Thứ Tư, 27/07/2011, 07:39 [GMT+7]
.
.

Kỳ tích tình yêu của hai người đã bỏ lại hai đôi mắt nơi chiến trường

(Phunutoday) - Đến đầu đường Nguyễn Thái Học - Ba Đình – Hà Nội hỏi thăm nhà chị Kha anh Oai thì ai cũng biết. Họ biết anh chị không những chỉ bởi đức tính chan hòa, quan tâm đến những người xung quanh mà còn biết đến anh chị như là một tấm gương sáng cho ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống.


Hai cây chụm lại

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Huế hiền hòa, nhưng cũng chính là nơi giặc Mỹ leo thang đánh phá ác liệt. Đứng trước nhiệm vụ lớn của dân tộc, anh Trần Thanh Oai cũng như bao lớp thanh niên khác của cả nước, đi theo tiếng gọi của trái tim đầy nhiệt huyết anh trở thành anh Bộ đội Cụ Hồ từ năm 1963.

Đến năm 1968, trên đà thắng lợi sau hai mùa khô 1965-1966 và mùa khô 1966-1967, Đảng ta đã chủ trương “Tổng tấn công và nổi dậy” trên khắp chiến trường miền Nam, chủ yếu là các đô thị nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng quân Mỹ và quân của chính quyền Sài Gòn.

Mặc dù đã có sự chuẩn bị nhưng do quân địch vẫn còn quá mạnh nên chúng đã nhanh chóng tổ chức phản công làm quân ta ở các đô thị bị tổn thất nặng nề. Khi đó đơn vị quân giải phóng mang biệt hiệu L15 ở Thành phố Huế nơi anh Kha đóng quân đã bị thương vong lớn. Giặc Mỹ đã cướp đi đôi mắt của anh ở chiến dịch này.

Sau ngày bị thương anh rơi vào trạng thái hoang mang, hai mắt mù lòa anh chỉ mong sao anh có thể chết đi để sau này không làm khổ đến người khác, vì anh luôn tâm niệm “giàu hai con mắt, khó hai bàn tay” giờ mắt không còn, lại thương tật đầy mình thì sau này biết lấy gì mà sống.

Sau khi được sơ cứu nơi chiến trường, anh được chuyển ra Bắc, an dưỡng tại Trường Thương binh hỏng mắt (trước đây ở 139 Nguyễn Thái Học – Hà Nội). Những ngày đầu mới đến ngôi trường này, anh luôn sống trong tâm trạng u uất, những lá thư nơi quê nhà Đại Lộc (Thừa Thiên Huế) gửi ra thăm hỏi anh đều nhất quyết không nhận, với lý do “mình đã chết”.

Còn chị là Uông Thị Kha vốn sinh ra và lớn lên trên mảnh đất sớm có truyền thống đánh giặc Nghệ An.

Năm 1965 chị tham gia vào đội Thanh niên xung phong N23 khai thông tuyến đường từ Nghệ An vào đến Quảng Bình. Cuối năm 1968 đơn vị của chị bị trúng bom B52 của Mỹ, cả tiểu đội hy sinh gần hết. Khi mọi người tìm thấy chị ai cũng nghĩ chắc chị khó lòng qua khỏi. Hai mắt chị bị thương, chân tay bê bết máu, chị nằm bất tỉnh dưới lớp đất phủ của bom đạn.

Sau này tỉnh lại chị mới được nghe mọi người kể lại: khi chuyển chị đến trạm cứu thương các bác sĩ đã lắc đầu sợ rằng chị khó mà qua khỏi. Chân phải của chị đã bị dập gần hết phải mất 4 lần cưa mới hết phần gẫy, tay cũng bị gẫy một ngón, hai mắt bị thương nặng tưởng rằng chị không nhìn được gì nữa.
2
Chị Kha thời trẻ

Ngày đơn vị chị bị trúng bom, nhìn thấy chị còn thoi thóp nhưng thương tích đầy mình nên đơn vị đã có giấy báo tử về nhà. Những ngày sau đó, mỗi lần sờ vào chân, sờ vào mắt là chị lại khóc, không biết đã bao đêm ròng chị khóc, chị khóc vì tủi thân, khóc vì lo sợ mình sẽ trở thành gánh nặng cho xã hội và chị càng khóc nhiều hơn khi nghĩ đến người cha đang một mình côi cút trong căn nhà lạnh lẽo.

 Mẹ chị mất sớm, em trai chị cũng hy sinh nơi chiến trường, giờ chị lại bị thế này nữa thì lấy ai chăm ông khi tuổi già. Càng nghĩ chị càng khóc nhiều hơn, nhưng nước mắt không giúp chị có thể nhìn sáng hơn, không giúp chân chị có thể lành lại được, đối mặt với thực tế khi nhìn thấy những người bạn, những người đồng chí cùng cảnh ngộ khi chị được đưa về Trường

Thương binh hỏng mắt chị mới thấy mình chưa hẳn đã phải là người bỏ đi, chưa hẳn mình đã trở thành gánh nặng cho ai mà có thể mình vẫn còn có ích cho đời.

