Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp báo chiều 24/7 (Ảnh: Đ.Q)
Nguy cơ lạm phát "phá rào" là vấn đề nóng hổi nhất được đặt ra tại phiên họp báo Chính phủ cuối cùng của khóa XII, sau khi công bố của Tổng Cục Thống kê cho thấy chỉ số giá tiêu dùng
(CPI) tháng 7 tăng 1,17%, chấm dứt đà giảm tốc của hai tháng trước đó.
Tính từ đầu năm, biểu đồ CPI chưa hề ghi nhận con số âm nào. So với tháng 12/2010, CPI đã tăng 14,6%, và tăng 22,16% so với cùng kỳ.
Trước nhận định của Ủy ban Tài chính Quốc hội và quan ngại chung cho rằng khó giữ được mục tiêu lạm phát 15 - 17% mà Chính phủ vừa đặt ra, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng kinh tế trong và ngoài nước còn diễn biến phức tạp, lạm phát ở nhiều nước tăng cao nên khó đưa ra con số chính xác về CPI đến cuối năm. Tuy nhiên, Bộ trưởng khẳng định Chính phủ sẽ tiếp tục nỗ lực để đạt được mục tiêu vừa nêu.
Trả lời thắc mắc của báo giới, Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa cũng thừa nhận mục tiêu giữ lạm phát ở mức 17% là khó khăn. Theo ông Thỏa, lạm phát tháng 7 tăng cao có nguyên nhân chính từ giá thực phẩm, nhóm giữ quyền số 24% trong cơ cấu CPI, kéo theo nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng. Theo tính toán của Cục Quản lý giá, 2 nhóm này chiếm tới 77% trong mức tăng CPI tháng 7.
Nguyên nhân thực phẩm tăng giá, ngoài việc giá thực phẩm thế giới tăng là hàng loạt nguyên nhân chủ quan như chi phí đầu vào tăng, dịch bệnh... dù thực tế là người chăn nuôi lợn có lãi từ 2 - 3 triệu đồng trên mỗi con lợn xuất chuồng.
Thể hiện quyết tâm kiềm chế lạm phát, đại diện Chính phủ và Bộ Tài chính đều khẳng định sẽ tiếp tục chính sách tài khóa chặt chẽ, tiếp tục cắt giảm đầu tư công theo Nghị quyết 11, hướng tới mục tiêu giảm bội chi ngân sách dưới 5% GDP và tiếp tục siết chặt chính sách tiền tệ như các mục tiêu đã đề ra.
Nói về công tác quản lý, điều hành đất nước của Chính phủ khóa XII, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đánh giá của Chính phủ trong phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng cùng ngày cho rằng Chính phủ khóa XII đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ mà nhân dân giao phó.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng nêu ra một số tồn tại, bất cập trong công tác quản lý, điều hành của Chính phủ cần được khắc phục trong thời gian tới như khả năng dự báo kinh tế vĩ mô, quản lý tài nguyên khoáng sản và các tập đoàn kinh tế, ứng phó với biến đổi khí hậu...
Hồng Kỹ