Việt Nam có nên áp dụng WtE để thu tiền tỷ?
>> Xem chuyên đề: Năng lượng từ rác
Có lẽ vì sự quan tâm của dư luận tới cuộc khủng hoảng nói trên, ông Bùi Văn đã phải mất tới 5 phút mới có thể giới thiệu hết các đại biểu tham gia cuộc hội thảo. Đại diện các Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam: Ông Đỗ Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ Bộ Khoa học & Công nghệ, ông Nguyễn Trung Hòa, Vụ trưởng Vụ khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng, TS Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE)... đều có mặt.
TS Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) và ông Nguyễn Thành Phương, Tổng Giám đốc Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam Vinaconex, đơn vị dự định mang WtE về Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo.
TS Nguyễn Ngọc Sinh |
Bài phát biểu của TS Nguyễn Ngọc Sinh nhắc tới sự lãng phí của con người làm phát sinh ra ngày càng nhiều chất thải. Ông đề nghị xem xét WtE như một trong các giải pháp công nghệ xử lý chất thải. Ông mong muốn các nhà khoa học tham gia hội thảo đánh giá sự thích hợp của công nghệ này khi áp dụng ở Việt Nam để chọn được phương pháp xử lý rác thải, bài toán chưa bao giờ được giải quyết trọn vẹn ở Việt Nam. (Toàn văn bài phát biểu của TS Nguyễn Ngọc Sinh).
Ông Nguyễn Thành Phương khẳng định mối quan tâm của Vinaconex tới vấn đề xử lý rác thải, vì sự phát triển bền vững |
Đại diện Martin trình bày về công nghệ WtE |
Ông Gartner dẫn ví dụ một nhà máy ở Monaco. Nhà máy này được đặt ở trung tâm thành phố, nơi có rất nhiều người giàu sinh sống nhưng không ai phàn nàn gì về chất lượng môi trường. Đại diện Martin liệt kê chi phí bỏ ra để đầu tư với những nguồn lợi thu được: bán chứng chỉ CO2, bán năng lượng thu được từ rác, tiền thu của người dân để xử lý rác thải...
Hiện Martin có nhà máy tại 31 nước trên thế giới, thị phần Quốc tế các nhà máy WtE sử dụng hệ thống của Martin là 33% và nhấn mạnh ưu điểm, các nhà máy WtE của công ty này sử dụng chính nguồn năng lượng chứa trong rác.
Chuyên gia kinh tế Bùi Văn nói thêm điều mà đại diện Martin đã tránh không nói ra, cũng như Trung Quốc, tỷ lệ chôn lấp chất thải của Việt Nam rất lớn. Trong khi, tỷ lệ đất trên đầu người của Việt Nam thuộc loại thấp nhất châu Á (chỉ trên Singapore), và như vậy, với tình trạng chôn lấp rác thải tại Việt Nam hiện nay, chúng ta đang lãng phí loại tài nguyên đắt đỏ vào loại bậc nhất hiện nay là đất đai.
Phần tham luận của TS Nguyễn Trung Việt bị dừng giữa chừng vì thắc mắc của TS Phạm Sỹ Liêm, Tổng hội Xây dựng Việt Nam về việc lấy hơi nước trong quá trình xử lý rác thải từ đâu để quay tuabin. Đại diện Martin giải thích, cần phải đưa khí vào để đốt, không phải khí tạo ra trong quá trình đốt rác thải.
9h45, TS Nguyễn Trung Việt bắt đầu trình bày tham luận. Theo TS Nguyễn Trung Việt, khối lượng chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại khó xác định. Hầu như tất cả các báo cáo xác định khối lượng chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại chỉ là ước tính, con số thống kê khiêm tốn.
Ông Nguyễn Trung Việt cho biết, số lượng chất thải nguy hại có thể cháy được ở TP.HCM 6-8 tấn/ngày, không đủ công suất một nhà máy đốt chất thải tái tạo năng lượng. Theo ông, nên cân nhắc áp dụng đốt cả chất thải đô thị.
