Hội nghị lần thứ 16 Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN:
Lương tối thiểu phải đảm bảo đời sống tối thiểu
Thứ Tư, 29.6.2011 | 08:34 (GMT + 7)
lương tối thiểu, người lao động, đời sống công nhân, đặng ngọc tùng, thông tư 92 vừa được bộ tài chính,Ngày 28.6, tại TP.Hạ Long (Quảng Ninh) Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đã tổ chức hội nghị lần thứ 16 đánh giá công tác 6 tháng đầu năm 2011; đánh giá sơ kết 3 năm thực hiện NQ 20 BCH T.Ư Đảng khoá X và tổng kết 5 năm thực hiện NQ 4b của BCH Tổng LĐLĐVN.
Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng chủ trì và phát biểu khai mạc hội nghị.
Người lao động gặp khó
Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng chủ trì Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN lần thứ 16. Ảnh: T.N.D |
Báo cáo về tình hình hoạt động 6 tháng đầu năm 2011 của các cấp CĐ do đồng chí Nguyễn Hoà Bình - Phó Chủ tịch thường trực Tổng LĐLĐVN trình bày, nêu rõ: 6 tháng đầu năm 2011, tình hình kinh tế - xã hội trong nước diễn ra trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức. Giá các hàng hoá chủ yếu trên thị trường thế giới biến động theo chiều hướng tăng. Mặc dù nền kinh tế vẫn duy trì tốc độ khá, các chỉ tiêu vượt so với năm 2010, tuy nhiên, giá cả hàng hoá tăng đã tác động trực tiếp đến đời sống CNVCLĐ và hoạt động của tổ chức CĐ.
Trước những tác động của tình hình lạm phát, nhiều DN không có khả năng mở rộng sản xuất nên nhu cầu tuyển LĐ giảm. Cùng với việc giảm việc làm mới, thì tình trạng thất nghiệp cũng tăng cao đã khiến hàng ngàn CNLĐ đơn phương xin chấm dứt HĐLĐ do điều kiện lao động khó khăn, thu nhập quá thấp không đủ chi tiêu cho cuộc sống bản thân và gia đình; vấn đề nhà ở cho CNLĐ gặp nhiều khó khăn, mặc dù thời gian qua, công tác chăm lo nhà ở cho CNLĐ đã có một số chuyển biến.
Tình trạng các DN không đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp theo quy định cho NLĐ xảy ra nhiều ở các địa phương. Mặc dù đã được các cấp chính quyền và cơ quan bảo hiểm kiên quyết xử lý, nhưng tình trạng trốn đóng, chiếm dụng BH của các đơn vị vẫn không thuyên giảm. Theo thống kê chưa đầy đủ 6 tháng đầu năm 2011, cả nước xảy ra 440 cuộc ngừng việc tập thể, đình công tại 23 tỉnh, thành phố (tăng gấp 3 lần so với thời điểm năm 2010). Tại hầu hết các cuộc xảy ra tranh chấp LĐ, đình công, CĐ đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết kịp thời.
Để tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, đại diện chăm lo đời sống, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho NLĐ, Tổng LĐLĐVN và các cấp CĐ đã tham gia xây dựng nhiều chính sách pháp luật liên quan, tham mưu với Chính phủ, bộ, ngành liên quan các đề án: Cải cách chính sách tiền lương; chính sách nhà ở cho CNLĐ ở KCN, nhà ở cho CBCC; tham gia xây dựng quy chế dân chủ cơ sở tại các DN; chương trình quốc gia về BHLĐ...
Tiếp thu những ý kiến đóng góp tại hội nghị, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng cho rằng, quan điểm của Tổng LĐLĐVN là phải sớm trình Chính phủ ban hành mức lương tối thiểu cho NLĐ (tham gia ý kiến vào ngày 30.6 tới tại cuộc họp của Chính phủ). Mức lương tối thiểu phải bảo đảm cho đời sống tối thiểu của CNVCLĐ... Cuối năm 2011, kiên quyết thực hiện việc DN có từ 50 LĐ trở lên phải có tổ chức CĐ. “LĐLĐ tỉnh nào không làm được thì sẽ xem xét việc hoàn thành nhiệm vụ”- Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng nhấn mạnh.
Triển khai NQ 20, NQ 4b còn nhiều hạn chế
Liên quan đến NQ 20 của T.Ư, sau 3 năm thực hiện, chiều cùng ngày Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đã thẳng thắn thảo luận, bổ sung ý kiến đóng góp vào dự thảo trình kiến nghị, đề xuất với Bộ Chính trị và Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ trong thời gian sắp tới, nhất là về 6 chỉ tiêu đề ra nhưng chưa đạt và không đạt, liên quan đến cải thiện đời sống, điều kiện làm việc của NLĐ, quy chế dân chủ; chiếm dụng BHXH; cải cách tiền lương, tranh chấp LĐ...
Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng thăm, động viên công nhân mỏ than Mông Dương ở độ sâu -50m vào tháng 9.2008. |
NQ 20 ra đời đã được Tổng LĐLĐVN và các cấp CĐ quan tâm tổ chức hội nghị quán triệt thực hiện rộng khắp từ tháng 3.2008. Cho đến nay, sau 3 năm cả nước đã thành lập mới được 12.333 CĐCS, kết nạp 1.863.887 đoàn viên; công tác tuyên truyền, giáo dục được nâng cao chất lượng đội ngũ CNVCLĐ; hệ thống CĐ đã tham gia vào giải quyết những bức xúc của CN; việc vận động CN tham gia các phong trào thi đua yêu nước góp phần phát triển KT-XH và xây dựng GCCN lớn mạnh được coi trọng; các hoạt động xã hội của tổ chức CĐ đạt được nhiều kết quả cao...
Tuy nhiên, việc triển khai NQ 20 đang gặp phải những tồn tại, vướng mắc do một số cấp ủy, chính quyền, CĐ chưa tích cực. Việc phổ biến đến đông đảo CNVCLĐ, nhất là DN ngoài nhà nước chưa rộng rãi; vấn đề NQ đề ra chưa thực sự được tập trung giải quyết quyết liệt, chưa tạo được sự chuyển biến đáng kể.
Từ những tồn tại đưa ra, một số nguyên nhân được cho là cấp ủy Đảng một số nơi chưa cụ thể hoá kế hoạch, chương trình hành động, khiến cho một vài địa phương “khoán” cho tổ chức CĐ; sự đổi mới của CĐ và tổ chức chính trị xã hội chưa theo kịp sự phát triển nhanh, đa dạng của CNLĐ; chính sách pháp luật chồng chéo, chưa xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, khiến cho quan hệ LĐ trong nhiều DN chưa hài hoà, tiến bộ khiến một số thế lực thù địch và phần tử xấu lợi dụng gây chia rẽ nội bộ, làm mất ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội...
Đánh giá về NQ 4b của BCH Tổng LĐLĐVN khoá IX- trong 5 năm thực hiện đã tạo ra sự chuyển biến quan trọng về nhận thức của các cấp CĐ, CNLĐ về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc học tập nâng cao trình độ học vấn, tay nghề, kỹ năng chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu CNH - HĐH đất nước.. Tuy nhiên việc thực hiện thông tin, báo cáo chưa thực hiện nghiêm túc.
Người lao động được trợ cấp khó khăn tối thiểu 250.000 đồng/người Theo thông tư số 92/2011/TT-BTC vừa được Bộ Tài chính ban hành, NLĐ có tên trong danh sách LĐ của DN tại thời điểm 30.3.2011 và có thu nhập từ 2,2 triệu đồng/tháng trở xuống sẽ được nhận khoản trợ cấp khó khăn tối thiểu 250.000 đồng/người. Thu nhập 2,2 triệu đồng/tháng ở trên được tính sau khi đã trừ đi các khoản tiền thưởng từ lợi nhuận sau thuế, tiền ăn ca, tiền chế độ bồi dưỡng nghề độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt độc hại nguy hiểm. Số tiền trợ cấp khó khăn này cho NLĐ được loại trừ không dùng để tính nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn. Mức trợ cấp này được thực hiện một lần trong năm 2011. Nguồn chi trả trợ cấp này được lấy từ quỹ tài chính hợp pháp và khả năng tài chính của DN. Trong trường hợp các quỹ tài chính hợp pháp của DN thiếu hoặc DN không có quỹ tài chính hợp pháp thì DN được hạch toán khoản chi trả trợ cấp này vào chi phí kinh doanh với tối đa là 250.000 đồng/người. Thông tư 92 của Bộ Tài chính được ban hành hướng dẫn thực hiện Quyết định số 471/QĐ-TTg ngày 30.3 của Thủ tướng Chính phủ. Quyết định số 471 quy định việc hỗ trợ này được thực hiện làm hai lần trong quý II/2011, nhưng thông tư của Bộ Tài chính ban hành ngày 23.6 phải tới 10.8 mới có hiệu lực. Cao Sơn |
Trần Ngọc Duy
CÁC BÀI ĐÃ ĐĂNG