Sự gắn bó làm nên kỳ tích

Trong căn nhà ấm cúng, nhìn cảnh chị ân cần chăm sóc anh tôi không khỏi ghen tị. Đã hơn hai năm nay, sức khỏe của anh yếu hơn, anh không đi lại được mà chỉ nằm một chỗ, mọi việc từ ăn uống đến tắm rửa chị đều chăm sóc anh.

Vừa mặc áo cho chồng chị vừa thủ thỉ “Anh cứ để em giúp”, rồi anh chị vừa nói chuyện vừa cười rúc rích, đã hơn 30 năm nay ngày nào anh chị cũng dành cho nhau những lời lẽ ngọt ngào và những cử chỉ ân cần ấy. Nhìn nụ cười rất tươi nở trên khóe mắt sâu hoắm hằn những vết sẹo chằng chịt trên sống mũi của chị, tôi không nghĩ rằng chính đôi mắt chỉ còn 1/10 ấy đã đem lại ánh sáng cho cả gia đình chị.

 Những ngày cuối năm 1969, chị được chuyển về Trường Thương binh hỏng mắt để điều trị và an dưỡng. Dù hình dáng có xấu đi chút ít bởi những lần phẫu thuật mắt cùng với chiếc chân tập tễnh chống gậy, nhưng khi đứng trước những người đồng chí của mình chị không thấy tự ti mà luôn tỏ ra lạc quan, yêu đời. Vì thế đã có không ít các chiến sĩ nam trong Trường và cả những người lành lặn, không thương tích ở ngoài trường đều đem lòng yêu mến chị.

Bởi ngoài tinh thần lạc quan, luôn chia sẻ động viên người khác, chị còn được trời phú cho giọng hát hay và truyền cảm.Tiếng hát của chị đã át đi mọi nỗi đau vẫn ngày đêm nhức nhối từ những vết thương trên người các đồng chí của mình nhất là những ngày trái gió trở trời.

Khi ấy anh Kha là một trong những thương binh nặng nhất, không chỉ bị hỏng mắt, anh còn bị chấn thương sọ não, trên đầu anh đến giờ vẫn còn 8 vết khâu chằng chịt, hai chân anh cũng bị găm đầy bom đạn.

Nhìn người con trai xứ Huế hiền lành, dáng người nhỏ bé nhưng lại có cái miệng rất duyên và lém, chị cũng đã có cảm tình.
1
Chị Kha anh Oai

Những lần hát, chị thấy anh rất chăm chú lắng nghe, và trong những buổi cùng làm việc tăng gia sản xuất tại trường và những buổi sinh hoạt tập thể đã phần nào giúp anh chị hiểu rõ về hoàn cảnh của nhau, rồi từ  thích tiếng hát đến mến giọng nói và khâm phục nghị lực vươn lên cũng như tinh thần lạc quan của chị mà anh yêu chị lúc nào không hay.

Còn chị, chị mến anh là bởi cái tính lém lỉnh của anh, chính cái lém lỉnh ấy đã giúp anh và những người xung quanh vượt qua tất cả nỗi đau, anh luôn giấu đi những giọt nước mắt nhức nhối sau nụ cười tủm tỉm ấy.

Những ngày làm việc cùng nhau, anh không nói nhiều về nỗi đau mà mình đang phải gánh chịu, anh cố gắng làm tất cả mọi việc mà không cần ai giúp đỡ. Nhìn thấy anh không nhìn thấy gì, nhưng lại rất chịu khó, thương anh chị giúp anh từ những việc nhỏ nhất mặc cho anh phản đối.

Những ngày ấy anh biết chị cũng đã có cảm tình với anh, nhưng bản thân anh lại mặc cảm: anh yêu chị và cũng chính vì tình yêu ấy mà anh không muốn trở thành gánh nặng cho chị, không muốn chị phải hy sinh vì anh, anh chỉ muốn chị tìm được một người đàn ông khỏe mạnh để làm chỗ dựa.

Thế nhưng anh càng tránh, chị càng quan tâm đến anh nhiều hơn, khi anh hỏi “Tại sao em lại yêu và chọn anh?”, chị chỉ cười: “Em yêu anh là bởi chính con người anh, mắt em tuy không nhìn thấy rõ nữa nhưng cũng đủ để hai ta cùng bước, hơn nữa chúng ta có cùng chung hoàn cảnh thì sẽ dễ hiểu và thông cảm cho nhau hơn”.

