Nhiều người rao bán: “Nhận làm bằng tiến sĩ, thạc sĩ giống thật 100%, có bảng điểm trường ĐH, nhận bằng xong giao đủ tiền, bao công chứng...”. PV đã lần theo nhiều đường dây mua bán bằng giả này.
Chiều 3/6, tại điểm hẹn với khách ở công viên trên đường Hoàng Văn Thụ (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), người đàn ông xưng tên Kiên và người phụ nữ đi cùng nhận là vợ ông ta, chủ một đường dây bán bằng giả, đon đả: “Mấy em làm bằng thạc sĩ phải không, tụi chị làm được tất cả các loại bằng của bất cứ trường ĐH nào, đảm bảo bằng, bảng điểm giống thật 100%, bao đi công chứng”.
Vợ chồng ông Kiên (bên phải) giao dịch làm bằng thạc sĩ với khách hàng giá 18 triệu đồng tại quán cà phê trên đường Đinh Bộ Lĩnh, Q.Bình Thạnh, TP.HCM.
Chỉ đặt cọc 2 triệu đồng
Ông Kiên cho biết: “Làm bằng thạc sĩ giá 18 triệu đồng, chỉ cần bốn ngày là xong”. Thấy khách có vẻ phân vân, vợ ông ta liền lấy trong cặp ra một tấm bằng để chứng minh: “Đây là bằng ĐH chính quy hẳn hoi! Anh chị mới làm cho cô này để bổ túc hồ sơ cá nhân”.
Tấm bằng mà vợ ông Kiên đưa cho khách xem ghi tên cử nhân là Nguyễn Thị Hiệp, tốt nghiệp cử nhân luật năm 2009 tại một trường ĐH ở Hà Nội, xếp loại khá, hệ chính quy. Ông ta quảng cáo ngoài dịch vụ làm bằng thạc sĩ, ông còn nhận làm các loại bằng cử nhân, kỹ sư, tốt nghiệp THPT, chứng chỉ tiếng Anh các loại... “Nếu làm bằng thạc sĩ, bên em đặt cọc cho anh 2 triệu đồng, hai bản photo CMND và ba tấm hình 3x4 của người làm bằng”.
Sau khi thỏa thuận, vợ ông Kiên cầm một tờ giấy yêu cầu đọc thông tin người cần làm bằng để bà ta ghi lại. Theo cam kết trong giấy, bà ta nhận: “Làm bằng cho anh Trần Quang Công, quê ở Nam Định, thạc sĩ kinh tế ngành kế toán - kiểm toán, tốt nghiệp năm 2010”. Ông Kiên khẳng định: “Muốn làm bằng loại giỏi tụi anh cũng làm được. Nhưng tốt nhất là loại khá thôi, chứ xếp loại giỏi thì nhiều người tò mò, dễ bị lật tẩy lắm”. Nhận tiền cọc 2 triệu đồng xong, vợ ông Kiên viết một giấy biên nhận: “Làm bằng thạc sĩ cho anh Công, giá 18 triệu đồng, mới đặt cọc 2 triệu đồng chẵn, bốn ngày sau nhận bằng (thứ sáu giao)...”. Sau đó, người phụ nữ này ký thay cho chồng, với họ tên đầy đủ là Nguyễn Trung Kiên.
Bằng thạc sĩ được đường dây của ông Kiên giao cho khách.
Còn ông Long, chủ một đường dây làm bằng thạc sĩ tại P.11, Q.Gò Vấp, ra giá: “Làm bằng thạc sĩ giá 25 triệu đồng, đảm bảo giống y như thật, sau năm ngày giao bằng”. Ông này cũng yêu cầu khách đặt cọc 2 triệu đồng để làm tin. “Chỗ tui làm bằng rất uy tín. Số điện thoại của tui quảng cáo đầy trên mạng. Đúng hẹn sẽ có bằng cho mấy anh”. Yêu cầu ông ta viết giấy nhận tiền và cho xem CMND, ông Long rút ngay CMND đặt trên bàn mang tên Nguyễn Văn Hiệp, nguyên quán ở Nghệ An, thường trú ở Tân Tiến, thị xã La Gi, Bình Thuận. CMND này là giả vì không có dấu mộc đóng chìm đè lên ảnh.
