Nghệ sĩ Trà My động viên bố mẹ chồng U80 “sáp nhập” gối chăn
(Phunutoday) - Nhớ cách đây 10 năm, hồi đó mùa đông rất lạnh, về thăm bố mẹ chồng, thấy hai cụ già U80 mỗi người nằm còng queo một giường, Trà My khăng khăng bắt hai cụ “sáp nhập” ngủ chung, bởi trời lạnh - dẫu gì hai người cũng ấm áp hơn một người… Ban đầu thì bố mẹ chồng chị giãy nảy lên, chửi um lên: “Cha bố chị, chúng tôi già bằng này rồi còn chung chạ gì nữa?!”… Ấy thế mà bố mẹ chồng Trà My duy trì thói quen ấy tới tận bây giờ, kể cả trong tiết trời mùa hạ nóng như đổ lửa…
“Lên nhà nó, khổ vì ăn”
Cách đây 25 năm, ở đất Thái Bình có một cô nghệ sĩ cải lương lên xe hoa với một chàng trai cũng là nghệ sĩ trong đoàn cải lương của tỉnh. Đó chính là cặp đôi nghệ sĩ Trà My – Trọng Bính. Cùng xuất thân trong lao động, nhưng bước chân về nhà chồng, cô Trà My ngày ấy không khỏi “choáng váng” khi đến làm dâu con một gia đình có tận 10 anh chị em, 5 trai và 5 gái.
Ngày đầu về làm dâu, vốn bản chất rất tự nhiên và hòa đồng, nhưng chị không khỏi lúng túng trong bữa cơm với lực lượng “hùng hậu” đến thế. Chị chia sẻ: “Mọi người cứ ăn uống ầm ầm, đưa bát xới cơm tới tấp. Mình vừa luôn tay xới, vừa xấu hổ chả dám gắp gì ăn, cứ lấy đũa gẩy từng hạt cơm trong bát.
Thấy vậy, có một bà cô, em gái của bố chồng lên tiếng: “Con mà không ăn thì tí nữa không còn gì để ăn đâu!”… Được bà cô động viên nhưng cô dâu mới vẫn chưa dám ho he gì cả. Loáng một cái, khi “đội quân hùng hậu” buông bát đũa, Trà My thấy đúng là chả còn gì để ăn, mà cũng chẳng dám ngồi ăn tiếp, ai lại con dâu mới ngồi ăn một mình?...
Bị đói 1-2 bữa, biết không thể tiếp tục duy trì cái sự thẹn thùng ấy, Trà My đành “lấy lại phong độ” và lao vào ăn uống tự nhiên như ở nhà mình. Chị bảo: Cũng may, bố mẹ và các anh chị em nhà chồng rất thương yêu và không phân biệt dâu rể. Đặc biệt, mọi người rất quý Trà My bởi chị có khiếu hài, bữa cơm gia đình thêm phần rôm rả bởi có “hoạt náo viên” Trà My. Có lẽ, chính nhờ khiếu hài hước của mình mà nghệ sĩ này đã có được sự hòa nhập rất nhanh trong môi trường “lạ lẫm và đông đúc” ấy.
Nhớ lại 15 năm dài đằng đẵng đầy đen tối khi lấy chồng mà chẳng thể sinh nổi đứa con, Trà My rơm rớm nước mắt. Chị bảo, mình là người phụ nữ quá may mắn khi lấy được anh và được về làm dâu nhà anh.
Bố chồng chị là cựu chiến binh, từng vào Nam, ra Bắc xông pha trận mạc. Mẹ chồng chị là người nông dân chân chất, chân lấm tay bùn… Bố chồng đi biền biệt, mẹ chồng chị ở nhà một tay nuôi dạy 10 người con nên người.
NS Trà My |
Đông anh em nhưng gia đình chồng chị luôn giữ gìn nghiêm ngặt phép tắc gia phong – kính trên, nhường dưới. Bố mẹ chồng đều xuất thân từ lao động, chẳng phải người học rộng, tài cao nhưng suy nghĩ và quan niệm sống của hai ông bà đều rất hiện đại, không hề mang bóng dáng tư tưởng phong kiến, phân biệt con đẻ hay dâu rể… Đã là đại gia đình, con nào cũng là con.
25 năm chị về làm dâu nhà anh, chưa bao giờ gia đình chồng có một lời nói hay cử chị khiến chị phải chạnh lòng, tủi thân vì phận “khác máu tanh lòng”. Duy nhất chỉ có một lần bố chồng chị bảo với con trai Trọng Bính: “Con My nóng tính quá, nhưng nó tốt”.
