Còn không niềm tin vào phẩm hạnh cộng đồng?

20-07-2011 | 14:01

Cách nay mấy năm, có một loạt bài báo về các thói hư tật xấu của người Việt, gây ra một cuộc tranh cãi nảy lửa trên mạng.

Người thì cho rằng không được nói xấu đức tính dân tộc vì dân tộc có nhiều đức tính tốt sao không nghiên cứu. Người cho rằng phải nghiêm cẩn khi bàn đến tính cách của dân tộc; không nên lượm lặt cái xấu từ những con người riêng lẻ… Cũng có nhiều ý kiến phản ứng cách quy chụp của nhóm phóng viên, cho rằng phỏng vấn tác giả theo kiểu truy bức, tấn công một quan điểm còn đang phải bàn cãi. Và rằng báo chí không được trở thành công cụ bịt miệng v.v.

 
Trong vụ bắt hai kẻ trộm chó ở Nghệ An, dân thích xử luật rừng, đốt cả người lẫn xe của tên trộm, đến nỗi công an phải gói tên trộm vào áo mưa nói là đã chết để đưa người này thoát khỏi đám đông đang nổi giận đến không kiểm soát được. Ảnh:SGTT

Cuộc tranh cãi qua đi đã lâu. Nhưng có một vấn đề tồn tại: vậy nói cái tốt nhiều hay là nói cái tiêu cực? Đây thực sự là sự lựa chọn đòi hỏi bản lĩnh và trung thực mà báo chí, với chức năng của mình, thường phải đối mặt và thường bị đem ra mổ xẻ, phân tích, đánh giá. Song, báo chí chỉ có thể phản ánh chứ không “sáng tác” ra xã hội được và cái tiêu cực khi được thông tin cũng là dưới góc nhìn nhằm mang lại hiệu quả xây dựng chứ không phải cứ hễ nói đến cái xấu là thiếu thiện chí hay không yêu nước như một số ý kiến. Từ sau cuộc tranh cãi chưa ngã ngũ đó đến nay, những vụ việc tiêu cực về đạo đức xã hội, những vụ án rợn người, những câu chuyện bất nhẫn ngoài xã hội vẫn cứ tăng lên...

Nhiều người vẫn tin rằng cái tốt đẹp vẫn còn nhiều hơn cái xấu, dù rằng chẳng thể đo bằng thống kê. Nhưng từ lâu, những nhận định như: sự tha hoá, xuống cấp đạo đức xã hội… đã đi vào văn bản chính thức, trên báo chí, trong các phát biểu, và trong suy nghĩ bức xúc của mọi người. Những tin tức tiêu cực, các khó khăn về kinh tế – xã hội, các biểu hiện về giá trị, những yếu kém của lãnh đạo, quản lý, của từng ngành lớn như y tế, giáo dục, hoạt động của các doanh nghiệp là chuyện thường ngày phải xem xét, mổ xẻ, suy nghĩ. Những từ như “mất lòng tin” cũng đã được nhắc đến nhiều. Không chỉ ở nước ta, “khủng hoảng lòng tin” đã được chọn như một đặc điểm của xã hội Nhật năm 2007. Họ nói thẳng là thiếu lòng tin với những người lãnh đạo đất nước, và còn gọi đó là “năm từ chức của quan chức nhận hối lộ”. Xứ họ còn đo cả chỉ số lòng tin, cho điểm kiểu “người tiêu dùng Nhật giảm 33,1 điểm lòng tin trong tháng 4.2011 so với 38,6 điểm của tháng trước đó”. Ở nhiều nước khác, các chỉ số tín nhiệm của người dân với một vị tổng thống nào đó lên hay xuống sau một thời gian cầm quyền cũng thường được đưa ra công luận.

