- Thủ tướng nào cũng muốn có một tập hợp các vị bộ trưởng giỏi, đủ năng lực và trình độ để tham mưu cho mình. Song thực tiễn cho thấy có những vị bộ trưởng cả nhiệm kỳ Chính phủ không làm tốt vai trò được giao.
LTS: Tại kỳ họp đầu tiên Quốc hội khóa 13 khai mạc thứ năm tuần này, 500 tân đại biểu sẽ thảo luận về cơ cấu tổ chức của Chính phủ. VietNamNet giới thiệu bài viết của Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ Đinh Duy Hòa, với nội dung Hướng tới một Chính phủ mạnh, hiệu lực, hiệu quả.
Làm đúng việc phải làm
Nếu chiếu theo Hiến pháp, có thể suy ra Chính phủ Việt Nam làm rất nhiều việc:
"Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam.
Chính phủ thống nhất quản lý việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của Nhà nước; bảo đảm hiệu lực của bộ máy nhà nước từ trung ương tới cơ sở; bảo đảm tôn trọng và chấp hành Hiến pháp và pháp luật; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm ổn định và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân".
Không biết đã có ai làm một nghiên cứu so sánh để xem có nước nào trên thế giới có quy định về Chính phủ giống như của Việt Nam ta. Kết luận thứ nhất rút ra là Chính phủ ta làm rất nhiều việc, mà toàn những việc đại sự cả. Từ chính trị, kinh tế, đến an ninh, đối ngoại.
Kết luận thứ hai: Tuy vậy nhưng lại có nhiều việc không rõ và không phù hợp.
Hoạt động đối ngoại của cả nhà nước chắc chắn phải bao gồm hoạt động đối ngoại của Chủ tịch nước với vị trí là nguyên thủ quốc gia, hoạt động đối ngoại của Quốc hội. Vậy tại sao và làm thế nào Chính phủ lại thống nhất quản lý các nhiệm vụ đối ngoại của cả nhà nước? Hàng năm, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội có nhiều chuyến đi công tác nước ngoài, vậy mỗi lần đi thì Chính phủ thống nhất quản lý như thế nào? Rất khó hình dung.
Thủ tướng trò chuyện với một số thành viên Chính phủ bên hành lang Quốc hội khóa 12. Ảnh: Minh Thăng
Qua mấy chục năm đổi mới, đặc biệt là cải cách hành chính (CCHC), nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan hành chính nói chung và Chính phủ nói riêng đã nhiều lần được điều chỉnh, xác định lại cho rõ hơn. Hướng đi đúng là thu gọn lại công việc của cơ quan hành chính, không ôm đồm, bao biện làm đủ mọi việc như thời bao cấp, trên cơ sở đó sắp xếp tổ chức bộ máy phù hợp hơn.
Mặc dù có những kết quả tích cực, nhưng xoay quanh vấn đề Chính phủ làm gì vẫn nổi lên các hạn chế sau đây:
- Một là, khu vực công còn quá lớn. Nói cách khác, nhà nước, trong đó có Chính phủ, các cơ quan hành chính còn đang ôm đồm nhiều việc không nhất thiết phải làm, dẫn đến phải giải quyết, quyết định, thẩm định, cấp phép, cho phép… Cùng với đó là các thủ tục phức tạp, phiền hà, là một loạt các cơ quan với biết bao nhân lực.
Nhiều trường hợp, cơ quan hành chính cấp dưới muốn chắc ăn, cứ trình lên xin cấp trên cho ý kiến. Nếu bị công luận phê phán thì nói cái này đã được Thủ tướng chấp nhận tại văn bản này, cái kia đã được bộ trưởng đồng ý ở văn bản kia…
Dựng cổng chào ở Hà Nội chuẩn bị đại lễ ngàn năm Thăng Long, mua máy bay mới của Tổng công ty hàng không Việt Nam… đều xin ý kiến của Thủ tướng. Đây có phải là việc của Thủ tướng hay không? Nếu đúng thì quy định ở đâu? Nay mai rất có thể Hà Nội muốn dẹp xích lô có khi cũng xin ý kiến của Thủ tướng! Tội gì mà không đẩy lên cho có người chịu trách nhiệm thay.
DNNN qua nhiều năm đổi mới dù số lượng đã giảm, nhưng vẫn còn quá nhiều. Một loạt DNNN ở các ngành xây dựng, giao thông, thương mại, dịch vụ… không nhất thiết nhà nước phải tổ chức ra, phải quản lý và đặc biệt phải chi tiêu từ ngân sách nhà nước cho đầu tư, phát triển. Một lượng không nhỏ tài sản nhà nước trong tay các DNNN mà hiệu quả kinh doanh của chúng đến đâu chúng ta đều đã rõ.
Còn các cơ quan hành chính, qua nhiều năm cải cách đã gọn hơn, nhưng tổ chức bộ máy vẫn lớn, còn nhiều tầng nấc. Trung bình mỗi năm lại có thêm gần 10 huyện mới và khoảng 50 đơn vị hành chính cấp xã mới. Đơn vị hành chính gia tăng thì bộ máy phải phình to. Xu hướng chia tách xã, phường, huyện, quận vẫn khá rõ, riêng chia tách tỉnh rất may đã có vẻ chững lại.
- Hai là, trong những việc Chính phủ, cơ quan hành chính phải làm thì chưa rõ làm đến đâu.
