Hãy nghe tiếng kêu của người lao động
TT - Chiều 8-7, Thứ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Phạm Minh Huân đã chủ trì hội nghị lấy ý kiến về phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trong các doanh nghiệp năm 2011.
|
Công nhân đóng tiền nhà cho chủ trọ ở Q.Thủ Đức, TP.HCM. Tiền nhà trọ là một khoản lớn so với thu nhập ít ỏi của công nhân - Ảnh: Ng.Nam |
Theo đề án mà Bộ Lao động - thương binh và xã hội đưa ra, mức lương tối thiểu sẽ tăng theo bốn vùng, thấp nhất 1,4 triệu đồng (vùng IV), cao nhất 1,9 triệu đồng (vùng I) và thực hiện từ ngày 1-10-2011 (sớm so với lộ trình ba tháng). Mức lương này thống nhất cho các loại hình doanh nghiệp, không phân biệt khu vực doanh nghiệp trong nước hay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Ngoài phương án mà Bộ Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) đưa ra lấy ý kiến, tại hội nghị này Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đề xuất phương án tăng cao hơn, trong đó vùng IV là 1,6 triệu đồng và 2,2 triệu đồng cho vùng I.
Lương thấp nhất khu vực
Phụ cấp công vụ cho cán bộ, công chức Chính phủ vừa ban hành nghị định về chế độ phụ cấp công vụ. Mức phụ cấp này bằng 10% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hoặc phụ cấp quân hàm. Phụ cấp công vụ được chi trả cùng kỳ lương hằng tháng. Chế độ quy định tại nghị định này được tính hưởng kể từ ngày 1-5-2011.V.V.T. |
Trước đó, sáng cùng ngày, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cũng đã có cuộc tham vấn ý kiến doanh nghiệp và các hiệp hội doanh nghiệp. Theo ông Huân, một số doanh nghiệp có ý kiến không đồng tình với tăng lương tối thiểu trước thời hạn vì đang trong thời điểm khó khăn và bị động.
Một số doanh nghiệp nước ngoài còn dọa sẽ rút đầu tư sang các nước khác. Đại diện của Phòng Thương mại và công nghiệp chi nhánh phía Nam (VCCI) cũng cho biết việc điều chỉnh tăng lương và tăng trước thời hạn sẽ khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là các doanh nghiệp dệt may, da giày thâm dụng lao động vì hợp đồng đơn hàng họ đã ký cho cả năm khó mà thương lượng lại được.
Tuy nhiên, phản ứng lại vấn đề này, ông Hồ Xuân Lâm, trưởng phòng quản lý lao động các khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM, phát biểu: “Lấy lý do sợ nhà đầu tư không vào hay rút đi là ngụy biện, không có cơ sở. Hãy cứ tăng lương tối thiểu đủ để đáp ứng cuộc sống của người lao động xem doanh nghiệp họ có đi không. Tôi nghĩ họ không thể đi đâu được vì mức lương của chúng ta hiện nay là thấp nhất khu vực rồi. Ngay cả Campuchia hay Lào, lương cơ bản cũng cao hơn ta”.
Ông Lâm còn nói thực tế tranh chấp lao động là lý do mà doanh nghiệp sợ đầu tư vào đây chứ chưa có doanh nghiệp nào rút đầu tư vì trả lương cho người lao động cao. Ông Lâm ví dụ: “Vừa qua ở Khu chế xuất Tân Thuận xảy ra tranh chấp lao động nhiều và hầu hết là ở các doanh nghiệp Đài Loan. Chúng tôi đã có cuộc họp với Hiệp hội Doanh nghiệp Đài Loan và tư vấn cho họ hãy trả lương cao hơn để tránh đình công. Họ nói là rất muốn trả cao hơn nhưng không thể vì quy định lương của Chính phủ Việt Nam quá thấp, các đối tác nước ngoài dựa vào đó kềm giá đơn hàng nên có muốn cũng không thể tăng hơn được”.
Đồng tình với ý kiến của ông Lâm, ông Huỳnh Văn Tịnh - phó chủ tịch Liên đoàn Lao động Đồng Nai - nói: “Các doanh nghiệp cứ kêu ca khó khăn vì thế này thế khác nhưng theo báo cáo tình hình kinh tế sáu tháng đầu năm của tỉnh Đồng Nai, việc sản xuất của các doanh nghiệp vẫn ổn, vì thế tăng lương tối thiểu và tăng trước thời hạn là điều nên làm”. Nhiều đại biểu khác cũng cho rằng điều chỉnh tăng lương là điều nên làm, các doanh nghiệp không thể không tăng.
