Thứ bảy, 02/07/2011, 13:00(GMT+7)

Triệu Sơn, Thanh Hóa:
Bát cơm bị giằng khỏi miệng

GiadinhNet - Bát cơm tưởng đầy trên tay đã lại vơi ngay trước mắt.

Tin vui được mùa ở xứ Thanh là nguồn động viên, khích lệ vô cùng to lớn đối với bà con nông dân đã trải qua những ngày khó khăn nhất trong năm. Thế nhưng, thêm một lần nữa thiên nhiên lại thử thách người dân khi cơn bão số 2 đã dìm lúa chín, mạ non dưới bể nước. Bát cơm tưởng đầy trên tay đã lại vơi ngay trước mắt.
 
Hàng nghìn hecta lúa chìm trong nước
 
Ông Lê Đình Tâm xót xa trước cánh đồng lúa bị ngập. Ảnh: N.Hưng
 
Thiệt hại khoảng 260 tỷ đồng
 
Theo Sở NN&PTNT Thanh Hóa, lượng mạ cần gieo bổ sung là 3.570 tấn. Ước tính tổng thiệt hại do mưa lũ gây ra đợt này là khoảng 260 tỷ đồng. UBND tỉnh Thanh Hoá đã có công văn báo cáo và xin Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, Bộ NN&PTNT xem xét hỗ trợ  một số giống lúa ngắn ngày như Khang dân 18, Q5, PHB 71, Việt lai 20, TH3-4, để khôi phục sản xuất với số lượng 2.750 tấn, số còn lại trên 1.000 tấn tỉnh Thanh Hoá sẽ huy động các địa phương và ngân sách tỉnh.
Chúng tôi có mặt tại 2 xã Dân Quyền và Tân Ninh, huyện Triệu Sơn sau 4 ngày cơn bão đi qua. Nước vẫn ngập khắp nơi, chỗ sâu nhất phải đến hơn một mét. Dù chính quyền đã huy động tổng lực các trạm bơm chính và tất cả các loại máy bơm lớn nhỏ có trong dân mang ra đồng để bơm nước tiêu úng các vùng bị ngập, nhưng do lượng mưa quá lớn nên hơn 1.000ha lúa chiêm xuân chưa thu hoạch vẫn bị ngập úng, trong đó có 690ha lúa có nguy cơ mất trắng. Chưa kể, lượng giống mạ đã gieo khoảng 488 tấn cùng với 106,9 ha cây hoa màu các loại bị ngập nặng.
 
Ông Lã Văn Lâm, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Triệu Sơn cho biết: "Lãnh đạo các phòng ban từ huyện đến xã, mấy ngày qua luôn bám sát các địa bàn lúa bị ngập, huy động tối đa lực lượng, phương tiện, máy móc khẩn trương thu hoạch diện tích lúa đã chín. Với diện tích chưa thu hoạch kịp thì huy động bà con cùng bộ đội đóng quân trên địa bàn huyện dựng lại lúa bị đổ, tổ chức tiêu úng để hạn chế thiệt hại nhanh chóng thu hoạch cây hoa mầu đã già, chín. Huyện đã chủ động phối hợp với công ty Thái Dương hướng dẫn sử dụng chế phẩm PISOMIX hữu cơ công nghệ cao khắc phục hậu quả cho lúa, mạ sau úng lụt, nhằm giảm gánh nặng chi phí cho bà con".
 
Mặc dù chính quyền địa phương đã nỗ lực rất nhiều nhưng do lượng mưa quá lớn, nước về quá nhanh cùng với những thiếu thốn về cơ sở vật chất, máy móc đã khiến cho hơn 127ha lúa thuộc hai cánh đồng Kha và Bớt của gần 600 hộ dân xã Dân Quyền chìm sâu trong nước. Ông Lê Văn Bộ, Chủ tịch xã buồn rầu: "Hai cánh đồng này ở thượng nguồn sông Hoàng, rất trũng, nước sông thì to nên rút chậm. Bình thường chúng tôi thường phải xin nước từ xã Thiệu Viên (Thiệu Hoá) về để tưới lúa. Mong ước bấy lâu của bà con và chính quyền xã nơi đây là mong sao các cấp lãnh đạo huyện, tỉnh sớm khảo sát lắp đặt 2 máy bơm tại 2 cánh đồng này để chúng tôi không còn rơi vào cảnh chưa mưa đã úng, chưa nắng đã hạn. Nếu có máy bơm thì gần 600 hộ dân nơi đây không lâm vào cảnh mất mùa".
 