Ngày tổ chức lễ cưới vợ chồng anh chị chỉ có 4 bàn tay trắng, bố mẹ hai đều ở xa và rất khó khăn, cũng may nhờ có anh chị em đồng đội và cả Trường Thương binh hỏng mắt đều gom góp từng đôi đũa, đôi bát đến cả chiếc bi đông cũ đựng nước mang từ chiến trường về, tất cả đều được mọi người gom lại để anh chị nên vợ nên chồng.

Cuộc sống càng trở nên vất vả hơn khi những đứa con chào đời. Ngày chị sinh con, chị em phụ nữ đến giúp mấy hôm rồi vợ chồng thay nhau chăm con, anh thì không thấy được gì nên chỉ giúp vợ bế con chốc lát hay giặt giúp vợ bộ quần áo còn bao nhiêu chị phải tự lo hết.

 Nhìn anh cặm cụi giặt giũ đống quần áo cho hai mẹ con rồi mò mẫm đi phơi mà chị đứt từng khúc ruột, tiếng là anh còn đôi chân nhưng cả hai chân ấy đều dính bom đạn Mỹ nên anh cũng không thể khỏe mạnh và cứng rắn như người khác được.

Nhất là khi chị hay con bị ốm đau phải nằm viện, một mình anh ở nhà vừa xoay xở dọn dẹp nhà cửa vừa tự lo cho bản thân, những lúc nóng ruột thương vợ thương con lại dè xẻn ít tiền để nhờ người dắt sang viện thăm hai mẹ con.

Nói rồi chị không cầm được nước mắt, chị nắn nắn đôi chân thương tật của chồng mà mới gần đây anh phải đi mổ lấy phần thịt trên mông để khâu vào phần chân bị hoại tử dưới mắt cá chân, những ngày này trái gió trở trời các mảnh đạn vẫn còn găm trong người anh lại đau nhức nhối, nhất là vết thương trên đỉnh đầu đã để lại di chứng chấn thương sọ não càng làm anh đau đớn.

Thương chồng mà không biết làm gì hơn để đỡ phần nào nỗi đau đớn ấy cho anh, chị chỉ còn biết đấm bóp rồi ngồi kể chuyện cho chồng nghe hy vọng anh có thể đỡ đau đôi chút. Chiến tranh đã cướp đi của anh chị một phần thân thể nhưng nó không thể cướp đi của anh chị tình yêu thương và sự tôn trọng lẫn nhau.

Dù cuộc sống có khó khăn thiếu thốn, anh không giúp được gì nhiều cho chị, nhưng chị cũng như những người con luôn coi anh là tấm gương sáng để học tập. Sống với nhau hơn 40 năm trời nhưng anh chị chưa một lần to tiếng, bởi với anh chị “yêu nhau, thương nhau còn chẳng hết nữa là cãi vã”.   

Ngồi nói chuyện với anh chị tôi mới hiểu hết được tinh thần lạc quan và tình yêu mà anh chị dành cho nhau. Dù có lúc trong câu chuyện ấy những giọt nước mắt vô cớ cứ lăn dài trên khóe mắt nhăn nheo, nhưng rồi cũng ngay sau đó là những nụ cười chiến thắng, chiến thắng những khó khăn vất vả, những bệnh tật ốm đau để rồi họ lại cùng mò mẫm đi lên phía trước. Dù con đường mà anh chị đi không ít những khó khăn, nhưng chính cái sự mò mẫm chắc chắn ấy đã đưa anh chị đến được với hạnh phúc.

Bến bờ hạnh phúc

Chiến tranh đã qua đi hơn nửa thế kỷ, đã có không ít người ngã xuống nơi chiến trường, những người còn lại, có người may mắn còn nguyên vẹn hay bị thương tích nhẹ, nhưng cũng có không ít người kém may mắn đã để lại một phần thân thể hay một bộ phận nào đó nơi chiến trường. Và ở đó còn có những di chứng hiểm độc còn để lại đến thế hệ sau này.

 Với anh chị, dù không may mắn được trở về lành lặn, nhưng anh chị vẫn thấy mình may mắn vì vẫn được sống trên cõi đời này, vì những đứa con rồi những đứa cháu của anh chị ra đời đều lành lặn, khỏe mạnh, đó là niềm hạnh phúc lớn lao mà không ít người thầm ao ước.

Ngôi nhà nhỏ của chị giờ không ngớt tiếng cười của đàn cháu nhỏ, các con chị đã trưởng thành, đều yên bề gia thất, những giờ tan sở hay những ngày nghỉ cuối tuần con cháu lại tập trung đông đủ bên mâm cơm chiều càng khiến cho anh chị thấy mình như trẻ lại. Anh chị lại động viên nhau cố gắng sống sao cho tốt để làm tấm gương sáng cho con cháu noi theo.

Hải Hùng

;
.
'; ABDZone[1] = ''; try{ rotatorAdNetwork("ADBCookie", ABDZone); }catch(e){}