TS Nguyễn Trung Việt |
TS Nguyễn Trung Việt nêu thực tế, giá thành xử lý rác thải ở TP.HCM rất lớn. Giá xử lý chất thải của công ty của Singapore là 34 đô la Singapore/tấn, ở TP.HCM, giá thấp nhất là 100 đô la. Ông dẫn chứng, để xử lý một tấn đèn neon mất 42 triệu, giẻ lau dầu (chỉ cần đốt) cũng mất 9 triệu. Trong khi, công nghệ xử lý của TP.HCM rất thô sơ, mà theo ông Việt, "khiến vị đại diện người Đức chắc sẽ rất bất ngờ". (Toàn văn bài phát biểu của TS Nguyễn Trung Việt)
10h5, PGS.TS. Nguyễn Huy Nga; Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế trăn trở về rác thải y tế, đặc biệt là chất thải rắn y tế nguy hại. PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho biết, công nghệ đốt đang được áp dụng phổ biến để xử lý loại rác thải này nhưng chỉ có các lò nhỏ, chưa có hệ thống xử lý khí thải nguy hại. Chưa kể, chi phí đốt rác thải cao, trung bình, 1kg rác thải bệnh viện tốn 80.000 đồng tiền dầu.
Ông Nga mang tới hình ảnh một lò đốt rác thải bệnh viện tuyến huyện 5 năm chưa sử dụng. Dù ông chỉ nói vui, nếu bị Cảnh sát Môi trường phạt cũng rẻ hơn, mất 5 triệu đồng, trong khi đốt mất 10 triệu đồng nhưng câu chuyện đó đã cho thấy sự bế tắc của các bệnh viện trong việc xử lý các loại rác thải y tế.
PGS.TS. Nguyễn Huy Nga |
Quả thật, ông Nga phải lo lắng vì mỗi ngày khoảng 40,5 tấn/ngày (chiếm 11,7% tổng lượng chất thải phát sinh). Dự kiến, năm 2015, 2020, con số này lần lượt là trên 70 tấn/ngày và trên 93 tấn/ngày. Chưa nói tới câu chuyện, nếu khối lượng rác khổng lồ đó không được xử lý đúng chuẩn, đó sẽ là ẩn họa khó lường cho cuộc sống của người dân. Ông Nguyễn Huy Nga kỳ vọng, các bệnh viện sẽ có khả năng thuê dịch vụ xử lý rác thải.
10h20, hội thảo nghỉ 5 phút trước khi tiếp tục phần thảo luận về góc độ công nghệ của phương pháp đốt rác thải tái tạo năng lượng của GS.TS.NGND Đặng Kim Chi.
10h35, GS.TS Đặng Kim Chi bắt đầu tham luận. Bà Đặng Kim Chi cho rằng, để áp dụng đốt rác thải thu năng lượng ở Việt Nam, vệc phân loại rác thải phải được thực hiện tốt: loại bớt độ ẩm trong rác, chỉ chọn những loại rác thải có nhiệt trị cao... Theo kinh nghiệm của các nước châu Âu, chỉ nên áp dụng đốt rác thu điện, khi khối lượng rác lớn, công suất lớn.
Ngoài ra, nên chú trọng lựa chọn và đầu tư công nghệ đốt chất thải phát điện thuộc hàng tiên tiến trên thế giới, để tránh rủi ro khi đi vào vận hành (lò đốt tiên tiến, hệ thống xử lí khí thải đạt yêu cầu QCVN, có khâu phân loại chất thải bảo đảm yêu cầu về nhiệt trị, độ ẩm). Chỉ nên áp dụng công nghệ này ở vùng kinh tế phát triển, đông dân, rác có nhiệt trị lớn như Hà Nội, TP.HCM.
GS.TS Đặng Kim Chi |
Bài phát biểu của GS.TS Đặng Kim Chi cũng đặt ra vấn đề lớn nhất đối với công nghệ đốt rác thải tạo năng lượng là giá thành, đòi hòi đầu tư lớn, yêu cầu kỹ thuật cao, chi phí vận hành cao, đặc biệt khi so sánh với biện pháp chôn lấp hiện nay. Tuy nhiên, biện pháp này có ưu thế về xã hội và môi trường, tạo nên nguồn cung cấp năng lượng, giảm mối nguy hiểm tới sức khỏe của cộng đồng về rác, xử lý triệt để ô nhiễm trong chất thải rắn...