Cơ cực vì cái… máy bơm!
 

Cánh đồng Kha ngập trong nước khiến lúa đã lên mầm và có mùi thối.

 
Có đi mới thấy, cuộc sống của bà con xã Dân Quyền vốn vất vả nay lại càng lận đận hơn khi những thành quả lao động suốt nửa năm trời đang có nguy cơ mất trắng. Anh Lê Đình Hùng thôn 8, có ruộng tại cánh đồng Kha, ngao ngán: "Nhà tôi có 1mẫu 4 sào, mới gặt vội được 3 sào, diện tích còn lại đang ngập trong nước. Chúng tôi chỉ biết đứng nhìn vì nước quá sâu không thể gặt, lúa đã bắt đầu lên mầm và bốc mùi thối, phải 2 đến 3 ngày nữa nước mới rút, khi ấy đi thu lượm về để cho gà, lợn ăn thôi. Đà này không biết gia đình tôi lấy gì mà sống. Chúng tôi cũng đã kiến nghị rất nhiều mong sao sớm lắp đặt máy bơm để dân chúng tôi đỡ khổ". Chị Lê Thị Thời (thôn 2 có ruộng tại cánh đồng Bớt) thì may mắn hơn: "Nhà tôi có 2 mẫu, hiện tại 6 sào vẫn bị ngập. Chừng ấy cũng khiến cho cả gia đình tôi phải lao đao rồi, nếu có máy bơm, hệ thống tiêu úng tốt thì dân chúng tôi đâu phải khổ như bây giờ".
 
Đánh vật với gần 1 km đường ngập trong nước, chúng tôi được ông Lê Đình Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Ninh dẫn tới vùng ngập nặng nhất của xã này với 133,4ha lúa có nguy cơ mất trắng và hơn 4 tấn giống mạ bị chết. Quang cảnh nơi đây vắng lặng đìu hiu, bốn bề chỉ toàn nước với nước. Dù đã đến ngày thứ 4 bị ngập nhưng những chỗ nước cạn nhất, lúa cũng mới lòi cổ bông. Do hệ thống tiêu úng quá kém, lượng mưa từ sông Nhơm, từ núi Nưa đổ về rất nhanh nên bà con không kịp trở tay. Ông Tâm than thở: "Bình thường giờ này nơi đây bà con đang thu hoạch rất nhộn nhịp, nhưng mấy ngày qua nước quá lớn, bà con cũng chỉ biết chờ nước rút. Chúng tôi đã kiến nghị với huyện, tỉnh rất nhiều nhưng có lẽ chỉ đến khi nào được đầu tư kinh phí để khơi thông dòng chảy, lắp đặt hệ thống máy bơm thì bà con mới không trắng tay như bây giờ".
 
Trong khi chính quyền cấp xã bất lực vì không có kinh phí để xây dựng các trạm bơm tiêu thoát nước, còn người dân chỉ biết ngửa cổ kêu trời, thì ngoài kia lúa đang thối, đang lên mầm. Đó là bài toán khó đặt ra cho người dân và chính quyền nơi đây. Thời gian vừa qua, thông tin hàng vạn người dân xứ Thanh bị đói trong kỳ giáp hạt đã làm chạnh lòng không biết bao nhiêu người dân cả nước. Mong sao các cấp lãnh đạo huyện, tỉnh Thanh Hoá sớm lắp đặt hệ thống tiêu úng đối phó với mùa bão lũ, để bà con nơi đây không rơi vào cảnh mất mùa, thiếu đói.
 
Ngọc Hưng

Xem ý kiến bạn đọc

Danh sách comment