Chuyện xấu hổ của hoàng đế Mạc Kính Chỉ
Cập nhật lúc :6:01 AM, 12/07/2011
(ĐVO) Ngoài kỷ lục là vị vua ở ngôi ngắn nhất thì Mạc Kính Chỉ thường được nhớ tới với hai câu chuyện đáng xấu hổ: loạn luân với vợ của cha và bị vợ cắm sừng.
>> Nỗi khổ 'chiếu đơn, giường lạnh' của vợ vua Tự Đức

Là vị vua đầu tiên của nhà Mạc thời suy vong, Mạc Kính Chỉ là con của hoàng thân Mạc Kính Điển và là cháu nội của vua Mạc Hiến Tông (Mạc Phúc Hải).

“Gậy ông đập lưng ông”

Sử sách chép rằng, khi còn là một hoàng thân, Mạc Kính Chỉ đã gây nên chuyện động trời, khiến người đời khó bỏ qua. Sách Đại Việt thông sử viết: “Mạc Kính Chỉ là con cả của Kính Điển, mới đầu được phong là Hùng Lễ Vương, vì tư thông với người thiếp của cha nên bị giáng xuống làm thứ dân, sau đó lại khôi phục, phong là Đường An Vương”.

Tương tự, sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết, vụ việc loạn luân giữa Mạc Kính chỉ với vợ của cha xảy ra vào đầu năm Giáp Tý (1564), nhưng có một số điểm khác: “Bấy giờ, con trưởng của Kính Điển là Đoan Hùng Vương Kính Chỉ ngầm tư thông với vợ lẽ Kính Điển, việc phát giác phải giáng làm thứ dân; lấy con thứ là Kính Phu làm Đường An Vương, giao cho binh quyền. Đến khi Kính Điển chết, họ Mạc lại cho Kính Chỉ làm Hùng Lễ Công, nhưng không cho binh quyền”.

Một góc thành cổ nhà Mạc.
Dương như “gậy ông lại đập lưng ông”, khi an bề gia thất, hoàng thân Kính Chỉ lại bị vợ cắm sừng. Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Nhà Trung Nghĩa tướng quân Hoằng quận công của Mạc chúa chứa giấu phu nhân của Đường An Vương là Mạc Kính Chỉ, việc phát giác, Hoằng quận công và phu nhân đều bị giết”. Trong khi đó, theo Lê triều thông sử, vợ của ngụy Đường An Vương Mạc Kính Chỉ tư thông với viên tướng dưới trướng là Hoằng quận công, rồi ẩn trốn tại nhà quận công, việc vỡ lở, đều bị giết”.

Vị vua ở ngôi ngắn nhất

Tháng 12 năm Nhâm Thìn (1592) khi nghe tin vua Mạc Mậu Hợp bị quân nhà Lê bắt được và giết chết, Mạc Kính Chỉ đã thu thập tàn quân chiếm cứ vùng Thanh Lâm và tự xưng đế ở đất Nam Giản (nay thuộc huyện Chí Linh, Hải Dương) và lấy niên hiệu là Bảo Định thứ nhất.

Thấy nhà Mạc chưa hết người đứng lên khôi phục cơ nghiệp và còn được các văn thần, võ tướng vùng Bắc Hà tôn phù, phụ chính Nam triều là Trịnh Tùng lập tức tiến binh đánh Mạc Kính Chỉ. Tháng chạp năm 1592, Tùng sai các Thái Quận công: Nguyễn Thất Lý, Bùi Văn Khuê, Trần Bách Niên, Nguyễn Nga dùng thủy binh tiến đánh. Nhưng quân của Trịnh Tùng vừa tới nơi đã bị Kính Chỉ phục binh đánh cho quan quân Lê – Trịnh trở tay không kịp…

Ngày 17 tháng 12 năm 1592, Trịnh Tùng lại sai Thái úy Hoàng Đình Ái, Thái bảo Trịnh Đô đốc binh và voi, ngựa tới đánh Kính Chỉ. Đình Ái cho lập đồn binh dọc tuyến sông. Trịnh Tùng lại sai Thái Úy Nguyễn Hữu Liêu đưa thủy binh lên hỗ trợ Đình Ái. Kính Chỉ cũng dàn quân dọc tuyên sông cự địch. Một dải trường giang chia ra nam – bắc, quân nối quân liên tiếp chiến đấu kéo dài hàng tháng trời không phân thắng thua.

Ngày 9 tháng Giêng năm Quý mùi (1593), Trịnh Tùng đích thân đốc đại quân vượt sông Nhị Hà, ngày 12 tiến đến Cẩm Giang, hội với các tướng xong. Trịnh Tùng lại đích thân làm tướng trung quân, sai Đình Ái lẻn đánh úp sau lưng Kính Chỉ. Trịnh Tùng dùng thủy quân chặn vùng thượng lưu tạo thế bao vây tứ phía.

Trước sức địch mạnh, Mạc Kính Chỉ phải chiến đấu quyết liệt và lui lên núi Chí Linh. Trịnh Tùng tiếp tục truy kích, cuối cùng tới ngày 14 tháng giêng thì bắt được Kính Chỉ ở thôn Tân Manh, huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh) và nhiều tôn thất nhà Mạc. Lúc đó, vua Mạc vừa mới đổi niên hiệu là Khang Hựu được ít ngày.

Ngày 27 tháng Giêng cùng năm, Mạc Kính Chỉ bị Trịnh Tùng mang chém ở bến Thảo Tân. Ông chỉ xưng vương được 3 tháng.


Dòng tin bài khác:
>> Quân thủy hùng mạnh và chủ quyền biển đảo triều Lê (kỳ 4)
>> Tư liệu cổ Trung Quốc không hề có biển Nam Trung Hoa
>> Lạc vào thế giới 'vô cực': đố hiểu gì?
>> Huyền bí tháp Chăm giữa rừng xanh Tây Nguyên
>> Chuyện rùng rợn về 'xã trời hành' ở Quảng Bình
>> Nữ sinh Việt 'mê nhảy' ở Harvard
>> Ngắm vẻ đẹp ban sơ của 'Sao tuổi Teen'
>> Mafia Việt ở Đức bị tiêu diệt
Trường Sơn
Ý kiến của bạn In bài này
Dành cho quảng cáo