Nhận xét của ông xuất phát từ những lần chị tranh luận những câu chuyện chung trong gia đình, để bảo vệ lẽ phải, chị cũng “bật tưng tưng” nhưng vẫn giữ thái độ kính trọng người trên, nhường nhịn người dưới theo khuôn phép của gia đình. Có lẽ, chính vì thế mà bố mẹ chồng chẳng có lý do gì để giận. Lời nhận xét của bố chồng, tưởng như là chê đấy, nhưng thực chất là một lời khen – và nói lên rằng, ông rất hiểu đứa con dâu thứ của mình.
Chính vì thế, suốt 15 năm chị chạy chữa, mong đợi đến mỏi mòn một đứa con thì tất cả mọi người trong gia đình chồng chỉ có sự thông cảm, xót thương và chia sẻ nỗi buồn dằng dặc của vợ chồng chị. Từ bố mẹ chồng cho đến các anh chị em trong gia đình, tuyệt nhiên không hề có một lời giục giã hay bóng gió này nọ gây sức ép đối với Trà My.
Thậm chí, thấy anh chị chữa chạy mãi không thành, mẹ chồng chị còn chảy nước mắt nói với con trai: “Thôi con đừng bắt nó chữa chạy làm gì nữa, mẹ thấy đau đớn, khổ sở cho nó lắm. Con cái là lộc trời cho, nếu trời không cho thì các con cứ sống tốt với nhau là bố mẹ vui rồi…”. Là người nhạy cảm, chị luôn thầm cảm ơn bố mẹ chồng và mọi người về điều đó và coi đó như một ơn huệ.
Chẳng có gì đáp lại những tình cảm đó, Trà My chỉ có sự chân thành từ trong suy nghĩ đến hành động của mình. Không sống cùng bố mẹ chồng, nên mỗi lần ông bà từ quê lên thăm cháu dăm bữa, nửa tháng, chị lại ra sức mua những đồ ăn ngon về cho ông bà thưởng thức.
Chị bảo: “Ông bà ở quê, chẳng mấy khi được ăn của ngon vật lạ nên tranh thủ các cụ lên chơi là tôi ép các cụ ăn, vì các cụ có tính hay tiết kiệm, tuổi còn ăn được mà ở quê có khi lại chẳng dám mua mà ăn. Thế là lần nào lên đây cũng bị ép. Đến nỗi, có lần về quê, mời ông bà lên chơi với cháu, ông bảo với cả nhà: “Lên nhà nó, khổ vì ăn!”, còn Trà My thì tếu táo: “Bộ nhá của ông bà vẫn còn khỏe thế, con phải tranh thủ mua về cho ông bà ăn. Ông bà mà không chịu ăn, đến khi răng rụng hết như ông bà ngoại thì có muốn cũng chẳng ăn được nữa ấy chứ” – làm mọi người cười xòa.
“Uy quyền” nàng dâu
Chẳng hiểu Trà My có bí quyết gì không, nhưng bố mẹ chồng ở nhà, cứ có chuyện gì lại chờ nghệ sĩ hài về để “tố cáo”. Người già thường hay trái tính, trái nết, nhưng khi hai ông bà xảy ra “xung đột”, các con cháu ở gần thường chẳng ai giải quyết nổi. Phương án số một luôn là “chờ bác My”, vì cũng giống như cách giữ lửa hạnh phúc trong gia đình nhỏ của mình – chị thường mang tiếng cười hài hước làm xóa tan bóng mây giận dữ trong lòng mọi người.
Chẳng có nhiều thời gian ở cạnh chăm sóc bố mẹ chồng, nên mỗi khi về quê thăm nhà hay khi ông bà lên Hà Nội chơi, Trà My thường trở thành thợ gội đầu, cắt tóc nghiệp dư. Thấy bố chồng hơn 80 tuổi lụi hụi tự gội đầu trong nhà tắm, đến khi ra, gáy ông vẫn còn bọt xà phòng. Thế là chị nằng nặc bắt ông trở vào rồi tự tay gội lại, vừa gội vừa dặn: “Từ nay, riêng gội đầu ông cứ để cho con. Ông gội chẳng sạch thế này lại ngứa thêm”.
Trời mùa hè nóng bức, chị tự tay cầm tông-đơ “thiết kế” cho bố chồng kiểu tóc “hot-rock”. Ban đầu, cụ ông cũng giãy nảy lên khi xoa cái đầu nhẵn thín của mình, nhưng con dâu động viên bố chồng: “Đầu ông tròn nên để kiểu tóc này rất hợp, nhìn béo ra ông ạ!”, thế là từ đó, ông chỉ chờ con dâu về cắt tóc. Ông khen kiểu tóc mà Trà My cắt cho ông rất mát và… gội đầu nhanh khô.
