Tàu Giao Long (TQ) lặn sâu dưới đáy đại dương làm gì?

27/07/2011 10:21:15
- Ngày 25/7, Trung Quốc đã thử nghiệm thành công tàu lặn Giao Long ở độ sâu 5.057m dưới đáy Thái Bình Dương, đưa nước này trở thành quốc gia thứ năm thế giới sau Nga, Pháp, Mỹ, Nhật Bản chiếm lĩnh công nghệ lặn sâu trên 3.500m.
Trung Quốc sẽ tiếp tục thử nghiệm tàu lặn Giao Long với độ sâu 7.000m vào năm 2012 trong khi xuất hiện nhiều phán đoán xung quanh câu hỏi: Bắc Kinh sẽ làm gì dưới đáy đại dương? 
 
Được thiết kế với khả năng lặn sâu 7.000m, tàu lặn Giao Long - tên một loài rồng biển thần thoại của Trung Quốc - đã thực hiện 17 lần lặn sâu dưới đáy Biển Đông trong khoảng thời gian từ 31/5 đến 13/7 năm ngoái, đạt chiều sâu tối đa 3.759m.

Ngày 21/7 trong lần thử nghiệm đầu tiên năm 2011, Giao Long đã mang theo 3 thủy thủ lặn xuống độ sâu 4.027m trên vùng biển quốc tế ở Thái Bình Dương. 4 ngày sau  đó, ngày 25/7 Giao Long lại chinh phục độ sâu 5.057m ở Đông Bắc Thái Bình Dương tại vùng biển giữa Hawaii và đại lục Bắc Mỹ. Thành công này đã đưa Trung Quốc vượt qua các khả năng hiện tại của Mỹ và đặt một dấu mốc trong cuộc chạy đua khám phá nguồn tài nguyên to lớn còn tiềm ẩn ở những vùng sâu nhất của các đại dương trên thế giới.

Thỏa mãn cơn khát tài nguyên

Nhiều chuyên gia của cả quốc tế và Trung Quốc đã lên tiếng ca ngợi sứ mệnh của Giao Long như dấu mốc quan trọng trong chương trình khám phá biển sâu của Trung Quốc.

“Đại dương có các nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú. Vì vậy đây là một bước tiến lớn để chúng tôi bắt đầu chú ý tới khám phá khoáng vật đại dương”, Giáo sư Wang Pinxian, Trưởng phòng thí nghiệm quốc gia về địa lý biển của Trường đại học Shanghai Tongji nhận xét.
 
“Nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển và Chính phủ trung ương nhận thấy rằng chỉ phát triển khai mỏ trên đất liền là chưa đủ”, ông Wang Pinxian nói.

Ông Wang Pinxian cũng cho biết ông đang chủ trì một dự án nghiên cứu trị giá 150 triệu Nhân dân tệ (23 triệu USD) và sang năm sẽ sử dụng Giao Long để tìm hiểu một vị trí núi lửa ở Biển Đông.

Theo đánh giá của các nhà phân tích, mục đích cơ bản của Giao Long là giúp khám phá các trữ lượng kim loại và tài nguyên thiên nhiên khác vốn có trữ lượng lớn dưới đáy biển mà Trung Quốc rất cần để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhưng cho đến nay vẫn không thể tiếp cận.

Giao Long, tàu lặn có người lái của Trung Quốc đang được đưa ra biển lặn thử nghiệm ở Tây Thái Bình Dương.
Giao Long, tàu lặn có người lái của Trung Quốc đang được đưa ra biển lặn thử nghiệm ở Tây Thái Bình Dương.

Vị trí thử nghiệm được chọn ở Thái Bình Dương là dựa theo hợp đồng năm 2001 ký kết giữa Hội nghiên cứu và phát triển tài nguyên khoáng sản đại dương Trung Quốc (COMRA) và Cơ quan quản lý đáy biển quốc tế (ISA), một tổ chức của Liên Hợp Quốc giám sát khai khoáng ở những vùng biển quốc tế. Theo đó, trong giai đoạn đầu của hợp đồng kéo dài 15 năm này, COMRA được phép khám phá 150.000 km2 lòng biển để tìm kiếm các khối đá kim (polymetallic nodule), là những tảng đá nhỏ chứa quặng kim loại. Diện tích cho phép trên sẽ giảm xuống 75.000 km2 sau tám năm đầu khai phá. Các khối đá kim được tìm thấy ở những vòng núi lửa dưới đáy biển và được xem là nơi chứa số lượng lớn các kim loại đặc biệt là vàng, bạc, chì, kẽm và đồng.