Theo Luật tổ chức HĐND và UBND, chính quyền cấp nào cũng có trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục, y tế trong phạm vi cấp đó.
Vấn đề là phạm vi quản lý nhà nước, phạm vi trách nhiệm của từng cấp hành chính đến đâu về giáo dục, y tế lại không rõ. Chính quyền cấp xã có chịu trách nhiệm về cơ sở vật chất, nhân lực của trường mầm non công lập trong phạm vi xã mình? Luật quy định phổ cập tiểu học bắt buộc, vậy nếu không có chỗ cho các cháu trong độ tuổi đi học thì chính quyền cấp xã có chịu trách nhiệm không? Đây là những vấn đề cụ thể phải được quy định rõ trong các văn bản pháp luật.
- Ba là, trong những việc Chính phủ, cơ quan hành chính phải làm, cũng chưa hẳn đủ rõ Trung ương làm đến đâu, địa phương làm đến đâu. 10 năm qua, việc phân cấp trung ương - địa phương đã có khá nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề, tác động không tốt đến hiệu quả hoạt động của cả hệ thống hành chính.
- Bốn là, đối với những việc phải làm thì làm chưa tốt.
Xét ở tầm vĩ mô, đó là chất lượng của thể chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch. Chính sách thuế nhập khẩu, xuất khẩu, thể chế về đất đai, thể chế về DNNN, quy hoạch phát triển ngành này, ngành kia là những ví dụ về những công việc đích đáng ở tầm bộ, Chính phủ phải làm.
Một chính sách kinh tế, một chính sách tài chính mới được ban hành, nếu sai thì vô cùng tai hại cho cả xã hội, đặc biệt là cho các doanh nghiệp.
Xét ở tầm vi mô, đó là chất lượng giải quyết các công việc của dân, tổ chức tại các cơ quan hành chính ở địa phương. Thái độ cửa quyền, ban ơn, gây phiền hà, đòi hối lộ… vẫn khá phổ biến trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức.
Việt Nam vẫn đang trong quá trình chuyển đổi kinh tế, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước nói chung, của Chính phủ nói riêng đòi hỏi phải có những thay đổi phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Chính phủ làm sao mạnh được khi chưa rõ những loại việc nào Chính phủ phải thực sự làm, những loại việc nào nên thôi, chuyển cho tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp thực hiện. Chính phủ làm sao mạnh được khi vấn đề phân cấp chưa giải quyết dứt điểm. Chính phủ làm sao có hiệu lực, hiệu quả khi chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức không đáp ứng yêu cầu.
Top đầu thế giới về trình độ?
Muốn Chính phủ mạnh, hiệu quả thì đội ngũ người nhà nước phải có chất lượng, có trình độ.
Trong 500 đại biểu Quốc hội khóa mới được bầu, có đến 42% trình độ trên đại học, 55% trình độ đại học. Trình độ của các thành viên Chính phủ nhiệm kỳ hiện tại, của các chức danh thứ trưởng và tương đương, vụ trưởng và tương đương ở các bộ cũng khá cao.
Nếu đây là một tiêu chí để đánh giá mức độ mạnh, hiệu quả thì bộ máy hành chính Việt Nam có lẽ sẽ ở top đầu trên thế giới. Tuy nhiên, thực tiễn không hẳn như vậy. Một trong những điểm yếu kém của 10 năm CCHC chính là trình độ, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.
Hiển nhiên ông thủ tướng nào cũng muốn có được một tập hợp các vị bộ trưởng giỏi, đủ năng lực và trình độ để tham mưu cho mình, cho Chính phủ quản lý lĩnh vực, ngành mà từng vị phụ trách.
Song thực tiễn cho thấy có những vị bộ trưởng cả nhiệm kỳ Chính phủ không làm tốt vai trò quản lý nhà nước ngành, lĩnh vực được giao. Công chức lãnh đạo giúp việc bộ trưởng ở tổng cục, vụ, cục chất lượng không đồng đều và có xu hướng suy giảm.
Những thể chế, cơ chế, chính sách do các bộ nghiên cứu trình Chính phủ xem xét ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Quốc hội ban hành do đó cũng kém chất lượng, hậu quả là toàn xã hội, người dân, doanh nghiệp phải gánh chịu. Rất đáng tiếc, đến nay chưa có nghiên cứu, khảo sát lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp về chất lượng, thứ hạng quản lý nhà nước của các vị bộ trưởng.
Còn ở cấp độ thực thi, thừa hành, đội ngũ cán bộ, công chức cả nước nói chung là chất lượng cũng thấp, nhất là ở cấp cơ sở. Sau 10 năm cải cách, trên 30% công chức cấp xã, khoảng 40% cán bộ cấp cơ sở chưa qua đào tạo.
Với đội ngũ như vậy, rất khó có được một bộ máy hành chính, một Chính phủ mạnh, hiệu lực, hiệu quả.
Đinh Duy Hòa
Nhiệm kỳ Chính phủ hiện tại có đặc trưng là số lượng tổng cục và tương đương thuộc bộ gia tăng. Chúng ta còn đang rất lúng túng trong thiết kế bộ máy các bộ quản lý đa ngành. Bộ Công thương là bộ duy nhất không tổ chức các tổng cục trực thuộc mà vẫn hoạt động bình thường.
Bài 2: Nâng năng lực của các bộ trưởng