Còn với mẹ chồng, sau nhiều lần sinh nở và cuộc sống vất vả của người phụ nữ nông thôn khiến bà yếu hơn ông rất nhiều.
Khi có điều kiện, My thường tự tay tắm gội cho mẹ chồng khiến bà rất xúc động. Có lần, bà bảo cháu nội: “Bà chỉ thích ở đây mãi để hằng ngày mẹ My tắm cho bà!”.
Nhưng vốn quen sống trong cảnh thanh bình, tĩnh mịch và thoáng đãng ở thôn quê, thế nên dù vợ chồng Trà My có cư xử ngọt ngào và khéo giữ đến mấy thì cứ lên chơi dăm bữa, nửa tháng là bà lại đòi về. Hơn 80 tuổi, lần đầu mẹ chồng chị có một mái tóc cắt ngắn ngang vai như… thiếu nữ. Chị giải thích với mẹ chồng rằng, mẹ già yếu rồi, để tóc dài chỉ tiện lúc quấn khăn thôi, còn thường ngày tắm gội rất phiền toái.
Trà My có thói quen, cứ hai ngày lại gọi điện về quê hỏi han bố mẹ chồng 1 lần. Vì thế, nếu một hôm nào đó, chị quá bận diễn nên quên chưa gọi thì thế nào ông bà ở quê cũng cuống lên gọi điện “vì sợ con My nó ốm”. Khi chị sinh hạ đứa con đầu lòng Quản Trọng Phúc, bố mẹ chồng từ quê tay xách nách mang lên thăm con dâu. Quà quê chẳng có gì ngoài sản vật địa phương, nhưng cái cách hai cụ già nuôi gà đẻ rồi tích cóp hàng trăm quả trứng gà quê mang lên cho con dâu bồi dưỡng khiến Trà My vô cùng xúc động. Chị đón nhận tình cảm ấy tự nhiên như từ chính cha mẹ đẻ của mình.
Cứ có đĩa hài nào mới, có mặt Trà My thì thế nào chị cũng gửi về cho ông bà xem. Các cụ ở nhà buồn, lúc nhớ con, nhớ cháu lại mở đĩa hài ra xem con dâu diễn.
Vài năm nay, chồng của Trà My, nghệ sĩ cải lương Trọng Bính có thêm nghề tay trái là đi hát chầu văn hầu Thánh, một loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian và được rất nhiều thanh đồng mến mộ. Biết nghe hát chầu văn là “sở trường” của người già, vả lại còn gì vui hơn khi được nghe chính con trai mình hát – con dâu Trà My đã thu hình, ghi đĩa những buổi hát chầu văn của chồng để gửi về cho các cụ xem.
Dù bận đến mấy, nhưng cứ nghe tin bố mẹ hai bên ở quê đau yếu là Trà My bỏ tất cả công việc sang một bên để về. Có lần, nhận được tin bố mẹ chồng ốm lúc buổi diễn chuẩn bị bắt đầu, Trà My không thể bỏ ngang. Đến khi buổi diễn kết thúc, đã 2 giờ sáng, anh chị đón xe tức tốc về quê, để rồi sáng sớm hôm sau lại ngược lên Hà Nội cho chị tập vở cùng mọi người.
Mùa lễ hội, Trọng Bính rất bận bịu, Trà My thường phải sắp xếp thời gian đưa con về thăm ông bà và đi lễ cùng mẹ chồng, để bà vui. Mừng thọ bố chồng 84 tuổi, đại gia đình kéo về tụ họp. Nhân dịp đó, vợ chồng Trà My trổ tài, vợ diễn hài, chồng hát chầu văn… khiến không khí gia đình cực kỳ rôm rả và gần gũi.
Nhìn lại quãng đường làm dâu khá dài của mình, Trà My chia sẻ: “Tôi may mắn khi có một đời sống khá hòa hợp, chân thành với nhà chồng và được nhà chồng yêu thương. Để có được điều này, tôi nghĩ là phải có sự nỗ lực, rộng lượng và thương yêu từ cả hai phía.
Người già như trái chín cây, bố mẹ chẳng còn sống được bao lâu nên những nhu cầu vật chất, tinh thần của các cụ, tôi đáp ứng hết, để sau này mình không ân hận gì cả. Con trai tôi cũng sẽ nhìn vào cách cư xử của bố mẹ, để hình thành nhân cách của cháu sau này”.
Song Khánh
;