ISA dự báo trữ lượng các khối đá kim có thể chứa tới 110 triệu tấn mỗi khối nhưng cho tới nay chỉ khoảng 5% trong tổng 60.000 km dãy đá đại dương, nơi lưu trữ phần lớn mỏ đá kim là được khảo sát chi tiết. 

Tháng 5/2010, cùng với Nga, COMRA đã nộp đơn xin phép tìm hiểu các mỏ đá kim ở Tây Nam dãy Ấn Độ, khu vực chia đôi châu Phi và vùng Antarctica. Trong cuộc họp ngày 22/7 tuần trước ISA đã chấp thuận hồ sơ của Trung Quốc. Allotey Odunton, Tổng thư ký của ISA đã mô tả các đơn của Trung Quốc và Nga như một bước đột phá lớn vì là hai quốc gia đầu tiên khám phá những mỏ đá kim mới được phát hiện xung quanh các núi lửa dưới đáy biển.

Cuộc đua chinh phục đáy đại dương

Theo các quan chức phụ trách dự án, nếu sứ mệnh hiện tại của Giao Long thành công, tàu này sẽ thực hiện lặn ở độ sâu 7.000m trong năm tới, là độ sâu tối đa mà thiết kế có thể chịu đựng. Độ sâu này khiến nó vượt qua cả tàu lặn Shinkai của Nhật Bản, có thể lặn tới 6.500m và tàu Mir của Nga với độ sâu tới 6.000m, đã được dùng để cắm cờ Nga dưới đáy đại dương ở Bắc Cực năm 2007.

Các đại dương chiếm khoảng 70% bề mặt trái đất và có độ sâu trung bình 4.000m. Vì vậy, tàu lặn này cũng sẽ cho phép Trung Quốc tiếp cận tới 99,8% đáy biển của thế giới.

Tàu lặn sâu nhất có người lái của Mỹ hiện đang sử dụng là chiếc Alvin, hạ thủy năm 1964 nhưng chỉ có thể lặn tới tối đa là 4.500m. Phiên bản nâng cấp, được thiết kế để lặn ở độ sâu 6.500m, phải đến 2015 mới hoàn thiện.
Giao Long nổi lên sau lần lặn ở Biển Đông tháng 7/2010.
Giao Long nổi lên sau lần lặn ở Biển Đông tháng 7/2010.

Nhiều chuyên gia cho rằng đầu tư của Mỹ cho những nghiên cứu như vậy đã giảm sút trong hai thập kỷ qua. Một hạn chế nữa của Mỹ là nước này chưa phê chuẩn Công ước quốc tế của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) và vì vậy Mỹ chỉ là một quan sát viên chứ chưa phải thành viên đầy đủ của ISA.
 
Trong khi đó, Trung Quốc đã ký UNCLOS và là một thành viên của ISA, đã chủ động khám phá biển sâu từ năm 2002 khi bắt đầu Chương trình phát triển và khai thác biển sâu gồm cả kế hoạch phát triển Giao Long. Trung Quốc cũng dự định xây dựng một căn cứ nghiên cứu quốc gia ở thành phố ven biển Thanh Đảo nhằm đẩy mạnh nghiên cứu và tìm kiếm năng lượng và khoáng sản dưới đáy biển sâu.

Một động thái khẳng định chủ quyền?

Mặc dù các quan chức Trung Quốc nói rằng Giao Long chỉ phục vụ mục đích dân sự nhưng năm 2010 chính Giao Long đã được sử dụng để cắm cờ Trung Quốc dưới đáy Biển Đông, làm dấy lên những lo ngại trong khu vực về việc Bắc Kinh có thể sử dụng công nghệ mới của mình cho cả các mục đích thương mại và quân sự ở những vùng biển còn đang tranh chấp.

Các chuyên gia quân sự nước ngoài còn lo ngại một tàu lặn như vậy có thể được sử dụng để chặn hoặc cắt các cáp truyền thông dưới lòng biển, truy tìm vũ khí của nước ngoài dưới lòng đại dương hoặc sửa chữa, cứu hộ các tàu ngầm hải quân. Japan Times dẫn lời một số nhà phân tích cho rằng tàu Giao Long có thể giúp vẽ chính xác bản đồ dưới đáy biển, tăng cường năng lực hoạt động cho tàu ngầm của quân đội Trung Quốc.

Minh Phạm (Tổng hợp từ WSJ)
.
Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu
.