Chuyện ngoại tình bí ẩn của hoàng hậu nổi tiếng TQ
19-07-2011 | 14:01(Nguoiduatin.vn) - Là người phụ nữ quyền lực bậc nhất trong triều đình nhà Thanh, Hiếu Trang Hoàng hậu đã có một ảnh hưởng quan trọng trong việc giúp xây dựng và ổn định Thanh triều từ những ngày đầu tiên lập quốc.
Một trong những hành động đó chính là việc bà quyết định lấy Đa Nhĩ Cổn, người em trai của chính chồng mình, Hoàng đế Hoàng Thái Cực. Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng, đằng sau cuộc hôn nhân có vẻ ngoài chính trị ấy là một câu chuyện tình còn nhiều uẩn khuất…
Hiếu Trang Hoàng hậu sinh năm 1613, tên tiếng Hán là Đại Ngọc Nhi, là công chúa của bộ tộc Borjigit, con của Hoàng tử Jaisang và là vợ của Hoàng đế Mãn Châu lúc bấy giờ là Hoàng Thái Cực.
Hình minh họa
Người ta kể rằng, Đại Ngọc Nhi không chỉ là người con gái đẹp nhất của bộ tộc Mãn – Mông mà còn tài trí hơn người với khả năng nói được cả ba thứ tiếng Mãn, Mông và Hán. Năm Thiên Mệnh thứ 10 triều đình Mãn Châu, một năm trước khi Hoàng Thái Cực lên ngôi kế thừa vương vị, Đại Ngọc Nhi đã được ông vua khai quốc của triều Thanh là Nỗ Nhĩ Cáp Xích hỏi cưới cho đứa con trai thứ 8 mà ông ta rất yêu quý. Năm đó, Đại Ngọc Nhi mới 13 tuổi.
Trong 10 năm đầu về làm vợ của Hoàng Thái Cực, Đại Ngọc Nhi lần lượt sinh hạ cho ông vua triều Thanh 3 cô công chúa. Cho mãi tới năm 1936, Hoàng Thái Cực đổi tên nước thành Thanh, đổi niên hiệu là Sùng Đức. Cùng trong năm đó, Hoàng Thái Cực phong cho người vợ xinh đẹp Đại Ngọc Nhi của mình là Vĩnh Phúc Cung Trang Phi. Dường như để đáp lại ân tình của Hoàng Thái Cực, hai năm sau đó, Vĩnh Phúc Cung Trang Phi sinh cho Hoàng Thái Cực hoàng tử thứ 9, lấy tên là Phúc Lâm.
Năm 1643, Hoàng Thái Cực qua đời ở tuổi 51 khi công cuộc “nhập quan” đánh chiếm Trung Nguyên của Thanh triều vẫn còn dang dở. Và điều rắc rối hơn chính là Hoàng Thái Cực không để lại bất cứ chiếu thư nào về vấn đề người sẽ kế thừa ông. Điều này đã gây nên sự xung đột tranh chấp ngôi vị trong nội bộ hoàng tộc triều Thanh giữa hai thế lực là Duệ Thân Vương Đa Nhĩ Cổn, người em 14 của Hoàng Thái Cực, tướng soái đứng đầu Bát Kỳ và Tô Thân Vương Hào Cách, con trai cả của Hoàng Thái Cực.
Trong tình cảnh lúc đó, Duệ Thân Vương Đa Nhĩ Cổn, người có quyền lực nhất trong tám vị Nghị Chính Đại Thần, đã ý thức được rằng cán cân quyền lực chính trị và quân sự giữa hai bên bằng nhau, vì vậy, bất cứ bên nào lên làm vua đều làm mất thế cân bằng, gây ra sự xung đột và chiến tranh ngay trong nội bộ triều nhà Thanh. Trong khi nhiệm vụ quan trọn của triều đình là dẫn quân nhập quan, tiến đánh nhà Minh, chiếm thành Bắc Kinh.
Sau khi suy tính kỹ càng, vị thân vương túc trí đa mưu quyết định người con thứ chín của Hoàng Thái Cực với người đẹp Đại Ngọc Nhi là Phúc Lâm kế vị.
Sau khi con trai là La Phúc Lâm lên ngôi (tức thành Hoàng đế Thuận Trị), Vĩnh Phúc Cung Trang Phi được phong Hiếu Trang Văn Hoàng Thái hậu. Do lúc đó Thuận Trị chỉ mới 6 tuổi, tám vị Nghị chính Đại thần bầu ra hai vị là Duệ Thân Vương Đa Nhĩ Cổn và Trịnh Thân Vương làm hai vị Nhiếp chính vương. Cũng từ lúc này, Chính Hoàng Kỳ của Hoàng Thái Cực được chỉ huy dưới tay của Duệ Thân Vương Đa Nhĩ Cổn, cuộc tranh chấp quyền lực giữa hai phe phái trong nội bộ hoàng tộc cũng vì vậy mà chấm dứt.
Năm 1644, Lý Tự Thành tiến công Bắc Kinh, Sùng Trinh Hoàng đế tự vẫn tại núi Vạn Thọ, nhà Minh diệt vong. Cha của Ngô Tam Quế bị Lý Tự Thành giết rồi treo trên cổng thành, Ngô Tam Quế uất hận gửi thư cầu viện nhà Thanh, hứa sẽ mở cửa Sơn Hải Quan cho thiết kị quân Bát Kỳ của Thanh triều tiến vào trung nguyên.
Đầu mùa hè năm 1644, sau khi đã đánh tan quân Lý Tự Thành, Đa Nhĩ Cổn đã dẫn quân tiến thẳng vào thành Bắc Kinh với danh nghĩa để tang cho Sùng Trinh Hoàng đế song thực tế là tiêu diệt nhà Minh, thiết lập đế chế của Thanh triều. Hoàng đế Thuận Trị trở thành ông vua Thanh triều đầu tiên ngôi trên ngai vàng tại Bắc Kinh.
Cũng trong năm đó, sau khi đến Bắc Kinh, Thuận Trị đã phong cho Đa Nhĩ Cổn là Thúc phụ Nhiếp chính vương, nắm mọi quyền điều hành triều đình, quyền lực không khác gì một Hoàng đế. Vị Hoàng đế trẻ tuổi Thuận Trị khi đó dường như chỉ là một vật mẫu được bày ra để làm vì chứ hoàn toàn không có thực quyền. Tuy nhiên, trước sau vị Nhiếp chính vương Đa Nhĩ Cổn hoàn toàn không mảy may có ý định cướp ngôi, dù có thể làm điều đó một cách dễ dàng.
Điều này đã khiến người đời sau không khỏi đặt câu hỏi: Vì sao trong số hàng chục người con trai của Hoàng Thái Cực, Đa Nhĩ Cổn lại chọn đúng hoàng tử thứ 9 Phúc Lâm? Và vì sao Đa Nhĩ Cổn vẫn an phận làm một Nhiếp chính vương trong khi ông ta hoàn toàn có đủ điều kiện để trở thành một Hoàng đế thay thế cho Thuận Trị? Và chính từ đây mối quan hệ bí ẩn giữa Hiếu Trang Hoàng hậu và vị Nhiếp chính vương Đa Nhĩ Cổn bắt đầu hé mở. (Còn nữa)
Cù Thăng
Bài đăng trên ấn phẩm chuyên đề của báo ĐS&PL