Bất lực nhìn Trung Quốc “vét” hàng
Thương nhân Trung Quốc có lợi thế về tín dụng, nhiều tiền và trả giá cao khiến DN trong nước bất lực ngay tại sân nhà.
Nguyên liệu nông sản trong nước đang thiếu trầm trọng nhưng doanh nghiệp (DN) Trung Quốc ồ ạt thu hết, từ cà phê, tiêu, thủy sản đến trái cây. Giá mua của DN Trung Quốc cao gấp ba lần giá gốc khiến cho DN trong nước chỉ biết bất lực đứng nhìn. Đó là vấn đề nổi cộm được nêu ra tại cuộc họp giao ban xuất khẩu do Bộ Công Thương tổ chức chiều 6-7.
Cấm trên biển, vét trên bờ
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), cho biết sáu tháng qua, sức cạnh tranh thủy sản của VN có bước tiến so với các nước về chất lượng hàng. Tuy giá trị xuất khẩu sáu tháng đầu năm tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng các DN thủy sản đang gặp phải những khó khăn. Hiện các mặt hàng tôm, cá tra và hải sản đều thiếu nguyên liệu khi mà nhu cầu thế giới đang tăng lên. Năm ngoái, giá trị xuất khẩu tôm đạt gần 2 tỉ USD nhưng ba tháng qua tôm bị dịch bệnh khiến cho diện tích nuôi trồng ở miền Trung và miền Nam giảm đáng kể.
Trong khi đó, với lãi suất cao cũng khiến cho các cơ sở nuôi cá tra giảm đi. Đặc biệt, nguồn hải sản thiếu trầm trọng do vừa qua Trung Quốc có các hành động cấm khai thác đã tác động rất lớn đến nguồn cung. "Mặt khác, DN Trung Quốc sang thu mua cả trên biển và trên bờ bởi họ có lợi thế về tín dụng, nhiều tiền và cạnh tranh về giá làm cho các DN trong nước gặp nhiều khó khăn khi thu mua hàng của bà con ngư dân" - ông Nam phàn nàn.
Từ đó, đại diện VASEP kiến nghị Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT cần có những biện pháp kiểm soát các DN nước ngoài, đặc biệt là thương nhân Trung Quốc đang cạnh tranh thu mua nguyên liệu của chúng ta phù hợp với cam kết WTO. Nếu không có những biện pháp mạnh tay thì nguyên liệu của ta sẽ chảy sang nước bạn hết.
Bộ Công Thương: Chuyện nhạy cảm!
Ông Đỗ Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội Tiêu VN, cho rằng tình hình thị trường nông sản VN năm 2011 rất giống với năm 2008, đầu năm giá bán tăng cao nhưng giữa năm lại đi xuống. Năm 2008 xảy ra hiện tượng đầu cơ hàng hóa, thị trường trở thành tổng kho lớn. Bên cạnh đó, các DN nước ngoài tập trung mua hàng với số lượng lớn rồi đưa vào kho ngoại quan. Bởi các DN nước ngoài có lợi thế về lãi suất và giá mua cao nên họ có ưu thế hơn DN trong nước. Ngoài ra, một số DN trong nước trở thành nhà gia công cho nước ngoài.
Bà Trần Thị Miêng, Phó Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT), cho hay đây không phải là lần đầu tiên các DN Trung Quốc mua thủy sản, nông sản VN. Tuy nhiên, năm nay mức độ nghiêm trọng hơn do các địa phương không tạo điều kiện cho DN trong nước thu mua nguyên liệu, mà tạo điều kiện cho thương nhân nước ngoài trả giá cao hơn. Bà Miêng dẫn chứng, chẳng hạn như vải thiều, thương lái Trung Quốc vào tận vườn trả giá cao gấp ba lần giá gốc. Mỗi ký vải DN trong nước chỉ mua từ 3.000 đến 5.000 đồng, thế nhưng thương nhân Trung Quốc mua với giá từ 10.000 đến 16.000 đồng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho biết các vấn đề liên quan đến hàng nông sản đang được Bộ xử lý. Chuyện thu mua nguyên liệu nông sản nói chung, Bộ yêu cầu phản ánh cụ thể từ các địa phương, DN nào vi phạm tham gia vào thị trường VN sẽ bị xử lý nghiêm. Đối với thương lái là lĩnh vực rất nhạy cảm, khó xử lý vì hoạt động chủ yếu qua đường tiểu ngạch. Bộ chủ trương một mặt ủng hộ các hoạt động buôn bán chính ngạch hoặc mậu dịch biên giới theo pháp luật hai nước.
Theo ông Biên, nếu các thương lái, DN nước ngoài thu mua nông sản trái quy định pháp luật VN, các địa phương và hiệp hội hãy phản ánh cụ thể, vướng mắc cụ thể. Để từ đó Bộ đối chiếu với quy định và tạo điều kiện cho DN xuất khẩu.
Phải thay đổi tư duy kinh doanh Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cho biết từ tháng 5 và 6, giá nhiều mặt hàng có xu hướng chững lại và giảm, điển hình như dầu thô từ hơn 100 USD xuống còn 90 USD. Nhiều mặt hàng nông sản có thể sẽ giảm giá thời gian tới. Do đó, Bộ muốn cảnh báo rằng thời kỳ DN xuất khẩu chỉ biết thu lợi về mình. Ngược lại, giờ nông dân chủ động hơn với nguồn hàng của mình, thu được lợi nhuận nhiều hơn. Muốn cạnh tranh với DN nước ngoài, bản thân DN trong nước phải thay đổi tư duy kinh doanh với nông dân. |
(Theo Pháp luật TP.HCM)