Theo GS.TS Đặng Kim Chi nhấn mạnh, nhìn về mặt hiệu quả kinh tế, phương pháp đốt chất thải tạo năng lượng không có lợi thế. Nhưng nếu quan tâm tới những hiệu quả ẩn, phương pháp này sẽ để lại môi trường sạch cho thế hệ tương lai.
TS Đặng Kim Chi cũng đề cập tới vai trò của nhà nước, trợ giá cho các doanh nghiệp áp dụng công nghệ này để khả năng áp dụng công nghệ ở Việt Nam sẽ cao hơn. Theo bà, đây là đầu tư cho phát triển bền vững.
11h10: Ông Yoshio Yanagisawa, Giám đốc kỹ thuật cấp cao, thuộc tập đoàn Mitsubitshi, Nhật Bản, mang tới hội thảo video về nhà máy đốt rác thải tái tạo năng lượng của Misubitshi ở Singapore, lý giải về môi trường sạch nổi tiếng của quốc đảo cùng khu vực với Việt Nam.
Sau đoạn video, ông Yanagisawa giới thiệu về công nghệ của Mitsubitshi, đặc biệt nhấn mạnh tới một nhà máy ở Macao mà theo ông, có thể áp dụng ở Việt Nam.
11h40: Phát biểu của ông Nguyễn Trung Hòa đồng cảm với các doanh nghiệp muốn đầu tư vào vấn đề xử lý chất thải ở Việt Nam, vấn đề kinh phí.
"Rào cản lớn nhất cho các công nghệ xử lý chất thải triệt để, tiên tiến ở Việt Nam là chi phí đầu tư. Chi phí để xử lý chất thải rắn theo công nghệ này, kể cả Hà Nội và TP.HCM cũng không làm được. Cơ chế về chính sách có nhiều nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có khả năng tiếp cận. Lựa chọn công nghệ nào phù hợp là của chính quyền địa phương và nhà đầu tư. Việc xã hội hóa này không nằm ngoài yêu cầu của nhà nước và vai trò của các nhà đầu tư như Vinaconex trong vấn đề xử lý rác thải này là rất quan trọng" - ông Hòa thẳng thắn.
Ông Nguyễn Trung Hòa cho biết, hiện nay, nhiều đơn vị ở Việt Nam cũng đang phát triển công nghệ đốt chất thải tái tạo năng lượng với đầu tư thấp gấp khoảng 10 lần so với công nghệ của Mitsubitshi áp dụng tại nhà máy ở Macao (35.000 USD/tấn so với 420000 USD/tấn).
11h50: Bà Trần Thị Thanh Phương, chuyên gia cao cấp về môi trường, Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam bày tỏ sự quan tâm của WB với vấn đề xử lý rác thải tại Việt Nam nói chung. Bà Trần Thị Thanh Phương gợi ý cách chính phủ Việt Nam cũng như các nhà đầu tư có thể dùng để tiếp cận nguồn vốn, đầu tư cho các dự án xử lý rác thải nói riêng và các mục đích đầu tư công nói riêng.
12h: GS.TS Trần Hiếu Nhuệ, Viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và công nghệ môi trường là người phát biểu cuối cùng. Ông nhắc sơ qua về công nghệ, ưu nhược điểm của công nghệ đốt rác thải tái tạo năng lượng rồi nhấn mạnh, những nhà đầu tư lớn nên mạnh dạn đầu tư cho những công nghệ bền vững với môi trường như thế này.
Mượn ý của chuyên gia kinh tế Bùi Văn, TS Nguyễn Ngọc Sinh kết luận, cuộc khủng hoảng môi trường đã đến rồi. Nếu không làm điều gì là chấp nhận khủng hoảng. Ông đề nghị, nên có những nghiên cứu cụ thể hơn về vấn đề xử lý rác thải, ít nhất tại Hà Nội và TP.HCM và có những diễn đàn tiếp theo, để những nhà khoa học, nhà đầu tư và người quan tâm tin tưởng hơn về công nghệ, tìm được tiếng nói chung, mạnh mẽ, khoa học hơn.