Một đường dây chuyên nhận làm bằng giả khác ở Q.10 khá quy mô, có hệ thống chân rết ở các tỉnh do hai người đàn ông tên Phong và Nam là đầu mối. Khi nghe khách yêu cầu “cần làm bằng tiến sĩ khoa học, chuyên ngành công nghệ thực phẩm của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM”, ông Nam đồng ý ngay. “Làm bằng tiến sĩ phải đặt cọc 1 triệu đồng, giá 18 triệu đồng, sau ba ngày sẽ giao bằng tận nơi cho khách. Còn làm bằng thạc sĩ, ĐH... thì không cần tiền cọc, chỉ đưa CMND gốc, hai tấm hình 3x4” - ông Nam nói. Theo ông ta, phôi bằng của đường dây này cung cấp là phôi thật 100%. Nếu cần, người của ông sẵn sàng dẫn khách đi công chứng xong mới nhận tiền.
Tìm cơ hội “thăng quan tiến chức”
Đúng bốn ngày sau khi đặt cọc tiền, ông Kiên điện thoại báo: “Bằng xong rồi, 8g sáng mai lên cầu Thị Nghè nhận. Nhớ mang tiền đầy đủ, anh không thích dây dưa”. Sáng 10-6, ông ta không đến giao bằng mà cử một người đàn ông gọi điện: “Vợ chồng ông Kiên về quê có việc, tui là người giao bằng thạc sĩ tại cầu Thị Nghè”.
Khoảng một giờ sau, tại điểm hẹn, một người đàn ông chạy xe Dream II màu nâu trờ tới hỏi: “Lấy bằng phải không?”. Người này tự xưng tên Tuấn, chuyên đi giao bằng cho ông Kiên. Biển số xe của ông ta bị cắt đôi và được ghép lại từ hai biển số khác nhau. Ông Tuấn mở bọc nilông màu đen lấy ra tấm bằng thạc sĩ, bảng điểm các môn học cho khách kiểm tra. Bằng thạc sĩ mới tinh mang tên Trần Quang Công, tốt nghiệp ngày 10-8-2010, chuyên ngành kế toán - kiểm toán, số điểm luận văn là 7,4, xếp loại khá. Trên tấm bằng có dấu mộc giống y của Trường ĐH Kinh tế, chữ ký mang tên hiệu trưởng là PGS.TS Phạm Văn Năng.
Theo ông Kiên và nhiều chủ đường dây chuyên làm bằng giả, những người mua bằng chủ yếu để hợp thức hóa hồ sơ cá nhân xin việc, hợp thức hóa bằng cấp còn thiếu, nâng bậc, nâng lương... Nhiều người đã “quen biết” trước, có “bôi trơn” với cơ quan đến xin việc nên chỉ cần nộp bằng cử nhân, thạc sĩ vào để hợp thức hóa. Tất nhiên, khi có bằng thạc sĩ mức lương sẽ được xếp cao hơn nếu đúng chuyên ngành. Khá nhiều người đi thi cao học nhưng không đậu, hoặc công bố với mọi người, cơ quan rằng đang học cao học, được cơ quan tạo điều kiện về thời gian để đi học... cần bằng thạc sĩ làm “oai” vừa để tăng lương, vừa tận dụng thời gian của cơ quan làm việc riêng.
“Khách đặt mua bằng thạc sĩ, cử nhân là phổ biến nhất. Bằng tiến sĩ thì khó gạt được cơ quan, mọi người nên chủ yếu chỉ mua làm sang, lòe những người mới quen là chính nên người mua ít hơn. Nhưng cũng có một số quan chức đặt mua bằng tiến sĩ của tụi tui để thăng quan tiến chức trót lọt đấy” - ông Nam nói.
Ông L.T.N., ngụ đường Trường Chinh, Q.Tân Bình, làm việc tại một doanh nghiệp ở Q.Tân Phú, một khách hàng của ông Kiên, cho biết đặt mua một tấm bằng thạc sĩ luật để nộp cơ quan vì “tôi công bố với cơ quan đang học cao học luật ba năm nay, giờ cần cái bằng để chứng minh và hi vọng được bố trí công việc có vị trí cao hơn trong thời gian tới”. Còn bà L.N.H.H. - ngụ đường Quang Trung, Q.Gò Vấp, trưởng phòng kinh doanh của một ngân hàng lớn, đặt mua một bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh của đường dây ông Long - nói: “Cơ quan bố trí cho tôi nghỉ làm mỗi tuần hai ngày để đi học, kinh phí tôi tự chịu. Quy hoạch tôi sẽ là phó giám đốc khi học xong chương trình cao học nhưng công việc lu bu quá nên bỏ giữa chừng, giờ mua đại cái bằng để hợp thức hóa”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, bình quân hằng tháng mỗi đường dây cung cấp 30-40 tấm bằng “dỏm” theo đặt hàng của khách, hơn phân nửa là công chức, nhân viên các cơ quan ở các tỉnh.
