà tái định cư, ông Hải cho biết, đất tái định cư trên địa bàn không thể bố trí tiếp. Trong khoảng 2-3 năm tới, quận sẽ thiếu khoảng 1.500 căn hộ tái định cư...

Cùng chung quan điểm, Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm Lê Văn Thư cho rằng, cần công khai, minh bạch để người dân biết, có như vậy mới vận động được người dân. Ông Thư cũng đề nghị thành phố và các sở, ngành quan tâm hơn tới công tác tái định cư và đảm bảo tiền đền bù cho người dân. Trên huyện này nóng bỏng nhất là trục đường 32, với 400 trong số 1.200 hộ dân cần có đất tái định cư.

Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, Chủ tịch quận Hai Bà Trưng Phan Tiến Bình cho biết, quan điểm của quận là toàn bộ hộ dân trong diện phải giải phóng sẽ được tái định cư tại chỗ. Ví dụ ở tuyến đường Ô Đống Mác - Trần Khát Chân hướng xây nhà cao tầng hai bên tuyến phố, có diện tích thích hợp dành cho cây xanh được người dân ủng hộ.

Ông Bình đề nghị các cơ quan phối hợp chặt chẽ, nhanh chóng hơn trong quá trình giải phóng mặt bằng. "Sau khi công bố chỉ giới đường đỏ, cần công bố quy hoạch tiếp theo để dân biết chỗ nào được làm, chỗ nào không", ông Bình nói.

Ông Bình cũng phản ảnh tình trạng nhà tái định cư chất lượng rất thấp, ví dụ tại khu tái định cư Pháp Vân, nhà xây 7 tầng đã xong nhưng thang máy mãi không vận hành được khiến người dân rất vất vả.

Là người trực tiếp làm công tác này nhiều năm qua, Trưởng ban giải phóng mặt bằng thành phố Nguyễn Đức Biền thừa nhận, khâu tái định cư hiện rất yếu. "Chủ đầu tư chỉ chăm lo đến phần họ kinh doanh. Nhiều khi nhà hoàn thiện tới 90%, nhưng điện, nước thì vẫn không đóng cho người dân sử dụng", ông Biền nói.

Trước các ý kiến thảo luận, Chủ tịch thành phố Nguyễn Thế Thảo cho rằng, công tác giải phóng mặt bằng thời gian quan cơ bản đáp ứng được tiến độ cho các dự án cũng như những tồn đọng về khiếu nại, kiến nghị của người dân. Đối với quỹ nhà tái định cư, ông Thảo khẳng định, thành phố đã đặt ra như một chương trình công tác lớn, huy động nhiều nguồn lực để đẩy nhanh xây dựng. Tuy nhiên, Chủ tịch thành phố cũng thừa nhận cần rút kinh nghiệm về chất lượng công trình như khu Kim Giang (quận Thanh Xuân)...

"Quan điểm của thành phố là luôn đảm bảo cho người dân có quyền lợi, ít nhất cũng phải bằng trước khi giải phóng mặt bằng", ông Thảo khẳng định.

Cũng theo Chủ tịch thành phố, tuy công tác này có nhiều phức tạp nhưng không vì thế mà tăng cơ chế đặc thù cho các địa phương. Những diện tích đất xen kẹt sau giải phóng mặt bằng sẽ giao lại cho địa phương làm đúng theo quy hoạch.

Ảnh: Nguyễn Hưng.
Theo ông Phạm Quang Nghị, quỹ nhà tái định cử của Hà Nội còn thiếu, chất lượng nhà thấp. Ảnh: Nguyễn Hưng.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư thành ủy Phạm Quang Nghị cho rằng công tác giải phóng mặt bằng cần coi trọng trách nhiệm, sự tận tuỵ của cán bộ. Ông Nghị đánh giá cao tinh thần làm việc trách nhiệm của các địa phương, nhất là việc lắng nghe, tổ chức đối thoại trực tiếp. "Tôi rất mừng là những vụ việc quan trọng, tồn đọng nhưng đã được giải quyết ổn thoả, suôn sẻ, không xảy ra tiêu cực lớn. Tuyệt đại đa số người dân đã nghiêm túc chấp hành", ông Nghị nói.

Mặc dù vậy, Bí thư thành ủy cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều thiết sót của Hà Nội như công tác tham mưu của UBND thành phố có lúc, có nơi còn chậm. Cán bộ chuyên trách của một số quận, huyện năng lực còn hạn chế... "Nhà tái định cư còn thiếu, chất lượng thấp. Việc xử lý khiếu kiện còn chậm, còn tình trạng đổ lỗi cho cơ chế, có một số cán bộ trục lợi, tiêu cực", ông Nghị thẳng thắn.

Để làm tốt công tác giải phóng mặt bằng trong thời gian tới, Bí thư thành ủy cho rằng, cần ưu tiên giải quyết những dự án trọng điểm, dân sinh bức xúc. Khi xét duyệt phương án, cần lường trước những vấn đề có thể xảy ra. Về mặt thông tin, tuyên truyền phải tiếp tục nâng cao nhận thức, kiên trì làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân.

"Phải đảm bảo công khai, dân chủ, quan tâm giải quyết những khó khăn, nguyện vọng chính đáng của người dân; kịp thời động viên những cá nhân làm tốt cũng như kiên quyết xử lý trường hợp cố tình sai phạm", ông Nghị nói.

Theo UBND Hà Nội, sau gần 3 năm mở rộng địa giới hành chính, các dự án phải giải phóng mặt bằng ở Hà Nội tăng cả về số lượng, khối lượng và tính chất phức tạp. Riêng 6 tháng đầu năm 2011 có 1.000 dự án, tăng 10% so với cùng kỳ 2010; diện tích đất phải thu hồi trên 10.300 ha, liên quan tới gần 187.000 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và dự kiến phải bố trí tái định cư cho gần 17.000 hộ.

Quỹ nhà tái định cư thiếu, tiến độ xây dựng các khu tái định cư tập trung chưa đáp ứng yêu cầu, chất lượng nhà và hạ tầng chưa tốt... Đặc biệt, một số dự án tiến độ chậm so với chỉ đạo của thành phố như vành đai 1 đoạn Ô Đông Mác - đê Nguyễn Khoái, Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, đường Văn Cao - Hồ Tây, đường 5 kéo dài...

Nguyễn Hưng

Link Site
 
 
 
 
Sự kiện nhiều người quan tâm
Lien he quang cao