Chủ Nhật, 26/06/2011 - 07:15

"Quả bóng" chung cư xì hơi nhưng khó nổ
(Dân trí) - Giá chung cư trong giai đoạn "ngủ đông" vẫn còn nhiều cơ hội để giảm tiếp, nhưng chưa đến mức độ đổ vỡ vì các nhà đầu tư có vốn lớn và trường vẫn cầm cự được.
Chung cư Hà Nội còn nhiều cơ hội giảm giá (ảnh minh họa)
 
Xung quanh vấn đề về thị trường chung cư, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) đã trao đổi với báo giới.

Bức tranh chung của thị trường chung cư ở Hà Nội dễ nhận thấy là mặc dù đã tung ra nhiều chương trình giảm giá, khuyến mãi song nhiều dự án vẫn trong tình trạng ế. Điều đó khiến các nhà đầu tư lo ngại đến khả năng “đổ vỡ”?

Tôi cho rằng nếu gọi là đổ vỡ e là hơi nặng lời. Thực chất, các chủ đầu tư của nhiều dự án đã bán sản phẩm rồi, chỉ có những nhà đầu cơ, chủ đầu tư thứ cấp với năng lực tài chính yếu, phụ thuộc ngân hàng sẽ dẫn tới rủi ro.

Những người dân có một ít tiền tham gia kinh doanh vài căn hộ cũng sẽ bị thua lỗ. Còn nói rằng, đổ vỡ chung của toàn thị trường thì tôi cho rằng sẽ khó xảy ra.

Liệu thị trường chung Hà Nội có giảm giá mạnh như ở TPHCM hiện nay?

Như chúng ta đã biết thị trường nhà ở tại TPHCM không phải chỉ hiện nay mà sau một đợt tăng giá rất cao từ năm 2007, cả năm 2008, 2009 và đặc biệt là đầu năm 2010 giá giảm, giao dịch trầm lắng. Thị trường chung cư tại Hà Nội cũng tương tự nhưng có độ trễ chậm hơn, có đợt tăng giá rất cao năm 2009, lúc lên tới 40%.

Hiện nay, thị trường chung cư Hà Nội đã có chững lại và giảm so với đầu năm 2011, nhưng giá tháng 6 so với tháng 1 năm nay cũng không giảm. Thị trường Hà Nội còn nhiều cơ hội để giảm giá.

Do vậy, đối với các doanh nghiệp, nếu không giải quyết được cơ chế, vấn đề thị trường đầu ra cho doanh nghiệp, tăng nguồn vốn vay cho người mua nhà, doanh nghiệp sẽ không có khả năng thu hồi vốn, dẫn tới thua lỗ.

Vậy Bộ Xây dựng có những giải pháp gì để tháo g khó khăn này, thưa ông?

Sắp tới, Bộ Xây dựng sẽ kiến nghị với Chính phủ linh hoạt trong vấn đề tín dụng BĐS. Thế nhưng, bản thân doanh nghiệp cũng phải quan tâm tới thị trường, coi trọng tính khả thi của dự án, không phải cứ thấy cao cấp là giá cứ cao vút lên, trong khi thị phần nhà dành cho người trung bình lại không có.

Thực tế hiện nay, những nhà trung bình bán giá 20 triệu đồng rất ít, có dự án khoảng dưới 20 triệu đồng thì lại ở khu vực rất xa như Sài Đồng, Hoài Đức. Còn trong các quận nội thành cũ không có nhà nào dưới 20 triệu đồng/m2. Đây là mức giá quá cao so với thu nhập của người dân.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đã có nhiều kiến nghị đề xuất với Chính phủ trong đó có các giải pháp, quan trọng là đa dạng cơ cấu nhà chung cư. Theo thống kê của Bộ, có những nhà chung cư giảm giá rất sâu, đặc biệt là 200 - 300m2, thậm chí căn hộ pent-house khoảng 400m2 giá mấy chục tỷ một căn hộ là chưa hợp lý trong thị trường hiện nay.

Ông có lời khuyên gì đối với các chủ đầu tư phát triển dự án chung cư trong thời điểm hiện nay và thời gian tới?

Nghị định 71 đã có nhiều tháo gỡ cho doanh nghiệp cho phép chưa xây móng đã được huy động 20%, xong móng bán huy động vốn vay. Do đó, doanh nghiệp cần tận dụng những cơ chế chính sách mà Nhà nước đang tạo điều kiện.

Chiến lược kinh doanh cũng rất quan trọng, trong khó khăn doanh nghiệp cần vươn lên. Cơ cấu làm sao cho phù hợp, chiến lược kinh doanh tốt thì lúc nào cũng có khách hàng. Lời khuyên đối với doanh nghiệp là hãy làm đúng khả năng của mình, hãy tìm ra cái khác biệt so với những doanh nghiêp khác.

Xin cảm ơn ông!

LH