Ủng hộ mức đề xuất của Tổng liên đoàn Lao động
Với phương án điều chỉnh lương tối thiểu lần này, tính từ năm 2008 đến nay Chính phủ đã năm lần điều chỉnh mức lương tối thiểu: theo đó, đối với doanh nghiệp trong nước thấp nhất là vùng IV từ 450.000 đồng lên 1,4 triệu đồng; cao nhất là vùng I từ 620.000 đồng lên 1,9 triệu đồng. Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thấp nhất là vùng IV từ 710.000 đồng lên 1,4 triệu đồng, cao nhất là vùng I từ 870.000 đồng lên 1,9 triệu đồng. Ngoài phương án tăng lương, Bộ LĐ-TB&XH cũng cho biết Chính phủ quy định doanh nghiệp hỗ trợ tiền ăn giữa ca cho người lao động với mức tối thiểu 15.000 đồng/bữa/người. Doanh nghiệp 100% vốn nhà nước tiếp tục thực hiện mức hỗ trợ ăn giữa ca tối đa 620.000 đồng/tháng và từ ngày 1-1-2012 tối đa là 730.000 đồng/tháng. |
Hội nghị có 11 ý kiến thì hầu hết đều cho rằng phương án tăng lương tối thiểu của Bộ LĐ-TB&XH đưa ra là lạc hậu, không đáp ứng được cuộc sống tối thiểu của người lao động. Ngay bà Tống Thị Minh, vụ trưởng Vụ Tiền lương của Bộ LĐ-TB&XH, cũng cho biết mức điều chỉnh này chỉ phần nào bù được trượt giá chứ chưa thể đáp ứng cuộc sống tối thiểu cho người lao động.
Tất cả ý kiến khác cho rằng ngay cả mức đề xuất tăng lương tối thiểu của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam vẫn còn thấp nhưng tạm chấp nhận được. Nhiều đại biểu cho rằng giá cả lương thực, thực phẩm thì tăng phi mã (18%), trong khi mức điều chỉnh lương thấp như thế thì tranh chấp lao động vẫn sẽ xảy ra.
Ông Hồ Xuân Lâm cho rằng mức điều chỉnh mà Bộ LĐ-TB&XH đưa ra là quá lạc hậu, không đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động. “Lần điều chỉnh trước chúng tôi đã có ý kiến là quá thấp, không bám vào đời sống thực tế người lao động và sau đó hậu quả là tranh chấp lao động vẫn tiếp diễn và có phần tăng cao hơn. Hãy nghe tiếng kêu của người lao động, nếu không chúng ta sẽ đối mặt với tranh chấp lao động liên tục và căng thẳng hơn”.
Đại diện của tỉnh Long An cho biết hầu hết doanh nghiệp ở tỉnh đã trả lương thực tế thấp nhất là 1,6 triệu đồng và cao nhất 1,9-2,2 triệu đồng/tháng nhưng tranh chấp lao động vẫn xảy ra và rất nhiều. Ngay trong tháng 7 đã có hơn 40 cuộc tranh chấp lao động với nguyên nhân là lương thấp, vậy mà Bộ LĐ-TB&XH đưa ra mức điều chỉnh như thế là chưa đánh giá đúng tình hình.
Kết luận hội nghị, ông Phạm Minh Huân cũng đồng tình với ý kiến cho rằng ngay cả mức lương tối thiểu mà Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất chưa đáp ứng được cuộc sống tối thiểu của người lao động. Tuy nhiên, ông cho rằng bộ đưa ra mức điều chỉnh trên là dựa nhiều vào các yếu tố khách quan và chủ quan. Trong đó, phải tính toán đến lợi ích hài hòa giữa người lao động và doanh nghiệp.
Nhất quyết phải tăng lương tối thiểu Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Minh Huân, thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết: - Theo lộ trình, đến đầu năm 2012 mới điều chỉnh tăng lương, tuy nhiên do tình hình có nhiều thay đổi, lạm phát giá cả tăng phi mã nên Chính phủ quyết định điều chỉnh lương trước thời hạn ba tháng để ổn định cuộc sống của người lao động. Việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu trước thời hạn lần này sẽ có hai mặt tác động, người lao động sẽ được hưởng lợi sớm trong khi có doanh nghiệp chuẩn bị được nhưng cũng có doanh nghiệp sẽ bị động. Tuy nhiên, tình hình chung là nhất quyết phải điều chỉnh tăng lương tối thiểu. * Thưa Thứ trưởng, mức điều chỉnh tăng lương tối thiểu như đề xuất của Chính phủ vẫn còn quá thấp và thậm chí là lạc hậu, không bảo đảm được mức sống tối thiểu của người lao động? - Chính phủ đưa ra mức tối thiểu sàn là để đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho người lao động. Việc trả lương phải do sự thỏa thuận giữa hai bên (chủ sử dụng lao động và người lao động). * Thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp không thỏa thuận với người lao động mà họ chủ động áp đặt mức lương dựa theo quy định lương tối thiểu của Nhà nước nên người lao động luôn chịu thiệt? - Hệ thống công đoàn của chúng ta ở đâu? Họ là đại diện quyền lợi của người lao động nên phải đấu tranh cho người lao động chứ. Tôi thật sự buồn khi tổ chức công đoàn hoạt động không hiệu quả, không đại diện đấu tranh cho người lao động lại còn nhiều khi đổ lỗi cho Nhà nước. Có một tiền lệ mà doanh nghiệp nào cũng phải sợ và né tránh, nếu trả lương thấp công nhân đình công thì anh thiệt hại nhiều. Ngược lại, nếu chăm sóc công nhân tốt thì họ sẽ làm việc có năng suất. * Thứ trưởng nghĩ gì khi hầu hết đại biểu đều ủng hộ mức đề xuất của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam? - Cái này thì chúng tôi ghi nhận và kiến nghị lên Chính phủ xem xét, đây là hội nghị lấy ý kiến chứ không có quyết định mức tăng nào cả. HỒ VĂN |
HỒ VĂN