Nước ta chưa có loại thống kê đó, nhưng câu chuyện giảm sút lòng tin cũng được nói tới nhiều khi phân tích sự bất nhất, yếu kém trong điều hành địa phương, đất nước, trong chuyện chống tham nhũng, sự thiếu gương mẫu của một bộ phận cán bộ đảng viên, sự yếu kém bất lực của những ngành nghề ảnh hưởng lớn tới đời sống cộng đồng như giáo dục, y tế, cơ chế hoạt động dẫn đến thua lỗ thất thoát triền miên của nhiều doanh nghiệp nhà nước hoặc sự xuống cấp của đạo đức xã hội nói chung. Trong đời sống đã diễn ra nhiều cái ác xưa nay hiếm thấy như kiểu giết chóc người thân, trẻ em, cướp bóc… gây lo ngại cho việc nhìn nhận, đánh giá lại sự thay đổi của con người Việt Nam.

Có những cái ta thật sự “vô địch thế giới” vì không thể tìm thấy ở đâu khác như nạn rải đinh nhằm làm lủng bánh xe khách qua đường để làm kế mưu sinh; nghiên cứu của một số tổ chức nước ngoài cũng xếp Việt Nam nhất thế giới về xài sang, xem web sex, tham nhũng... Những thứ đó làm ta bị stress nhưng mỗi một cá nhân đều vẫn nhẫn nại sống được là do còn lòng tin vào cộng đồng, vào phẩm giá chung mà các tầng lớp nhân dân, nhất là những người lao động lương thiện, vẫn nắm giữ.

Vậy mà gần đây, lòng tin vào phẩm giá ấy cũng bị lung lay. Có những tin tức đọc xong đau đớn, khó hiểu về phẩm giá con người và đạo đức cộng đồng như vụ một người đi giữa phố Sài Gòn bị cướp giật hụt, túi tiền bung ra, người đi đường xúm lại… vơ vội bỏ túi; hàng ngàn người ở Thạnh Phú, Bến Tre xông vào trộm nghêu của hợp tác xã – đám đông đi ăn cướp chứ đâu còn vụng trộm gì? Hay trong vụ bắt hai kẻ trộm chó ở Nghệ An, dân thích xử luật rừng, đến nỗi công an phải gói tên trộm vào áo mưa nói là đã chết để đưa người này thoát khỏi đám đông đang nổi giận đến không kiểm soát được. Thật đáng sợ khi cái tính chất ăn cướp ấy trở thành bình thường của đám đông, nghĩa là phẩm hạnh của cộng đồng, của xã hội đã sụt giảm nghiêm trọng.

Cuối thập niên 1960, tác giả đoạt giải Nobel – Kenneth Arrow đã nhận định: khi kinh tế thị trường lệch lạc thì xã hội có những cơ chế ngoài thị trường tìm cách điều hoà, bù đắp lại. Đó là truyền thống văn hoá, lòng từ bi, yêu thương giúp đỡ con người, là tôn giáo với các đức tin, là sức mạnh cộng đồng, làng xã, gia đình… Tổng hợp lại, ta gọi đó là “vốn xã hội”. Con người sống được là do lòng tin vào nhau. Tin rằng còn rất nhiều người cư xử như mình mong đợi, cuộc sống vẫn bền vững vì còn những hành vi mẫu mực, còn những sự ràng buộc xã hội hoặc các quy tắc. Vốn xã hội được xem là phẩm chất người dân được đặt trên nền tảng là lòng tin vào cuộc sống, vào lòng tốt con người, giữa công dân và chính quyền… bởi “lòng tin vào người khác chính là yếu tố then chốt để phát triển văn hoá công dân” (nhà xã hội học Robert Putnam).

Không chỉ nạn nhân bị khách bộ hành cướp tiền lần hai sau tên cướp hụt giữa phố mất lòng tin vào độ lương thiện của cộng đồng, mà tất cả chúng ta đều có thể rùng mình đặt câu hỏi và phải tìm câu trả lời: có phải cái xấu đã trở thành nếp sống bình thường của nhiều người và đâu là phẩm hạnh của số đông người lương thiện?

Phẩm hạnh – thứ để nuôi con người sống được trong muôn vàn khắc nghiệt – có còn không?

Theo Nguyễn Thị Ngọc Hải / SGTT

Tags: phẩm hạnh, con người



Bình luận bạn đọc

Họ tên
Email
Mã bảo vệLấy lại
Nội dung