Phát hiện nhiều trường hợp sử dụng bằng giả Nhiều trường ĐH tại TP.HCM cho biết thời gian qua phát hiện khá nhiều trường hợp sử dụng bằng giả được “gia công” tinh vi, tự tạo bảng điểm, dấu mộc tròn và giả cả chữ ký của hiệu trưởng các trường. Ngày 16/7/2010, phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM nhận thư yêu cầu xác minh của UBND P.Linh Trung, Q.Thủ Đức về văn bằng do ông Nguyễn Cao Ngợi yêu cầu sao y. Trước đó, cán bộ P.Linh Trung tiếp nhận bản sao bằng kỹ sư, ĐH Công nghiệp, xếp loại khá. Sau khi kiểm tra hồ sơ liên quan đến quá trình học tập của ông Ngợi, trường kết luận bằng tốt nghiệp của ông Ngợi là giả. Nhiều công ty cũng đã “cầu cứu” các trường ĐH khi phát hiện ứng viên xin việc có dấu hiệu sử dụng bằng giả. Ngày 21/7/2010, ông Đoàn Thanh Lê, quê Thanh Hóa, bị phát hiện sử dụng bằng giả của Trường ĐH Công nghiệp, chuyên ngành cơ khí chế tạo máy khi nộp đơn xin việc. Trường hợp ông Võ Văn Sinh, sinh năm 1981, mang bằng tốt nghiệp hệ CĐ ngành cơ khí chế tạo của Trường ĐH Công nghiệp đến Công ty TNHH Ta Kim xin việc. Phát hiện dấu hiệu bằng giả, công ty gửi công văn tới Trường ĐH Công nghiệp nhờ xác minh. Qua kiểm tra hồ sơ, trường khẳng định ông Sinh đã dùng bằng giả để xin việc. Trước đó, ông Văn Đức Tuấn (quê Thanh Hóa) nộp bằng cử nhân CĐ ngành điện công nghiệp của Trường ĐH Công nghiệp để xin việc tại Công ty TNHH gạch Inax Việt Nam. Trường ĐH Công nghiệp khẳng định ông Tuấn sử dụng bằng giả vì không có hồ sơ gốc. Theo phòng quản lý đào tạo - công tác sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, đầu năm 2011 đến nay trường phát hiện bảy trường hợp sử dụng bằng giả. Một số trường hợp bằng giả làm rất sơ sài như ghi tên trưởng khoa bị sai, chữ ký, con dấu không giống... Gần đây, đối tượng làm bằng giả sử dụng công nghệ in ấn, sao chụp tinh vi hơn nên khó phát hiện bằng mắt, các khoa của trường phải lục lại hồ sơ để đối chiếu. Mới đây, Ngân hàng thương mại cổ phần Gia Định nhờ Trường ĐH Kinh tế TP.HCM xác nhận bằng cử nhân mang tên Nguyễn Thị Thanh Thúy, sinh năm 1985, tốt nghiệp ngành tài chính - ngân hàng năm 2007, loại hình đào tạo chính quy của trường. Người này sử dụng bằng giả đến ngân hàng để xin việc. Trường đã tiến hành kiểm tra hồ sơ, xác nhận đây không phải là sinh viên của trường. Sau khi lận lưng một bằng giả, Nguyễn Thị Kim Dung, sinh năm 1986, quê ở Bình Dương, mang hồ sơ đến xin làm nhân viên kinh doanh tại Công ty TNHH Ta Tung Việt Nam. Do nhận được thông tin bằng cử nhân của cô này có vấn đề, ngày 1-6-2011, công ty nhờ Trường ĐH Kinh tế kiểm tra. Trường đã xác định bằng cử nhân chuyên ngành kế toán - tài chính tốt nghiệp năm 2010 của cô này là bằng giả. Ông Trần Thế Hoàng, trưởng phòng quản lý đào tạo - công tác sinh viên Trường ĐH Kinh tế, cho biết: “Để hạn chế tình trạng mua bán, sử dụng bằng giả tràn lan như hiện nay, các cơ quan, đơn vị cần kiểm tra chặt chẽ những văn bằng, giấy tờ của nhân viên, người xin việc... Trường hợp nghi ngờ văn bằng có dấu hiệu làm giả thì nhanh chóng gửi văn bản kèm theo bản sao của văn bằng để trường xác nhận thông tin”. |
Theo Đức Thanh - Đức Phú - Bá Tùng
Tuổi Trẻ