Cuộc tranh cãi nổ ra với hai luồng ý kiến chính; một số nhà nghiên cứu đề nghị thay đổi tục phát ấn, trong khi nhiều đại diện của nhân dân địa phương lại kiên quyết xin giữ nguyên nghi thức này.
Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, đơn vị được giao nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng mô hình tổ chức lễ hội khai ấn, đã tổ chức một cuộc cuộc hội thảo về tục phát ấn đền Trần diễn ra tại Nam Định vào hôm qua (18/7).
Tại hội thảo này, hai phương án xử lý nghi thức phát ấn tại lễ hội đền Trần được đưa ra: Phương án một là bỏ hẳn tục phát ấn, các nghi lễ của lễ hội khai ấn vẫn được tổ chức bình thường. Phương án hai đề xuất kéo giãn thời gian phát ấn ra vài ngày, không tập trung như hiện nay.
Phát ấn: Có hay không trong lịch sử?
Rất nhiều các chuyên gia, nhà nghiên cứu lịch sử đều nghiêng về phương án đầu tiên với ý kiến những ý nghĩa mới bị gán ghép làm sai lệch lịch sử, biến dạng di sản.
Hai TS Nguyễn Hồng Kiên và Nguyễn Xuân Diện là những người gay gắt đề nghị xóa bỏ nghi thức phát ấn tại đền Trần. Ngoài việc chỉ ra những hạn chế về mặt xã hội mà nghi thức này mang lại, 2 chuyên gia còn trích dẫn khá nhiều sử liệu để đặt câu hỏi về xuất xứ của tập tục này.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện (Viện Hán Nôm) đặt vấn đề về căn cứ mà đề án tổ chức lễ hội đền Trần Nam Định 2012 đưa ra là tài liệu chưa được kiểm chứng, không đáng tin cậy (bài thơ chữ Hán của Đỗ Hựu: Thập tứ dạ quan khai ấn hội).
Tuy nhiên, cũng có khá nhiều ý kiến cân nhắc về sự tồn tại của tục khai ấn trong lễ hội đền Trần. Theo TS Lê Thị Minh Lý (Cục Phó Cục Di sản), việc phát ấn đại trà chỉ nở rộ vài năm nay nhưng đã được cộng đồng chấp nhận thì nên giữ lại. Tuy nhiên, bà Minh Lý cũng tỏ ý đồng thuận với việc không nên tổ chức phát ấn rộng rãi với các hệ quả phụ của nó.
Ông Trần Chiến Thắng (nguyên Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL) cũng cho rằng thời gian vừa qua ban tổ chức đã quá chú trọng đến việc phát ấn, vốn chỉ là một phần trong lễ hội đền Trần. Ngoài ra việc tuyên truyền quá nhiều về chuyện thăng quan tiến chức liên quan đã đưa việc phát ấn thành mê tín dị đoan...
Cảnh chen lấn trước giờ khai ấn tại lễ hội đền Trần 2011 Người dân Nam Định: Phải giữ
Không những phản đối việc bỏ phát ấn trong lễ hội, đại diện của nhân dân khu vực quanh đền Trần cũng tỏ ra không đồng ý với phương án phát ấn vào sáng hôm sau, kéo dài trong 3 ngày.
Ông Trần Quốc Văn, đại diện cho các bậc cao niên phường Lộc Vượng, nơi diễn ra lễ khai ấn hàng năm và ông Trần Mạnh Quảng (đại diện dòng họ nhà Trần), khẳng định: Lễ khai ấn, lễ phát ấn đền Trần không cần bàn luận nhiều vì đây là nét đẹp văn hóa tâm linh.
Đại diện các bậc cao niên trong phường cũng đề nghị lễ phát ấn đền Trần hàng năm vẫn được quy ước diễn ra vào giờ Tý ngày Rằm tháng Giêng, việc thay đổi giờ phát ấn sẽ làm mất “tính thiêng” và ảnh hưởng tới tâm lý của những người xin ấn. Ngoài ra, nhà đền nơi phụ trách việc phát ấn, sẽ tăng số lượng ấn phát ra để đảm bảo ai cũng có, hạn chế việc chen lấn xô đẩy như trong năm vừa qua.
Đặc biệt đại diện dòng họ Trần, ông Trần Mạnh Quảng, nhấn mạnh: “Tôi đại diện cho 12 triệu người dòng họ Trần đề nghị giữ nguyên lễ khai ấn và phát ấn. Không thể xóa đi lịch sử hàng trăm năm của nhà Trần chỉ vì thiếu sót trong việc phát ấn. Nếu thiếu sót thì thay đổi, tổ chức lại chứ không việc gì phải thay đổi giờ phát ấn...”
Người dân đợi phát ấn từ 22h ngày 14 tháng giêng năm Tân Mão 2011 tại đền Trần Tiếp tục chờ
Cuộc hội thảo được tổ chức khá chu đáo với sự có mặt của đại diện người dân địa phương, các chuyên gia nghiên cứu văn hóa, các cơ quan truyền thông trung ương... nhưng không đi đến một kết thúc cuối cùng cho việc tổ chức lễ hội đền Trần 2012.
Chủ tọa cuộc hội thảo đề nghị các nhà nghiên cứu và những người quan tâm tiếp tục... góp ý kiến vì thời hạn của nhà tổ chức dành cho cuộc hội thảo này không đủ để có những quyết định cuối cùng.
Theo đại diện Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, cơ quan tổ chức cuộc hội thảo, đơn vị này sẽ có công văn đề nghị các cơ quan chức năng và đại diện các địa phương trên cả nước cùng tham gia góp ý tìm ra phương án khả thi nhất cho việc tổ chức lễ hội khai ấn đền Trần.
Tiến Công